Thứ Tư, 2024-12-25, 12:21 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Chín » 1 » Việt Nam ‘bủa lưới’ Trung Quốc
11:11 PM
Việt Nam ‘bủa lưới’ Trung Quốc


William Choong (Cây bút cao cấp – The Straits Times) - Bằng cách trói Trung Quốc vào mạng lưới các tổ chức khu vực – chẳng hạn Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Vùng Asean – Việt Nam hy vọng những luật lệ của những thực thể như thế sẽ trói gã khổng lồ Gulliver Trung Quốc bằng những sợi dây của các chú tí hon Liliput…
*
Trong cuốn sách mới nhất của Hugh White, "The China Choice: Why America Should Share Power” – "Lựa chọn Trung Quốc – Tại sao Hoa Kỳ Phải Chia sẻ Quyền lực”, vị giáo sư Australia cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc phải chia nhau Châu Á nhằm giữ hòa bình trong khu vực.
Một vấn đề cụ thể là Hoa Kỳ phải nhường Đông Dương cho Trung Quốc, vị cựu quan chức quốc phòng nói thêm.
Gợi ý này đã làm cả vùng tức hộc máu, nhất là Việt Nam, nước có lịch sử sóng gió với Trung Quốc.
Nhưng nếu người ta có cái nhìn thực tế khách quan thì chuyện Việt Nam bị rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc không có gì là đáng ngạc nhiên.
Dù sao thì Trung Quốc cũng đã bốn lần thống trị Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ thứ mười lăm.
Vào cuối thập niên 1960 trong cuộc chiến Việt Nam, Trung Quốc đã đổ viện trợ kinh tế và quân sự vào Bắc Việt Nam khi nước này đang chống lại Hoa Kỳ khiến cả hai bên coi quan hệ giữa họ như "môi với răng”.
Nhưng bất chấp điều này, "môi với răng” đã trở thành chứng viêm lợi và sâu răng trầm trọng.
Hồi năm 1971, sự tiếp cận Washington của Bắc Kinh là màn dạo đầu cho xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 1979.
Trong năm 1988, hai nước đã giao tranh tại đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.
Máu nóng vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay khi Hà Nội và Bắc Kinh tranh chấp lãnh hải tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi quan hệ Trung-Việt ngày nay đầy phức tạp.
Không ‘ăn phân Tàu’ 
Theo lời Tiến sỹ Tim Huxley, giám đốc phụ trách Châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London, Việt Nam đã có 1000 năm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông nói thêm rằng đưa Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc cũng giống như "bắt đầu một cuộc chiến”.
Cựu nhà báo của Hãng Thông tấn Pháp, ông Robert Templer, trong cuốn sách ra năm 1999 "Bóng Và Gió”, cũng nghĩ như vậy khi nói rằng "điểm nhấn chủ đạo” trong lịch sử chính thức của Việt Nam luôn là sự kháng cự Trung Quốc.
Ông [Templer] đưa ra ví dụ về ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo thân Trung Quốc và từng có nhiều kỳ nghỉ ở Trung Quốc.
Khi được hỏi liệu tình huống nào tốt hơn, nằm dưới sự cai quản của quân đội Quốc dân Tưởng Giới Thạch hay sự quay trở lại của Pháp, câu trả lời có tiếng của ông Hồ là ông "thà ngửi chút phân Pháp trong vài năm còn hơn phải ăn phân Tàu trong ngàn năm tới”.
Đối mặt với mối đe dọa hiển hiện từ sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, Việt Nam cũng không thiếu các sáng kiến địa chính trị.
Giống như nhiều nước Châu Á khác, Việt Nam đã áp dụng chiến lược ngoại giao phổ biến là nhập cuộc nhưng "không chọn” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hà Nội làm ra vẻ có chút tình đoàn kết với Bắc Kinh.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ hồi năm 1991, cả hai bên đã có những cơ chế vững chắc để xử lý quan hệ với hơn 100 đoàn thăm viếng lẫn nhău mỗi năm.
Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam.
Việt Nam cũng cố gắng hàn gắn và xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ [và coi đó] như bảo hiểm chiến lược trước Trung Quốc.
Họ cho các tàu hải quân Hoa Kỳ cập cảng.
Trong tháng Sáu, Việt Nam đã đón Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta, báo hiệu tầm cao mới của quan hệ.
Nhưng tiếp cận cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng có giới hạn của nó.
Dù sao thì Việt Nam cũng có sự ngờ vực thâm sâu đối với Trung Quốc từ lịch sử ngàn năm và với Hoa Kỳ sau cuộc chiến Việt Nam đau thương.
Đây là điểm mà mảng thứ hai trong chiến lược của Hà Nội được áp dụng – bủa lưới.
Bằng cách trói Trung Quốc vào mạng lưới các tổ chức khu vực – chẳng hạn Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Vùng Asean – Việt Nam hy vọng những luật lệ của những thực thể như thế sẽ trói gã khổng lồ Gulliver Trung Quốc bằng những sợi dây của các chú tí hon Liliput.
‘Tức phát điên’ 
Bủa lưới không phải là điều gì mới mẻ.
Khi viết bài cho báo Business Times [của Singapore] hồi năm 1992, quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hồng Thạch nói quan hệ Trung – Việt phải được kết nối với "mạng lưới lợi ích kinh tế và chính trị lớn hơn”.
Hồi năm 2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã làm Trung Quốc tức phát điên khi tuyên bố tại Diễn đàn Vùng Asean ở Hà Nội rằng Washington sẵn sàng đóng vai trò trong đàm phán đa phương nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa.
Một số nhà phân tích nghi ngờ rằng tuyên bố của bà Clinton một phần được sự trợ giúp của Hà Nội, nước chủ tịch Asean trong năm đó.
Kéo Trung Quốc vào các đàm phán đa phương sẽ tăng vị thế của các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines.
Tại cuộc gặp của Asean mới đây ở Phnom Penh, Việt Nam đã [phải] nếm vị thuốc chính họ [kê đơn].
Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng của họ đối với Campuchia – nước chủ tịch Asean – để ngưng công bố thông cáo trong đó có đề cập tới Biển Nam Trung Hoa.
Đó là một cuộc đảo chính ngoại giao cho Trung Quốc. Nhưng chiến thắng này cũng làm tăng lo ngại trong khu vực về tham vọng đầy tự phụ của Trung Quốc và ngoại trưởng nước này đã phải có chuyến thăm nhanh chóng trong vùng nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Chiến lược hỗn hợp 
Về lâu dài, chiến lược hỗn hợp tiếp cận và bủa lưới sẽ mang lại kết quả.
Nhưng chiến lược hỗn hợp chỉ tồn tại khi Hà Nội không phải chọn giữa Bắc Kinh và Washington.
Những căng thẳng gần đây ở Biển Nam Trung Hoa cho thấy Việt Nam có thể sẽ phải sớm có lựa chọn.
Philippines, nước đã có căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc về Biển Nam Trung Hoa, rõ ràng đang trục lợi từ liên minh quân sự với Hoa Kỳ.
Những trao đổi gia tăng của Việt Nam với quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ khiến họ nhờ tới sự trợ giúp của Chú Sam nếu có xung đột với Trung Quốc.
Giáo sư White cũng nhắc tới điểm này trong cuốn sách mới của ông. Trong một kịch bản, Việt Nam và Trung Quốc giao chiến trong một sự cố khác trên Biển Nam Trung Hoa và Hà Nội đề nghị Hoa Kỳ trợ giúp.
Điều này khiến căng thẳng tăng nhanh và tạo rủi ro có chiến tranh hạt nhân giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đây cũng chính là thế tiến thoái lưỡng nan của Hà Nội nếu họ lại giao chiến với Bắc Kinh tại Biển Nam Trung Hoa.
Họ sẽ thấy mình bị kẹt trong thế bất khả thắng – nhờ tới Hoa Kỳ và tạo rủi ro căng thẳng leo thang, hay chịu thua Trung Quốc và có nguy cơ bị hút vào quỹ đạo của nước này – một lần nữa.
Bài viết nguyên văn của tác giả William Choong, tựa đề do BBC đặt.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 606 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 17
Khách: 17
Thành Viên: 0