Giới
hữu trách Việt Nam đang chuẩn bị ráo riết cho cuộc bầu cử quốc hội vào
tháng 5, và theo dự kiến, sửa đổi hiến pháp là một trong những công tác
quan trọng hàng đầu của quốc hội khóa mới. Trong khi đó, một nhân vật
bất đồng chính kiến Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Ðài nói rằng ông đã
phải ngồi tù một cách oan uổng trong 4 năm qua bởi vì tất cả những hành
động của ông mà nhà chức trách đã dùng để kết án ông đều hoàn toàn phù
hợp với các qui định trong luật cơ bản của Việt Nam hiện nay. Ban Việt
Ngữ VOA đã tiếp xúc với luật sư Ðài để tìm hiểu thêm về vấn đề này và
những ý kiến của ông liên quan tới vấn đề sửa đổi hiến pháp. Xin mời
quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.
Duy Ái - VOA | Washington, DC Thứ Sáu, 18 tháng 3 2011
Luật sư Nguyễn Văn Ðài
VOA: Thưa
luật sư, trong những cuộc phỏng vấn của báo đài nước ngoài trong những
ngày vừa qua sau khi ông được thả khỏi nhà giam, ông nhất mực nói rằng
ông không có tội vì những gì ông làm là phù hợp với hiến pháp. Xin ông
giải thích thêm về việc này.
Nguyễn Văn Ðài:
Cá nhân tôi cũng như đại đa số nhân dân Việt Nam, trong đó có rất nhiều
người là đảng viên đảng cộng sản đều hiểu và nhận thức rằng thể chế
chính trị độc đảng hiện nay không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế
xã hội và hội nhập toàn diện của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Sự
không phù hợp của thể chế chính trị độc đảng đã gây ra những hệ lụy
nghiêm trọng cho đất nước và nhân dân như: tham nhũng đã trở thành quốc
nạn, là giặc nội xâm của dân tộc; đạo đức, lối sống bị suy đồi, tệ nạn
xã hội ngày một gia tăng; môi trường ô nhiễm, rừng bị tàn phá; qui
hoạch và kiến trúc đô thị thiếu cái tâm và tầm nhìn dẫn đến ách tắc
giao thông nghiêm trọng ở các thành phố lớn, bộ mặt kiến trúc đô thị
méo mó; hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm kém chất lượng nhập lậu không
được kiểm soát đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các thế hệ người Việt Nam
ngày hôm nay và các thế hệ sau này, quản lý kinh tế yếu kém dẫn đến
những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế như vụ Vinashin, chính sách
ngoại giao không phù hợp làm cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đang bị
đe doạ nghiêm trọng..., còn có quá nhiều những sai lầm và khuyết điểm
mà chính Ðảng Cộng Sản đã thừa nhận trong các kỳ hội nghị trung ương
gần đây và tại đại hội đại biểu toàn quốc của họ mà tôi không thể nêu
lên hết trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngắn như thế này. Tôi chưa
từng thấy trên thế giới có một đảng cầm quyền nào có nhiều sai lầm và
năng lực yếu kém như vậy.
Mọi công dân phải có trách nhiệm với
thực trạng của đất nước. Do vậy tôi cùng với nhiều công dân khác sử
dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được qui định tại điều 69
Hiến Pháp Việt Nam năm 1992 và được qui định tại điều 19 Công ước quốc
tế về các quyền dân sự và chính trị (Việt Nam đã gia nhập ngày 24 tháng
9 năm 1982) để bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai và ôn hòa,
phê phán những chính sách đối nội và đối ngoại không phù hợp của Ðảng
Cộng Sản, đòi hỏi Ðảng Cộng Sản phải dân chủ hóa xã hội, tôn trọng các
quyền công dân đã được nghi nhận trong Hiến pháp và Công ước quốc tế.
Đó là những việc làm phù hợp với tinh thần của quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí đã được hiến định và Công ước quốc tế công nhận. Còn
chính quyền sử dụng Ðiều 88 Bộ luật hình sự là một trong những điều
luật vi hiến và vi phạm Công ước quốc tế để đàn áp và giam giữ tôi cũng
như rất nhiều những bạn bè tôi trong nhiều năm qua là một việc làm sai
trái và bất công. Họ không những đã vi phạm các quyền con người đã được
nghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam mà còn vi phạm Công ước quốc về các
quyền dân sự và chính trị. Việc làm trên của chính quyền đã gây ra sự
bất bình của đông đảo người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Việc
làm trên của chính quyền Việt Nam cũng đã bị các tổ chức bảo vệ nhân
quyền quốc tế, chính phủ nhiều nước và cộng đồng quốc tế lên án mạnh
mẽ. Tôi luôn luôn khẳng định rằng những việc làm của mình là phù hợp
với Hiến pháp, phù hợp Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự.
Đồng thời tôi cũng thể hiện lương tâm và trách nhiệm của mình với nhân
dân và đất nước.
VOA: Trong thời gian trước
khi bị bắt vào tù, nếu tôi nhớ không lầm, ông đã đôi lần nói tới việc
nên quay lại với bản Hiến pháp 1946. Và trong thời gian gần đây, trên
báo chí Việt Nam một số chuyên gia luật học và quan chức chính phủ cũng
đã lên tiếng đề cao giá trị của bản Hiến pháp 46. Xin ông cho biết
những đặc điểm của Hiến pháp 46, và theo ông, việc sửa đổi hiến pháp mà
giới hữu trách Việt Nam dự định tiến hành trong thời gian tới đây nên
được thực hiện như thế nào và sau khi sửa đổi có nên tổ chức trưng cầu
dân ý không?
Nguyễn Văn Ðài: Trước tiên
tôi xin đề cập những đặc điểm của Hiến pháp 1946. Tôi cũng có cùng quan
điểm với một số chuyên gia luật học và quan chức chính phủ là đánh giá
rất cao giá trị của bản Hiến pháp 1946. Ở đây chúng ta không đủ thời
gian để nêu lên hết mọi ưu điểm của Hiến pháp 1946. Tôi chỉ muốn nêu
lên một số ưu điểm nổi bật của Hiến pháp 1946 về các quyền công dân
được qui định trong chương II.
Tại điều 6 qui định: "Tất mọi
công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh
tế, văn hóa”. Điều này có nghĩa là mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng
và ngang quyền nhau khi tham gia hay thành lập các tổ chức, đảng phái
chính trị. Không cho phép một nhóm công dân nào được đặc quyền về chính
trị, đặc quyền thành lập một đảng chính trị duy nhất.
Trong
các điều qui định về quyền công dân không có cụm từ: " theo qui định
của pháp luật” như trong các bản Hiến pháp được sửa đổi sau này. Điều
này có nghĩa là các quyền công dân là quyền đương nhiên và trực tiếp do
Hiến định, không phải là sự ban cho hay bố thí của đảng cầm quyền. Vì
vậy các văn bản luật dưới Hiến pháp không được hạn chế hay tước bỏ các
quyền đã được Hiến pháp qui định. Tất cả các điều luật hay bất cứ một
văn bản pháp luật nào được làm ra sau Hiến pháp mà hạn chế quyền công
dân thì đều là vi hiến.
Điều 20 qui định nhân dân có quyền bãi
miễn các đại biểu mình đã bầu ra. Điều này thể hiện quyền lực, quyền
làm chủ của nhân dân khi mà đại biểu do nhân dân bầu ra không còn được
nhân dân tín nhiệm, đại biểu không làm được những điều mà họ đã hứa với
người dân khi ra ứng cử thì nhân dân có quyền bãi miễn họ.
Điều
21 qui định nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có
quan hệ đến vận mệnh quốc gia; tức là mọi sửa đổi và bổ sung Hiến pháp
mà nhân dân chưa phúc quyết thì những sửa đổi và bổ sung ấy không có
giá trị. Đây là những qui định thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của
nhân dân để quyết định những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia trong
đó nhân dân có quyền quyết định về chế độ chính trị. Thật đáng tiếc là
việc sửa đổi các bản Hiến pháp sau này không những đã không tôn trọng
quyền phúc quyết của nhân dân mà còn tước bỏ quyền này.
Một ưu
điểm nổi bật của Hiến pháp 1946 là phi đảng phái chính trị: Hiến pháp
năm 1946 không qui định đặc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội cho một
đảng phái hay tổ chức chính trị nào. Điều này thể hiện quyền bình đẳng
về chính trị của mọi công dân; mọi công dân đều có quyền và cơ hội
ngang nhau để tham gia chính quyền (qui định tại điều 6 và 7) khi họ có
đủ tài năng, đức hạnh, có mong muốn được cống hiến phụng sự Tổ quốc và
nhân dân.
Tóm lại theo quan điểm của cá nhân tôi thì Hiến pháp
1946 là một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ hơn tất cả các bản Hiến
pháp đã được sửa đổi và bổ sung sau này, thậm chí nó có giá trị ngang
tầm với các bản Hiến pháp của các nước dân chủ, văn minh trên thế giới.
Thứ
hai là tôi đề cập đến vấn đề sửa đổi Hiến pháp: Hiến pháp 1946 là bản
Hiến pháp đầu tiên khai sinh ra nước Việt nam dân chủ Cộng hoà. Tại
điều 70 qui định như sau:
"Điều 70 Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu. b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi. c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng thuận thì phải được đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Trong
những lần sửa đổi Hiến pháp vào các năm 1959, 1980 và 1992 đều không
được thông qua sự phúc quyết của toàn dân. Như vậy việc sửa đổi nói
trên đều vi phạm vào điểm c điều 70 Hiến pháp 1946 và như thế, theo
quan điểm của tôi, các bản Hiến pháp này không có giá trị.
Theo
quan điểm của tôi thì việc tiến hành sửa đổi Hiến pháp phải gắn liền
với tiến trình dân chủ hóa xã hội tức là một ủy ban sửa đổi Hiến pháp
được thành lập phải có sự tham gia của các chuyên gia pháp lý và đại
diện của các đảng phái, tổ chức chính trị, tôn giáo. Sau khi ủy ban sửa
đổi Hiến pháp được thành lập thì ủy ban này phải đề nghị quốc hội hiện
hành ra một nghị quyết chấm dứt hiệu lực của Hiến pháp 1992 và lấy Hiến
pháp 1946 làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung. Sau khi hoàn tất việc
sửa đổi, bổ sung thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Tôi mong rằng
chúng ta sẽ có một cuộc trao đổi khác về nội dung cần có của một bản
Hiến pháp mới. VOA: Trung tuần tháng 2 vừa
qua, tờ Tuần Việt Nam ở Việt nam của mạng VietnamNet cho đăng một bài
viết về hiến pháp được nhiều người chú tâm bàn luận – đó là bài "Những
ngộ nhận về hiến pháp” của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Phương. Ông có nhận xét
hay bình luận gì về bài viết này?
Nguyễn Văn Ðài:
Sau khi đọc bài viết của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Phương tôi rất thích bài
viết của ông. Ông đã nêu lên và phân tích những bất cập trong suy nghĩ
và nhận thức của chính quyền về việc sửa đổi Hiến pháp. Ông cũng nêu
những vấn đề không còn phù hợp của Hiến pháp 1992 và đó là những vấn đề
cần phải sửa đổi. Cuối bài viết ông có nêu lên việc thành lập một tòa
án Hiến pháp độc lập là đòi hỏi bức bách và ông cho rằng có tòa án Hiến
pháp độc lập sẽ có những tranh luận và như vậy sẽ có những sửa đổi có ý
nghĩa. Tôi đồng ý rằng cần phải có một tòa án Hiến pháp độc lập, nhưng
tòa án Hiến pháp này, theo quan điểm của tôi, không thể hoạt động độc
lập trong một thể chế chính trị độc đảng. Do vậy việc sửa đổi Hiến pháp
để đáp ứng nguyện vọng và đòi hỏi dân chủ của người dân sẽ không đạt
được. Có một điều mà tôi tin là tiến sĩ Nguyễn Sĩ Phương cũng như đại
đa số người ở Việt Nam đều hiểu mà chưa dám nói ra đó là nguyên nhân
của mọi nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong việc sửa đổi Hiến pháp
cũng như trong bản Hiến pháp 1992 có quá nhiều các qui định không phù
hợp đó là do thể chế chính trị độc đảng không còn phù hợp. Tôi cho rằng
Ðảng Cộng Sản Việt Nam nên rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ của hệ thống
các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu trước đây và những gì đã và đang diễn
ra ở các nước Bắc Phi và Trung Ðông hiện nay tức là họ phải tôn trọng
các quyền con người đã được nghi nhận trong Công ước quốc tế về các
quyền dân sự, chính trị mà họ đã ký kết và cam kết thực hiện. Và họ nên
lắng nghe và tôn trọng những nguyện vọng và đòi hỏi dân chủ của nhân
dân, chủ động thực hiện dân chủ hóa xã hội trước khi quá muộn.
VOA: Chân
thành cám ơn Luật sư Nguyễn Văn Ðài đã dành thời giờ cho chúng tôi thực
hiện cuộc phỏng vấn này. Cầu chúc ông mọi sự tốt đẹp và mong sẽ có dịp
được phỏng vấn ông trong tương lai gần đây.
Lời nói đầu Hiến pháp 1946
Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng
áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan.
Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới.
Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh
thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân
chủ.
Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên
của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp
Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải
xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:
- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo. - Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. - Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một
chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến
bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ
của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại.
|