Thứ Ba, 2025-01-07, 2:50 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Bảy » 17 » Việt Nam có nhân quyền hay không?
6:36 AM
Việt Nam có nhân quyền hay không?

Phạm Trần



Đảng Cộng sản Việt Nam lại giở chiêu chống đỡ những hành động không thể chối cãi được về quyền con người để hy vọng thay đổi hình ảnh bộ mặt cho chế độ.

Việc làm này mới xảy ra vào ngày 14-7-2010 khi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức linh đình lễ ra mắt Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Phạm Gia Khiêm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngọai giao, Trưởng ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ nói: "Đảng và Nhà nước luôn coi con người và quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đã bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công công cuộc đổi mới và đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Đó là nền tảng cơ bản để thực hiện tốt hơn quyền con người trong thời kỳ phát triển mới” (Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), 14-7-2010)

Nói câu này, không biết ông Khiêm có biết điều được gọi là "đã bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công công cuộc đổi mới và đã thu được nhiều thành tựu to lớn” chỉ đúng nửa bé của sự thật?

Nửa to còn lại là những mảng đen tham nhũng, lãng phí, ăn cướp đất đai và tài sản của dân, đàn áp dân của những cán bộ mất phẩm chất, coi dân như tôm tép, công bằng trong xã hội và dân chủ, tự do là những thứ "xa xỉ phẩm” chỉ dành riêng cho đảng viên đảng CSVN, nhất là những kẻ có chức có quyền trong guồng máy cai trị.

Như vậy thì quyền con người là của đảng hay của dân?

Còn chuyện "đã bảo vệ vững chắc Tổ quốc” ư? Ông Khiêm hãy nhìn ra Biển Đông để thấy hải quân của Trung Quốc đang làm gì với ngư dân Việt Nam từ ba năm qua? Nếu đã bảo vệ được thì tại sao Quân Tàu vẫn còn chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ 1974 và 8 hòn đảo của Trường Sa từ năm 1989; ngư dân Tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt tại đảo Lý Sơn vẫn còn bị hải quân Tàu bắt, bị đánh đập tàn nhẫn, bắt giam, tịch thu tài sản, đánh chìm thuyền trong đêm tối và đòi tiền chuộc mạng khiến nhiều ngư dân bị phá sản, mang nợ cả đời?

Vậy vấn đề của đất liền thì sao? Ông Khiêm có biết tổ quốc Việt Nam đã mất bao nhiêu đất về tay Tàu sau khi Nhà nước CSVN đơn phương ký Hiệp ước Biên giới vào ngày 30/12/1999 mà không bàn bạc gì với Quốc hội hay hỏi ý dân? Chỉ sau khi mọi chuyện đã xong xuôi để được lòng các "đồng chí Phương Bắc” thì Hiệp ước này mới được đem ra cho Quốc hội biểu quyết giả vờ cho qua mà không ai có tài liệu và Bản đồ mới để đối chiếu với ranh giới cũ. Thậm chí Quốc hội không có lấy một cuộc chất vấn nào với chính phủ về việc làm có liên quan đến xương máu của tổ tiên và của bao nhiêu thế hệ đã hy sinh bảo vệ lãnh thổ từng tấc đất?

Nhưng nếu cuộc Đổi mới đã thành công rồi và đã "thu được nhiều thành tựu to lớn” thì ra Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam để làm gì?

Ông Khiêm nói: "Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không ngừng lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để vu cáo, xuyên tạc, can thiệp vào sự phát triển của đất nước Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với các luận điệu, âm mưu thù địch đó.

Tạp chí Nhân quyền Việt Nam được xuất bản là việc làm cần thiết, tạo thêm một kênh thông tin chủ lực nhằm phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực quyền con người; giúp cho đồng bào ở trong nước cũng như ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ việc đảm bảo quyền con người là bản chất của chế độ Việt Nam; đồng thời góp phần phê phán những nhận thức lệch lạc và đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch”.

Ngoài ra, vẫn theo lời ông Khiêm thì Tạp chí này còn "thông tin về tình hình nhân quyền thế giới; quan điểm của các nước về quyền con người; hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các tổ chức nhân quyền quốc tế, khu vực”.

Nếu nói như ông Khiêm thì không có vấn đề quyền con người bị xâm phạm ở Việt Nam và cũng chẳng có ai bị bắt bỏ tù vì tranh đấu đòi nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người đã được ghi trong Hiến pháp của CSVN.

Vậy những người như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Phan Văn Lợi, Hoà thượng Thích Quảng Độ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Khắc Toàn, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy v.v. đã bị bắt giam hay bị ra tù vào khám nhiều lần là những người đã làm gì nên tội?

Nếu bảo họ đã vi phạm luật pháp quốc gia, có những họat động xâm phạm đến an ninh của tổ quốc hay có âm mưu chống lại chế độ thì tại sao không tranh luận với họ để giáo dục họ mà lại sử dụng võ lực để áp chế họ?

Ngoài hai bàn tay trắng, tiếng nói và các bài viết đòi quyền sống và đòi nhà nước trả lại các quyển tự do cho họ như Hiến pháp đã quy thì những người này đã làm những gì để bị liên tiếp khủng bố, xét hỏi vô cớ bất kể ngày đêm, không cho họ được có công ăn việc làm và bỏ tù để khóa miệng họ?

Một nhà nước như thế mà vẫn còn huênh hoang tự nhận là "Nhà nước pháp quyền” thì thứ pháp quyền này áp dụng cho ai và những ai đã được hưởng thứ pháp quyền nguỵ biện này?

Còn quyền tự quyết định lấy vận mạng của đất nước, quyền quyết định cho tương lai chính trị, quyền ứng cử, bầu cử, quyền phát biểu, hội họp, lập hội, ra báo, lập đài phát thanh, truyền hình có được nhà nước tôn trọng không?

Các cuộc được gọi là bầu cử từ Xã lên Quốc hội chẳng qua cũng chỉ là trò "đảng cử dân bầu” phản dân chủ, mị dân vì các ứng cử viên phải là người của đảng hay của các tổ chức do đảng lập ra và phải được Măt trận Tổ quốc tuyển chọn trước.

Và nếu ông Khiêm bảo ở Việt Nam người dân đã được hưởng mọi thứ quyền tự do, nhất là tự do báo chí thì tại sao lại có Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg ngày 29-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị đã khẳng định: "Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước”?

Luật pháp nào đã cho phép nhà nước CSVN tác oai tác quái đến mức độ này? Và ai đã cho phép Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị với Chính phủ cho "sửa Luật Báo chí nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; không có báo chí tư nhân” và nhốt những người hành nghề báo chí vào cái chuồng khổng lồ để cho các cấp đảng từ trung ương về địa phương kiểm sóat, xiết họng?

Còn quyền tự do tín ngưỡng và thờ phượng có được Việt Nam tôn trọng không, hay chỉ có những tôn giáo nào chịu để cho đảng kiểm sóat và chi phối mới được công nhận, được nâng đỡ theo tiêu chuẩn xin-cho của đảng?

Ông Khiêm hãy đến thăm Hoà thượng Thích Quảng Độ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Sài Gòn, hay đi "thăm dân cho biết sự tình” với các giáo phái đạo Tin Lành miền núi từ Bắc vào Nam xem họ có được tự do hành đạo không?

Trò dân chủ giả hiệu

Thực tế tồi tệ như thế mà Việt Nam vẫn có thể lươn lẹo viết trong Báo cáo về quyền Con người với Liện Hiệp Quốc ngày 23/4/2009:

1) "Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội và luôn nhất quán trong việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người. Hiến pháp 1992, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, đảm bảo mọi công dân có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bình đẳng trước pháp luật; quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại và cư trú trên đất nước Việt Nam; quyền khiếu nại và tố cáo; quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe... không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo. Trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa các quyền này, phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế về nhân quyền”.

2) "Việt Nam luôn ủng hộ hoạt động của HĐNQ và hợp tác đầy đủ với các cơ chế nhân quyền LHQ. Việt Nam đã đón các Báo cáo viên Đặc biệt (BCVĐB) về Giam giữ Độc đoán và về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (1998) và đang làm thủ tục mời 03 BCVĐB của LHQ về Quyền Giáo dục, về Quyền được Chăm sóc Sức khoẻ và về Đói nghèo Cùng cực vào thăm Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình thảo luận nhằm thành lập cơ chế nhân quyền khu vực ASEAN, tham gia nhiều hội nghị nhân quyền quốc tế và khu vực khác”.

3) "Quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền tự quyết định vận mệnh của mình, quyền bầu cử, ứng cử... là những quyền cơ bản nhất của con người, nhưng phải đến năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với thế giới rằng nước Việt Nam "đã trở thành một nước độc lập”, người dân Việt Nam mới thực sự được hưởng các quyền cơ bản này. Và kể từ thời điểm đó đến nay, dù phải trải qua chiến tranh, mọi người dân Việt Nam luôn được bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng toàn diện và đầy đủ các quyền con người, trong đó có các quyền dân sự, chính trị”.

4) "Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng”.

Trong 4 điều "giả hiệu” này, liệu Việt Nam có đánh lừa được Liên Hiệp Quốc và các Tổ chức nhân quyền trên thế giới không?

Chắc chắn là không, bởi vì đảng CSVN chưa giết hết được các nhân chứng, nạn nhân của các vụ đàn áp nhân quyền và các quyền dân chủ, tự do đang còn sống ngoài xã hội hay trong các nhà tù ở Việt Nam.

Như vậy thì việc ra Tạp chí Nhân quyền Việt Nam của nhà nước CSVN vào lúc này có ích gì không, hay lại là việc lấy gậy ông đập lưng bà?

Phạm Trần
(07/010)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 613 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 5
Khách: 4
Thành Viên: 1
vinclifer