Chủ Nhật, 2024-11-03, 9:39 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 14 » ‘Việt Nam có thể thất bại khi quốc tế hóa tranh chấp biển Đông’
8:18 AM
‘Việt Nam có thể thất bại khi quốc tế hóa tranh chấp biển Đông’


Nhật báo China Daily của Trung Quốc mới đây nhận định rằng Việt Nam đang quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở biển Đông khi tổ chức một cuộc hội thảo bàn về vấn đề này hồi năm ngoái. Tờ báo của nhà nước Trung Quốc cũng dẫn lời một học giả Trung Quốc cho rằng ‘động cơ chính trị’ này của Việt Nam sẽ thất bại. Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ, Phó Giáo sư Peter Dutton của Viện Nghiên cứu Biển Trung Hoa thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, cho rằng bước đi của Việt Nam có thể sẽ không thành công nếu Bắc Kinh từ chối tham gia đàm phán đa phương. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ kỳ này.

Spratlys and Paracels Islands

VOA: Tờ China Daily của Trung Quốc mới đây lên tiếng cho rằng Việt Nam đang ‘quốc tế hóa’ vấn đề biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về tin đó?

Phó Giáo sư Peter Dutton:
Bản thân tôi cho rằng cách tiếp cận mang tính quốc tế hóa đối với vấn đề biển Đông là phù hợp nhất lúc này vì có nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền và nhiều nước có lợi ích tại khu vực đó.

VOA: Nhật báo nhà nước cũng dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc tham dự hội thảo đó cho rằng Việt Nam có ý đồ chính trị và rằng ý định quốc tế hóa vấn đề tranh chấp biển Đông sẽ thất bại. Bản thân ông nghĩ sao về điều này?

Phó Giáo sư Peter Dutton:
Tôi cũng nghĩ rằng tiến trình quốc tế hóa vấn đề này của Việt Nam có thể sẽ thất bại nếu Trung Quốc không sẵn lòng tham gia các cuộc hội thảo cũng như tìm kiếm các giải pháp quốc tế về tranh chấp ở biển Đông vì Bắc Kinh đóng vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, tôi nghĩ Trung Quốc cũng chịu nhiều áp lực phải chứng tỏ mình là một nước láng giềng tốt đối với các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, cũng như các nước không tuyên bố chủ quyền, nhưng có tiếng nói hữu ích, giúp giải quyết các bất đồng.

Việt Nam có thể có động cơ chính trị trong việc quốc tế hóa các tranh chấp này, nhưng theo tôi, đó là cách tốt để Hà Nội gây áp lực ngoại giao, buộc Bắc Kinh phải tham gia giải quyết vấn đề khó khăn này với các nước khác. Trung Quốc có thể từ chối, nhưng điều đó sẽ khiến họ tự biến mình thành người ngoài cuộc.

VOA:
Vậy theo ông, ‘quốc tế hóa’ vấn đề biển Đông là điều Việt Nam nên tập trung theo đuổi lúc này?

Phó Giáo sư Peter DuttonPhó Giáo sư Peter Dutton

Phó Giáo sư Peter Dutton: Tôi cho rằng đó là một trong các giải pháp mà các quốc gia như Việt Nam nên làm vì theo tôi một sự hợp tác quốc tế chặt chẽ có thể dẫn tới một giải pháp lâu dài. Cho dù các cuộc đàm phán quốc tế đó không giải quyết được được từng vấn đề như chủ quyền đối với các hòn đảo hay đường lãnh hải, thì ít ra các cuộc thương thảo đó sẽ tìm ra cách thức giúp đẩy nhanh tiến trình tìm giải pháp, cho dù các bên vẫn còn bất đồng.

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong khu vực cũng như đang ngày càng có ảnh hưởng lớn trên thế giới, vì thế nên các quốc gia khác sẽ nhìn vào xem Bắc Kinh giải quyết vấn đề biển Đông ra sao cũng như để xem các tuyên bố tôn trọng các nước khác của bản thân Trung Quốc có đúng với những gì họ hành động hay không. Không loại trừ trường hợp nước này sẽ tham gia đàm phán quốc tế để chứng tỏ mình. Nói chung, việc Trung Quốc có hay không tham gia đàm phán về một giải pháp quốc tế sẽ là một chỉ dấu về thái độ của Bắc Kinh trong tương lai.

VOA: Ông nhận định như thế nào về cơ chế quản lý đa phương cũng như triển vọng làm hồi sinh một đề xuất khai thác tài nguyên chung giữa các nước ở biển Đông?

Phó Giáo sư Peter Dutton: Theo tôi, triển vọng đó thực sự phụ thuộc vào lòng tin lẫn nhau. Tôi tin rằng xây dựng lòng tin thông qua các cuộc đàm phán song phương, đa phương mang tính quốc tế là bước đi quan trọng đầu tiên, và điều đó có thể từng bước một dẫn tới các giải pháp đa phương.

Bước tiến đầu tiên có thể là thỏa thuận phát triển, nghiên cứu và đánh bắt cá chung. Có nhiều cơ hội để các bên tiến lên phía trước một cách hữu hiệu. Nhưng những điều đó cũng cần các bên lùi bước trước các tranh cãi pháp lý cũng như tranh chấp chủ quyền của riêng mình. Các bên cũng nên thừa nhận rằng tất cả các nước xung quanh khu vực biển Đông đều quan tâm, và có lợi ích trong việc quản lý các nguồn lợi tại đó một cách hợp lý, nhằm đem lại lợi ích cho mọi quốc gia trong phạm vi vùng biển này; hay quan tâm tới việc bảo đảm môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai; cũng như quan tâm tới việc truy trì an ninh và ổn định đối với các tuyến hàng hải cũng như việc khai thác ở biển Đông. Điều quan trọng là các bên đầu tiên cần phải xây dựng lòng tin và sau đó là phát triển các sáng kiến cũng như lợi ích đó.

VOA: Tờ China Daily mới đây cũng đã trích lời một giới chức hải quân cấp cao của Trung Quốc bày tỏ quan ngại về việc tăng cường hạm đội tàu ngầm của các nước thành viên ASEAN và coi đó là một mối đe dọa tới Bắc Kinh. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc quá lo xa. Còn ý kiến của ông?

Phó Giáo sư Peter Dutton:
Theo tôi, tàu ngầm luôn là một mối đe dọa đặc biệt. Nhưng sức mạnh hải quân của Trung Quốc rõ ràng mạnh hơn nhiều so với các nước ở trong khu vực biển Đông, nên tôi không thấy có một mối đe dọa thực tế nào đối với hải quân Trung Quốc. Nếu các nước đồng lòng ngồi lại đàm phán đa phương và xây dựng lòng tin, tôi rằng không nước nào muốn quân sự hóa vấn đề tranh chấp này.

VOA: Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bác bỏ quan ngại của quốc tế rằng Bắc Kinh đang ngày càng mạnh bạo, thậm chí là khiêu khích khi khẳng định chủ quyền, đồng thời cho rằng Trung Quốc chỉ hành động để bảo vệ an ninh và quyền lợi của mình. Phó Giáo như có cùng quan điểm với ông Dương không?

Phó Giáo sư Peter Dutton:
Tôi nghĩ tuyên bố đó không chính xác vì Trung Quốc đang tăng cường bảo vệ và tuyên bố chủ quyền ở khu vực biển Đông. Trung Quốc đã thông qua các điều luật nội địa, trao trách nhiệm cho các bộ, ngành trong chính phủ quyền kiểm soát và quản lý toàn bộ các hòn đảo ở biển Đông. Mới đây nhất, chính quyền Bắc Kinh đã thông qua luật bảo vệ hải đảo ngày 26/12/2009.

Việc trao cho các bộ ngành của chính phủ quyền hành đó cho thấy Trung Quốc đang hành động củng cố tuyên bố chủ quyền và quyền lực pháp lý. Điều này sẽ khiến các nước trong khu vực suy nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng quyền lực của mình, cả về dân sự, quân sự và pháp lý, để củng cố tuyên bố chủ quyền ở khu vực biển Đông mà không quan tâm tới quyền lợi của Việt Nam, Philippines hay các nước khác.

Tôi cũng không thấy ngạc nhiên khi các quốc gia láng giềng với Trung Quốc cảm thấy quan ngại vì Bắc Kinh đang có ý định sử dụng các quyền lực đang gia tăng của mình để ngăn chặn các nước khác khẳng định tuyên bố chủ quyền, mà theo họ là xung đột với tuyên bố của Trung Quốc. Điều đó chắc chắn làm tổn hại tới lòng tin cần có nhằm tìm ra các giải pháp lâu bền.

Cám ơn Phó Giáo sư Peter Dutton. Nếu quý vị muốn chia sẻ các câu chuyện cùng thông tin hấp dẫn từ nơi mình sinh sống, xin gửi về địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin chân thành cám ơn.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 570 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0