Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê được công bố ngày
24/11/2012, lạm phát tại Việt Nam trong tháng 11 tăng 7,08 % so với một
năm trước đây. Đó là mức cao nhất trong 6 tháng gần đây nhất. Chỉ giá
tiêu dùng tăng 7 % trong tháng 10/2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh
báo tình hình kinh tế không được tốt gây trở ngại cho mục tiêu đạt 8 %
tăng trưởng kinh tế.
Nếu so sánh với mức giá cả của tháng 10 vừa qua, thì trong
tháng 11 lạm phát tại Việt Nam tăng 0,47 % trong vòng 1 tháng. Một quan
chức cao cấp điều hành một ngân hàng tư nhân lớn của Việt Nam xin được
giấu tên cho AFP biết là « chính phủ đang đương đầu với việc kềm chế lạm
phát nhưng đồng thời thì Việt Nam cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh
tế »
AFP nhắc lại Việt Nam trong nhiều năm đã phải đối diện với lạm phát
trên 10 %. Nhưng sau nhiều lần Ngân hàng trung ương tăng lãi suất chỉ
đạo để kềm chế bớt đà tăng trưởng của một nền kinh tế đang bị hâm nóng
thì chỉ số tiêu dùng ở Việt Nam đã được giảm xuống mức chỉ còn 5 % vào
tháng 8 vừa qua. Đây là mức thấp kỷ lục trong ba năm trở lại đây. Vào
đỉnh điểm lạm phát của Việt Nam đã lên tới 23 % một năm trước đó.
Sau khi kềm chế được lạm phát, chính phủ Việt Nam đã chú trọng vào
mục tiêu tăng trưởng đặc biệt là kể từ khí tốc tộ tăng trưởng kinh tế bị
chững lại. Từ đầu năm tới nay nay, Việt Nam đã 5 lần hạ lãi suất để
kích thích kinh tế. Việt Nam chờ đợi tổng sản phẩm nội địa trong năm
2012 chỉ tăng 5,2 %. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999 tới
nay.
Ngoài ra, một trong những động lực tăng trưởng khác của Việt Nam là
đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang bị sút giảm. Hệ thống tài chính và
ngân hàng của Việt Nam có nguy cơ bị suy yếu vì các khoản nợ xấu.