Thứ Ba, 2024-12-24, 9:03 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Mười » 8 » Việt Nam lấp lửng chuyện Biển Ðông
3:13 PM
Việt Nam lấp lửng chuyện Biển Ðông

Chuẩn bị Hội Nghị Quốc Phòng ADMM+

Không đề cập, nhưng có thể nêu 'vấn đề quan tâm'

HÀ NỘI (TH) - Thứ Trưởng Quốc Phòng CSVN nói lấp lửng về vấn đề tranh chấp biển Ðông được ông xếp vào hạng vấn đề "nhạy cảm” trong cuộc họp cấp Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng dự trù diễn ra ở Hà Nội vào Thứ Ba tuần tới.

Bản đồ vẽ "đường lưỡi bò” của Ðài Loan năm 1988 - Bản đồ vẽ "đường lưỡi bò” của Trung Quốc năm 1999. (Nguồn: http://www.southchinasea.org)

Trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm, ngày 7 tháng 10, ông Nguyễn Chí Vịnh nói trong cuộc họp báo rằng: "Vấn đề Biển Ðông sẽ không được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị ADMM+. Tương tự, vấn đề cụ thể khác cũng không được đưa vào.”

Nhưng dịp này, khi trả lời một câu hỏi khác của báo chí muốn ông cho biết vấn đề Biển Ðông có nằm trong chương trình nghị sự hay không, ông lại nói: "Trong phát biểu về chính sách an ninh của quốc gia mình và tình hình an ninh khu vực, các nước có thể nêu các vấn đề quan tâm.”

Không thấy ông khẳng định là có, cũng không phủ nhận, và cũng không biết Việt Nam có nói đến chuyện Biển Ðông trong phần trình bày về chính sách Quốc Phòng của mình hay không. Ðây là điều dư luận quan tâm.

Trả lời một câu hỏi khác thì ông lại úp mở nói rằng: "Chúng tôi không cho rằng hội nghị này nói riêng cũng như cơ chế hợp tác ADMM+8 là một diễn đàn né tránh những vấn đề nhạy cảm.”

Ngày hôm qua, Tân Hoa Xã khi loan báo Bộ Trưởng Quốc Phòng Lương Quang Liệt sẽ đến Hà Nội dự hội nghị ASEAN+8, đã thuật lời Quan Youfei, phó giám đốc Sở Ðối Ngoại của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói rằng hội nghị sẽ không bàn về tranh chấp Biển Ðông.

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg hôm Thứ Năm, vấn đề Biển Ðông sẽ là đề tài đè nặng lên cuộc họp ASEAN+8 vào tuần tới.

"Vấn đề an ninh hành hải là cái mà Hoa Kỳ và nước đồng minh chú ý tới trong hội nghị vì đó chính là cái khó chịu đang diễn ra.” Theo sự nhận xét của ông Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Học Viên Quốc Phòng Hoàng Gia Úc ở Canberra.

Những hành động của Trung Quốc đe dọa sự an nguy các nước nhỏ trong khu vực trong việc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông khiến các nước này phải mua sắm thêm trang bị quân sự mấy năm gần đây cho thấy tình hình mỗi ngày một thêm căng thẳng. Tìm một giải pháp hầu tránh xung đột võ trang mà các bên đều muốn nhưng tạo được sự đồng thuận không phải dễ.

Hôm Thứ Ba, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc trả tự do vô điều kiện cho một chiếc tàu đánh cá và 9 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi bị tàu tuần Trung Quốc bắt một tháng trước ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội họp báo phủ nhận lời cáo buộc từ phía Trung Quốc là ngư dân Việt dùng chất nổ đánh cá. Trung Quốc đòi 70,000 nhân dân tệ hay hơn $10,000 USD mới thả tàu đánh cá đó về.

Trong cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Nguyễn Chí Vịnh được hỏi rằng liệu vụ Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá và lời đòi hỏi thả tàu và ngư dân của Việt Nam có ảnh hưởng tới cuộc họp ASEAN+8 sắp đến hay không. Ông cho hay rằng: "Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang làm việc với Trung Quốc để yêu cầu Trung Quốc thả ngay các ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không gắn việc thả hay bắt giữ các thuyền viên này với hội nghị ADMM+. Trong hội nghị của ADMM+ có mục rất quan trọng là hợp tác về an ninh biển, khi triển khai có việc bảo vệ, giúp đỡ ngư dân, đặc biệt trong tình huống bão lũ, thảm họa thiên tai.”

Trong cuộc họp báo ngày 29 tháng 9 vừa qua, Ðô Ðốc Mike Mullen, tổng tham mưu trưởng liên quân và cũng là cố vấn quân sự tối cao của Tổng Thống Obama từng nêu ra sự quan ngại về sự phát triển hải quân vũ bão của Trung Quốc.

Hồi tháng 3, Bắc Kinh nói ngân sách quốc phòng của họ năm 2010 là khoảng 532.1 tỉ nhân dân tệ (khoảng $79.6 tỉ USD) nhưng Ngũ Giác Ðài ước lượng gấp đôi con số đó.

Trung Quốc đầu tư sản xuất tàu ngầm nguyên tử, hỏa tiễn tầm xa chống hạm mà khả năng có thể đối phó với các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ở xa cả ngàn cây số.

Theo các dữ kiện do hãng tin Bloomberg ghi nhận, các quốc gia Ðông Nam Á đã đầu tư khoảng $25.7 tỉ USD hồi năm ngoái để cải tiến quân sự. Con số này không thấm gì so với đầu tư quốc phòng của Trung Quốc.

Diện tích Biển Ðông khoảng 3.5 triệu km2 kéo dài từ đuôi eo biển Ðài Loan đến Singapore. Tháng 5 năm ngoái, Việt Nam nộp hồ sơ xác định chủ quyền thềm lục địa ở Liên Hiệp Quốc đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh phản đối. Không những vậy, họ còn công bố bản đồ tự xác định phần lớn Biển Ðông là của họ. Các nước trong khu vực từ Việt Nam đến Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia chỉ còn tí rẻo nước sát bờ.

Ngư dân Việt Nam đánh cá hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam luôn luôn xác nhận chủ quyền thường xuyên bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ hay đâm chìm.

Hiện Trung Quốc đang đưa ra nhiều kế hoạch từ mở rộng các đảo và cơ sở trên quần đảo Hoàng Sa cũng như dò tìm dầu khí ở khu vực này. Trong khi đó, họ áp lực các công ty ngoại quốc phải từ bỏ hợp tác với Việt Nam dò tìm dầu khí ngay trên thềm lục địa Việt Nam.

Theo tin tức các hãng tin quốc tế ngày 1 tháng 10, 2010 vừa qua, Trung Quốc và các nước ASEAN đang bắt đầu thảo luận về một bộ qui tắc ứng xử trên Biển Ðông, một hành động mà nguyên tắc từng được các bên thỏa thuận từ năm 2002 đến nay chưa từng được đi vào chi tiết cụ thể và thi hành.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 585 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 11
Khách: 11
Thành Viên: 0