Chủ Nhật, 2024-11-03, 10:30 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười Hai » 13 » Việt Nam: Miền đất hứa của các hoạt động rửa tiền
7:10 PM
Việt Nam: Miền đất hứa của các hoạt động rửa tiền
2011-12-12

Việt Nam được cảnh báo như là miền đất hứa cho hoạt động rửa tiền, một loại tội phạm rất phổ biến ở những quốc gia phát triển. Việt Nam đối phó như thế nào với loại tội phạm này trong thiết chế pháp luật hiện nay

AFP photo

Vàng, một phương tiện thanh toán tại Việt Nam

Thiếu sót, không hiệu quả

Tháng 10 năm 2008, công an Đà Nẵng phối hợp với công an Bà Rịa-Vũng Tàu bắt giữ hai người nước ngoài, quốc tịch Mozambique, liên quan đến việc chuyển một khoản tiền đánh cắp từ nước ngoài vào VN, thông qua hai ngân hàng thương mại Đà Nẵng và Vũng Tàu. Đây là vụ án rửa tiền đầu tiên được xác định ở Việt Nam, kể từ ngày ban hành nghị định 74/2005/NĐ-CP về Phòng Chống Rửa Tiền, 07 tháng 6-2005. 

Sủ dụng tiền mặt, thông lệ tại Việt Nam- Ảnh minh hoạ của RFA
Sủ dụng tiền mặt, thông tục tại Việt Nam- Ảnh minh hoạ của RFA

Hầu hết các quốc gia quy định: "Rửa tiền là một hành vi phạm tội mà thông qua đó, cá nhân hay một nhóm người sử dụng các công cụ và phương tiện để che giấu, nguỵ trang hay tìm cách xoá bỏ nguồn gốc thật sự của khoản thu nhập bất hợp pháp như buôn lậu, tham nhũng, trốn thuế…”. (Viện Khoa Học Thanh Tra – VN). Hành vi nầy không có gì xa lạ với những quốc gia phát triển.

Họ có những thiết chế pháp lý cụ thể, phương tiện hiện đại để dò tìm, phát hiện và xử lý loại tội phạm nầy. Nhưng ngược lại, rất khó khăn cho những quốc gia mới phát triển mà tập quán sử dụng tiền mặt là hình thức thanh toán chính trong lưu thông phân phối. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia nầy.

Ở Việt Nam, tôi nói không quá đáng, là thiên đường của rửa tiền

Đại biểu quốc hội VN Dương Trung Quốc

Cho đến nay, về mặt pháp luật, Bộ Luật Hình Sự 15/1999 của Việt Nam, Điều 251 quy định khá chung chung và được xem như là bước tiếp cận ban đầu, tiếp đến là Nghị Định 74/NĐCP đã dẫn trên, một văn bản dưới luật, quy định về cơ chế và các biện pháp phòng chống rửa tiền mà theo đánh giá của giới chuyên môn là "không có khả năng ngăn chận và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế” (tinmoi.vn).

Thậm chí, theo đại biểu QH Dương Trung Quốc:

"Chúng ta có văn bản dưới luật về vấn đề điều chỉnh hiện tượng rửa tiền. Đến bây giờ hầu như không thực hiện được”. Ông nói thêm:"Ở Việt Nam, tôi nói không quá đáng, là thiên đường của rửa tiền.

Chỉ cần làm một động thái đơn giản thôi. Ví dụ, tôi có một khoản tiền tạm gọi là bất hợp pháp, thông qua tính hoạt động của ngân hàng, tôi mua một bất động sản nào đó, là một khoản chi rất là lớn. Sau đó tôi bán cho người khác thanh toán qua ngân hàng, thì ngân hàng sẽ hợp thức hóa ngay. Như thế có nghĩa là ngân hàng hiện nay chính là công cụ để rửa tiền chứ không phải là công cụ hạn chế rửa tiền

Việc ra đời của Trung Tâm Thông Tin Phòng Chống Rửa Tiền vào tháng 3 năm 2007 thuộc Ngân Hàng Nhà Nước với chức năng chính là đầu mối thu thập thông tin về những hoạt động rửa tiền sau đó chuyển giao cho cơ quan khác, công an, tư pháp …. xử lý.

Hạn chế của trung tâm, được ông Ric Power, cố vấn phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố thuộc LHQ, chia xẻ trong cuộc hội thảo ngày 25/7/2008: "Tôi đồng ý các nước đang phát triển như VN thì năng lực chống rửa tiền còn hạn chế, vì thế chúng ta cần sử dụng ngay các cơ quan công an, tài chính để theo dõi bước đi của luồng tiền…” (vnmedia.vn).

Hành vi rửa tiền không vấy máu. Nhưng hậu quả của nó có thể rất khủng khiếp. Nó làm suy yếu nền kinh tế của một quốc gia và gây chết chóc cho những người vô tội, nếu đích đến của đồng tiền thông qua rửa tiền là những tổ chức khủng bố.

Chính vì thế, Lực Lượng Đặc nhiệm Tài Chính Chống Rửa Tiền (FATF) được nhóm G7 thành lập năm 1989, đến tháng 10/2001 lực lượng nầy đảm nhận thêm nhiệm vụ chống tài trợ cho khủng bố. Tiếp theo đó là Chương Trình chống Rửa Tiền Toàn Cầu (GPML) của LHQ ra đời năm 1997.

Việt Nam đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế về chống rửa tiền, nhưng hiện nay vẫn chưa là thành viên của tổ chức GPML, mặc dù vào tháng 7/2008 đã được kết nạp vào nhóm các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (AGP – thành viên của FATF). Do vậy Việt Nam không có được sự hợp tác toàn diện và hỗ trợ đầy đủ từ các tổ chức nầy trong việc phòng chống rửa tiền ở trong nước.

Hoạt động ì ạch…

Ngày 15/11/2011, Dự Án Luật Phòng Chống Rửa Tiền được mang ra thảo luận tại Quốc Hội. Dự án luật có 5 chương, 53 điều. Các đại biểu quan tâm nhiều nhất đến kênh rửa tiền và đối tượng bị điều chỉnh của luật. Ngân hàng không phải là "ngõ” duy nhất để rửa tiền, vì "người ta” có thể vác bao tiền cả triệu đô để mua một miếng đất mà không hề bị thẩm định về nguồn gốc của tiền. Thuế của đồng tiền nầy cũng không được quan tâm.

Nếu bộ luật nầy đưa ra theo văn bản đại khái, thì nó chỉ trên giấy thôi chứ không thực hiện được trên đời sống
Đại biểu QH Dương Trung Quốc

Đại biểu QH Dương Trung Quốc cho biết thêm ý kiến về dự án luật phòng chống rửa tiền:

"Khi đưa dự án luật phòng chống rửa tiền, gắn liền với nó là chống tài trợ cho khủng bố, tôi nghĩ trước nhất đó là một luật liên quan đến rất nhiều hoạt động tài chính nên tôi không phát biểu. Nhưng khi đặt vấn đề tôi thấy hình như luật nầy nó xa rời với thực tế của Việt Nam. Bởi vì rõ ràng việc chống rửa tiền là vấn đề chung của toàn thế giới, đương nhiên Việt Nam với quá trình hội nhập chúng ta cũng phải thực hiện cam kết chung.

Đặc điểm lớn nhất của Việt Nam mà bất cứ ai đến Việt Nam cũng đều nhận ra là tập quán sử dụng tiền mặt tồn tại hết sức phổ biến và hình như đương nhiên trong đời sống xã hội. Những nước khác xuất phát từ thực tiễn tài chính đều thông qua những tài khoản ngân hàng được kiểm soát rất chặt chẽ.

Việc chống rửa tiền chủ yếu là điều chỉnh và quản lý cánh cửa rất hẹp của ngân hàng. Ở Việt Nam điều đó vô nghĩa. Trong hoàn cảnh hiện nay Việt Nam là nơi rửa tiền dễ nhất thế giới bởi không ai kiểm soát thu nhập của người dân, không ai kiểm soát nguồn tài chính trong các giao dịch tài chính, thì làm sao có thể giám sát được. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng hình như việc cố gắng thông qua sớm dự án luật nầy là do sức ép của các cam kết quốc tế về hai phương diện là chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tôi nghĩ là nội dung của dự thảo luật đưa ra không những không thực tế mà còn không hiệu quả.

Việt Nam có pháp lệnh, văn bản dưới luật mà có thực hiện được đâu. Chúng ta không nên bị sức ép của cam kết quốc tế, mà phải dựa vào thực tiễn của Việt Nam để đưa ra lộ trình thích hợp, để chúng ta thực sự điều chỉnh được việc rửa tiền và chống hoạt động tài trợ cho khủng bố. Nếu bộ luật nầy đưa ra theo văn bản đại khái, thì nó chỉ trên giấy thôi chứ không thực hiện được trên đời sống.”

Kỹ thuật lập pháp

Nếu chỉ riêng ngành ngân hàng thôi, tôi cho rằng kỹ thuật lập pháp của dự thảo có những vấn đề cần xem lại
LS Nguyễn Văn Hậu


Cơ quan tối cao về tiền tệ: Ngân hàng Trung ương- RFA photo
Cơ quan tối cao về tiền tệ: Ngân hàng Trung ương- RFA photo
Còn LS Nguyễn văn Hậu thì cho rằng:

"Tôi cho rằng luật phòng chống rửa tiền nầy xuất phát từ yêu cầu cần thiết của Việt Nam, bởi vì việc phòng chống tham nhũng và phòng chống các tội phạm khác ở Việt Nam đang đặt ra những bức xúc, nhất là chống lại những khoản thu nhập lớn, những khoản thanh toán, mua bán, cất giữ không có nguồn gốc rõ ràng nó đang diễn ra rất là phức tạp.

Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam cũng gia nhập vào nhiều tổ chức quốc tế khác. Vậy sự ra đời của luật này tôi cho là có tính kế thừa nội dung nghị định 74 về phòng chống rửa tiền và luật hóa các điều ước quốc tế liên quan.

Nhưng tôi thấy trong luật nầy còn có nhiều điều cần góp ý. Ví dụ, bên cạnh đó phải ban hành luật phòng chống khủng bố nữa. Thứ hai, là chúng ta chỉ mới bàn đến vấn đề của ngân hàng thôi, nhưng các biện pháp liên quan đến quyền cơ bản của công dân, như quyền bí mật riêng tư trong dự thảo luật chưa xây dựng”

Về việc giao cho ngành ngân hàng soạn thảo luật phòng chống rửa tiền, thì LS Hậu có ý kiến:

"Tôi nghĩ nếu giao riêng cho ngành ngân hàng soạn thảo luật nầy thì sẽ không bao quát hết. Phải nên giao cho liên ngành, thí dụ như ngoại giao, công an, một số ngành thanh tra và một số ngành khác, phải có cái nhìn tổng hợp về luật pháp Việt Nam. Nếu chỉ riêng ngành ngân hàng thôi, tôi cho rằng kỹ thuật lập pháp của dự thảo có những vấn đề cần xem lại

Trước thềm WTO, các nhà chuyên môn đã có khuyến cáo về chuyện rửa tiền một khi VN hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hơn 4 năm sau, dự án luật phòng chống rửa tiền mới được đặt lên bàn của ngành lập pháp VN để xem xét. Có thể chưa muộn. Nhưng nếu bỏ sót đối tượng bị điều chỉnh và không bao quát hết các ngõ ngách tinh vi của luồng tiền bẩn, thì vẫn theo ý kiến của các nhà chuyên môn, luật chỉ mới đáp ứng về cam kết của VN đối với các tổ chức quốc tế liên quan, còn trên thực tế vẫn chưa giải quyết được vấn đề.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 606 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0