Lê Minh phỏng dịch theo Vietnam Rights and Wrongs, Wall Street Journal, 21/7/10
|
Ngoại trưởng Hillary Clinton thúc giục Hà Nội nên có quyết tâm mạnh mẽ về cải thiện nhân quyền
Hình: Agence France-Presse/Getty Images
|
Hôm nay bà bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton có mặt tại Hà Nội để
tham dự cuộc họp của khối ASEAN, và chuyến đi này cũng đánh dấu 15 năm
bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt. Đây cũng là quãng thời gian đánh dấu
sự tăng trưởng mậu dịch và đầu tư của đôi bên, và đó là mặt tốt. Bên
cạnh đó có những cái xấu còn tồn tại là hồ sơ nhân quyền của Hà Nội, mà
có lẽ bà Clinton sẽ đặt vấn đề trong chuyến đi này.
Trong khi Hà Nội cố gắng chuyển đổi nền kinh tế nhưng họ vẫn nắm chặt
độc quyền chính trị. Tiếp theo sau quãng thời gian cởi mở ngắn ngủi
trước khi được gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) vào năm 2007,
là hàng loạt các cuộc đàn áp bắt bớ nhắm vào các tiếng nói đối lập.
Những người bị bắt bao gồm các vị lãnh đạo của Khối 8406 như LM.Nguyễn
Văn Lý; Bỏ tù hai nhà báo tường thuật vụ PMU18 là Nguyễn Việt Chiến và
Nguyễn Văn Hải; Truy tố Blogger Nguyễn Hoàng Hải, tức Điếu Cày vì tội
chỉ trích cách hành xử của nhà nước đối với việc nhượng đất và trước
luận cứ đòi chủ quyền biển Đông của Bắc Kinh.
Việc vi phạm luật tố tụng đối với các vấn đề chính trị không chỉ là
chuyện nội bộ nữa, mà giờ đây còn lây lang sang cả lĩnh vực thương mại.
Hai viên chức cao cấp của hãng hàng không Qantas (Úc) bị giữ lại 6
tháng không cho rời khỏi Việt Nam, để điều tra vụ việc liên quan đến
các hợp đồng mua xăng dầu cho hãng; và họ chỉ mới được rời Việt Nam trở
về Úc vào đầu tháng vừa rồi.
Tòa án phúc thẩm tại thành phố HCM mới đây đã bác bỏ đơn khiếu nại của
LS.Lê Công Định sau khi ông Định bị tuyên án 5 năm tù vì đã gặp gỡ trao
đổi với các nhà dân chủ. Ông Định, một học giả của chương trình
Fulbright, với học vị Luật từ đại học Tulane, là một vị luật sư sáng
giá trong lĩnh vực thương mại, đại diện cho nhiều công ty nước ngoài
đang làm ăn tại Việt Nam, từng thành công trong vụ đại diện Việt Nam
kiện Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vào năm 2003. Các nhà đầu tư cũng đặt dấu hỏi
tại sao luật sư của mình lại bị tống giam chỉ vì "tội" dám chỉ trích
chính phủ.
Bà Clinton cũng có thể nêu câu hỏi đó với các quan chức Việt Nam khi
gặp họ. Chuyến viếng thăm này cũng sẽ là cơ hội đặt vấn đề với Hà Nội
đối với những chuyện như trấn áp dân mạng, Bloggers, kể cả việc cấm chỉ
người dân lên tiếng chỉ trích chính phủ trên các trang mạng tư nhân
trong và ngoài nước hoặc là việc ngăn chận sử dụng trang mạng xã hội
Facebook. Bà Clinton cũng có thể nêu những trường hợp đặc biệt như ông
Định, nhất là trong lúc Hà Nội đang chuẩn bị danh sách thả tù nhân dịp
đặc xá hằng năm vào ngày quốc khánh đầu tháng 9.
Để tạo uy tín cho mình, bà Clinton sẽ phải đưa các vấn đề nhân quyền ra
thảo luận với các quan chức Việt Nam. Nhưng càng quan trọng hơn nữa nếu
bà phát biểu công khai những vấn đề này. Làm được vậy thì sẽ khích lệ,
ủng hộ các nhà đối kháng Việt Nam đang đấu tranh đem lại dân chủ cho
đất nước của họ. Và như vậy sẽ tạo thế đứng cho Hoa Kỳ trong các cuộc
thương thuyết với Hà Nội. Chế độ Hà Nội mong muốn có được mối quan hệ
tốt với Hoa Kỳ để cân bằng ảnh hưởng đang lớn mạnh của Trung Quốc trong
khu vực. Như vậy việc công khai chỉ trích về vấn đề nhân quyền củng sẽ
giảm đi. Đây là trường hợp rõ ràng nhất về vấn đề tự do tôn giáo, mà
Việt Nam là quốc gia duy nhất đã thành công trong việc thương lượng cho
phép tự do một phần để được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa tên ra khỏi danh
sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo.
Bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ đã giúp cho nền kinh tế phát
triển hơn. Nhưng không có dân quyền thì sẽ cản trở, làm chậm đi bước
tiến của Việt Nam. Bậy giờ, thay vì ngồi chờ và mong rằng việc mở cửa
kinh tế sẽ là phép nhiệm mầu đem đến dân chủ, thì Hoa Kỳ có thể thử
giúp người Việt Nam có được một chính phủ dân cử mà đáng lẽ họ phải có
được song hành với việc phát triển kinh tế. Vài lời phát ngôn mạnh mẽ
của bà Clinton chắc chắn sẽ là những viên đá vững chắc cho một hướng đi
đúng.
|