Thứ Ba, 2024-04-16, 11:00 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 1 » 'VN sẽ thất bại trong quốc tế hóa Biển Đông'
7:27 PM
'VN sẽ thất bại trong quốc tế hóa Biển Đông'
BBC
Hội thảo quốc tế về Biển Đông (11/2009)

Hội thảo quốc tế về Biển Đông được xem như một trong các nỗ lực quốc tế hóa của Việt Nam

Báo thân Bắc Kinh tại Hong Kong nhận định Việt Nam sẽ không thành công trong nỗ lực quốc tế hóa vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Đại Công Báo, tờ báo lâu đời nhất trong các nhật báo tiếng Hoa, hôm 26/02 có bài bình luận nói rằng nhà chức trách Việt Nam đang khuấy động tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông (Nam Hải) bằng cách đưa vấn đề này ra trường quốc tế thông qua các kênh "tuyên truyền" của mình.

Bài báo khẳng định rằng với lập trường vững chắc và thái độ phản đối nhất quán của chính phủ Trung Quốc, chính sách của Việt Nam "chắc chắn sẽ thất bại".

Đại Công Báo cho rằng Việt Nam chủ trương phức tạp hóa vấn đề nhằm kéo dài sự chiếm đóng của mình trên các đảo Trường Sa vốn tài nguyên thiên nhiên.

"Chủ ý thứ hai của Việt Nam là không muốn đàm phán trực tiếp với Trung Quốc mà muốn lôi kéo thêm các nước khác vào."

"Hà Nội tưởng rằng càng nhiều nước tham gia vào tranh chấp thì sức mạnh thương lượng của Việt Nam với Trung Quốc càng lớn."

"Đa số các phân tích gia cho rằng không những Việt Nam khó đạt được chủ ý của mình, mà hình ảnh nước này trên trường quốc tế còn bị ảnh hưởng."

Theo tờ báo sống bằng tiền đài thọ của Bắc Kinh này, Việt Nam đang muốn thu hút ủng hộ của các nước Asean, nhất là thông qua vai trò chủ tịch Asean trong năm nay, của châu Âu và của Mỹ để đối trọng lại với Trung Quốc.

Đa số các phân tích gia cho rằng không những Việt Nam khó đạt được chủ ý của mình (về Biển Đông), mà hình ảnh nước này trên trường quốc tế còn bị ảnh hưởng.

Đại Công Báo

Thế nhưng, tác giả bài viết cũng nhận định rằng bước đi có tính toán kỹ càng của Hà Nội sẽ thất bại vì các nước phương Tây chỉ muốn giữ thái độ trung lập. Nhiều nước Asean cũng không ủng hộ Việt Nam trong chủ đề Biển Đông.

Thêm nữa, vị thế đang lên cộng với uy tín của Trung Quốc khiến cho Đại Công Báo ra kết luận: "Không thể so sánh Việt Nam với Trung Quốc được".

Tờ báo khuyên Hà Nội nên "chấp nhận bài học lịch sử" vì "về sức mạnh quân sự, Việt Nam hoàn toàn nhận thức được là không thể cạnh tranh với Trung Quốc".

Trung Quốc quan ngại

Trong khi đó, hãng tin Trung Quốc Tân Văn trích lời một lãnh đạo hải quân của nước này, đô đốc Doãn Trác (尹卓 - Yin Zhuo) nói Bắc Kinh đang theo dõi một cách đầy quan ngại việc các nước Asean, nhất là Việt Nam, phát triển hạm đội tàu ngầm tại các vùng biển giáp ranh Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, lãnh đạo Việt Nam đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm hạng Kilo với Nga, đồng minh cũ, trong một bước đi được giới bình luận khu vực cho là nhằm "củng cố tuyên bố chủ quyền trước Trung Quốc trong vùng Biển Đông".

Tuy báo chí và các kênh chính thống của Việt Nam sau đó lên tiếng bác bỏ rằng việc mua tàu ngầm có liên quan tới Trung Quốc, các nhà quan sát vẫn khẳng định nó cho thấy "các nước trong vùng đang cảnh giác trước xu hướng là quyền lực mềm của Trung Quốc nay có thể trở nên cứng rắn hơn".

Không chỉ có Việt Nam, mà cả Australia, Indonesia và Malaysia đều đang tìm cách mở rộng chương trình tàu ngầm.

Singapore đang mua tàu hạng Vastergotland của Thụy Điển, Malaysia mua tàu dạng Scorpene của Pháp và Ý.

Ông Doãn Trác nói với Trung Quốc Tân Văn rằng việc các nước khu vực đang tìm cách thống lĩnh các vùng biển phía Nam gây đe dọa cho Trung Quốc.

"Nếu tiến trình cứ diễn ra với tốc độ hiện nay, trong vài năm nữa các quốc gia Asean sẽ có lực lượng hải quân hùng mạnh."

Việt Nam còn đang đặt hàng thêm tàu tuần tra hạng Svetlyak và tàu hộ tống cho hải quân từ Nga.

Quốc tế hóa

Thế nhưng Trung Quốc cũng đang nhanh chóng hiện đại hóa hải quân của họ.

Nước này nay đã có trong tay tới 12 tàu ngầm lớp Kilo, cộng thêm nhiều tàu ngầm nguyên tử. Số tàu ngầm của hải quân Trung Quốc theo một số ước tính có thể trên 60.

Khối Asean chắc chắn còn nhiều năm mới có thể đuổi kịp con số này.

Về sức mạnh quân sự, Việt Nam hoàn toàn nhận thức được là không thể cạnh tranh với Trung Quốc.

Đại Công Báo

Các nước trong khu vực gần đây đã bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng hoạt động quân sự với độ mạnh bạo nhiều người đánh giá là "chưa từng thấy" của Trung Quốc tại Biển Đông, nơi được cho là có nhiều dầu khí và tài nguyên thiên nhiên.

Việt Nam đang thúc đẩy cách tiếp cận mới trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với hội thảo quốc tế đầu tiên về chủ đề này được tổ chức hồi tháng 11/2009 tại Hà Nội.

Trung Quốc đã cử đoàn học giả tham gia hội thảo với chủ trương "xây dựng lòng tin" để "hòa giải bất đồng".

Song song với tuyên bố ủng hộ giải pháp thương lượng, Bắc Kinh vẫn thúc đẩy nhiều hoạt động khẳng định chủ quyền.

Tháng trước Trung Quốc vừa cho xây một loạt hải đăng và cột mốc trên nhiều đảo trong vùng biển Hoa Đông còn đang tranh chấp với Nhật Bản.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra ngư chính, "bảo vệ nghề cá" tại Trường Sa.

Tháng Năm thường là thời điểm Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông, khiến nhiều quốc gia lân cận, trong có Việt Nam, phản đối.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 592 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0