Việt Nam tạm dừng việc cấp phép thành lập các cơ quan báo chí và sẽ giảm bớt báo 'hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích'.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại một hội nghị hôm 10/3.
Trang chủ của bộ Thông tin và Truyền thông trích lời Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, quyết định trên được đưa ra để Chính phủ có thời gian chuẩn bị báo cáo Quy hoạch báo chí đến năm 2020 trình Bộ Chính trị.
"Đồng thời để rà soát, giảm bớt những tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích,” ông Son nói thêm.
Nói về bản Quy hoạch báo chí đến năm 2020, ông Bộ trưởng cho biết đây sẽ là "một cuộc cách mạng trong hoạt động báo chí” nếu được phê duyệt, để hướng tới "số lượng báo chí hợp lý, chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội.”
Theo thống kê của Bộ Thông tin-Truyền thông, Việt Nam hiện đang có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm, có 89 ấn phẩm điện tử và 265 trang thông tin tổng hợp.
Liên quan đến công tác quản lý báo chí, ông Son yêu cầu báo chí "cần tập trung tuyên truyền hiệu quả đường lối của Đảng, Nhà nước,” và "vào cuộc tuyên truyền đấu tranh với các đối tượng sai trái thù địch.”
Trên danh nghĩa, báo chí tư nhân vẫn chưa được phép thành lập ở Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn với BBC, TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng Khoa Báo chí, thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết "cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho một nền tảng liên quan tới báo chí tư nhân.”
Trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về tình hình nhân quyền Geneva, Thụy Sĩ trong tháng Hai vừa qua, đa số các đại biểu từ các nước tham dự bày tỏ lo ngại về quyền tự do báo chí ở Việt Nam.
Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Việt Nam đứng thứ 174 trên tổng số 180 quốc gia về tự do báo chí trong năm 2013.