Bùi Tín
Quan hệ Việt-Trung khi lên khi xuống, khi đậm khi nhạt, nhưng thực chất
là ra sao? Trong nước có những bài báo bênh vực thái độ của giới cầm
quyền, cho rằng không nên khắt khe quá đáng, cần thông cảm với chính
quyền, rằng đối với một cường quốc láng giềng khổng lồ cần có thái độ
tự kiềm chế, nhún nhường một chút, rằng Bộ Ngoại giao trong nước vẫn ra
tuyên bố về chủ quyền nước ta, về những cơ sở lịch sử chứng minh quyền
sở hữu của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, còn lên án
những hành động thô bạo của phía Trung Quốc đối với ngư dân ta...
Vậy thì thực chất thái độ của giới cầm quyền trong nước đối với Bắc kinh có gì đáng chê trách, đáng phê phán hay không?
Quả
thật công bằng mà nói, chính quyền trong nước cũng có lúc ra tuyên bố
này nọ để khẳng định chủ quyền nước ta, tỏ thái độ phản đối một số hành
động lấn lướt, thô bạo của phía Trung Quốc, nhưng cũng rõ ràng là những
khẳng định và phản đối ấy vẫn còn quá ư là hình thức, nhẹ nhàng, có thể
nói là yếu ớt, chưa đạt mức độ cần thiết về cả chính trị và ngoại giao.
Tại
sao khi biết rõ là tàu Trung Quốc, khi bà con ngư dân ta nhận ra cả số
hiệu tàu, cờ và quân phục Trung Hoa, mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao,
báo chí Việt Nam vẫn chỉ gọi là "tàu lạ"(!), mà không dám gọi là tàu
Trung Quốc.
Tại sao hàng chục lần, người phát ngôn Bộ Ngoại
giao chỉ dám "yêu cầu"(!) phía Trung Quốc điều tra và ngừng những việc
làm tương tự mà không dám lên án nghiêm khắc và mạnh mẽ, không đòi họ
phải lập tức chấm dứt, trừng phạt thật nghiêm những kẻ tội phạm và bồi
thường đầy đủ mọi thiệt hại về người, phương tiện tàu thuyền, ngư cụ bị
phía Trung Quốc tịch thu và phá hoại.
Trong khi ấy, trong các
phát biểu công khai, trong các tuyên bố chung, trong các diễn văn chính
thức, các nhà lãnh đạo Việt Nam đều nhất tề tung hô quá đáng về tình
hữu nghị Việt - Trung, ca ngợi quá mức mối quan hệ mà họ coi là mẫu mực
ấy, chỉ nói đến một số vấn đề tồn tại đang được giải quyết bằng con
đường thương lượng.
Có thể nói từ tổng bí thư, chủ tịch nước,
đến chủ tịch quốc hội và thủ tướng đều thi nhau ca ngợi mối quan hệ
Việt - Trung bằng những ngôn từ đẹp đẽ nhất, và cũng thi nhau "quên ",
không nhắc đến những hành động xâm lấn, lấn chiếm, ngang ngược, vũ phu,
bạo ngược..., chà đạp luật quốc tế của phía Trung Quốc.
Chính quyền trong nước không hề phản ánh tâm tư phẫn nộ của người dân.
Chính
vì thái độ thiếu tư cách, tự hạ thấp nhân phẩm và tự làm mất thể diện
quốc gia như thế mà phía Trung Quốc càng được thể ngang nhiên lướt tới.
Họ
vẫn ngang nhiên trưng ra bản đồ "lưỡi bò" đỏ lòm của họ ở mọi nơi,
khẳng định chủ quyền của họ khắp vùng biển phía Nam, và ngay đầu năm
2010 này, họ đột nhiên dựng lên 13 ngọn hải đăng trên những bệ đá ngầm
trong vùng tranh chấp, xí phần những tài nguyên dầu mỏ dồi dào ở đó là
của họ.
Do những phản đối sơ sài, lấy lệ của Hà Nội nên Bắc Kinh
càng ngang nhiên thực hiện những chuyến du lịch ra Hoàng Sa và Trường
Sa, còn tiếp tục xây dựng và chỉ định các viên chức hành chính trên các
đảo tự nhận ấy. Ngay từ đầu tháng 2-2010 này, giữa mùa đánh cá ở vùng
biển Việt Nam, tàu Trung Quốc vẫn một mực xua đuổi tàu thuyền Việt nam
của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam và Bình Thuận, còn bắt bớ,
đánh đập, tịch thu cá thu, phá thuyền lưới của ngư dân Việt, ngay trong
những ngày giáp Tết, với nghiêm lệnh rằng đang là mùa cấm đánh bắt theo
luật pháp Trung Quốc!
Xin phát hiện một điều nghịch lý để bà con
ta xem xét, để anh chị em thanh niên nước ta suy ngẫm, 16 chữ do tổng
bí thư Giang Trạch Dân đề ra từ năm 1999, nguyên là (theo phiên âm chữ
Hán): "Mục lân hữu hảo - Toàn diện hợp tác - Trường kỳ ổn định - Diện
hướng vi lai ", được dịch ra là: "Láng giềng hữu nghị - Hợp tác toàn
diện - Ổn định lâu dài - Hướng tới tương lai ". Nhưng đến năm 2002 tự
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã có sáng kiến nhuộm cho 16 chữ vốn màu đen
(trên mặt sách báo) ra 16 chữ vàng. Vài nhà báo VN có mặt ở Bắc Kinh
hồi ấy kể một giai thoại rằng các phiên dịch có mặt từng lúng túng
không biết dịch chữ "vàng" ra chữ gì, vàng là màu vàng? hay là bằng kim
loại quý là vàng? Cuối cùng dịch ra ý là "quý giá".
Một blogger
trẻ trong nước đã chuyển 16 chữ nói trên thành:" Láng giềng khốn nạn -
Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai ".
Chính
do 16 chữ vàng của ông tổng Mạnh và bộ chính trị hiện thời mà 16 trí
thức yêu nước vừa bị tù giam từ 3, 4 năm đến 16 năm, vì cái "tộỉ lớn
nhất" nếu có của họ là đã tố cáo thái độ nhu nhược của chính quyền
trước họa bành trướng rành rành.
|