October 31, 2008
. Trước đây, “người
nông dân tìm thấy sức quyến rũ của khẩu hiệu thiết thực “người cày có
ruộng”, và chính khát vọng về mảnh đất của riêng mình đã thôi thúc họ
hăm hở làm cách mạng”.
Còn
bây giờ, sau khi cách mạng thành công 33 năm ở miền Nam, người nông dân
miền Nam sống như thế nào? Mời xem trả lời phỏng vấn Tạp chí Người Đô
Thị số tháng 10/2008 của nhà báo Võ Đắc Danh.
* * *
I. Kiểu “bolero” bình dân
PV:
Các giải thưởng văn học ở ta ít gây được tiếng vang. Trong giới văn
chương lại hay ồn ào tung hô một số người đôi khi rất “vô lối”. Nhận
giải thưởng về ký, cảm tưởng của anh thế nào?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Tôi được nhiều giải về ký rồi. Đồng bằng Sông Cửu Long 2 giải. Lần này
bút ký “Cổ tích trên đỉnh Mồ Côi” giải nhất. Một cuộc chơi. Vì cái này
đẹp, dễ chấm, chứ không gai góc. Kỳ thi về “Việt Nam Tổ quốc tôi” thì
cái này chỉ là câu chuyện cá biệt, không đại diện phản ánh được vấn đề
gì lớn của đất nước. Giải thưởng chỉ tạo quan tâm của người dự thi. Tôi
không bao giờ viết với tâm lý dự thi cả.
PV:
Có người nói ký Võ Đắc Danh “ăn theo” cái dễ xúc động là chuyện người
nghèo khổ và ký của anh kiểu “bình dân Sài Gòn xưa” – chứ chẳng có cách
tân kỹ thuật hiện đại nào trong bút pháp. Anh thấy đúng hay sai?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Có thể đúng ở khía cạnh nào đó. Tôi không tìm kiếm kỹ thuật, không sa
đà vào định hướng nào. Tôi giãi bày, tư cách người kể chuyện với bạn
đọc cái tôi bức xúc. Tôi là người viết của bình dân. Không đi vào thân
phận con người e vô cảm. Nghệ thuật không tìm sự đồng cảm thì tìm gì.
Bỏ qua đồng cảm thì nghệ thuật không còn gì. Gu của tôi là “bolero”.
Người đọc mọi thành phần, ai cũng cảm được, không sang trọng chữ nghĩa.
Tôi thấy các nhà văn lớn suốt đời một giọng, chỉ khác ở tầm nhìn. Như ở
Việt Nam có Sơn Nam, Trang Thế Hy.
PV: Anh viết cả trăm bút ký và có “thương hiệu”. Có thể tóm đặc điểm ký “kiểu Võ Đắc Danh” là gì?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Đặc điểm: viết về nông dân và dân nghèo thành thị, có sẵn tâm, bao giờ
cũng xúc động trước số đông đó. Cách viết: giấu cái tôi, sử dụng chất
liệu thông qua chi tiết đời sống. Để tự câu chuyện nói. Mộc mạc, không
thủ pháp, không kỹ xảo, kỹ năng. Mạnh nhất là chất liệu.
PV: Còn bao nhiêu nhân vật, câu chuyện thời đại khác, doanh nhân, trí thức không làm anh rung động hay sao?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Tôi cũng viết đấy chứ. Những nhân vật trong ký của tôi như Phan Văn
Xoàn, Trần Bá Dương, ông chủ Sông Đốc… là khó kiếm. Những người chân
chính đủ tạo cảm xúc mạnh thì ít vì kinh tế chuyển đổi sang thị trường,
con người phải chụp giựt nhiều hơn. Giàu có mà nhân cách phẩm chất còn
kiếm hoi.
PV: Nói thế anh không sợ bị giận sao?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Không sợ giận. Tôi quí trọng những người đóng góp làm giàu cho đất
nước, hàng ngày giờ thay đổi đời sống kinh tế. Nhưng có cảm nhận từng
mức độ. Thí dụ, cuộc thi rồi trong các bài ký được giải viết về ông gốm
sứ Minh Long thì tôi chịu. Tôi quý ông đi lên từ nghèo khổ, sống chết
với nghề. Còn ông doanh nhân kiểu nào đó giàu lên làm sân sau của quan
chức, được cấp cho nhiều đặc lợi làm ăn. Người như thế, cho chị 100
triệu, bảo chị viết về họ, chị có cảm xúc nổi không?
II. Ra khỏi đường nhựa thấy gì?
PV:
Anh viết nhiều về nông dân, vậy anh thấy đời sống họ có khá lên? Không
lẽ họ không được hưởng lợi gì (dù ít hơn) trong cuộc chuyển đổi kinh tế
và phát triển đất nước?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Nông
thôn nghèo hơn. Xơ xác. Chị thử đi một lần. Ra khỏi đường nhựa là nhà
không ra nhà, người không ra người, bần cùng tăm tối. Tôi đã có làm
phim tài liệu giữa rừng U Minh. Cảnh con nít mặt mày vằn vện ăn chuối
luộc thay cơm, khán giả không cầm được nước mắt. Miền Tây thì những
người không nhà cửa, sống trên ghe giăng câu thì nhiều.
PV: Anh thử tả một cảnh nghèo nhất dã gặp?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Thí dụ một gia đình ở lòng hồ Trị An. Sống lều bạt, xuồng câu, gạo chạy
từng ngày. Bốn con. Vợ liệt ngồi xe lăn. Không điện. Không chữ nghĩa.
Tất cả đều không. Mà sống cách Thủy điện Trị An chỉ 1 km. Nghe bạn đi
trên đó về nói họ khổ. Tôi tới xem nó coi sao.
PV: Có phải vấn đề đô thị hóa và đất đai là thủ phạm?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Ảnh hưởng vùng ven phát triển tới đâu phát sinh tới đó. Nhiều người bị cưỡng ép giao đất, đền bù. Thí dụ ở
Nhơn Trạch tôi biết có công ty do tư nhân núp bóng. Xí phần 7-8 mẫu,
huyện ra quyết định thu hồi. Một mét vuông nhà đầu tư đền dân 39.000đ.
Không đi, cưỡng chế. Rồi chưa đổ đất, họ đã bán lại 9 triệu 1 mét
vuông. Thường theo “công thức” ai cũng biết: Doanh nghiệp nói với chính
quyền. Phê duyệt, ký quyết định thu hồi đất. Đền bù giá rẻ đi đâu thì
đi. Đất giao nhà đầu tư. Chính ra nhà đầu tư không hưởng nhiều bằng
chính quyền.
PV: Nhưng người ta bảo mở mang, cần đất xây dựng là quy luật của phát triển?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Đồng ý phát triển. Nhưng có công thức tốt sao không làm. Cho dân góp
vốn bằng đất của họ, họ cũng được hưởng lợi từ vốn đó. Phát triển là
qui luật, phải nghĩ quyền lợi của người nông dân trước đã. Không
thể một chủ dự án làm giàu, trăm ngàn nông dân khốn khó. Thực tế, không
dự án nào có dự án an sinh xã hội đi kèm. Đưa ra một cục tiền, đi đâu
thì đi. Đừng biện minh cho sự cướp bóc. Tôi
đã viết “Trên đồng bưng 6 xã” đăng trên báo Văn Nghệ một gia đình đặc
công rừng Sác nay mất đất. Bị gài độ phản ứng đến nỗi vợ con vô tù. Phải nói nơi đó là tột đỉnh tội ác.
PV: Anh viết ký, kể rõ người thật việc thật, có địa chỉ cụ thể, đăng công khai, vậy có tác dụng hoặc phản hồi gì không?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Ký
của tôi chỉ nói nhiều điều đánh động lương tâm, làm giàu cho lòng nhân
ái được khơi dậy trước số phận con người. Nhưng vẫn không làm cái ác
giảm đi được. Thực tế chứng minh nhiều bài bút ký về đất đai, mafia
cướp đất, họ chỉ im lặng hoặc chựng lại một thời gian rồi lại tiếp tục.
Nó không làm cho kẻ vô cảm có cảm xúc.
PV:
Vậy sao anh không dành hẳn phản ánh bộ mặt phía cái ác, có giá trị tác
động vào cái ác hơn là cứ tả mãi phía nghèo khổ chịu đựng?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Có lần tôi đã thử làm thế. Miêu tả đối tượng là cái ác. Thí dụ, ở Long
An, có cả ngàn dân mất cả ngàn mẫu đất. Cảnh cưỡng chế 2 hộ dân, có
công an, cứu hỏa, cần cẩu, cứu thương, xe bít bùng bắt người… đủ cả. Bà
phó giám đốc của công ty Tân Đức còn mắng: Chính quyền cưỡng chế không
“máu lửa” gì cả, và người của họ nhào vô làm. Hay như cái vụ ở Nhơn
Trạch, chính chủ tịch huyện chỉ huy cưỡng chế, chính quyền trở thành
công cụ của các nhà đầu tư. Báo in ra, có người bỏ tờ báo gửi cho chính
chủ tịch huyện đọc. Tất cả đều im lặng, không có trả lời.
PV: Anh thấy người nông dân không có thái độ hoặc cách gì sao?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Người nông dân ở trình độ dân trí thấp, lo ăn không xong, không tự tìm lối thoát. Phải từ nhà nước, các nhà đầu tư.
III. Phẩm giá thời đại
PV:
Vậy anh thấy phẩm giá của thời đại chỉ có ở người nghèo khổ cam chịu và
những tấm lòng tốt như ở cổ tích thôi sao? Dòng phẩm giá tử tế trong xã
hội tồn tại như thế nào?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Người ta cứu giúp nhiều. Ở người nghèo khổ, sự vươn lên không phải
không có. Nhưng họ luôn dừng trong chừng mực là sống có phẩm giá và
không đương đầu nổi với cái ác. Nếu không khơi dậy cộng đồng cứu giúp
thì suy sụp bế tắc. Thí dụ khi tôi viết “một bà mẹ chưa được tôn vinh”.
Một bà đánh tàu, biệt động, 2 vợ chồng thương binh. Bà bảo con phải học
tử tế mới thoát nghèo. Một ngày bả chèo 50km. Lá chuối đọt dừa cũng
bán, dựng chòi nuôi con ăn học. Hai con gái lớn tốt nghiệp sư phạm đi
xin việc, họ đòi 3 cây vàng. Chịu. Tôi cầm tờ báo đưa các cơ quan chức
năng, các cô được nhận dạy học, 1 doanh nghiệp cho cậu con trai máy
tính vì cậu học CNTT, được mua nền nhà giá thấp trả góp. Đó chỉ là thí
dụ hy hữu cứu giúp được thôi.
PV:
Vậy cái đích của anh là tìm sự đồng cảm giúp đỡ của xã hội? Có người
nói anh viết ở Sài Gòn Tiếp thị có đối tượng đọc riêng kinh doanh -
tiêu dùng, người nghèo ít đọc?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Người nghèo có đọc báo nào đâu.
Chỉ đọc báo Công an. Tôi cũng tìm cách đăng trên Văn nghệ. Tưởng chỉ
mấy cha nhà văn đọc. Nhưng sau tôi thấy người đọc Sài Gòn Tiếp Thị
nhiều mặt bằng văn hóa khác nhau và quan trọng là họ hành động. Đối
tượng có vẻ là người trung lưu, doanh nhân, tiểu thương, nhưng nhiều
người đọc không chỉ tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Tôi không tham vọng gì
cả. Tôi không xác định mình làm văn hay báo. Giới báo gọi tôi là nhà
văn. Giới văn gọi tôi là nhà báo. Ai gọi gì kệ. Tôi là người nông dân
cầm bút, không gì khác hơn. Người cầm bút có viết hay không là ở cảm
xúc. Câu chữ uốn éo không là chỗ dựa. Vui nhất là nhân vật được giúp
đỡ. Buồn nhất là nhân vật mình chịu bất công không cứu giúp được gì,
bao nỗi đau rơi vào im lặng. Tôi không
có quyền lực gì cả, chỉ là công cụ của dân thấp cổ bé họng. Trong nền
dân chủ chập chờn, tôi tranh thủ làm công việc đó của mình. Nhà báo
phải xem đó là trách nhiệm.
IV. Trên “lốc’ thấy sự tử tế
PV: Anh mới mở blog 3 tháng, nghe nói thiên hạ vào nhiều lắm.
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Bài của tôi trên báo mạng người ta biết hơn báo giấy. Trên đó rạch ròi
sân chơi từng đối tượng. Qua comment, người ta phản hồi nhiều. Còn sách
báo đâu biết được. Qua “lốc” thấy được sự tử tế cuộc đời còn rất nhiều.
Tôi không đi xa khám phá. Chỗ nào có chất liệu con người đáng chia sẻ
thì viết. Nhiều điều giản dị mà phấn đấu mãi đã được đâu. Sơn Nam có
viết câu chuyện ông cắt tóc vỉa hè bị hỏi hộ khẩu, trả lời: là công dân
nhỏ lớn không biết hộ khẩu. Ông hiểu
thế nào là Tổ quốc? “Là một nơi có thể sống được bằng một nghề lương
thiện và có những người bạn chơi được, đừng ba trợn.” Khát vọng của ông
già hớt tóc ấy nay hàng triệu người không có. Chị nghĩ
xem, bao người còn đi tìm 2 cái đó. Đâu đơn giản. Mới thấy ông già Sơn
Nam ghê. Sức mạnh đâu phải ngoằn ngoèo câu chữ “Đổi mới”.
V. Không thể quay lưng
PV: Anh đến với ký như thế nào?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Tôi đến với nghề viết ngẫu nhiên. Đi học trễ. Nhà nghèo. Một bữa ra
công viên ngồi, anh bạn làm báo đi ngang ngồi lại nói chuyện, rủ đi làm
báo. Thử việc có một cái tin nhận ngay. Nghe đọc truyện đêm khuya, mê
nhất cái ký Cô Tô của Mai Văn Tạo. Rồi mê ký Hoàng Phủ Ngọc Tường,
Nguyễn Tuân. Làm việc ở báo Minh Hải, về Hội VH-NT Minh Hải. Lên Sài
Gòn làm phim tài liệu, tính nghỉ viết. Rồi làm Trưởng VPĐD báo NLĐ ở
miền Tây, làm báo Pháp Luật, rồi báo Sài Gòn Tiếp Thị. Trong các sự
kiện lúc đi làm báo, thấy có chất liệu đời sống nhiều, tôi viết ký. Tôi
không ý thức thể loại. Viết gì nó cũng thành ký thôi à.
PV: Cuộc sống gian truân chắc là lợi thế cho anh trải nghiệm để viết ký về người nghèo khổ?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Có chứ. Tôi xuất thân gia đình nông dân, kháng chiến, đội bom đội đạn,
nuôi chứa cán bộ. Sau 75, tôi vẫn là nông dân. Mẹ tôi từng giấu bao lúa
trốn chiến dịch thời cải tạo kinh tế. Tới thời lúa rớt giá nông dân bị bỏ rơi. Nay thời nông dân “bị cướp đất”.
Cái gì cũng trải. Hỏi gốc mình thế này, nhìn nỗi khổ không đau xót sao
được. Bản thân từng nuôi tôm, nuôi trăn, làm da trăn, lái tôm, vỡ nợ,
lăn lộn với thương trường. Xuống Gành Hào vay nợ nuôi tôm 3 tháng, ngày
xổ tôm chủ nợ ngồi cống chờ. Tôm chết sạch.
PV: Anh từng gặp nhiều tai nạn vì các bài ký của mình như thế nào?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Hồi ở Cà Mau, viết ký đụng vấn đề nông dân bị áp bức, cường hào, cải
tạo nông nghiệp. Có lần bí thư Tỉnh ủy ra lệnh bắt nhưng VKS không ký.
Có cả lần viết báo Văn nghệ trẻ bị thu thẻ nhà báo đến nỗi có ông ở tòa
soạn báo dặn nhau: Thôi, không đăng bài thằng Danh nữa. Nhưng tôi không
thể quay lưng lại với những người khốn khó. Những kẻ chối bỏ, quay lưng
sẽ biến đổi nhân cách.
PV: Vậy trong công việc anh gặp nhiều niềm vui không?
Nhà báo Võ Đắc Danh:
Vui vì nhìn thấy lòng trắc ẩn còn rất nhiều trong xã hội và nhìn thấy
phẩm giá của người bình dân. Tôi viết bà bán bánh chuối ở nhà sách Lê
Lợi. Buôn bán nuôi hai đứa con khùng, đứa xơ gan. Nhà 8m2 - xã hội cả ngàn người như vậy.
Nhưng một chi tiết: một ngày bà đi bán bằng hai cuốc xe ôm 30 ngàn. Có
tối tôi bảo để tôi đưa dì về, con gái tôi nghe chuyện cũng muốn đưa bà
về. Bả từ chối: Tội nghiệp chú xe ôm đang chờ. Dì đâu bỏ chú. Mưa gió
gì người ta cũng đợi mình. Câu chuyện cổ tích trên núi Mồ Côi cũng vậy.
Anh Bông ngoài 40 tuổi cũng chưa lấy vợ, lo cho lũ trẻ mồ côi. Điều
kiện của anh: thà ở giá, còn ai đến với anh phải vì những đứa bé. Nghe
đâu bên Mỹ có cô Việt kiều gửi thư. Cả chục cô rồi, muốn “nhẩy” vào
tham gia chuyện cổ tích. Anh còn đang “úp mở” chưa nói. Bà mẹ sẽ già
đi. Anh Bông có tiếp tục hay không. Việc nuôi nấng, học hành của mười
đứa trẻ trên đỉnh núi ra sao. Cổ tích có hậu người xưa giải quyết bằng
phép màu.
PV: Anh dự định viết tiếp về vấn đề gì?
Nhà báo Võ Đắc Danh: Chắc phải tiếp tục. Tôi ít đọc lại cái đã viết. Nếu không làm cái mới chính tôi sẽ tự chán mình.
PV: Xin cảm ơn anh.