• Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số
62 (1-11-2008)Từ mấy tháng nay, Cộng sản Việt Nam
bỗng lên cơn hăng máu, dậy cơn cuồng nộ ra một loạt bản Cáo trạng nhắm vào
nhiều đối tượng trong nhân dân. Sau đây xin liệt kê vài bản cáo trạng và đối
tượng tiêu biểu:
Đối tượng trước hết là Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, lãnh đạo Công giáo
Hà Nội. Chỉ vì một lời phát biểu trước Ủy ban Nhân dân thành phố sáng ngày
20-09-2008 mà ngay hôm sau, viên Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo liền ra Công văn
số 1370 buộc tội vị lãnh đạo tinh thần đã
“trực tiếp tham gia kích động, lôi
kéo, khuyến khích bằng các bài trả lời phỏng vấn, thư hiệp thông, các văn
bản có nội dung xấu, xuyên tạc sự thật đăng tải trên một số phương tiện
thông tin đại chúng nước ngoài…. Những hành vi nêu trên của ông trong suốt
thời gian qua là có hệ thống, thể hiện rõ hanh vi coi thường pháp luật, chưa
bao giờ từ bỏ ý đồ đòi đất trái pháp luật… Ông đã không thực hiện đúng chức
trách với cương vị là Tổng giám mục… không thực hiện đúng bổn phận của một
công dân… Ông còn phát ngôn miệt thị chính dân tộc, đất nước mình…” Tiếp đấy
là vô số bài vở của những tay bồi bút trên báo Hà Nội Mới, An ninh Thủ đô
vốn cùng sủa vang theo chủ .
Mới đây, ngày 15-10, trong cuộc triệu tập ngoại giao đoàn tại Hà Nội để
thông báo mọi chi tiết liên quan đến vụ việc tại tòa Khâm sứ, xứ Thái Hà,
Nguyễn Thế Thảo cũng lại giở giọng cáo trạng:
“Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt
đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, lợi dụng đức tin và sự thiếu hiểu biết của
một số giáo dân, cố tình vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích quốc gia,
dân tộc và của giáo hội… Vì vậy chính quyền phải quyết định cảnh cáo đối với
ông ta và một số giáo sĩ Nhà thờ Thái Hà; cơ quan công an đã khởi tố vụ án
phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng...”. Đặc biệt Thảo còn phát
biểu: “Kiến nghị không để ông Ngô Quang Kiệt giữ chức vụ Tổng giám mục địa
phận Hà Nội, vì uy tín, tín nhiệm của cá nhân ông Kiệt đối với nhân dân Thủ
đô, thậm chí đối với cả giáo dân đã không còn nữa…” (Sài Gòn Giải Phóng
16-10-2008).
Đối tượng thứ hai là các linh mục và giáo dân tại Giáo xứ Thái Hà. Ngoài
UBND Hà Nội với Công văn số 1407 ngày 22-9-2008, kẻ tuyên cáo trạng lần này
là hai viên tướng công an đang nắm quyền sinh sát tại cái gọi là “thủ đô của
nhân quyền”.
“Chiều 08-09, thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công
an cho biết việc Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam một số
bị can có hành vi quá khích, gây rối, hủy hoại tài sản là biện pháp cần
thiết và đúng pháp luật… Trong vụ việc này cũng đã xuất hiện một số đối
tượng có bài viết đưa lên mạng, nội dung xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt. Hành vi
này là vi phạm pháp luật… Đối với các giáo dân, linh mục do nhận thức chưa
đúng, bị đối tượng xấu kích động, xúi giục, cơ quan chức năng sẽ tăng cường
giáo dục, tuyên truyền để họ có nhận thức đúng đắn…”. Thiếu tướng Nguyễn Đức
Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội, cũng cho hay:
“Riêng việc các linh mục có
mặt tại các địa điểm có đông giáo dân tụ tập, cầu nguyện trái phép hoặc tại
địa điểm có hành vi gây rối, huỷ hoại tài sản thì việc có mặt đó đã là hành
vi xúi giục, kích động…”. (Báo mạng CAND ngày 08-09-2008).
Đối tượng thứ ba là chính các giáo dân Thái Hà với bản cáo trạng dài ngoằng
16 trang do Viện kiểm sát Nhân dân quận Đống Đa viết ngày 24-10, trong đó có
những lời lẽ :
“Khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng được Nhà nước giao cho Công ty
cổ phần may Chiến Thắng quản lý, sử dụng là đúng theo quy định của pháp
luật. Tuy nhiên, nhà thờ Thái Hà và một số giáo dân đã có nhiều hành vi vi
phạm pháp luật gây sức ép với chính quyền nhằm mục đích đòi lại khu đất nói
trên. Các hành vi này kéo dài liên tục từ đầu năm 2008, đặc biệt từ đầu
tháng 8-2008 các hành vi này diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng… Hành
vi trên đây của các bị can [8 giáo dân] đã phạm vào tội gây rối trật tự công
cộng… được quy định ở tiết a khoản 2 điều 245 Bộ luật hình sự… Vì các lẽ
trên, quyết định truy tố các bị can ra trước Tòa án nhân dân quận để xét
xử…”.
Đối tượng thứ tư là hai sĩ quan công an và hai nhà báo trong phiên tòa ngày
14-10-2008 tại Hà Nội với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”
theo điều 258, chuyển từ tội danh
“lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi
thi hành công vụ” theo điều 281 (cho hai nhà báo), và tội danh
“cố ý làm lộ
bí mật công tác” theo điều 286 chuyển từ tội danh
“lợi dụng chức vụ và quyền
hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 (cho hai sĩ quan) vì họ đã
tích cực làm rõ vụ tham nhũng PMU 18 năm 2006. Cả 4 đã bị án từ cảnh cáo đến
2 năm tù giam.
Đối tượng thứ năm là hai ông Lý Tiến Dũng và Đặng Ngọc, Tổng và Phó Biên tập
báo Đại Đoàn Kết, vốn đã bị cảnh cáo và chuyển công tác, nghĩa là bị cách
chức sa thải vào ngày 27-10 vừa qua bởi Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
VN, với lý do “vi phạm luật báo chí”: đăng tham luận của Linh mục Nguyễn
Thiện Cẩm (đòi xóa bỏ bao cấp về chính trị), bài viết của 2 nhà báo Thái Duy
và Hữu Nguyên (bàn đến một số vấn đề bức xúc tại quốc nội) và thư góp ý của
Đại tướng CS Võ Nguyên Giáp (đề nghị không đập bỏ Hội trường Ba Đình).
Cũng phải nói đến một đối tượng thứ sáu là Hòa thượng Thích Quảng Độ với bản
cáo trạng dưới hình thức “điện khẩn” được ông Nguyễn Thế Kỷ, vụ trưởng Vụ
Báo chí-Xuất bản của Ban Tuyên giáo Trung ương đảng CS ký ngày 9-10-2008,
gửi Các cơ quan báo chí nước, có nội dung:
“…Trong trường hợp Thích Quảng Ðộ
được trao giải [Nobel Hòa bình], báo chí ta đăng lời của người phát ngôn Bộ
Ngoại Giao Việt Nam kịch liệt phê phán việc trao giải vừa phi lý, thiếu
thiện chí vừa làm hoen ố một giải thưởng vốn danh giá, hướng thiện. Lên án
những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng của nhà nước để vi phạm pháp
luật, giáo lý nhà Phật, phản dân, hại nước, đi ngược lại ước nguyện hòa
bình, hạnh phúc, tiến bộ của nhân dân Việt Nam. Chuẩn bị sẵn bài viết, phóng
sự, hình ảnh, tư liệu về vấn đề này để đấu tranh. Chú ý phỏng vấn, lấy ý
kiến người dân, ý kiến các bậc chân tu phản đối việc trao giải, lên án Thích
Quảng Ðộ và các thế lực đen tối khác…”
Điều đáng nói là các bản cáo trạng trên -theo nhận định của công luận trong
và ngoài nước- không thực sự tạo ra các bị cáo và phạm nhân mà đã tạo ra các
nạn nhân và anh hùng. Trước nhất là vì các bản cáo trạng đó hoặc (1) hoàn
toàn vi phạm luật pháp, vượt quá quyền hạn, hỗn láo xấc xược (công văn ngày
21-09 và tuyên bố ngày 15-10 của Nguyễn Thế Thảo), hoặc (2) xuyên tạc vu
khống, biến sở hữu chủ thành tên chiếm đoạt, người đấu tranh ôn hòa thành kẻ
xách động bạo hành, cử chỉ hiệp thông thành hành vi xúi giục (lời hăm dọa
của hai viên tướng công an), hoặc (3) biến một hành vi chỉ đáng bị xử phạt
hành chính thành tội phạm phải bị xử lý hình sự (cáo trạng đối với 8 giáo
dân Thái Hà), hoặc (4) bao che phe nhóm và củng cố đảng quyền (hai bảng cáo
trạng đối với báo chí và nhóm công an điều tra tham nhũng), hoặc vu khống
thóa mạ một vị tu hành (điện khẩn).
Thật ra, kẻ đáng bị ra bản cáo trạng nhất chính là đảng CSVN. Và thực sự đã
có ngay những bản cáo trạng nhắm vào đối tượng sừng sỏ này rồi. Trước nhất
là chính lời của Đức TGM Hà Nội:
“Tôn giáo là quyền lợi chứ không phải ân
huệ… Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm
cái hộ chiếu Việt Nam” (bài phát biểu ngày 20-09), rồi lời của Hội đồng
GMVN:
“Phải để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của
họ… Phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là
khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể…
Phải chấm dứt mọi hình thức bạo lực, trong hành động cũng như
trong ngôn từ…” (Bài Quan điểm ngày 25-09).
Trên bình diện quốc tế, đó là lời của Đức Giám mục Thomas G. Wenski, Chủ
tịch Uỷ ban Công lý và Hoà Bình Quốc tế thuộc HĐGM Hoa Kỳ:
“Khi Đức ông
Parolin dẫn đầu phái đoàn Vatican đến VN hồi tháng 6-2008, đã có thảo luận
việc dần dần hoàn trả cho Giáo hội quyền xử dụng những tài sản trước đây đã
bị quốc hữu hoá. Hành động đơn phương vừa rồi của chính phủ VN là trực tiếp
đi ngược lại những điều trước đây đã thỏa thuận... Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã
bị chính quyền điạ phương vu cáo là khuấy động gây bất ổn” (Thư gởi Chủ tịch
HĐGM Việt nam ngày 01-10). Đó là Nghị quyết của Quốc hội Châu Âu ngày
22-10-2008, đòi hỏi CSVN
“trả tự do tức khắc cho mọi cá nhân bị quản chế, tù
đày hay giam giữ vì lý do biểu tỏ ôn hòa chính kiến hay tôn giáo… cho phép
các tổ chức tôn giáo độc lập được quyền sinh hoạt tôn giáo mà không bị chính
quyền can dự… bãi bỏ các luật pháp Việt Nam nhằm kết tội các nhà bất đồng
chính kiến hay các hoạt động tôn giáo… chấm dứt sự kiểm duyệt và kiểm soát
đối với các cơ quan truyền thông quốc gia, kể cả mạng lưới Internet và điện
tử, và cho phép phát hành nhật báo và tập san tư nhân, độc lập”. Đó là Bảng
Xếp hạng tự do báo chí thế giới do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới
(Reporters Sans Frontières) vừa phổ biến ngày 22-10 trong đó Việt Nam đứng
thứ 168/173. Đó cũng là Nghị quyết 1636 của Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu thông
qua ngày 3-10-2008 vừa qua để đề cao vai trò của Truyền Thông trong các nền
Dân Chủ.
Bản cáo trạng đối với đảng CSVN còn được viết bằng máu và nước mắt của hàng
chục triệu đồng bào vô tội kể từ các cuộc Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai
phẩm, Thảm sát Mậu Thân, Xâm lăng miền Nam… đến các cuộc Cải tạo tư sản,
Vượt biển tìm tự do, Giam cầm quân cán chính VNCH, Tước đoạt tài sản tư nhân
và tôn giáo, Đàn áp các công dân đấu tranh đòi lại quyền làm người… Tất cả
đã thành sử liệu, tài liệu, chứng liệu để nhân dân sẵn sàng đưa các tay đồ
tể ra truy tố, như bên Đông Âu đang làm. Tập đoàn lãnh đạo CSVN hãy liệu hồn
đấy!