Thứ Ba, 2024-11-05, 8:44 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 1 » Chính sách không mang gương mặt con người
2:37 PM
Chính sách không mang gương mặt con người
"Đói quay quắt ở rừng U Minh Hạ” và chuyện “thấp bé nhẹ cân” không được lái xe là hai vấn đề rất khác nhau và tưởng như không có gì liên quan tới nhau. Nhưng, về sâu xa, cả hai đều là hệ quả của một quy trình ban hành chính sách. Một quy trình mà ở đó “việc” đã được đặt lên trên yếu tố con người

Hơn 6000 nông dân giữ rừng U Minh Hạ đang “đói quay quắt”, đói “không phải do trời”. Theo báo Tuổi Trẻ, thì đây là những nông dân nhận khoán rừng, nhưng vì, chu kỳ thu lợi của rừng là 13 năm, để có cái ăn hằng năm, họ phải “xen canh” cây lúa. Tuy nhiên, do phải giữ nước để phòng cháy rừng, lúa của những người nông dân này đã bị ngập không sống được.

Yếu tố “xung đột” về lợi ích trong bài toán giữ rừng có vẻ như không phải là câu chuyện riêng tư ở rừng U Minh. Tại một địa phương, khi cán bộ tuyên truyền nói với bà con, phá rừng sẽ làm cho môi trường và con người chết dần. Bà con hiểu và nhất trí với cán bộ. Cán bộ hỏi, “vậy sao vẫn còn phá rừng?”. Bà con nói, “thưa cán bộ, phá rừng thì chết dần, nhưng không phá rừng, không có cái ăn thì vợ con mình chết liền”. Giữ rừng là quyết định của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Nhưng, câu chuyện ở U Minh cho thấy, “chiến lược” sẽ không thể nào đứng được, nếu như khi ban hành chính sách đã không tính đến bữa cơm cho vợ con của những người ở rừng.

Quyết định 33, ngày 30-9-2008 của Bộ Y Tế, trở thành câu chuyện đàm tếu của báo chí trong và ngoài nước. Ngoài những yếu tố hài hước như “ngực lép” hay “thấp bé, nhẹ cân” không được lái xe gắn máy, đây còn là một ví dụ rất điển hình về quy trình ban hành chính sách. Chỉ riêng việc quyền đi lại và làm việc của hàng triệu người dân bị vô hiệu bởi một văn thư cấp Bộ đã cho thấy, không chỉ phải sửa đổi một số nội dung phi lý trong quyết định ấy mà còn phải xem xét lại cả quy trình ban hành nó và thẩm quyền pháp lý của các cơ quan được đưa ra những loại văn bản này.

Theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, được Quốc hội thông qua năm 1996 và sửa đổi năm 2002, thì với những điều luật cần có sự hướng dẫn bởi các thông tư, nghị định thì các cơ quan soạn thảo phải trình ngay các bản dự thảo thông tư, nghị định cho Quốc hội trước khi luật ấy được thông qua. Nhưng, quy định này dường như rất ít khi được chấp hành và hệ lụy của nó là vô cùng to lớn. Nghị định ban hành theo luật lẽ ra chỉ là những văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện những quy phạm được ban hành trong luật và các thông tư (của các bộ) chỉ hướng dẫn thêm một vài thủ tục. Nhưng, trong lịch sử ban hành các văn bản quy phạm đã có không ít lần, chính những quy định trong các thông tư, nghị định mới thực sự là “luật” chứ không phải là những “luật khung” mà Quốc hội thông qua. Thậm chí, có những văn thư cấp bộ đã đụng chạm tới những quyền căn bản như quyền tự do đi lại, tự do cư trú… được minh định trong Hiến pháp.

Vì sao, Quyết định 33 đã được dự thảo tới 11 lần, được hỏi ý kiến các bộ ngành và 64 tỉnh thành nhưng chỉ khi nó được công bố, Bộ Y tế mới nhận ra rằng “không hợp”. Không chỉ vì các kiến thức về sức khỏe, Quyết định 33 đụng chạm tới “quyền” đi xe gắn máy của hàng triệu con người. Quyền lợi của hàng triệu con người ấy không thể chỉ được quyết định thông qua thủ tục của một văn thư hành chánh. Nó phải được đưa ra bàn thảo dựa trên những quyền căn bản của Hiến pháp hiện hành.

Nếu như Quyết định 33 được ban hành theo đúng quy trình ban hành một đạo luật, thì một trong các tác giả của nó, Cục phó Cục Quản lý Khám và Chữa bệnh Trần Quý Tường đã không phải “phỏng đoán”: Đối tượng đó (những người ngực lép, thấp bé) không nhiều (Pháp Luật TP HCM), mà phải khảo sát để cho thấy thực sự con số đó là bao nhiêu. (Dựa trên số liệu nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, sẽ có khoảng 270 nghìn nam và 5 triệu nữ sẽ không đủ tiêu chuẩn đi xe máy nếu áp dụng những quy định đó). Nếu như, làm đúng quy trình phân tích chính sách, Bộ Y tế sẽ nhận thấy, các dữ liệu thống kê không ghi nhận tình trạng tai nạn giao thông xảy ra do “thấp bé, nhẹ cân” lên tới mức phải điều chỉnh bằng cách tước quyền đi xe của họ. Nếu Quyết định 33 được nhận thức đúng là một đạo luật thì khi dự thảo, nó đã phải được để cho nhân dân tham gia ý kiến chứ không phải đợi đến sau khi “ký”, một vị Thứ trưởng Bộ Y tế mới “lẫy”: nếu “không hợp lòng dân thì thôi”.

Những người đã từng đi thi lấy bằng lái xe ở nhiều nước phát triển sẽ thấy, thí sinh không phải đi khám bác sỹ mà chỉ được phát một tờ khai về sức khỏe, cơ quan cấp bằng sẽ có một kiểm tra nhỏ về mắt để xem người sắp có bằng lái ấy có khả năng nhìn thấy các biển chỉ đường. Trong khi đó, một người Việt Nam khi đi thi hoặc đổi bằng lái xe (nếu QĐ 33 có hiệu lực- theo Tuổi Trẻ) phải lấy được “Giấy chứng nhận sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới” do Bộ Y tế hướng dẫn gồm 40 trang giấy với 20 chữ ký. Không phải ở các nước phát triển người ta không coi trọng vấn đề an toàn giao thông như ta, mà ở đó, họ căn cứ những cơ sở dữ liệu được điều tra phân tích, để chỉ yêu cầu người dân làm những điều cần thiết, thay vì làm những gì được nghĩ ra từ các quan chức ngồi quá lâu trong các văn phòng.

Bảo vệ an toàn giao thông hay bảo vệ rừng đều nhằm bảo vệ cho con người một môi trường sống tốt. Không thể vì an toàn thuần túy để ra những quy định phi lý, cũng như, không thể vì rừng mà để đói cho dân. Luật hay chính sách không chỉ nhằm giải quyết “việc”, nó phải vươn tới một điều lớn hơn là phục vụ con người.

Huy Đức

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 791 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 527
Khách: 527
Thành Viên: 0