Ngô Nhân Dụng
Ở nước Mỹ này, khi kinh tế suy sụp thì ông tổng thống lo bị dân chán
ghét (79%) và đảng của ông cũng bị vạ lây, đại biểu Quốc Hội lo mất ghế
và ứng cử viên tổng thống chật vật khi tranh cử. Ở nước Việt Nam thì
khác. Lạm phát lên 25% tới 30%, nông dân ở Cà Mau bữa rau bữa cháo.
Nhưng đảng cầm quyền chỉ lo bỏ tù nhà báo nay, cất chức nhà báo khác,
Quốc Hội họp gật lấy gật để. Ông thủ tướng thong dong sang Trung Quốc
rồi ông quốc trưởng sang Nga với cả một phái đoàn rình rang.
Chuyện bất ngờ trong chuyến đi Nga là ông Nguyễn Minh Triết đã hứa với
Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev sẽ đem tiền đầu tư ở nước Nga, một tỷ
rưỡi Mỹ kim, để lập nhà máy chế tạo phân bón ở Kalmykia, bên bờ biển
Caspian! Dân chúng vùng U Minh Hạ chắc ngạc nhiên hơn cả.Tại một miền
nổi tiếng “trên cơm dưới cá” mà có bà mẹ 60 tuổi phải than với phóng
viên báo Tuổi Trẻ: “Bữa nào ăn cháo đêm ngủ không được, nằm nuốt nước
miếng tới sáng...! Xóm này nhà nào cũng phải ăn cháo!” Một em bé 8 tuổi
năn nỉ mẹ đừng bắt ăn cháo nữa, người cha bật khóc, “Tôi thấy nhục quá,
làm cha mà phải cho con ăn cháo trừ cơm!” Một người cha 63 tuổi nói
thẳng: “Ðói là do người chớ không phải do trời...! Nước ngập thế này mà
không cho xả thì lúa nào sống nổi!” Coi bộ ông Nguyễn Minh Triết không
được đọc những bài báo đó, nếu ông đọc thì mấy ký giả khác có thể bị
mất việc!
Nhưng không hiểu tại sao mấy ổng lại tính chuyện đem hàng tỉ Mỹ kim
sang làm nhà máy phân bón ở Nga, để khai thác hơi đốt thiên nhiên trong
biển Caspian trong khi nước mình cũng có bao nhiêu mỏ hơi đốt?
Trong các hợp đồng ký kết ở Nga lần này còn có việc hứa hẹn hợp tác với
công ty RUSAL của Nga để lập một nhà máy ở Bình Phước, khai thác những
mỏ bô xít (bauxite) ở vùng này, ước tính có 700 ngàn tấn bô xít. Việt
Nam là nước có số bô xít lớn hàng thứ ba trên thế giới còn nằm dưới
đất. Theo bản văn ghi nhận việc hợp tác thì đến năm 2012 công việc xây
dựng mới bắt đầu. Trong khi đó thì nhà máy phân bón ở Kalmykia sang năm
bắt đầu xây rồi. Tại sao tiền Việt Nam chạy sang Nga thì nhanh như vậy,
trong khi tiền Nga đem qua Việt Nam lại chậm chạp? Người Việt Nam tính
hay nghi ngờ, bàn nhau rằng Nga là một cửa ngõ để các nhà tư bản đỏ
chuyển tiền, đem một tỷ rưỡi Mỹ kim qua đó sẽ giúp công tác rửa tiền dễ
dàng và sạch sẽ hơn! Và việc rửa tiền cũng cấp bách hơn việc khai mỏ bô
xít!
Nhưng liệu sang năm 2012 tiền Nga sẽ sang tới nước ta hay chưa? Cái đó
còn tùy họ có tiền sẵn sàng hay không. Nếu biết tình trạng tài chánh
của công ty này thì có thể nghi ngờ là còn lâu họ mới sẵn sàng!
Công ty United Company Rusal của nhà tỷ phú Oleg Deripaska, mà chính
ông tỷ phú này lại đang gặp khó khăn vì nợ như chúa Chổm. Bữa Thứ Năm
vừa qua chính phủ Nga đã phải bỏ ra 8 tỷ Mỹ kim cứu ông Oleg Deripaska,
người giầu nhất nước Nga hiện nay và một đồng minh của Thủ Tướng
Vladimir Putin. Ðó là sau khi chính phủ Putin đã đem 2 tỷ đô la cứu một
nhà tỷ phú khác, Mikhail Fridman. Chính phủ Nga đang dành thêm 50 tỷ đô
la làm công việc cứu trợ các công ty và ngân hàng gặp nạn. Chính phủ
không những cho các ngân hàng vay mà còn đem tiền mặt tới cung cấp cho
các máy rút tiền ATM của các ngân hàng nữa! Từ mấy tháng nay, chính phủ
Nga đã dành 200 tỷ đô la để cứu các công ty và ngân hàng lâm nạn. Con
số đó bằng 13% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa, trong khi chính phủ Mỹ bỏ ra 700
tỷ cũng chỉ lớn bằng 5% GDP nước Mỹ. Cơn hoạn nạn tài chánh ở Nga khác
bên Mỹ, nhưng vẫn là mối đe dọa trên nền kinh tế, sau một thời kỳ thịnh
vượng rất mong manh vì không dựa trên những nền tảng vững chắc.
Ông Vladimir Putin gặp may mắn lên cầm quyền lúc kinh tế Nga đã xuống
đến điểm thấp nhất, và những chính sách của chính phủ cũ của ông
Yeltsin bắt đầu đem lại kết quả ổn định. Trong 8 năm làm tổng thống ông
Putin được hưởng lộc nhờ giá dầu lửa lên cao vọt, mà đó là món hàng
xuất cảng lớn nhất của Nga. Quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga nhờ thế mà tăng
lên, Tháng Tám năm 2008 đã lên tới 597 tỷ Mỹ kim, lớn hàng thứ ba trên
thế giới. Nhưng từ mấy tháng nay nhiều người Nga đã chuyển tiền ra nước
ngoài vì không tin tưởng vào nền kinh tế xứ họ, sau vụ ông Putin tấn
công Georgia. Ðồng Rúp xuống giá vì người Nga cũng lo chuyển tiền ra
nước ngoài. Quỹ ngoại tệ của chính phủ Nga đã giảm xuống chỉ còn 516 tỷ
vào ngày 17 Tháng Mười vừa qua. Riêng trong tuần trước, quỹ dự trữ
ngoại tệ đã giảm bớt 31 tỷ, cuối tuần này xuống còn 484 tỷ. Trong khi
đó thì chính phủ phải lo bỏ thêm tiền cứu giúp các công ty và ngân hàng
và giữ giá trị cho đồng “rúp.” Ngân Hàng Trung Ương Nga đã chi 13 tỷ Mỹ
kim để mua đồng rúp trên thị trường để không cho tiền tụt giá. Người ta
lo rằng với đà chi tiêu hiện nay của chính phủ Nga quỹ dự trữ ngoại tệ
có thể cạn trong vòng 18 tháng.
Chính phủ Nga đổ lỗi cho các ngân hàng Mỹ gây nên cuộc khủng hoảng tài chánh khiến nước Nga bị vạ lây.
Nhưng các ngân hàng Mỹ không làm gì để cho thị trường chứng khoán Nga
tụt giảm, giá trị đã mất 70% từ đầu năm tới nay. Trong hai Tháng Chín
và Mười, chính phủ phải đóng cửa thị trường chứng khoán 15 lần để chờ
đem công quỹ ra cứu! Vì số người Nga mua cổ phần còn ít, nên khi giá cổ
phiếu xuống chỉ các đại tài chủ bị mất tiền và khi chính phủ cứu là cứu
những người giầu nhất nước. Các tỷ phú ở Việt Nam đã mất tiền vì thị
trường chứng khoán xuống, con số mất khoảng một tỷ Mỹ kim; nhưng ở Nga
họ còn mất nhiều hơn nữa. Vì giá cổ phiếu các công ty giảm, các đại tài
chủ Nga đã mất 230 tỷ Mỹ kim, trong số 300 tỷ mà họ làm chủ khi thị
trường lên cao nhất. Giá dầu lửa tụt từ hơn 140 đô la hồi Tháng Bẩy
xuống 65 đô la một thùng bây giờ càng làm cho triển vọng kinh tế Nga
xuống thấp. Người ta đã tính nếu mỗi thùng dầu thô tụt giá một đô la
thì tiền thu nhờ xuất cảng của Nga sẽ mất 3 tỷ đô la. Khi giá dầu lên,
các nhà đầu tư ngoại quốc đem tiền tới nước Nga giúp thúc đẩy con số
Tổng Sản Lượng Nội Ðịa tăng trung bình 7% một năm suốt thời gian ông
Putin làm tổng thống. Nhưng khi thấy tình hình xuống thấp, họ cũng rút
bớt tiền ra. Người dân Nga cũng biết lo. Trong Tháng Chín họ rút bớt 4%
số tiền gửi ngân hàng vì không còn tin tưởng nữa. Có người đến rút một
triệu rúp một lúc (37 ngàn Mỹ kim), nhét vô cặp sách về nhà cất! Nhiều
người dùng Internet để chuyển tiền từ ngân hàng tư sang ngân hàng chính
phủ. Dân Nga đã đổi tiền Rúp sang ngoại tệ, tổng cộng 3 tỷ rưỡi đô la.
Các ngân hàng tư đã mất 30% số tiền ký thác vì bị rút ra. Ðã có mười
ngân hàng sụp đổ.
Chính sách bành trướng và đe dọa các nước lân bang của ông Putin là một
lý do khiến giới đầu tư quốc tế lo ngại muốn rút tiền ra. Nhưng các nhà
tư bản thường họ nghĩ đến tiền nhiều hơn đến chính trị đối ngoại của
nước Nga. Ðiều mà người ta lo ngại là cả nền kinh tế Nga dựa trên những
nền tảng rất mong manh, rất dễ sụp đổ.
Ba món xuất cảng của Nga đem lại 80% ngoại tệ là kim loại, dầu khí, và
thực phẩm. Từ năm 2000 lúc ông Putin mới lên cho đến năm 2007, giá kim
loại tăng 275% sau khi tính trừ ảnh hưởng của lạm phát. Giá dầu khí
tăng 210%, và thực phẩm tăng 160%. Tiền vào như nước, nhưng chính phủ
Putin không có những chính sách phát triển các ngành khác ngoài ba lãnh
vực trên để phân tản tài sản ra nhiều ngành sản xuất khác nhau. Một
thiếu sót lớn nhất của chính phủ Putin trong 8 năm qua là không đầu tư
đủ vào giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với nền kinh tế
mới. Khi được phỏng vấn đa số thanh niên Nga tỏ ý thích làm công chức
hơn là làm cho doanh nghiệp, điều đó cho thấy một hình ảnh của tương
lai.
Kể từ Tháng Bẩy năm 2008, giá các món hàng xuất cảng bắt đầu xuống. Nói
chung, giá của các loại nông sản và khoáng sản đã giảm bớt 20% trên thị
trường thế giới. Các đại tài chủ Nga dựng lên cơ nghiệp; chính phủ Nga
được thặng dư ngân sách, quỹ dự trữ ngoại tệ dồi dào đều nhờ khai thác
những tài nguyên thiên nhiên như kim loại, dầu khí. Nay thời vận xuống,
người dân tiêu thụ cũng bị ảnh hưởng. Công ty bán lẻ và siêu thị X5 lớn
nhất nước Nga đang cắt giảm nhân viên 30%. Cửa hàng GK Viktoria số bán
giảm bớt 10%. Các công trình xây cất đang ngưng lại. Một số các văn
phòng du lịch Nga đã ngưng trả tiền các công ty hàng không quốc tế vì
thiếu tiền!
Nhưng tai nạn tài chánh ở Nga hiện nay là do chính họ tạo ra, cũng vì
một lý do quen thuộc là vay nợ nhiều quá, nhất là vay nợ từ ngoại quốc
- không khác gì tình trạng những năm 1997-98 ở Thái Lan, Malaysia và
chính nước Nga. Nền tài chánh Anh, Mỹ lâm nạn vì các ngân hàng “sa ngã”
đầu tư vào các loại chứng khoán mới và quá rủi ro. Còn ở Nga thì các
đại tài chủ đã vay nợ quá nhiều nhưng dùng để mua cổ phần các công ty
trong nước cũng như nước ngoài. Hiện nay các công ty và ngân hàng Nga
đang mắc nợ nước ngoài khoảng 450 tỷ Mỹ kim, và trong hai tháng cuối
năm 2008 này phải trả 50 tỷ đáo hạn.
Một trường hợp điển hình là ông Oleg Deripaska, năm nay mới 40 tuổi.
Ông làm chủ một du thuyền loại sang nhất thế giới thả neo ở Ðịa Trung
Hải. Nhưng công ty UC Rusal của ông nợ đầy mình. Ông vay các ngân hàng,
trong đó có Royal Bank of Scotland bên Anh, còn đang nợ 4.5 tỷ đô la,
để mua một phần tư số cổ phần của công ty Norilsk, khai thác số mỏ kền
(nickel) lớn nhất thế giới. Khi vay, ông đặt các cổ phần của Norilsk
làm thế chấp. Bây giờ giá những cổ phần thế chấp đó tụt xuống quá thấp
so với số nợ. Công ty UC Rusal sẽ phải bù tiền vào để cho cân bằng, tức
là phải trả bớt một số nợ, hoặc phải được các ngân hàng chủ nợ ký giấy
“miễn chấp” vào ngày hôm qua, 31 Tháng Mười năm 2008. Nếu không, các
ngân hàng chủ nợ sẽ trở thành chủ nhân của các cổ phần trong công ty
Norilsk!
Những món nợ 4.5 tỷ trên chỉ là một phần nhỏ trong cơn khốn đốn của ông
Deripaska. Ông đã phải bán nhiều cổ phần ở các công ty tại Canada, và
Âu Châu vì nợ không trả được! Ðại công ty Rusal có thể sẽ bị xé lẻ
trong vài năm nữa!
Chính phủ Nga cứu ông Deripaska một lần này vì không muốn những cổ phần
của Norilsk, một công ty kim loại lớn nhất nước lọt vào tay kiểm soát
của các ngân hàng ngoại quốc! Chính vì thế, họ phải đưa tiền cho một
ngân hàng quốc doanh Vnesheconombank (VEB) cho Rusal vay trả nợ! Nhưng
từ đây, chính ngân hàng VEB, tức là chính phủ Nga sẽ thành chủ nhân các
cổ phần này! Hồi đầu thập niên 1990, nhiều đại tài chủ đã cho chính phủ
Nga vay, đến khi chính phủ Nga không có tiền tar, đã đem cổ phần các xí
nghiệp quốc doanh gán để gán trả nợ. Nay là cảnh tượng ngược lại: chính
phủ cho các đại tài chủ vay, và nhờ thế sẽ quốc hữu hóa một phần các xí
nghiệp trở lại!
Ðó là tình cảnh kinh tế tài chánh nước Nga khi ông Nguyễn Minh Triết
sang Mát Cơ Va thương thuyết các hợp đồng thương mại! Nhìn vào tình
trạng khốn đốn của ông Oleg Deripaska và công ty UC Rusal của ông,
không biết bao giờ các nhà máy khai thác bô xít ở Bình Phước mới bắt
đầu được xây cất!
Trong khi đó thì những người dân ở vùng U Minh Hạ vẫn bữa rau bữa cháo!
Ở những nước tự do dân chủ thì một chính phủ để cho dân chịu đói như
vậy đã phải từ chức từ lâu rồi! Nhưng ở một nước độc tài đảng trị thì
người dân chỉ biết khóc, như ông Nguyễn Thanh Toàn ở Cà Mau đã khóc khi
bắt con ăn cháo: “Tôi thấy nhục quá!”
Những ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và quý vị trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam không biết nhục là cái gì cả.
Nguồn: Người Việt Online
...
Thứ Tư, 29/10/2008, 04:01 (GMT+7)
Đói quay quắt giữa miền U Minh Hạ
|
Tiếng là “trên cơm dưới cá” nhưng cả tuần nay cậu bé này chưa có bữa cơm nào đúng nghĩa -Ảnh: Đặng Đại |
TT
- Không ai ngờ giữa miền U Minh Hạ lừng danh “trên cơm dưới cá” mà lại
đói! Không chỉ đói mà là đói quay quắt. Những ngày này, mười nhà thì
hết hai, ba nhà ăn cháo cầm hơi, lay lắt qua ngày.
Trên cánh đồng láng nước thuộc các ấp 10 và 11 của xã
Nguyễn Phích (huyện U Minh, Cà Mau), cái đói đang len vào từng ngõ
ngách. Bà Sáu Thành - 60 tuổi - than với mấy chị em láng giềng rằng
“hình như mình già rồi nên không thể chịu nổi những bữa rau cháo thay
cơm như mấy năm trước. Bữa nào ăn cháo, ban đêm xót ruột ngủ không
được, nằm nuốt nước miếng tới sáng”.
Ăn cháo cầm hơi
Vì sao phải ăn cháo? Bà Sáu ủ ê: “Thì ai cũng khổ nên
mượn gạo không ra. Còn một nắm gạo, nấu cơm ai ăn ai nhịn? Nên nấu cháo
để cả nhà cùng ăn. Quanh xóm này, nhà Sơn, nhà Tấn, nhà Toàn... đều ăn
cháo thay cơm hết”.
Chị Trần Thị Phương, vợ anh Nguyễn Thanh Toàn, buồn
bã: “Nghèo tới mức ăn cháo nói ra quá nhục, nhưng gần như cả xóm đều
vậy nên tôi cũng chẳng ngại gì. Từ khi ruộng lúa bị ngập hết trong
nước, hơn một tuần nay nhà tôi ăn cháo bốn lần. Chiều nay chỉ còn một
lon gạo, lại nấu cháo nữa thôi...”.
Ba đứa con của chị ngồi quanh mẹ, mắt buồn rượi. Đứa
con gái út 8 tuổi, tên Nguyễn Thị Gọn, lay chân mẹ nài nỉ nấu cơm nhão,
đừng nấu cháo. Chị vỗ đầu con gái nói “có khách, chút mẹ tính cho”. Hai
hôm trước, con bé đã đề nghị như vậy và được mẹ đáp ứng. Nó ăn no một
bữa đến cành hông.
|
Căn nhà của chị Lê Thị Hương. Hai bé gái con chị đã ăn cháo từ mấy ngày qua -Ảnh: Đặng Đại |
Nghe
vợ kể chuyện các con phải ăn cháo thay cơm, anh Toàn không giấu được
nỗi thống khổ của người chồng, người cha. Anh kể rằng ngày về đây nhận
đất làm ruộng, anh mang theo trên 3 triệu đồng, một con heo và chiếc
xuồng máy đuôi tôm. Tất cả đã trôi theo những mùa ruộng thất bát. Chẳng
những vậy mà hiện anh còn mang món nợ trên 6 triệu đồng là tiền vay
mượn để làm ruộng và bù cái ăn trong những tháng thiếu đói. “Làm cha mà
để con phải ăn cháo trừ cơm, tôi thiệt nhục!” - anh òa khóc.
Khắp những xóm làng chúng tôi đi qua, người ta nói
toàn về chuyện đói. Đói tới độ đứa con gái 4 tuổi của chị Lê Thị Hồng
Riêng toát mồ hôi, xỉu. May vừa lúc có bà ngoại ghé thăm, thấy vậy chạy
mua gói mì, “nấu cho ăn xong là nó tỉnh”. Nhà chị còn được vài lon gạo
vì “vừa rồi bán được con chó 200.000 đồng”.
Anh Bùi Minh Phụng, chủ tiệm tạp hóa ở ấp, than: “Cuốn
sổ nợ tui thay liên tục vì đầy. Mấy năm trước còn bán được, càng về sau
người ta càng khổ. Mua thiếu mua chịu nhiều nhất là gạo. Có người chỉ
mua món hàng 1.000-2.000 đồng cũng thiếu”. Có người vì thiếu vài giạ
gạo mà bỏ xứ đi luôn. Cô vợ anh, chị Võ Ngọc Kiệp, chỉ thằng con 4
tuổi: “Có người mua nợ tui lúc mang bầu thằng này giờ vẫn chưa trả nổi
dù chỉ vài trăm bạc”.
Xung đột lúa - rừng
Ông Tô Văn Vĩnh - 63 tuổi - ấm ức: “Đói là do người
chớ không phải do trời”. Ông dắt chúng tôi băng qua cánh đồng ngập nước
tới bẹn, lơ thơ những bụi lúa vàng choét, rồi hỏi: “Nước ngập vầy mà
không cho xả thì lúa nào sống nổi?”.
Không thể xả nước vì một lẽ: giữ nước để phòng cháy
rừng. Ông Trần Văn Sử, giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết
công ty đang quản lý 29.000ha đất rừng, toàn bộ diện tích này đều được
quây kín bằng những con kênh chứa đầy nước. Vì làm nhiệm vụ giữ rừng
nên lâm trường không dám để thiếu nước. Mà giữ nước thì làm lúa úng
ngập. Nhưng để cứu rừng thì làm sao cứu được người (đói)? Ông Sử chua
chát: chịu! Ông Sáu Vĩnh than: “Mỗi lần xuống mạ đều phải cấy tới cấy
lui vài ba bận cây lúa mới sống nổi vì lúc nào cũng bị ngập sâu. Lắm
lúc gần tới mùa gặt thì trời mưa to, lúa ngập lút luôn, coi như trắng
tay. Vậy hỏi làm sao không đói?”.
|
Nghèo đến độ ngày giỗ sơ sài thế này đây! -Ảnh: Đặng Đại
|
Bữa cơm ngày giỗ
Hôm
chúng tôi đến, nhà anh Lê Văn Thông có đám giỗ. Đó là giỗ nhị tuần ông
Lê Văn Tám - cha anh Thông, một người có công trong kháng chiến - vừa
qua đời hai tuần. Bữa giỗ có một tô củ cải, một đĩa thịt vịt và một tô
canh bí xanh. Mấy đứa con anh Thông lấp ló sau bếp. Lâu lắm rồi chúng
mới ngửi mùi thịt xào thơm phức.
|
Đói
nên người dân bất chấp, họ kéo nhau đi phá đập. Ở ấp 20, anh Đàm Văn
Nguyễn chỉ một đoạn kênh bị phá, cho biết người dân ban ngày ra đắp đập
giữ nước cho lâm trường nhưng đêm lại phá ra. Ông Nguyễn Hoàng Gắt, chủ
tịch xã Nguyễn Phích, cho biết: “ở xã này, các con đập từ số 1 đến số 7
đang bị phá. Hiện xã đang chỉ đạo các ấp cố gắng giữ đập. Chỉ đạo là
vậy nhưng chắc giữ không nổi, bởi dân không sống nổi thì họ phá đập,
không làm sao cản”.
Lối ra nào cho người dân?
Ba ngày ở U Minh Hạ, ở với nhiều nhà dân, lần đầu tiên
tôi thấy có đĩa thịt trong bữa ăn là nhờ nhằm ngày giỗ kỵ ở nhà anh Lê
Văn Thông. Còn lại, bữa ăn chỉ có vài con cá nhỏ trong lõng bõng nước.
Nhưng việc chứng kiến một bữa ăn, điều rất bình thường, cũng là hiếm
hoi. Vào giờ cơm trưa, chúng tôi ghé vào hàng chục căn nhà, tuyệt không
nhà nào nổi lửa. Những cái lò trên bếp lạnh tanh. Những xoong nồi úp
chỏng chơ, còn rổ rá được treo rất ngăn nắp như lâu lắm rồi chưa được
dùng.
Ở vùng Bảy Kinh, chúng tôi ghé vào nhà anh Phạm Văn
Hải. Cô con gái đầu Phạm Thùy Trang - 15 tuổi, rất xinh nhưng suốt cuộc
gặp chưa bao giờ nở nụ cười. Anh Hải bảo Trang học rất giỏi nhưng nhà
nghèo quá, mẹ lại bệnh nên đã nghỉ học từ lớp 5. Em Trang, Phạm Chí
Nguyện, cũng vừa nghỉ học. Cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào vận
may của người cha đi đặt lọp bắt cá, bắt rắn mỗi đêm. “Có hôm trúng
được năm, bảy chục ngàn. Cũng khó khi không được đồng nào”.
Vậy còn tiền giữ rừng, trồng rừng, khai thác rừng?
Những người dân U Minh Hạ giận dữ: không thể đủ sống. Rừng ở đây được
giao cho dân theo tỉ lệ ăn chia, nôm na lâm trường là ông chủ, dân làm
và nộp thuế. Ông Trần Văn Sử cho biết: cứ 1ha rừng tốt người dân có thể
khai thác được 15 triệu đồng/chu kỳ 13 năm, nhưng người dân không đồng
tình: rừng lâm trường giao là rừng nghèo kiệt, chỉ làm ra 5-6 triệu
đồng/ha/chu kỳ. Mỗi gia đình được giao bình quân 3ha rừng, 13 năm mới
thu được khoảng 15 triệu, tính ra một năm được... 1 triệu! “Sống sao
nổi?” - ông Nguyễn Ngọc Bá (ở kênh số 10) nói.
Vậy thì lối ra nào đây? Ông “chủ rừng” Trần Văn Sử bức
xúc: phải tách lúa ra khỏi rừng để người dân được tự quyền canh tác,
không bị ảnh hưởng bởi nước giữ rừng. Đó cũng là nội dung của “Đề án tổ
chức lại sản xuất và bố trí lại dân cư khu vực rừng tràm tỉnh Cà Mau”
đang được tỉnh này xúc tiến triển khai.
Ông Trần Văn Thức, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát
triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Chúng tôi đã thấy được nỗi khổ
của nông dân khi bị bó buộc trong những cơ chế quản lý bảo vệ rừng tràm
U Minh Hạ. Đề án tổ chức lại sản xuất và bố trí lại dân cư sẽ giải
quyết được bế tắc trên. Mục tiêu cơ bản của đề án là trao quyền độc lập
sản xuất, không bị chi phối bởi cơ chế giữ rừng cho khoảng 6.000 hộ dân
dưới tán rừng U Minh Hạ hiện nay”.
Ông cho biết thêm kinh phí thực hiện đề án lên đến 482
tỉ đồng và được thực hiện từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn
đang là đề án, nằm trên giấy. Đề án trên cũng chỉ mới nghe chứ người
dân chưa được thấy, được biết. Nhưng cái mà ở đây ai cũng thấy, cũng
biết là đói hằng ngày, hằng tháng.
ĐẶNG PHƯƠNG - TRẦN VŨ
Nguồn: Tuổi Trẻ
|