Thứ Bảy, 2025-01-11, 8:10 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 2 » Qui tắc Sáng kiến mạng toàn cầu
5:59 AM
Qui tắc Sáng kiến mạng toàn cầu
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008-11-01

Những quốc gia kiểm duyệt internet gắt gao trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, từ nay, sẽ không dễ yêu cầu các nhà cung cấp như Google, Yahoo, hay Microsoft giao nộp thông tin cá nhân của người truy cập mạng, theo tinh thần bản quy tắc mang tên “Sáng Kiến Mạng Toàn Cầu” vừa được công bố.

AFP PHOTO

Công an Việt Nam theo dõi thông tin trong một quán cho thuê internet ở Hà Nội.

Sáng kiến này do những tổ chức nhân quyền, những nhà nghiên cứu, và các tập đoàn cung cấp internet hàng đầu trên thế giới hợp tác soạn thảo.

Nội dung và cách thực thi bản quy tắc ra sao? Trà Mi có cuộc trao đổi với cô Cynthia Wong, thuộc Trung Tâm Dân Chủ và Kỹ Thuật, một trong những cơ quan có vai trò chính yếu trong việc lập ra bản quy tắc này.

Về nguyên nhân của Sáng Kiến này, cô Cynthia Wong cho biết:

Cynthia Wong: Các nhà cung cấp internet trên thế giới đang đối mặt trước áp lực ngày càng cao từ các chính phủ yêu cầu họ phải hỗ trợ công tác kiểm duyệt thông tin, vi phạm quyền riêng tư và quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân, khiến các công ty này phải tìm cách đối phó để bảo vệ quyền của người sử dụng net, hay nói cách khác là bảo vệ nhân quyền.

Vì vậy, họ đã quyết định phối hợp với các tổ chức nhân quyền, những nhà nghiên cứu, và những công ty kỹ thuật hàng đầu đưa ra bản quy tắc mang tên “Sáng Kiến Mạng Toàn Cầu” hầu tiến tới những giải pháp hữu hiệu hơn cho vấn đề. Hiện tại có ba công ty internet tiên phong tham gia vào Sáng Kiến này, đó là Yahoo, Google, và Microsoft. Chúng tôi hiện đang kêu gọi nhiều công ty khác nữa.

Quyền của người sử dụng internet

Trà Mi: Thưa cô có thể cho biết những điểm chính yếu được nhấn mạnh trong bản quy tắc này là gì?

Cynthia Wong: Một trong những điều quan trọng mà chúng tôi cố gắng hướng tới là bản Sáng Kiến này đã tạo ra một phương pháp hệ thống hóa giúp các nhà cung cấp internet đánh giá những rủi ro cho chính công ty của họ cũng như cho người sử dụng net trong thị trường mà họ đang hoạt động hay tại một thị trường mới mà họ sắp bước vào khai thác. Qua đó, họ có thể tìm cách giảm thiểu những ảnh hưởng đối với tình hình nhân quyền trước khi các vi phạm thật sự xảy ra.

Các nhà cung cấp internet trên thế giới đang đối mặt trước áp lực ngày càng cao từ các chính phủ yêu cầu họ phải hỗ trợ công tác kiểm duyệt thông tin, vi phạm quyền riêng tư và quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân, khiến các công ty này phải tìm cách đối phó để bảo vệ quyền của người sử dụng net, hay nói cách khác là bảo vệ nhân quyền.

Cô Cynthia Wong

Một ví dụ để dễ hiểu, các tập đoàn internet tham gia cam kết trong bản quy tắc này sẽ phải thực hiện các cuộc điều tra-đánh giá những tác động đối với tình hình nhân quyền tại một quốc gia trước khi chính thức bước vào kinh doanh ở thị trường đó để nhận rõ những nguy cơ và nghiên cứu khả năng đối phó, giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, họ cũng sẽ tiến hành các hoạt động đào tạo và phối hợp hành động với các tổ chức thuộc Sáng Kiến để thúc đẩy những chính sách bảo vệ nhân quyền tốt hơn.

Trà Mi: Theo bản quy tắc, trong trường hợp nào và lúc nào thì các công ty internet đựơc phép chia sẻ những thông tin cá nhân của người truy cập mạng nếu đựơc yêu cầu?

Cynthia Wong: Theo tôi điểm mạnh của Sáng Kiến này chính là tính chất cộng tác của nó. Ngay trước khi xuất hiện những yêu cầu vi phạm nhân quyền như thế, đã có các hoạt động giúp nhà cung cấp internet có thể nhận định tình hình, và khi nhận yêu cầu từ các chính phủ, những công ty internet sẽ bàn luận, tham khảo với các thành phần thuộc Sáng Kiến để tìm ra giải pháp đối phó tương ứng.

Dĩ nhiên không ai khác hơn là các chính phủ mới là nhân tố chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ nhân quyền của cư dân mạng, nhưng giờ đây sẽ có những cơ chế rõ ràng giúp các công ty internet đối phó với tình trạng xâm phạm nhân quyền.

Trà Mi: Thế nhưng bản quy tắc có quy định cấm cụ thể đối với cách hành xử hay các dịch vụ của những công ty internet hay không, thưa cô?

Cynthia Wong: Không, bản quy tắc này mang tính linh hoạt vì dự kiến sẽ được áp dụng toàn cầu và trong môi trường kỹ thuật rộng lớn. Vì bản chất phức tạp của những thử thách mà các công ty internet đang phải đối đầu, tiến bộ kỹ thuật, chính sách của các quốc gia, cũng như tình hình thế giới không ngừng biến đổi, nên khó quy định lằn ranh rõ ràng đúng sai, và đưa ra những điều được phép hay không được phép. Điều chúng tôi đang nỗ lực là tạo ra các phương pháp linh động và hệ thống hơn cho các công ty internet dễ dàng ứng phó với áp lực từ các quốc gia độc tài.

Trung tâm Dân Chủ và Kỹ Thuật

Trà Mi: Trung tâm Dân Chủ và Kỹ Thuật có vai trò như thế nào trong việc khiến các công ty internet phải tuân thủ các điều đã nêu ra trong bản quy tắc?

Cynthia Wong: Trung tâm Dân Chủ và Kỹ Thuật có vai trò tạo điều kiện, giúp đỡ tất cả các bên tham gia trong “Sáng Kiến Mạng Toàn Cầu” bao gồm các tổ chức NGO bảo vệ nhân quyền, những nhà nghiên cứu, các công ty kỹ thuật, các công ty internet cùng ngồi lại bàn thảo với nhau, cũng như mở đường cho cơ chế Sáng Kiến này ra đời.

Để trả lời câu hỏi về cơ cấu trách nhiệm đối với các công ty liên quan, thì dần dần chúng tôi sẽ có những quy định trách nhiệm rõ ràng để thứ nhất là bảo đảm rằng các công ty internet tuân thủ nghiêm túc các cam kết, thứ hai để đánh giá xem những gì chúng tôi đang làm có thật sự giúp giải quyết vấn đề một cách hữu hiệu hay không, và cuối cùng, đó cũng là cơ chế để chúng tôi học hỏi và thường xuyên tự điều chỉnh nhằm đáp ứng với những sự thay đổi.

Trung tâm Dân Chủ và Kỹ Thuật có vai trò tạo điều kiện, giúp đỡ tất cả các bên tham gia trong “Sáng Kiến Mạng Toàn Cầu” bao gồm các tổ chức NGO bảo vệ nhân quyền, những nhà nghiên cứu, các công ty kỹ thuật, các công ty internet cùng ngồi lại bàn thảo với nhau, cũng như mở đường cho cơ chế Sáng Kiến này ra đời.

Cô Cynthia Wong

Trà Mi: Nghĩa là sẽ có những biện pháp hoặc cơ chế cụ thể để bảo đảm những quy tắc đề ra được thực thi nghiêm chỉnh, thưa cô?

Cynthia Wong: Đây là điều mà chúng tôi đang tiếp tục tiến tới. Về cái khung quy tắc chúng tôi đã thiết lập, các công ty internet đã đồng ý với quy định trách nhiệm rằng phải cho phép các tổ chức thuộc Sáng Kiến Mạng Toàn Cầu tham gia tìm hiểu công việc của họ và kết quả điều tra sẽ được công bố công khai.

Chúng tôi đang bước vào giai đoạn xây dựng các tiến trình ấy cũng như tiến trình đánh giá trách nhiệm của các công ty internet. Cuộc đánh giá đầu tiên sẽ đựơc thực hiện trong 2 năm tới đây. Chúng tôi rất lạc quan rằng “Sáng Kiến Mạng Toàn Cầu” sẽ trở thành các tiêu chuẩn được chấp nhận toàn cầu và được tất cả các công ty internet trên thế giới đồng ý tham gia.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian cô Cynthia Wong, từ Trung Tâm Dân Chủ và Kỹ Thuật đã dành cho cuộc trao đổi này.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 814 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0