Thứ Ba, 2024-11-05, 8:43 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 2 » Giảm phát có thực sự là nguy cơ?
6:02 AM
Giảm phát có thực sự là nguy cơ?
2008-11-01

Sau lạm phát phi mã suốt 9 tháng qua, vấn đề thiểu phát giảm phát lại đang ám ảnh các nhà kinh tế và chính phủ VN. Những biểu hiện nào tạo ra các dự báo sớm như vậy. Đây đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này.

AFP Photo/Hoang Dinh Nam

Các doanh nghiệp nhỏ-và-vừa đang tạo phần lớn công ăn việc làm cho người lao động.

Lời cảnh báo sớm

Làm báo mà đưa tin sớm nhất, bình luận sớm nhất để cả làng phải chạy theo là sự thể hiện tài năng nghiệp vụ. Vinh dự này xin dành cho báo Tuổi Trẻ. Từ ngày 24/10 trên trang mạng của mình tờ báo đã có bài mang tựa “Nỗi lo thiểu phát rình rập”. Phải nhiều ngày sau các báo khác mới chú ý đến và dồn dập khai thác đề tài này.

Bài của Tuổi Trẻ Online theo dạng nhận định, phần dẫn nhập khá nhậy cảm nói rằng, lạm phát cao đã tạo thói quen phản ứng vui mừng khi số thống kê tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI liên tục giảm. Tháng 10.2008, CPI tại TP. HCM ở mức âm 0,24%, Hà Nội chỉ tăng 0,16% so với tháng trước. Trước đó CPI tháng 9.2008 của cả nước chỉ tăng 0,18%. Bài báo nhấn mạnh, những tháng tới, mức số này được lập lại thì có thể VN ngấp nghé tình trạng thiểu phát. Thiểu phát là lạm phát ở mức thấp, và tờ báo ví von đó là “Đêm Trước Của Giảm Phát”. Nếu chúng tôi không lầm thì cũng chính Tuổi Trẻ nghĩ ra nhóm từ “Đêm Trước Đổi Mới” trong loạt bài về một giai đoạn đầy khó khăn của VN trong thập niên 1980.

Nếu chính phủ tiếp tục giữ chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm dư nợ tín dụng dưới 20% , thì có thể nhìn thấy trước là từ nay tới tháng 6 sang năm, hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ ra sao. Tuy không dùng từ phá sản nhưng ông Kiên nhấn mạnh rằng, không thể làm một cái gì quá cứng đến mức đẩy hàng triệu người lao động vào cảnh thất nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Kiên

Bài báo đi trước thời sự của Tuổi Trẻ được viết tiếp, giảm phát trái ngược với lạm phát, là mức giá chung của nền kinh tế giảm do sức mua kém. Giảm phát thường đi kèm với đình đốn hoặc suy thoái kinh tế. Người dân giảm tiêu dùng, doanh nghiệp không bán được hàng nên không mở rộng sản xuất kinh doanh, người lao động khó kiếm việc làm nên không có thu nhập để tiêu dùng, tạo ra vòng giảm giá mới. Giảm phát nguy cơ không kém gì lạm phát.

Báo Tuổi Trẻ nhận định tiếp, VN vừa ra khỏi tình trạng lạm phát cao. Chống lạm phát quá tay sẽ dẫn đến giảm phát. Vì vậy, bên cạnh sự dè chừng lạm phát cần có thuốc để đưa nền kinh tế vận hành nhịp nhàng trở lại, tránh rơi vào thiểu phát và giảm phát.

Tuổi Trẻ Online cho rằng, đề phòng những bệnh vừa nói, người ta phải nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất hoặc thuế để kích thích tiêu dùng. Quyết định trả lại tín phiếu bắt buộc, trả them lãi cho dự trữ bắt buộc để giảm lãi suất cho vay là thuốc ngừa giảm phát. Nhưng theo tờ báo, cần xem tiền có ra được thị trường hay còn vướng vì lãi suất cao… Cùng với chống lạm phát phải lưu ý đến thiểu phát và giảm phát.

Phản biện lạc quan

Hai ngày sau bài nỗi lo thiểu phát rình rập của Tuổi Trẻ Online, Tổng Cục Thống Kê mới chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc giảm 0,19% tức là có số âm. Lúc này các báo khác mới chạy đua nhau về vấn đề thiểu phát giảm phát có thực sự là một nguy cơ hay không.

Một loạt ý kiến chuyên gia trong nước được đưa lên báo, khuynh hướng chung tỏ thái độ dè dặt, cho là còn quá sớm để xác định sắp lâm vào giảm phát.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Gia Minh Đài ACTD, Giáo Sư Kinh Tế Trần Nam Bình Đại Học New South Wales ở Úc không những bác bỏ khả năng giảm phát ở VN, ông còn cho rằng đây là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế VN.

“Tôi nghĩ VN chưa đến tình trạng deflation (giảm phát) tại vì những dự án lớn của VN vẫn còn khá nhiều và tiền đầu tư nước ngoài cũng còn nhiều cho nên không lo tình hình thiểu phát. Vấn đề chính là mức độ tăng trưởng của VN sẽ thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu hiện nay của Nhà nước.”

Ngày 27.10 Tiền Phong Online có bài “Không Lo Nguy Cơ Giảm Phát”. Tờ báo trích lời ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội Đồng Chính Sách Tiền Tệ Quốc Gia cho rằng, ở thời điểm hiện nay vấn đề giảm phát chưa đáng lo. Theo nhân vật từng có thời làm Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước, để xác định giảm phát có 2 vấn đề: Giá liên tục giảm và GDP liên tục giảm. Nếu GDP giảm sẽ dẫn đến sản xuất trì trệ, làm giảm sức mua. Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng hiện nay VN vẫn đạt mức tăng trưởng 6, 5% là mức cao trên thế giới, việc làm vẫn tương đối ổn định. Mức tăng trưởng này vẫn đảm bảo tạo nên yếu tố việc làm, tạo nên thu nhập, tạo nên tiêu dùng. Ông Kiêm nhấn mạnh rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 xuống âm 0,19% là tốt. Điều này cho thấy các giải pháp chống lạm phát đã thành công.

Rất nhiều người mong muốn cuộc sống bình yên tỏ ra tâm đắc với nhận định của ông Cao Sỹ Kiêm. Trong số này có một cư dân TP.HCM:

“Tôi thấy là mọi thứ đều xuống giá hết thí dụ thịt heo cũng xuống giá vài ngàn một kí lô, gạo cũng xuống tụi tôi cũng mừng vì vẫn còn đi làm kiếm được tiền. Thấy giá vật liệu xây dựng sắt thép cũng xuống rồi gạch sau cơn sốt lên cả ngàn đồng 1 viên bây giờ cũng xuống. Lối xóm rục rịch sửa nhà, đại khái những ai dự định xây nhà mà vì vật liệu mắc quá không làm được bây giờ vật liệu xuống thì họ làm. Tôi không biết chuyện vĩ mô như vậy có lợi cho nền kinh tế hay không, nhưng tụi tôi vẫn còn đi làm buôn bán được thì thấy mừng, còn chuyện vĩ môi tôi không biết.”

Cần kịch bản cho thiểu phát

Theo VnExpress ngày 3.10, TS Trần Du Lịch, Viện Trưởng Viện Kinh Tế TP. HCM, bên lề phiên họp Quốc Hội, nhận định rằng nếu sang năm 2009 nền kinh tế toàn cầu suy thoái, hiện tượng thiểu phát sẽ xảy ra. Theo ông, khủng hoảng tài chính thế giới sẽ ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu của VN, khi các thị trường lớn đều tiết giảm nhu cầu. Sức tiêu thụ nội địa hiện tại chỉ vào khoảng 35-36 tỷ USD, tương đương hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu. Ông Trần Du Lịch nhấn mạnh, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, hàng không thể xuất trong khi cầu nội địa không tiêu thụ hết, giá cả sẽ giảm, sản xuất đình đốn. Nguy cơ giảm phát khá rõ, khi mà trong rổ hàng hoá tính CPI, lương thực thực phẩm chiếm tới 43%. Một khi mặt hàng lương thực giảm giá, chỉ số chung dễ dàng rơi xuống mức âm.

Trong cùng bài tường thuật của VnExpress, ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy Ban Kinh Tế Quốc hội cho báo chí biết là Ủy Ban đã cảnh báo vấn đề thiểu phát để chính phủ có biện pháp điều chỉnh thích hợp, đặc biệt là xử lý an sinh xã hội. Ông Nguyễn Đức Kiên thêm rằng, nếu chính phủ tiếp tục giữ chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm dư nợ tín dụng dưới 20% , thì có thể nhìn thấy trước là từ nay tới tháng 6 sang năm, hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ ra sao. Tuy không dùng từ phá sản nhưng ông Kiên nhấn mạnh rằng, không thể làm một cái gì quá cứng đến mức đẩy hàng triệu người lao động vào cảnh thất nghiệp.

Hãy cứu nông thôn

Lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Tuổi Trẻ Online ngày 30.10 trong bài “Bớt gánh lo lạm phát và nguy cơ giảm phát” tờ báo trích ý kiến chuyên gia kinh tế độc lập TS Lê Đăng Doanh nhận định rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng từ tháng 3.2008 đã ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực nông nghiệp. Theo TS Doanh, chính phủ nên quan tâm hơn đến khu vực kinh tế nông thôn, người nghèo, rà soát lại việc cho vay. Những doanh nghiệp làm ăn tốt có thị trường nên ưu tiên vốn. Vừa rồi tập đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Vinashin được chấp thuận đi vay 20 ngàn tỷ đồng, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần 5 ngàn tỷ đồng đã hồi sinh. TS Lê Đăng Doanh đưa ra khuyến cáo đáng chú ý, kiểm soát lạm phát và vực dậy nền kinh tế nên bắt đầu từ khu vực kinh tế nông thôn.

Chính phủ nên quan tâm hơn đến khu vực kinh tế nông thôn, người nghèo, rà soát lại việc cho vay.

TS Lê Đăng Doanh

Chúng tôi trích dẫn phát biểu của TS Lê Đăng Doanh bởi nó mang ý nghĩa thời sự. Trong khi vùng đồng bằng sông Cửu Long tồn đọng hàng triệu tấn lúa hè thu và thu đông, giá lúa giảm mạnh dưới giá thành, thì Bộ Trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đề cao thành tích xuất khẩu gạo trong năm 2008, kim ngạch ước tính 2 tỷ 500 triệu đô la.

Trị giá cao là nhờ khoảng thời gian giá gạo thế giới tăng gấp ba lần hồi đầu năm. Thật ra khi giá thế giới tăng vọt lợi nhuận nằm trong tay doanh nghiệp, nông dân chẳng hưởng lợi bao nhiêu. Trên trang mạng chính thức của Bộ NN&PTNT ông Cao Đức Phát biện minh rằng quyết định ngừng ký hợp đồng xuất khẩu từ tháng Tư tới tháng Bảy không phải là ngừng xuất khẩu.Thật là mỉa mai nếu như Bộ NN&PTNT lại không biết rằng, đồng bằng sông Cửu Long có đặc thù là không trữ lúa gạo dài ngày, cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều mua bán lúa gạo và xuất khẩu rất nhanh chóng. Không cho ký hợp đồng có nghĩa không thu mua lúa cho dân. Nhiều chuyên gia nhận định rằng VN bỏ mất cơ hội vàng để xuất khẩu nhiều gạo với giá cao nhất.

Nguy cơ thiểu phát lạm phát với tất cả những yếu tố như chúng tôi vừa ghi nhận, liệu có thành hiện thực hay không sẽ được thấy rõ trong khoảng thời gian một, hai tháng sắp tới.

Category: Kinh tế | Views: 864 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 526
Khách: 526
Thành Viên: 0