Thứ Năm, 2025-01-23, 3:50 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 2 » TIỀN CỦA CHÚNG TA MẤT ĐI ĐÂU?
6:06 AM
TIỀN CỦA CHÚNG TA MẤT ĐI ĐÂU?

WHERE HAVE OUR MONIES GONE?

Thuỷ-Triều

This article is mostly credited to Eric Carvin, Associated Press Writer, for his notion of "that was never really money".  Bài viết này được gợi ý bởi khái niệm về "Một-Số-Tiền-Ảo" của ký giả Eric Carvin.

Tổng số tiền mà ngân hàng đầu tư Lehman Brothers đã nợ là khoảng 613 tỉ mỹ kim khi Lehman Brothers khai phá sản.  Một thí dụ điển hình là một thân chủ tiêu biểu trong rất nhiều thân chủ ở trên toàn nước Mỹ, ở những nước khác thì không rõ, đã ký gởi tiền đầu tư cho Lehman Brothers quản lý đầu tư là Hạt San Mateo và các thành phố thuộc Hạt San Mateo ở miền Bắc California, bao gồm các quỷ tiết kiệm của công chức ở các cơ quan hành chánh thuộc các thành phố, các khu học chánh, và các trường đại học cộng đồng thuộc Hạt San Mateo, v.v... Họ đã mất tiêu số tiền 150 triệu mỹ kim bởi vì ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản.

Tất cả số tiền của chúng ta đã mất sạch, nhưng số tiền đó đã mất đi đâu?

Hàng tỉ tỉ mỹ kim trị giá chứng khoán-đã mất sạch.  Hàng tỉ tỉ mỹ kim trong các quỷ hưu trí, quỷ tiết kiệm-đã mất sạch.  Một số lượng tiền rất lớn gồm có tiền mua nhà trả góp hàng tháng, tiền thế chấp nhà đất, tiền để dành cho con đi học đại học, và tiền trong các quỷ tiền lương của các công ty kinh doanh, xí nghiệp sản xuất-đều đã mất sạch. 

Khi các thị trường chứng khoán ở các nơi đã liên tiếp tuột dốc và giá trị nhà đất vẫn bị giảm giá nhiều hơn nữa, điều này có nghĩa là chúng ta đã mất một số tiền quá lớn trong một thời gian không đầy một năm.

Ai đã thu tóm hết tất cả số tiền của chúng ta?

Những người tư bản tham lam ở Wall Street?

Những người cộng sản tham lam ở Hoa Lục, bởi vì hiện nay họ đang giữ trong tay của họ hơn 3 ngàn tỉ mỹ kim tiền mặt, chính thức cũng như bán chính thức, nhưng không rõ đó là tiền thật hay tiền giả?  Ngay cả Ngân Khố Dự Trữ Liên Bang Mỹ cũng không có sẵn trong tay tới 1 ngàn tỉ mỹ kim.  Số tiền lớn lao đó còn phải chờ in ra.

Hay những ông vua dầu lửa tham lam ở Á Rập trong thời gian vừa qua đã cho tăng giá dầu thô lên hơn 100 phần trăm?

Nếu chúng ta dò tìm dấu vết số tiền đã mất để nhận diện ra được những người nào đã gom hết số tiền đó, chúng ta sẽ yêu cầu họ hoàn trả số tiền đó lại cho chúng ta.

Tuy nhiên, theo nhận định của Eric Carvin, một ký giả lão luyện của hãng thông tấn Associated Press chuyên viết về các vấn đề kinh tế tài chánh trên thế giới, thì chúng ta thật là thất vọng bởi vì kết quả chúng ta biết được là số tiền đã mất dấu vết kia ngay từ lúc đầu đã là Một-Số-Tiền-Ảo (that was never really money).

Nếu nói một cách toạt móng heo như ông Giáo sư Robert Shiller dạy kinh tế học tại trường đại học Yale thì ông ta đã nhận định thẳng thừng về số tiền ở thị trường chứng khoán như sau:  Cái khái niệm rằng quí vị đã mất đi một khối tiền lớn bất cứ khi nào thị trường chứng khoán tiêu thụ nó là một lối "nguỵ biện".  Giáo sư Shiller nói rằng "cái giá trị của một chứng khoán đã không bao giờ giống như tiền mặt, nó chỉ đơn giản là một phỏng đoán hay nhất-best guess về một cái gì có giá trị của chứng khoán.  Nó chỉ hiện hữu ở trong đầu óc của người ta.  Chúng ta chỉ ghi nhận lại một sự đo lường của một cái gì đó mà người ta nghĩ rằng cái thị trường chứng khoán có giá trị.  Một cái gì đó mà người ta sẵn lòng mua bán trao đổi trong ngày hôm nay; những người, mà thực ra là rất rất ít người, thực sự mua bán chứng khoán.  Vì vậy, chúng ta chỉ việc suy đoán ra và nghĩ rằng: ối chà! có thể đó là những cái gì mà mọi người đều cho rằng nó có giá trị".

Giáo sư Shiller dùng một thí dụ của một giám định viên địa ốc lúc hiện tại đang định giá trị của một căn nhà là 350 ngàn mỹ kim; chỉ cách một tuần lễ sau khi ông ta đã xác định căn nhà đó trị giá 400 ngàn mỹ kim.  Trong một ý nghĩa nhất định, 50 ngàn mỹ kim đã biến mất khi ông ta nói như vậy. Nhưng tất cả những điều đó chỉ có ở trong đầu óc của chúng ta mà thôi.

Dĩ nhiên là số tiền của chúng ta đã mất là Một-Số-Tiền-Thật mà chúng ta đã ký gởi đầu tư ngay từ lúc đầu.  Nhưng có một giá trị nào đó đang biến mất trong khi các giá trị địa ốc và giá trị chứng khoán bị thay đổi rối rắm.  Cho dù là khi cái giá trị cổ phiếu của chúng ta không phải là một nùi giấy hoá đơn ở trong cái ví của chúng ta, cho dù là cái giá trị căn nhà của chúng ta không phải là một cái gì đó để chúng ta có thể tự ý trừ ngang trả hết nợ, một cách chắc chắn là chúng ta phải chịu mất đi một số tiền-đó là một số tiền mà nó sẽ thuộc về chúng ta nếu chúng ta bán căn nhà hoặc là chúng ta rút hết ngân khoản của chúng ta ở quỷ tương trợ ngay bây giờ.   

Và nếu chúng ta chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu trí, hoặc hi vọng bán được căn nhà lớn hiện tại và mua lại một căn nhà nhỏ hơn để có dư tiền trả học phí đại học cho đứa con của chúng ta, số tiền tiềm tàng (potential money) này là một cái gì đó chưa có thật nhưng nó để cho chúng ta dựa vào nó mà dự định làm những việc khác.  Đối với những người cần tiền mặt và cần nó ngay bây giờ, thì đây là Một-Số-Tiền-Thật có thật, Hiện-Kim có trong tay, dù đúng hay không đúng, Nó-Là-Hiện-Kim, Một-Số-Tiền-Thật giải nghĩa được cái định nghĩa kỷ thuật của một thuật ngữ trong các lãnh vực kinh tế, tài chánh, thương mại, ngân hàng, đầu tư, và nhất là trong lãnh vực tín dụng mà chúng ta hiện nay đang bị khủng hoảng rất trầm trọng.

Nếu không phân biệt được rõ ràng sự khác nhau giữa một số tiền tiềm tàng (potential money) và một số tiền thật (real money, cash) thì chúng ta sẽ bị lâm vào cảnh rắc rối ngay.  Chúng ta đã hiểu lầm rằng một số tiền tiềm tàng là một số tiền thật, như tiền mặt hiện đang có trong túi của chúng ta, hoặc như là số tiền thật có trong một tài khoản tiền gởi ngân hàng của chúng ta.  Đây cũng là một hiểu lầm rất tai hại đã đang hình thành một cơn sóng thần  tài chánh với một cường độ khủng khiếp mà nó sẽ cuốn trôi đi mất các định chế tài chánh tư nhân thẻ tín dụng chi tiêu ở khắp nơi.

Giáo sư kinh tế học Dale Jorgenson tại trường đại học Yale đã nhận định rằng sự nhầm lẫn một số tiền tiềm tàng là một số tiền thật là một lỗi lầm rất lớn.  Giáo sư Jorgenson giải thích ở đây có một sự phân biệt quan trọng mà chúng ta đã không quan tâm:  Trong khi số tiền thật hiện có ở trong túi của chúng ta thì nó không dễ dàng gì mà biến mất vào trong không khí, một số tiền thật mà chúng ta đã có thể có được, nếu chúng ta chỉ việc bán căn nhà của chúng ta rồi sau đó đổ dồn hết tiền vào những đầu tư chứng khoán của các quỷ tương trợ cách nay một năm.  Chúng ta không thể hưởng được một phúc lợi nào từ quỷ tiết kiệm hưu trí 401(k) của chúng ta nếu cái quỷ này bị thất bại và không còn tồn tại nữa.  Nếu chúng ta đổ dồn hết tiền của chúng ta vào các chứng khoán tài chánh và tất cả các chứng khoán này đã tuột giá 80 phần trăm.  Thật đáng tiếc bởi vì đây là một thua lỗ vĩnh viễn khi cái giá trị 80 phần trăm đã mất kia sẽ không phục hồi được.  Giáo sư Jorgenson còn nói thêm rằng chúng ta sẽ phải chịu đựng một sự giảm sút rất nhiều trong khu vực tài chánh hầu như ở mọi nơi trên thế giới.

Đã từng có một thời gian trong quá khứ không một người nào phải thắc mắc về những gì đã xảy ra cho một số tiền mà họ đã có được.  Cho tới thế kỷ thứ chín khi một số tiền bằng giấy được phát minh và lưu hành ở trong nước Trung Hoa thì Tiền đã là một cái gì đó có tính chất cụ thể và có một giá trị với một mức độ nhất định.  Thí dụ như là một đồng tiền vàng mà nó có một giá trị bằng với một mức độ cân lượng vàng được chứa trong đồng tiền theo như lời thuyết minh của ông Douglas Mudd, viên quản lý viện bảo tàng kim ngân American Numismatic Association's Money Museum ở thành phố Denver thuộc tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ.

Trong quá khứ nếu một số tiền mà chúng ta đã có được, rồi đột ngột nó bị biến mất, thì chỉ có một lý do giản dị là chúng ta đã tiêu xài nó, một người nào đó đã ăn cắp nó, hoặc là chúng ta đã làm rớt nó ở một chỗ nào ngoài đường phố, hoặc là có thể một cơn trốt xoáy hay một thiên tai đã xảy ra ở đúng cái nơi mà chúng ta đã để cất số tiền kia.

Tuy nhiên, trong hiện tại có những tiến bộ vượt bậc của xã hội hiện đại với những kỷ thuật siêu điện toán thần kỳ, chúng ta đang có được rất nhiều thứ được tính ra Trị-Giá-Bằng-Tiền nhưng chúng ta lại không-thể-nắm-giữ-Cái-Giá-Trị-Bằng-Tiền đó ở trong tay của chúng ta.

Nếu chúng ta đã chọn lựa công việc đầu tư chứng khoán thì chúng ta đã có thể đổ dồn phần lớn số tiền của chúng ta vào việc mua các cổ phiếu hay các trái phiếu của các công ty tư nhân và của các chính phủ, rồi sau đó phải theo dõi cái giá trị của từng cổ phiếu hay của từng trái phiếu diễn biến thay đổi từng ngày trên cái màn ảnh của máy điện toán.  Chúng ta đã có tin tưởng rằng chúng ta đã kiếm được nhiều tiền khi chúng ta quyết định bán ra các cổ phiếu này với những giá cao hơn lúc ban đầu.  Đã có hàng triệu triệu người ở khắp nơi mỗi ngày dán-cái-mặt-trừng-con-mắt của họ vào các màn ảnh của các máy điện toán để theo dõi rất nhiều con số chuyển động thay đổi, họ là những cá nhân đầu tư chứng khoán và họ cùng chia sẻ với chúng ta một niềm tin tưởng rằng cái giá trị bằng tiền của các danh sách vốn đầu tư (portfolios) của họ sẽ luôn luôn tăng trưởng lớn hơn nữa.

Theo Giáo sư Jorgenson đã nhận định thì cái niềm tin tưởng có tính cách tập thể kia đã tan như mây khói.  Cái hệ quả thê thảm không thể tránh được khi niềm tin tưởng của những người đầu tư vào một hệ thống tài chánh đã bị rút cạn là họ sẽ bán đổ bán tháo các cổ phiếu của họ với bất cứ giá nào, và một khối lượng tiền khổng lồ mà chúng ta đã nghĩ rằng do công việc đầu tư của chúng ta tạo ra cái giá trị bằng tiền đó đã biến mất một cách nhanh chóng và giản dị.  Họ bán đổ bán tháo các cổ phiếu của họ với bất cứ giá nào để thu về một số tiền mặt-một số tiền thật.

 Nếu chúng ta đã có một lần tin tưởng rằng cái danh sách vốn đầu tư (portfolio) của chúng ta đã giống như một cái cặp da đựng đầy những tờ giấy bạc 100 mỹ kim, thì giờ đây một cách đột ngột chúng ta đâm ra nghi ngờ rằng nó không phải như vậy.

Dĩ nhiên trong hiện tình diễn biến tài chánh hiện nay chúng ta đang mất dần tài sản của chúng ta.  Điều này có nghĩa là phải có một người nào đang thu tóm số tiền đó?  Có phải thế giới này có một số tài sản nhất định mà nó luân chuyển giữa một số người, giữa một số quốc gia, và giữa một số định chế tài chánh công quản cũng như tư nhân với những lúc lên cao xuống thấp của một dòng kinh tế luân lưu liên tục?

Giáo sư Jorgenson đã nói rằng không phải như vậy.  Một số tài sản trên thế giới "chỉ giảm bớt một cách đơn giản trong một tình hình như hiện nay".  Giáo sư Jorgenson còn lưu ý chúng ta là đừng cho rằng những đầu tư thua lỗ của chúng ta có nghĩa là những thu lợi của một người nào khác, cũng giống như những người đầu cơ chứng khoán giàu có họ cố sức làm ra nhiều tiền bằng cách đánh cuộc rằng thị trường chứng khoán sẽ rớt xuống chạm đáy.  Những người đầu cơ chứng khoán giàu có này đang chịu bị tuột mất những chiếc áo sơ mi của họ ở một mức độ phi thường.  Họ đã sẵn sàng chấp nhận một rủi ro tổn thất rất lớn và bây giờ họ đang chịu đựng những hậu quả của nó.

Qua những buổi chất vấn của Uỷ Ban Điều Tra ở Quốc Hội Mỹ, chúng ta được biết những công ty tài chánh tín dụng đã công bố những báo cáo tín dụng màu hồng đã được thổi phồng các con số có tính chất gian lận.  Những công ty tài chánh tín dụng này đã trả những món tiền lớn cho các cơ quan thẩm định tín dụng không chỉ riêng cho lệ phí thẩm định mà còn gồm cả lệ phí tham vấn cho các công ty tài chánh tín dụng này biết cách thức thế nào để tạo cơ cấu liên kết nhằm đạt được tối đa những đánh giá cao nhất.  Tính cách gian lận độc đáo này có thể là một trong những nguyên nhân chính đã gây ra cơn khủng hoảng kinh tế tài chánh và tín dụng ở nước Mỹ cũng như ở các nước phát triển khác và ở các nước đang phát triển trên thế giới. 

Các cơ quan thẩm định tín dụng đã không làm tròn chức năng của họ.  Họ đã phản bội lại lòng tin của hàng triệu triệu người đầu tư cá nhân; những người đầu tư này trông cậy vào sự độc lập và những đánh giá tín dụng khách quan của họ.  Kết quả của sự phản bội là toàn bộ hệ thống tài chánh tư nhân vụ lợi của chúng ta giờ đây có nguy cơ sụp đổ.  Ở đây chúng ta cần phải phân biệt cho rõ là cái hệ thống tài chánh tư nhân vụ lợi rất khác với cái hệ thống tài chánh công quản mà tiêu biểu là Bộ Tài Chánh và Ngân Khố Dự Trữ Liên Bang Mỹ.

Vì vậy chúng ta đã nhận thấy rõ là một khi người trọng tài nhận được tiền thù lao rất trọng hậu từ tay những người chơi, thì sẽ không có ai phải ngạc nhiên khi trò chơi đó vuột ra khỏi sự kiểm soát của luật lệ.  Những nhà làm luật của Mỹ đã kết tội các cơ quan thẩm định tín dụng về sự thất bại của họ trong cách thức họ đánh giá các chứng khoán địa ốc và các chứng khoán đầu tư khác.

Khi lạm bàn về cái chủ đề của cơn khủng hoảng tài chánh hiện tại, chúng ta nhận ra nó không phải là lòng tham lam quá độ, bởi vì lòng tham lam là cái bản chất của con người tư bản, nếu không tham lam thì không phải con người tư bản.  Cái chủ đề của cơn khủng hoảng tài chánh hiện nay là sự minh bạch.  Chính vì thiếu sự minh bạch nên công việc đầu tư chứng khoán địa ốc rối rắm, tín dụng địa ốc phức tạp.  Tính cách phức tạp trở nên càng phức tạp nhiều hơn vì lòng tham lam quá độ đã thổi phồng thị trường địa ốc của nước Mỹ một cách quá đáng.  Nếu có sự minh bạch thì sự minh bạch đã ngăn chặn được lòng tham lam quá độ rồi.

Chúng ta còn nhận thấy khi cho phép các định chế tài chánh tư nhân hoá hoàn toàn, vụ lợi tối đa, toàn quyền loại bỏ các quy định an toàn tài chánh cổ điển để tự áp dụng các kỷ thuật cải tiến, thì những công cụ và thủ pháp tài chánh rất phức tạp, kỳ lạ và hết sức kích thích lòng tham lam của con người đã được sắp đặt làm ra phức tạp hơn ở tại các ngân hàng đầu tư cho đến nỗi cả người bán lẫn người mua chứng khoán địa ốc không thể biết được giá trị đích thực của nó.

Sau khi nghe những người trong các ban giám đốc của các ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, Bear Stearns, AIG, và các tập đoàn tài chánh khác trả lời trước một Ủy Ban Điều Tra của Quốc Hội Mỹ, chúng ta cũng đã nhận thấy rõ ràng là họ đã nắm giữ những công cụ tài chánh mà giá trị của chúng ít hơn cái giá trị mà họ đã tin tưởng.  Tuy nhiên, không ai biết cái giá trị đích thực của chúng là bao nhiêu!

Ông Michael Bloomberg, Thị Trưởng thành phố Nưu Ước, đã có một nhận định khiến cho tất cả chúng ta phải giật mình.  Ông ta nói "Cái vấn đề là không một người nào biết được bất cứ một định chế tài chánh nào sở hữu cái gì, và những cái chứng khoán mà họ sở hữu có những điều kiện là gì, và những cái chứng khoán đó có giá trị là bao nhiêu."

Ông Thị Trưởng Bloomberg đang nói về những sản phẩm tài chánh mà một số người khác làm việc tại Wall Street đã vài lần từng nói tới là "Không một người nào có thể biết được những sản phẩm tài chánh này, những chứng khoán địa ốc, và có lẽ những loại chứng khoán khác nữa, có giá trị đích thực là bao nhiêu."  Quả thật, không một người nào có thể biết được cái giá trị thật của một sản phẩm địa ốc khi đã bị thổi phồng quá đáng, mà hiện nay đang trên đà rớt giá xuống còn chưa chạm tới đáy.

Ông Alan Greenspan, Cựu Chủ Tịch Ngân Khố Dự Trữ Liên Bang Mỹ, đã trả lời trước Uỷ Ban Giám Sát và Cải Tiến Chính Phủ của Hạ Nghị Viện Mỹ rằng "Chúng ta đang ở giữa một cơn sóng thần tín dụng trăm năm mới xảy ra một lần-We are in the midst of a once-in-a-century credit tsunami."  Ông Greenspan đã xác định rằng cái cao trào của các món tiền vay mua nhà đã đang gây ra hậu quả không tốt kia được thúc đẩy bởi nhu cầu của những nhà đầu tư trên thế giới, nhất là ở Hoa Lục, muốn mua chứng khoán địa ốc của nước Mỹ.  Trong khi các cơ quan thẩm định tín dụng đã không đánh giá đúng mức những điều rủi ro gây tổn thất trong một thị trường địa ốc đã bị thổi phồng, những nhà đầu tư này lại tự thuyết phục chính mình rằng các chứng khoán địa ốc của nước Mỹ thì chắc chắn an toàn.  Để đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của những nhà đầu tư chứng khoán địa ốc, các ngân hàng cho vay tiền mua nhà đã gia tăng số lượng người được vay tiền với các điều kiện quá dễ dãi mà không quan tâm gì tới sự an toàn của các món tiền cho vay.

Ông Greenspan đã đảm trách chức vụ Chủ Tịch Ngân Khố Dự Trữ Liên Bang Mỹ trong một thời gian dài từ năm 1987 đến năm 2006, nay xác nhận rằng ông ta đã nhầm lẫn trong việc quá tự tin rằng những định chế tài chánh tư nhân vụ lợi như các ngân hàng đầu tư và các định chế cho vay tiền các loại là họ đã có khả năng tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của đa số các cổ đông của chính họ.

Ông Greenspan đã tỏ ra vẫn còn rất sửng sốt, ông vẫn không thể tin được khi các định chế tài chánh tư nhân vụ lợi khổng lồ kỳ cựu của nước Mỹ đã sụp đổ.  Có lẽ ông Greenspan đã tạm thời quên lửng cái bản chất bẫm sinh của người tư bản là tham lam.  Chính vì lòng tham lam quá độ mà họ đã thổi phồng cái quả bong bóng tín dụng địa ốc, và có thể một quả bong bóng khác là thẻ tín dụng chi tiêu cũng được thổi căng lên lớn nhất theo diễn-biến-làm- giàu-nhanh-rút-lui-sớm trong lịch sử trăm năm mới có một lần của nước Mỹ. 

Chúng ta còn nhận thấy rõ ràng là trong khi các ngân hàng đầu tư phá sản, các tập đoàn tài chánh tín dụng địa ốc lụn bại, thì những người trong ban giám đốc của chúng lại thành công trong việc rút ra một số tiền mặt rất lớn và sẵn sàng về nhà nghỉ hưu trí.  Họ đã phụ lòng tin tưởng của ông Greenspan khi họ vì tư lợi của chính họ mà không bảo vệ được quyền lợi của đa số các cổ đông.  Họ đã phá hoại cái chủ thuyết kinh tế tài chánh mà ông Greenspan đã hơn 40 năm làm việc chuyên môn rất nhiệt tình, năng động cổ võ cho công cuộc tư nhân hoá hoàn toàn các định chế tài chánh vụ lợi tối đa, áp dụng các sáng kiến canh tân nền kinh tế tài chánh, các định chế tài chánh tư nhân vụ lợi có toàn quyền loại bỏ các quy định an toàn tài chánh cổ điển gò bó nếu thấy cần thiết để thu lợi nhuận tối đa...trong khuôn khổ của luật pháp.  Một nền luật pháp của nước Mỹ luôn luôn bảo vệ các hoạt động của thị trường tự do và mậu dịch tự do với các định chế tài chánh tư nhân vụ lợi hoàn toàn tự do.

Trong lúc làm Chủ Tịch Ngân Khố Dự Trữ Liên Bang Mỹ ông Greenspan đã chống lại việc áp dụng các quy định tài chánh cổ điển gò bó để cho phép các món tiền vay thế chấp nhà đất được gom chung lại thành những chứng khoán địa ốc và được dễ dàng bán lại cho những nhà đầu tư.  Tuy nhiên, thời gian tiếp theo đó những chứng khoán địa ốc này đã trở nên nặng nề làm nghiêng lệch những bản cân đối của các ngân hàng đầu tư và các định chế cho vay một khi các món nợ thế chấp không thể trả tiền lại đúng định kỳ.

Cái vấn đề không phải là các định chế tài chánh tư nhân vụ lợi đã loại bỏ các quy định an toàn tài chánh cổ điển mà họ thiếu những quy định mới cập nhật thích hợp với các cải tiến kỷ thuật siêu điện toán và các thủ pháp tài chánh hiện đại.  Cơn sóng thần tín dụng đã đang nổi lên trong các vấn đề chuyển khoản mua bán chứng khoán các loại ở Wall Street không phải do việc loại bỏ các quy định cổ điển mà xảy ra.  Cơn sóng thần tín dụng đã đang và sẽ còn tiếp tục nổi lên chỉ vì tất cả các giới chức có trách nhiệm chấp hành các quy định an toàn tài chánh để ngăn chặn kịp thời những rủi ro tổn thất đã quá thụ động, họ chỉ trố mắt đứng nhìn các định chế tài chánh tư nhân vụ lợi ở Wall Street sáng tạo ra rồi phát triển mạnh các sản phẩm tài chánh phức tạp càng ngày càng phức tạp thêm và không thể dự đoán được các sản phẩm tài chánh này sẽ như thế nào.  Một cách quá rõ ràng là chúng đã đang trở thành những con quái vật nuốt chửng các món tiền tiết kiệm, các món tiền đầu tư của chúng ta, những người đầu tư cá nhân bình thường quá nhỏ nhoi nếu so sánh với các nhà đại tư bản? 

Vào năm 2005 chính ông Greenspan đã có lên tiếng cảnh báo cho chúng ta về hiện tượng những con quái vật tài chánh Wall Street đã đang dần dần tuột ra khỏi tầm kiểm soát của mọi người có trách nhiệm, nhưng không có ai để ý lắng nghe ông ta, và cái guồng máy Wall Street cứ tiếp tục chạy vì nó bị bắt buộc phải chạy trong cái ảo tưởng giàu có của rất nhiều người, trong số đó có mặt của chúng ta, những người đã từng vui mừng khi thấy giá cổ phiếu đầu tư chứng khoán của chúng ta tăng cao mà không bao giờ  ngờ được đó là một giá trị ảo, một số tiền ảo như ký giả Eric Carvin đã nhận định.

Bây giờ chúng ta được nghe chính ông Greenspan xác nhận rằng thế giới quan và hệ tư tưởng về kinh tế tài chánh của ông trong 40 năm qua đã không đúng, đã trở thành hão huyền.  Ông Greenspan đã thực sự giật mình sửng sốt bởi vì ông ta không thể ngờ được các thủ pháp kỷ thuật siêu điện toán thần kỳ của thế giới ảo đã chắc chắn biến đổi thế giới quan và hệ tư tưởng của ông trở thành hão huyền.  Với thái độ rất thành thật của một người trí thức đã từng là cột trụ của hệ tư tưởng thị trường tự do, mậu dịch tự do, tư nhân hoá hoàn toàn và canh tân các định chế tài chánh tư nhân vụ lợi, ông Greenspan xác nhận rằng cá nhân ông đã thất bại, ông đã sai lầm khi tin tưởng rằng lòng tham lam của con người tư bản cũng ... có giới hạn như một đời người của mỗi chúng ta.   

Không chỉ riêng ông Greenspan, còn những người ở trên cái đỉnh cao của chiếc thang quyền lực tài chánh Wall Street cũng thực sự không hiểu được những người thuộc quyền của mình, những người rất tài giỏi về điện toán, ở dưới chân chiếc thang này đã đang làm gì.  Họ chỉ biết có một điều duy nhất là mọi chuyện đều đã tốt đẹp, cái guồng máy Wall Street vẫn chạy trơn tru bởi sự chăm nom tỉ mỉ cẩn thận của các chuyên viên điện toán siêu đẳng và họ đã đang làm ra rất nhiều tiền.  Một cách chắc chắn đó là số tiền thật cho chính họ bởi vì họ cho rằng họ rất xứng đáng được hưởng như vậy. 

Khi cái chỉ số chứng khoán tăng lên đỉnh điểm thì họ làm giàu với một số tiền thật.  Khi cái chỉ số chứng khoán giảm xuống tận đáy thì chúng ta sạch túi vì một số tiền ảo.  Đây rõ ràng là một lối nguỵ biện trâng tráo cho lòng tham lam quá độ của họ và sự ngu ngốc hết sức của chúng ta một khi chúng ta đã tin tưởng vào các giao dịch về tài chánh thiếu tính minh bạch.

Bởi vì số tiền của chúng ta đã mất là có thật, một số tiền thật, nó được để dành ra từ tiền lương, từ những nguồn lợi tức chính đáng của chúng ta, nên tất cả chúng ta rất cần những luật lệ tài chánh cập nhật thích hợp với kỷ thuật siêu điện toán hiện đại và sự minh bạch trong các giao dịch kinh tài của các định chế tài chánh tư nhân vụ lợi để phân biệt được thế giới ảo của siêu điện toán với số tiền ảo và thế giới thật với số tiền thật của đa số người bình dân ở khắp nơi như chúng ta./.

Thuỷ-Triều 31/10/2008

Category: Kinh tế | Views: 736 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 31
Khách: 31
Thành Viên: 0