§ Gioan Nguyễn Thạch Hà Vụ án Thái Hà đang gây nhức đầu cho nhiều người và đang là đề tài gây cười cho những người am hiểu pháp luật.
Nhiều người tặc lưỡi: “Quyền hành trong tay Nhà nước, nó muốn hành ai chẳng được”.
Những người theo dõi sát vụ án Thái Hà thì cảm thấy công lý đang bị
chế nhạo. Nhà cầm quyền cố tình dẫm đạp lên pháp luật để dập tắt những
tiếng nói bênh vực cho công lý và sự thật.
Về phía Giáo Hội, với đức tin và chân lý, Giáo Hội cứ thế bước đi,
cho dẫu biết rằng cuộc lên đường tìm chân lý chẳng dễ dàng chút nào. Sự
kiện giáo sĩ, giáo dân Thái Hà đường hoàng ra khỏi sợ hãi và tiến bước
trên con đường đi tìm chân lý đã khiến chính quyền hoảng sợ, gây nên sự
lúng túng đến ngờ nghệch nơi các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Sự lúng túng của các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy những nhà hành pháp tiếp tục vi phạm pháp luật.
Hai quyết định trả hồ sơ vụ án được đưa ra chỉ trong một ngày từ hai
cơ quan với hai nhiệm vụ khác nhau khiến người ta nghi ngờ về tính hợp
pháp của các bản án và về sự công tâm của nền pháp lý Việt Nam trong vụ
việc Thái Hà cũng như trong bất cứ vụ án nhạy cảm nào.
Về chức năng, Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại toà. Toà án giữ
vai trò xét xử dựa trên bản cáo trạng Viện Kiểm sát công bố. Thế mà, cả
hai cơ quan này chỉ trong một ngày – ngày 27/10/2008, Toà án Nhân dân
Quận Đống Đa, nhận hồ sơ – hôm sau, ngày 28/10/2008, đã nghiên cứu xong
cả chồng hồ sơ và thấy Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát bỏ lọt tội.
Cũng trong ngày 28/10/2008, Viện Kiểm sát Nhân dân quận Đống Đa ra
quyết định số 04/KSĐT, trả hồ sơ vụ án, dù cho trước đó, ngày 24 tháng
10 năm 2008, Viện Kiểm sát đã ra cáo trạng trong đó nêu rõ không đủ yếu
tố cấu thành tội huỷ hoại tài sản.
Điều tức cười là chính Viện kiểm sát những ngày trước đó ngày 15/10/2008, đã ra quyết định huỷ bỏ tội “phá huỷ tài sản”.
Trong quyết định số 10/2008/HSST-QĐ, ngày 28 tháng 10 năm 2008, Bà
Trần Thị Phương Hiền - Thẩm phán Toà án Nhân dân quận Đống Đa, đã phán
một câu xanh rờn: “Việc đình chỉ điều tra đối với các bị can nêu trên về tội huỷ hoại tài sản là bỏ lọt tội phạm” .
Không biết bà Thẩm phán này có am hiểu về luật pháp không. Nói như bà
Thẩm phán thì có nghĩa là bà đã ngồi trên pháp luật và đã xử xong vụ án
rồi, không cần phải điều tra bổ sung nữa. Trong câu văn này, đáng lẽ
phải nói: “Việc đình chỉ điều tra đối với các bị can nêu trên về tội huỷ hoại tài sản là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm” thì mới đúng, nhưng nó chỉ đúng sau khi Toà đã xử, đằng này, Toà chưa xử mà bà Thẩm phán đã bảo: “lọt tội.”
Sự lúng túng của các nhân viên ngành tư pháp đang khiến dư luận chú ý và đặt ra nhiều câu hỏi và nhiều lời giải thích.
Lời giải thích thoả đáng nhất: trong vụ Thái Hà, giáo dân Thái Hà là
những người vô tội, chỉ vì dám nói tiếng nói của công lý và sự thật nên
phải trả giá. Nhà nước Cộng sán vốn sợ công lý và sự thật, nên tìm mọi
cách để dập tắt tiếng nói của sự thật. Càng cố gắng dập tắt sự thật thì
sự thật lại càng bị bóc trần dẫn chính quyền Hà Nội phạm hết sai lầm
này tới sai lầm khác.
Hai quyết định trả hồ sơ vụ án của Toà án Nhân dân và Viện Kiểm sát
Nhân dân quận Đống Đa cho thấy bản án dành cho các bị oan là giáo dân
giáo xứ Thái Hà không còn là chuyện của ngành tư pháp, nhưng là do chỉ
đạo của cấp trên.
Sự kiện này cũng cho thấy sự bất chấp các qui định pháp luật của
chính quyền Hà Nội, sự cố chấp tới mức độ ti tiện của cơ quan công
quyền.
Chắc chắn rằng trong vụ việc Thái Hà, càng điều tra thì người ta sẽ
càng thấy sự bất công lên tới cao độ. Ngành tư pháp Việt Nam thực chất
chỉ là công cụ và là nô bộc cho một nhóm quyền lợi đang thao túng xã
hội. Câu nói: “Luật pháp là tao nè” được chứng minh cách hùng hồn nhất
trong vụ án oan Thái Hà. Thứ luật rừng mà chính quyền Hà Nội đã áp dụng
từ đầu vụ việc Thái Hà sẽ tiếp tục được chính quyền Hà Nội sử dụng
trong những ngày sắp tới. Sự bất chấp nhân tâm, bất chấp pháp luật đang
đẩy ngành tư pháp thành “Ngành phi pháp”, đẩy Viện kiểm sát Nhân dân
thành “Viện Cố sát Nhân dân”.
Chắc chắn rằng, đối với người dân và đối với toàn thể Giáo Hội Công
giáo, những bị oan là giáo dân Thái Hà, dù có bị Toà án Nhân dân kết
tội, thì họ vẫn mãi là người vô tội, họ mãi vẫn là những anh hùng trong
cuộc đấu tranh cho công lý và sự thật.
Có những tội ác mà Chính quyền Hà Nội đang gây ra cho dân tộc, cho
quê hương đất nước, cho tất cả dân oan Việt Nam, trong đó có giáo dân,
dù có thể thoát khỏi lưới trần, nhưng sẽ chẳng thoát khỏi lưới trời;
rồi đây, lịch sử sẽ chỉ tên họ và những tội ác mà họ đã làm.
Có những tội ác mà Chính quyền Hà Nội đang gây ra cho dân tộc, lúc
này có thể lọt khỏi lưới pháp luật, nhưng không lọt ra khỏi tai mắt
người dân.
Quan nhất thời, dân vạn đại. Chính quyền Hà Nội rồi đây sẽ phải trả
lời trước dân tộc và trước người dân những việc tàn độc mà họ đã làm.
Nhưng, ngay từ bây giờ, họ cần hiểu rằng sẽ không có tội nào Toà án
lương tâm không xét xử họ. Chẳng có tội nào lọt khỏi tiếng nói của
lương tri.
Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 2008
Gioan Nguyễn Thạch Hà
|