Thứ Ba, 2024-11-05, 8:39 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 2 » Thư ngỏ gửi bác Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam.
3:11 PM
Thư ngỏ gửi bác Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam.
Kính gửi bác Nguyễn Thị Bình,

Vừa xem xong bài phỏng vấn của bác trên BBC, cháu có vài điều tâm tình muốn gửi đến bác.

Thật sự yêu nước?

Khi chú Xuân Hồng nhắc đến hoạt động của chị Công Nhân và Hoàng Lan để đóng góp cho một đất nước tốt đẹp hơn, bác bày tỏ sự hoài nghi "họ có muốn như vậy không"? Mới đầu bác khẳng định "họ không muốn", về sau bác nói, chưa tìm hiểu rõ về hai nhân vật này lắm, nên không biết rõ họ muốn gì…

Cháu xin trả lời ngay rằng, bạn bè của cháu trong Đảng Dân Chủ Việt NamTập Hợp Thanh Niên Dân Chủ cũng như bản thân cháu luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho đất nước. Cháu tin chị Công Nhân cũng là một người yêu nước. Nếu không yêu nước thì không ai dấn thân vào con đường không bằng lặng này, trong khi họ có những lựa chọn khác tốt hơn, êm ả hơn cho cuộc đời họ.

Khi mới sang Pháp du học, cháu cũng như nhiều bạn khác mang trong mình lòng tự hào dân tộc, vì là công dân của một nước nhỏ mà đã kiên cường đánh thắng hai cường quốc. Đến bây giờ cháu vẫn tự hào, vì truyền thống văn hoá, vì lịch sử, vì cảnh đẹp và con người Việt Nam. Nhưng tự hào không có nghĩa là ru ngủ mình trong hào quang của quá khứ hoặc trong những hình ảnh tốt đẹp mà truyền thông đưa ra. Chiến tranh đã qua 33 năm rồi, chúng ta cần gây dựng thêm nhiều điều khác để làm vẻ vang cho dân tộc. Thật buồn khi mà thế giới mỗi khi nhắc tới Việt Nam họ thường nghĩ đến một đất nước gắn với chiến tranh và nghèo đói… Ngày nay kinh tế đã phát triển hơn trước rất nhiều, nhưng bao nhiêu phần trăm người dân Việt Nam được hưởng thành quả ấy? Cái giá đã và đang phải trả cho sự phát triển ấy là gì, đó là ô nhiễm môi trường, là thiên nhiên bị tàn phá, là mức lương đói khổ của công nhân, là những khoản nợ nước ngoài mà các thế hệ trẻ sẽ phải gánh chịu. Cơ chế chính trị không đuổi kịp sự phát triển kinh tế, tạo môi trường lý tưởng cho tham nhũng, tăng khoảng cách giàu nghèo. Cơ chế chính trị thất bại trong việc chiêu mộ người tài, khiến bộ máy Nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả và tạo nên cái vòng luẩn quẩn: người dân bất mãn vì tham nhũng và bộ máy ì trệ, Nhà nước cải cách nhưng bộ máy nhà nước thiếu hiệu quả hoặc thiếu quyết tâm chính trị để tiến hành cải cách đó, dẫn đến lãng phí ngân sách và tiêu cực, rồi người dân bất mãn, và Nhà nước lại hứa hẹn cải cách, và rồi lại thất bại. Vụ Vedan vừa rồi là một ví dụ tiêu biểu nhất cho sự trì trệ và vô trách nhiệm của chính quyền, mặc cho người dân lên tiếng từ cả chục năm nay. Sự việc đó là lời kêu gọi có sức nặng nhất cho sự cần thiết phải trao quyền cho các cá nhân, đoàn thể phi chính phủ để họ có vai trò hiệu quả hơn trong vai trò giám sát và hỗ trợ nhà nước xử lý tiêu cực.

 

Hoàng Lan, TT Bush với phu nhân Laura và Nguyễn Tiến Trung tại Texas tháng 8.2006

Việt Nam đã cải thiện phần nào hình ảnh của mình trên trường quốc tế, với việc hội nhập kinh tế và tham gia tích cực hơn trong các thiết chế quốc tế. Nhưng đó mới chỉ là bề nổi. Vấn đề cấp thiết hơn phải làm là phát triển nội lực, để tiếng nói của Việt Nam thực sự có sức mạnh. Mà muốn phát triển nội lực thì giáo dục và thông tin phải là hàng đầu. Bác cho rằng giáo dục Việt Nam không phá sản. Thế nhưng Bản báo cáo lựa chọn thành công của nhóm nghiên cứu thuộc đại học Harvard trình gửi Thủ tướng đầu năm 2008 lại đưa ra nhận định "Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện đang khủng hoảng". Thất bại trong giáo dục là thất bại trong tất cả. Muốn đất nước phát triển, Nhà nước phải tạo môi trường độc lập cho các trường đại học, như quyền tự trị, ngân sách độc lập. Thông tin phải được mở ra và giáo dục phải khuyến khích sự sáng tạo thay vì nhồi nhét.  Cháu biết, thật dễ để phê bình, vì quản lý một đất nước không phải điều đơn giản. Nhưng cái đáng phê bình hơn là việc quay lưng lại với thiện chí của những đoàn thể, tuy không cùng quan điểm với thành phần lãnh đạo, nhưng đều muốn góp sức vào công cuộc phục hưng đất nước. Điều này cháu sẽ trình bày rõ hơn ở phần sau.

Bên cạnh những băn khoăn về tình hình đất nước, cháu cũng mong muốn chia sẻ những suy nghĩ, những trải nghiệm cá nhân. Khi về Việt Nam nghỉ hè, cháu thường theo các bạn thanh niên tình nguyện đi làm một số hoạt động xã hội. Qua những chuyến đi ấy, cháu  thấy những khu ổ chuột gầm cầu Long Biên hay những gia đình trôi nổi trên những chiếc thuyền con ven sông Hồng, con cái họ không có điều kiện đến trường. Nhiều cơ sở giúp đỡ người tàn tật vẫn phải tự xoay sở để giúp mình, giúp người mà không nhận được sự giúp đỡ nào từ chính quyền. Bên cạnh đó là những nỗi đau khi thấy phụ nữ Việt Nam lần lượt ra đi, làm công nhân hoặc làm dâu xứ người. Khi ở Pháp, cháu thường tự hỏi, tại sao mình được học là xã hội tư bản dã man, người bóc lột người, mà chính sách an sinh xã hội của họ lại tốt như vậy. Nhìn những chiếc xe bus hay cơ sở hạ tầng của họ được thiết kế để có thể đón tiếp những người tàn tật, cháu chạnh lòng nhớ lại hình ảnh những người tàn tật lê lết xin ăn trên đường phố thủ đô Hà Nội nhầy nhụa vì mưa phùn. Nhìn xứ người tươi đẹp, sạch sẽ, với nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, người dân xứ họ có mức sống cao hơn Việt Nam nhiều lần, họ sống mà ngẩng cao đầu, không phải lo sợ Nhà nước điều gì khi họ bày tỏ chính kiến, cháu tự hỏi, sao cùng là con người, mà người dân mình vẫn còn khổ quá? Sao sinh viên Việt Nam thường học rất giỏi, đi du học ngày càng đông, mà Việt Nam không có bước phát triển thần kỳ nào cả? Đấy là nhìn người dân châu Âu, chứ ngay cả bạn bè Á Châu như Nam Hàn, Nhật Bản, họ cũng có một mức sống cao, họ sống ngẩng cao đầu, sống ngay thẳng, họ chu du khắp nơi trên thế giới và được nể trọng. Có điều gì sai với dân tộc Việt Nam?

Trước khi tham gia việc chính trị, cháu có đóng góp trong các hoạt động xã hội. Cháu  biết quỹ Bảo trợ trẻ em mà bác làm Chủ tịch đã có nhiều hoạt động tích cực. Nhưng hoạt động từ thiện xã hội chỉ như miếng băng dán lên vết thương, chứ không giải quyết tận gốc vấn đề là các bất công, tiêu cực mà hệ thống gây ra. Cháu không muốn phê phán, mà với những nhận định đó, chỉ tự hỏi mình có thể làm được gì? Tuổi trẻ phải làm gì, nếu như không phải là lên tiếng và hành động để cải thiện tình trạng đất nước, mà bắt đầu là việc cải tổ hệ thống có nhiều khiếm khuyết khiến đất nước như cái xe cọc cạch không tiến nhanh, tiến mạnh được?

 

Hoàng Lan phát biểu trong chương trình "Marathon Nối vòng Tay Lớn" của THTNDC 2006 tại USA

Có điều kiện du học tại Pháp, tốt nghiệp loại Khá ở Panthéon-Assas, trường đại học luật hàng đầu của nước Pháp, nói tiếng Pháp và tiếng Anh trôi chảy, cháu hoàn toàn có thể ở lại Pháp, kiếm một việc làm tốt, lương cao, và yên ổn với gia đình của mình. Cháu dấn thân vào chuyện chính trị, chấp nhận những hi sinh trong cuộc sống riêng tư, chỉ vì nặng lòng với đất nước. Cháu cũng là một trong số ít những sinh viên Luật chọn học ngành luật công, hành chính và hiến pháp. Đó là bởi vì cháu cho rằng sau khi học những cái hay, cái tốt của nước người, cháu có thể trở về giúp đất nước. Nếu học luật tư hay luật thương mại, cháu sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn, nhưng đó sẽ chỉ là sự mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân mình mà thôi. Mặc dù sự mưu cầu hạnh phúc là chính đáng, như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong Tuyên ngôn độc lập, nhưng cháu tự cảm thấy mình là một người quá may mắn trong cuộc sống, nếu không chia sẻ sự may mắn ấy hoặc tận dụng sự may mắn ấy để giúp ích cho xã hội, thì thật là ích kỷ biết nhường nào.

Cháu từng có dịp nói chuyện với một cô làm trong Bộ lao động, thương binh và xã hội. Cô than phiền rất nhiều về tình hình Việt Nam, đặc biệt tình trạng dân oan mất đất, mất nhà, tình trạng tham nhũng. Nhưng sau khi than phiền một cách hăng say, cô dừng lại, thở dài: "Nhưng mà thôi, nếu mình không nặng lòng quá với mấy chuyện đó, thì mình vẫn sống tốt được." Cháu chỉ mỉm cười mà không nói gì cả. Cháu trót nặng lòng rồi. Yêu nước đâu phải là cái tội, phải không bác?

Làm gì?

Bác Bình đã không nói cụ thể về việc "làm như thế nào", mà chỉ đưa ra nhận định rất chung chung: chúng ta cần có tổ chức, cần có Hiến pháp, pháp luật, cần có sự thảo luận để cảm thông, tìm sự đồng thuận đi tới, chứ không thể áp đặt.

Cháu xin được nói ngay là những điều bác nói trên đây là rất đúng. Đó cũng là những gì mà Đảng Dân Chủ Việt NamTập Hợp Thanh Niên Dân Chủ hướng đến.

Bác Bình có nói chúng ta cần thảo luận, để thông cảm với nhau. Không phải cháu và bạn bè không muốn, mà chính là Nhà nước, hoặc những người đại diện cho Nhà nước đang thiếu thiện chí đó thôi. Những vấn nạn của Việt Nam hiện nay như tham nhũng, giáo dục xuống cấp, tranh chấp đất đai với Trung Quốc, v.v, là những vấn đề chung của toàn dân tộc, mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền và nghĩa vụ tham gia vào việc giải quyết những vấn nạn ấy. Về nguyên tắc, có lẽ không có gì mâu thuẫn. Nhưng hãy nhìn vào thực tế, vào cách hành xử của những cán bộ Nhà nước. Cháu mong muốn được tâm sự với bác về những gì cháu "mắt thấy, tai nghe" trong mùa hè vừa rồi.

 

Hoàng Lan trả lời phỏng vấn, trong ảnh TVP: TV Polonia

Mùa hè vừa qua, cháu có trở về Việt Nam trước khi qua Mĩ tiếp tục du học với một suất học bổng nhỏ của trường đại học Indiana. Trước là về thăm nhà, sau là muốn gặp gỡ những người bạn cùng lý tưởng lâu nay vẫn thường trao đổi thông tin, cháu  cũng đã mong có cơ hội đối thoại trực tiếp với những cán bộ an ninh. Ngoài những buổi mời đi uống cà phê, nói chuyện với một số anh chị an ninh trẻ, một lần, cháu “được” Công an phường mời lên làm việc với lý do Khai báo tạm trú (tại nhà bố mẹ)… Dù biết đó chỉ là cái cớ, cháu vẫn sẵn sàng đến, mong có một cơ hội nữa để hiểu nhau hơn. Buổi "làm việc" hôm ấy, thật bất ngờ, không phải là với công an phường mà là với cán bộ Bộ công an từ Trung ương xuống, về các hoạt động chính trị của cháu. Dù không đồng tình cách làm việc thiếu minh bạch khi mời một đằng, làm một nẻo, cháu vẫn vui vẻ nói chuyện với các cô chú. Cháu đã tỏ rõ quan điểm của Đảng Dân Chủ Việt NamTập Hợp Thanh Niên Dân Chủ là mong muốn đối thoại, tìm những điểm đồng thuận để cùng nhau đi tới, trên cơ sở chung là cùng hướng đến những gì có lợi cho nhân dân, cho đất nước. Thật bất ngờ, chú cán bộ của Bộ công an nói, Đảng Dân Chủ của cô có tư cách gì mà đòi nói chuyện, ai cho phép? Rõ ràng, nếu câu nói này không thể hiện thái độ đối đầu, thiếu thiện chí mà những người lãnh đạo cấp trên truyền đạt xuống, thì nó cũng thể hiện việc hành xử ngoài thẩm quyền của nhân viên an ninh khi thi hành nhiệm vụ. Đó là chưa kể thái độ có lúc hằn học, cách đối xử với những người khác biệt quan điểm với mình như những kẻ tội phạm. Dù buồn và thất vọng với cách hành xử của những người được gọi là công an nhân dân mà lại đặt ý thức hệ và đảng phái của mình cao hơn dân tộc, cháu vẫn muốn tin rằng có những người trong số họ chỉ thi hành mệnh lệnh cấp trên vì miếng cơm manh áo.  Tuy vậy, có những người bạn cùng lý tưởng nói với cháu rằng: không phải họ muốn, mà chính chính quyền đã đẩy họ vào thế đối lập. Sau lần này cháu hiểu hơn câu nói ấy.

Bác Bình nói đến chủ trương đoàn kết dân tộc, cháu rất mừng khi nghe điều ấy. Nhưng nếu nói đoàn kết dân tộc mà chỉ khăng khăng giữ quan điểm, thành kiến của mình mà không mở ra cơ hội để đối thoại, thảo luận, tìm mẫu số chung để cùng nhau đóng góp cho đất nước, thì đó chỉ là những từ vô nghĩa mà thôi. Đoàn kết phải dựa trên nguyên tắc dân chủ, tôn trọng sự khác biệt, đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích đảng phái, cá nhân. Đã nhiều năm nay điều 3 Hiến pháp Việt Nam nhắc đến chủ trương xây dựng "Xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn minh". Tiêu chí cuả Đảng Dân Chủ Việt Nam là "Dân chủ, Đoàn kết, Phát triển." Mục tiêu không khác nhau, vậy còn chờ gì mà chưa mở ra cơ hội đối thoại, thực hiện đoàn kết dân tộc để đưa đất nước đi tới? Với tư cách là đảng lãnh đạo, nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam chủ động mở ra tiến trình này, thì cháu tin đó sẽ là một chính sách phù hợp lòng dân, mở ra vận hội mới cho đất nước.

Cháu biết rằng vẫn có những nghi ngại và phân biệt người "trong nước" - "ngoài nước", “trong Đảng” - “ngoài Đảng”. Vẫn còn nghi ngại vì chưa có đối thoại. Vẫn còn phân biệt vì chưa đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết. Mọi sự đánh giá từ mỗi bên đều là chủ quan. Bác Bình đã nói đúng, không thể tự mình nghĩ ra một kiểu rồi áp đặt lên tất cả mọi người. Không một thiểu số nào được quyền áp đặt ý thức hệ hay chủ thuyết của mình lên 84 triệu dân, dù đó là chủ thuyết cộng sản hay dân chủ. Quyết định cuối cùng phải thuộc về nhân dân. Các đảng phái, đoàn thể chỉ có quyền vận động, thuyết phục nhân dân chứ không được quyền áp đặt. Thế nhưng, nếu không có báo chí độc lập, thì làm sao nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân? Nếu không mở ra tự do ứng cử, tự do bầu cử, mà việc bầu cử vẫn do Mặt trận tổ quốc kiểm soát, thì làm sao những đại biểu quốc hội có thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân được đây? Chừng nào những đại biểu quốc hội hoặc hội đồng nhân dân, hoặc chủ tịch xã được dân trực tiếp bầu ra, chừng đó lá phiếu-tiếng nói của người dân mới có giá trị, những người đại biểu mới thấy mình phải gắn bó và có trách nhiệm với nhân dân, chừng đó người dân mới cảm thấy tin tưởng và tìm đến người đại biểu của mình.

 

Hình lưu niệm với ô. René Van Der Linden (chủ tich Council of EU) và ông Johan Weyts TNS (Bỉ) cùa Nghị viện châu Âu

Bác Bình đã trải qua một thời tuổi trẻ sôi nổi, hăng say cống hiến cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Đó là những ngày mà người dân miền Nam Việt Nam còn có quyền biểu tình, có quyền ra báo, có quyền lên tiếng công khai để phản đối chính quyền mà họ cho là độc tài, là không xứng đáng. Còn bây giờ, cháu thấy báo chí không có sự độc lập, phải chịu sự kiểm soát của đảng cầm quyền để "đi đúng lề bên phải." Sinh viên biểu tình phản đối Trung Quốc thì bị chính công an Việt Nam ngăn chặn, bắt bớ. Các đoàn thể như công nhân tập hợp nhau lại để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ thì bao giờ cũng bị gắn cái mác “bị các thế lực thù địch kích động,” như thể người dân Việt Nam, ngoài đảng Cộng sản, chỉ là những con rối. Người dân chỉ dám thì thầm với nhau về những tiêu cực và bất mãn, mà ít khi dám lên tiếng công khai. So sánh những ngày tuổi trẻ của bác, với xã hội và tình hình Việt Nam bây giờ, không biết bác cảm nhận thế nào. Còn cháu, cháu đau nỗi đau của người dân một nước nhỏ lép vế trên trường quốc tế và lép vế trước người láng giềng phương Bắc. Cháu lo cho vận mệnh của dân tộc khi cái sinh khí hào hùng trong lịch sử dường như đã trôi xa. Chừng nào vẫn còn những tiếng nói cải cách, chừng đó dân tộc vẫn còn. Chỉ sợ khi không còn ai lo lắng cho đất nước, chẳng còn ai buồn lên tiếng nữa, khi ấy Việt Nam sẽ không còn là một dân tộc nữa, mà chỉ là những cá nhân đơn lẻ sống cạnh nhau, lo vun vén cho bản thân mình, mặc cho cái xã hội này đi đến đâu cũng được. Nếu vậy thì tiếc cho bốn nghìn năm lịch sử hào hùng của dân tộc lắm, phải không bác?

Bác có nói là phải có tổ chức, phải tôn trọng Hiến pháp và Pháp luật, cháu đồng ý lắm. Nhưng trước hết chính Nhà nước hãy tôn trọng quyền tự do báo chí, quyền tự do lập hội, quyền tự do biểu tình của người dân được quy định trong Hiến pháp trước đã. Những bộ luật, nghị định mà Nhà nước thông qua phải phù hợp với Hiến pháp, chứ không thể đi ngược lại nó được.

Cháu đoán rằng khi bác nói đến Hiến pháp, có thể bác ám chỉ điều 4 Hiến pháp, vì khi cháu "làm việc" với các cô chú bên Bộ Công an, các cô chú có đưa điều khoản này ra để nói rằng việc thành lập tổ chức là vi phạm pháp luật. Trước hết, việc thành lập tổ chức hoặc bày tỏ quan điểm ôn hoà là một vấn đề chính trị, và cần phải được giải quyết bằng giải pháp chính trị, tức là bầu cử tự do, công bằng, để biết nhân dân thuận theo ai hơn. Thứ hai, pháp luật do con người làm ra, con người có thể thay đổi nó. Đến một thời điểm trong lịch sử, khi người dân không còn ưng thuận với điều khoản đó nữa, người dân giữ quyền thay đổi, thông qua trưng cầu dân ý nếu đó là Hiến pháp; hoặc thông qua Quốc hội lập nên từ bầu cử tự do, công bằng, để thay đổi luật pháp. Đó là quá trình thay đổi ôn hoà nhất, hợp lòng dân nhất. Nếu Việt Nam làm được điều này, Việt nam sẽ chứng tỏ được với bạn bè quốc tế về sự ổn định chính trị của mình, rằng những vấn đề của Việt Nam được giải quyết qua những cơ chế dân chủ nhất, đó chẳng phải là điều tốt cho sự thu hút đầu tư đến Việt Nam sao? Xã hội chỉ không ổn định khi không có những cơ chế giải quyết mâu thuẫn xã hội một cách hoà bình. Việc bắt bớ, hạn chế dân quyền, hình sự hoá các vấn đề chính trị, chỉ tăng sự mâu thuẫn trong xã hội và gây lo ngại cho bạn bè quốc tế muốn đến làm ăn ở Việt Nam mà thôi.

 

Hình lưu niệm với ông Johan Weyts -TNS cùa Nghị viện châu Âu và Phu nhân tại Brussels

Như bác Bình đã nói, "bước vào một giai đoạn mới, mỗi người có suy nghĩ của mình, không phải ai cũng giống ai." Không phải cứ phải vào Đảng cộng sản hay Đoàn thanh niên cộng sản thì mới là đóng góp cho đất nước qua con đường hoạt động chính trị. Chính vì thế, việc mở ra các cơ chế đối thoại cho những đoàn thể đại diện cho những luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội là điều quan trọng hơn bao giờ hết, để tạo nền tảng cho đoàn kết dân tộc. Việc có các tổ chức chính trị khác nhau được thành lập chẳng qua cũng chỉ là hệ quả của quá trình vận động tự nhiên trong xã hội mà thôi. Khả năng có hạn của con người không thể bẻ cong bước tiến của lịch sử được. Những người lãnh đạo giỏi sẽ là những người nhìn thấy xu thế ấy mà có chính sách, hành động cho thuận thiên cơ và hợp nhân tâm. Có được những người lãnh đạo ấy là cái phúc của dân tộc vậy. Người lãnh đạo thức thời ấy sẽ là đảng Cộng sản hay một lực lượng nào khác? Điều đó phụ thuộc vào chính những người lãnh đạo bây giờ, hoặc phụ thuộc vào bước đi tất yếu của lịch sử, mà thôi.

Nếu được tóm gọn ý kiến của mình trong một câu, quan điểm của cháu cũng không khác bác Bình nhiều lắm: thảo luận, đối thoại, tìm quan điểm chung để cùng hành động. Cháu rất mong rằng, là một người phụ nữ đã đi vào lịch sử Việt Nam, bác Bình sẽ có những tiếng nói và hành động tích cực hơn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, đồng thuận. Về phần cháu, chỉ là một người con gái bình thường cố gắng dung hoà trách nhiệm với gia đình và xã hội, cháu sẽ vẫn tiếp tục lên tiếng và hành động cho những gì mình cho là đúng. Khi ấy, thật mong bác Bình, người đi trước, sẽ chỉ ra cụ thể cái chưa đúng để cháu được học hỏi thêm. Thảo luận để thông cảm là điều chúng ta chưa có, hoặc ít có cơ hội thực hiện, phải không bác?

Bloomington-Indiana, ngày 12 tháng 10 năm 2008

Cháu Hoàng Lan

______________________________________________

·         Cô Hoàng Lan đã tốt nghiệp thạc sỹ Luật tại đại học Panthéon-Assas (University of Paris II) Pháp quốc, tháng 6, năm 2008 và hiện đang theo học chương trình Tiến sỹ luật chuyên về hiến pháp dân chủ (Constitutional Democracy) tại Indiana University - School of Law, Hoa Kỳ

·         Tham khảo: BBC phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình về cuộc đời và xã hội

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 733 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 364
Khách: 364
Thành Viên: 0