Thứ Năm, 2025-01-23, 3:36 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 2 » Quyền cao nhưng năng lực hạn chế
9:49 PM
Quyền cao nhưng năng lực hạn chế

02.11.2008 07:16


Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cá nhân ĐBQH có vai trò quyết định trong việc thực hiện sứ mệnh của QH là cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân. Nhưng thực tế năng lực của đại biểu, đặc biệt đại biểu không chuyên trách vẫn còn hạn chế.

Sống nơi này, làm đại biểu nơi khác

Ở kỳ họp giữa năm của QH, ông từng đề cập việc cần thiết phải nâng cao năng lực của ĐBQH vì chính các đại biểu là người bấm nút thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Vì sao?

- Cả về lý thuyết lẫn thực tế, rõ ràng, vị trí của QH sẽ vươn đến đúng sứ mệnh của mình, tức là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.

Nhưng để thực hiện sứ mệnh đó, QH phải thể hiện hiệu quả. QH ngoài ý nghĩa của một tập thể thì cái quyết định chính là cá nhân đại biểu QH.

QH Việt Nam có đặc thù riêng khác với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tính chuyên nghiệp chưa có điều kiện phát triển. Cho đến nay, đội ngũ bán chuyên trách như chúng tôi vẫn chiếm 2/3.

Đại biểu bán chuyên trách gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- ĐB không chuyên theo lý thuyết chỉ dành 1/3 thời gian phục vụ cho QH. Đặc biệt có dạng ĐB như tôi sống ở Hà Nội nhưng đại diện cho một số tỉnh khác nên rất khó khăn. Quyền hạn của ĐB rất cao nhưng năng lực lại hạn chế, phương tiện làm việc càng hạn chế hơn nữa.

Người dân địa phương ở Đồng Nai hoặc ở nơi khác đến, nguyên tắc mình vẫn phải tiếp nhưng làm việc ở đâu? Bộ máy nào có thể giúp mình trong vô số việc từ nhỏ đến lớn? Nhỏ là những vấn đề hành chính như tiếp nhận đơn, theo dõi hồ sơ... Lớn ở chỗ ĐBQH cũng chỉ phát triển trên một lĩnh vực chuyên môn nhất định, trong khi QH có trách nhiệm trước rất nhiều vấn đề khác nhau của đời sống xã hội.

Liệu những hạn chế do không chuyên có khiến việc bấm nút của các ĐBQH đôi lúc không được chính xác?

- Hội trường là một trường học lớn. Những cuộc trao đổi ở tổ hay hội trường giúp mọi người lắng nghe nhau, thuyết phục nhau để tìm sự đồng thuận thể hiện trong việc bấm nút. Nhưng trong các hoạt động độc lập của mình, ĐBQH phải có bộ máy tư vấn.

Tôi thường nghĩ mỗi ĐBQH muốn phát huy hết vai trò của mình phải có 3 tư chất: Tư chất làm chính khách, năng lực của một nhà báo để truyền thông điệp và am hiểu pháp luật.

Cái khó nhất là pháp luật bởi pháp luật hết sức rối rắm và mình không có điều kiện cho nên nhiều khi đứng trước một vụ việc không biết nên ứng xử thế nào nếu không có một người hoặc tổ chức tư vấn.

Việc này ở các đoàn ĐBQH địa phương đã khắc phục được với việc tổ chức các tình nguyện viên hay các nhóm chuyên gia hỗ trợ. Nhưng với những ĐBQH không chuyên ở xa như chúng tôi thì rất khó.

ĐBQH cũng bị đánh đố

Tôi cho rằng còn một lĩnh vực nữa không kém hóc búa đối với ĐBQH mỗi khi bấm nút là kinh tế. Có những ĐBQH phát biểu không đồng tình với một số liệu nào đó trong báo cáo của Chính phủ nhưng bản thân họ cũng không phản biện lại được bằng con số theo kênh của mình?

- Vấn đề con số hết sức khó xử lý. Ngay bản thân báo cáo của Ủy ban chuyên môn của QH về kinh tế cũng phải thừa nhận con số không thống nhất và rất khó nắm bắt, đặc biệt con số của địa phương.

QH phải có phương tiện để thẩm tra các con số, nếu không thì ĐB cũng bị đánh đố.

Bên cạnh đó, báo cáo thường nói đến những con số tuyệt đối thôi, trong khi còn nhiều vấn đề đằng sau đó. Tôi rất muốn trong báo cáo của mình, Chính phủ không chỉ công bố mà phải phân tích con số ấy. Ví dụ nói bình quân thu nhập đã đạt tới 1.000USD/đầu người thì phân tích ý nghĩa của nó không chỉ ở mặt tích cực mà cả mặt chưa được.

Có những nội dung như luật chuyên ngành, các ĐBQH phải xem xét, đóng góp ý kiến để QH thông qua. Trong trường hợp xác suất rủi ro từ hạn chế năng lực xảy ra, những ĐB bấm nút sẽ chịu trách nhiệm thế nào với nhân dân?

-  Trong QH, đại biểu chuyên trách có các ủy ban chuyên môn có điều kiện tập trung sự hiểu biết, thời gian, phương tiện. Nhưng tôi muốn nói thêm, như Cụ Hồ nói, nhân dân là trăm mắt nghìn tai nên phải khai thác tối đa sức mạnh nhân dân. ĐBQH có thể tìm sự "trợ giúp" thông qua hệ thống tổ chức xã hội, đặc biệt các tổ chức dân sự, trong đó có những hội về nghề nghiệp, khoa học.

Nếu xã hội cùng nhau trao đổi công khai, minh bạch, sẽ dẫn đến sự đồng thuận cao, tránh được sai lầm chủ quan.

"Bấm nút" làm mất tính minh bạch

Vậy ĐBQH, nhất là ĐB không chuyên trách, muốn cải thiện năng lực thì phải làm gì? Một nhà sử học, một nhà báo như ông đã làm thế nào để nâng cao năng lực?

- Chúng ta khắc phục bằng cách tăng cường lực lượng chuyên trách mà đây là xu thế QH đang cố gắng từng bước. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người không chuyên trách khắc phục những hạn chế của họ. Nhưng đồng thời bản thân mỗi người phải thay đổi, tự nâng cao năng lực bản thân mình.

Người làm sử có ưu thế nhất định trong các suy nghĩ, trong khi là một nhà báo, tôi có thế mạnh tiếp cận nhiều đội ngũ người làm truyền thông. Tôi cũng là người quảng giao nên làm bạn với nhiều chuyên gia, tham gia nhiều tổ chức nghề nghiệp và xã hội. Đương nhiên quan trọng nhất là mình có năng lực lắng nghe.

Các ĐBQH sẽ bấm nút thông qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thông qua các văn bản pháp luật mới trong những ngày cuối kỳ họp này. Là một ĐB, ông có kỳ vọng gì để sứ mệnh bấm nút xác đáng, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân?

- Tôi chỉ có chút băn khoăn về cách thức “bấm nút”. Rõ ràng bấm nút có thể mang lại lợi thế của công nghệ nhanh, chính xác, lưu trữ, xử lý rất tốt... nhưng nó làm mất đi tính minh bạch.

Tôi thấy ở nhiều nước vẫn giữ được những truyền thống rất cổ điển để đảm bảo tính minh bạch. Như ở Anh, những người tán thành một văn bản nào đó thì đi sang cửa phía bên này và những người không tán thành thì đi sang cửa phía bên kia. Mọi người sẽ quan sát được thái độ của anh như thế nào trước một vấn đề. Thậm chí quần chúng có thể giám sát người đại biểu ấy có phản ánh đúng nguyện vọng của họ hay không.

Về “bấm nút” ở ta, bên cạnh cái nhanh nhạy, nó gần như rất kín đáo. Có thể tôi phát biểu là cộng nhưng tôi bấm nút là trừ thì sao? Trên biểu bảng của QH cũng không nên chỉ là những con số vô nhân xưng mà nói rõ cột những người đồng ý, không đồng ý và những người bỏ phiếu trắng.

Xuân Linh thực hiện

http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/811442/

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 858 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 21
Khách: 21
Thành Viên: 0