Thứ Năm, 2025-01-23, 3:31 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 3 » Hà Nội lũ
9:05 AM
Hà Nội lũ
Nguyễn Quang Vinh

Hà Nội ngập nặng trong lũ. Tin ấy ai cũng thương và muốn chia sẻ. Tôi cũng vậy.

Nhưng tự dưng lại thấy mắt mình cay cay khi thấy lũ Hà Nội và lũ miền Trung - nơi mà mùa lũ nào tôi và đồng nghiệp của tôi - những nhà báo đều có mặt để cứu trợ. Nhìn lũ Hà Nội, nghe người Hà Nội nói về cái cực trong lũ bỗng dưng thấy tủi thân...

Bỗng dựng lại muốn so sánh.

Một kỷ niệm: Năm 1983, huyện Triệu Hải tỉnh Quảng Trị bị một cơn lũ quét lịch sử. Tôi là nhà báo duy nhất bám theo được một chiếc thuyền máy ngược sông Thạch Hãn lên phía thượng nguồn Ba Lòng. Hoang tàn đến đau đớn. Nhà trôi, những xác chết chưa ai khâm liệm. Trẻ con vất vưởng ở chân những quả đồi đói khát. Thuyền chúng tôi không cập bờ được, chỉ ghé vào cách bờ một quãng rồi chúng tôi ném bánh mỳ vào bờ: Nơi đó có một đám trẻ con nheo nhóc và mấy con chó. Những ổ bánh mỳ cắm chéo xuống bùn, sát bờ. Lũ trẻ con lao ra lấy bánh mỳ. Lũ chó cũng lao ra cướp bánh mỳ. Người và chó dành nhau. Lũ trẻ khoẻ hơn nhưng cũng phái rất vất vã mới kéo giằng khỏi miệng lũ chó ổ bánh mì. Ổ mì nhàu nát với bùn. Nhưng lũ trẻ ăn ngấu nghiến. Tôi đưa máy ảnh lên nhưng không bấm máy được vì nước mắt.
Bà con Rục đói vì lũ, ăn cả nòng nọc

Kỷ niệm khác: Năm kia , tôi quyết định cùng với 2 đồng nghiệp bơi vào vùng rốn lũ của đồng bào Rục. Phải bơi vào vì bà con ngập lũ, bị cô lập 7 ngày mà mọi cấp lãnh đạo đều thả cho dân đói, không đoái hoài.

Chúng tôi kết mấy thân gỗ làm bè, bấu vào đấy, dầm trong nước lũ lạnh buốt suốt 4 giờ liền. Vào đến nơi mới hoảng hồn, bà con hết gạo ăn, hết sắn ăn, đã có nhà ăn cả con nòng nọc để sống. Chúng tôi phân phát bánh trái, mì tôm ít ỏi và ít gạo. Rồi chúng tôi lại khẩn cấp bơi ra ngay để kịp viết tin bài phản ánh và yêu cầu lãnh đạo địa phương cứu dân.

Lại một lần khác, tôi cũng là nhà báo duy nhất có mặt sớm nhất tại khu vực lũ quét huyện Hương Sơn. Và sau đó một ngày, báo Lao Động là tờ báo đưa tin, ảnh, phóng sự sớm nhất về lũ quét Hương Sơn. Dọc đường 8, những người chết lũ được gia đình cho vào quan tài, để dọc đường ô tô vì lũ lớn, không đi chôn được. Quan tài đỏ nằm hai bên mép đường cùng với những tiếng kêu khóc ướt lạnh trong mưa lớn. Một thằng bé ngồi khóc bên đống bùn lớn. Hỏi sao cháu ngồi giữa trời mà khóc. Ba mẹ cháu trong ni. Trong ni là sao. Ba mẹ cháu bị lở núi, vùi trong ni, không ai đào được núi ra cứu ba mẹ. Tôi ôm ghì lấy cháu. Răng ba mẹ cháu lại bị vùi trong ni? Răng ba mẹ cháu lại bị vùi trong ni?

Rồi năm ngoái ở xã Châu Hoá huyện Tuyên Hoá, lũ về, cuốn trôi cha mẹ và một đứa con, nhà còn lại ba chị em gái. Một năm sau tôi lên lại thăm các cháu, thấy ba chị em đang đi tha thẫn dọc bờ sông lở lói. Sao các cháu đi ngoài đó, sao không vào nhà. Cô chị nói: hai đứa em cháu bắt cháu đưa chúng ra tìm ba mẹ cháu...Cháu nói ba mẹ và em ở trong mộ rồi. Hai em cháu không chịu...

Với bà con miền Trung, lũ là đói, rét, chết chóc...

Nhưng tối nay xem ti vi, người Hà Nội nói, lũ ngập không có rau xanh ăn, phải vô siêu thị mua thức ăn khô.

Nghĩ thế cũng rất thương nhưng sao ngoái lại nhìn bà con quê mình lại thấy sống mũi cay xè. Cái khổ của người thành phố mùa lũ lụt và cái khổ của bà con quê mình, có nên so sánh không?

Lại nghe cô bé phát thanh viên VTV1 thông báo là phóng viên nhà đài do lũ to không ra đường quay được, may có người dân quay rồi gửi hình ảnh lũ qua Email. Thế là nổi điên lên. Tiên sư chúng mày nhà báo công tử, nhà báo phòng lạnh, nhà báo salông. Lũ có thế mà không đứa nào ra đường quay, ghi lại, chép lại, chia sẻ với nhân dân, chỉ đứng trên tầng thượng nhà đài mà rút ống kính xuống đường. Phóng viên thường trú tại tỉnh lẻ như chúng tôi, lũ, bão là có mặt ngay lập tức bằng bất cứ giá nào, kể cả mạng sống của mình.

Tôi có bức ảnh nổi tiếng in trên báo Lao Động năm ngoái. Bão. Cảng Hòn La ngập trong bão lớn. Tôi thấy nếu đứng xa chụp thì không phản ánh được sự dữ dội của bão. Tôi nhè vào đúng lúc một cơn sóng lớn đang chuẩn bị ập vào, tôi lao ra, bấm máy lia lịa và sau đó, cơn sóng lớn đã trùm hết lên người tôi, đẩy bay tôi ra hơn hai chục mét, vùi trong cát, trong đá, toàn thân xây sát phải vào bệnh viện. Đổi lại, báo Lao Động có một bức ảnh bão để đời, bức ảnh chỉ có thể thực hiện khi phóng viên đứng ngay trong tâm bão.

Thế mà nước chỉ ngập đường, phóng viên nhà đài không ra được. Thấy ức với nghề.

Vài cảm nhận thế. Vẫn chia sẻ khó khăn với bà con Hà Nội nhưng khổ, cái chất nhà quê nó thế đấy các bác, thấy người ta cực bằng cái sướng của mình, lại tưng tức nóng mũi mà bình loạn...

Nếu có gì sai là do em " nhận thức còn hạn chế".

Nguyễn Quang Vinh’s Blog
(http://vinhnq.vnweblogs.com/post/9150/104356)


Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm

LINH’s Blog

Bí thư Hà Nội: "Thiên tai thì không tính trước được".

Câu nói này nên được bình chọn là Phát ngôn ấn tượng nhất trong tuần, nếu không phải là trong tháng: "tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm."

Hay thật, lãnh đạo Chính quyền đổ lỗi cho nhân dân là ỷ lại Nhà nước. Theo ông Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị thì có lẽ người dân không biết quý tính mạng, tài sản của mình mà trông chờ các quan chức Nhà nước như ông Nghị làm việc đó hộ họ? So với ngày xưa của ông Nghị là so với ngày xưa nào, so với cái thời Chính quyền thúc dân lao động tập thể, gánh đất đắp đê, lao mình xuống nước chống lũ theo tinh thần lao động XHCN trong khi các quan chức thì chễm chệ tổng kết phong trào?

Hơn nữa, lãnh đạo một thành phố hàng triệu dân kiểu gì mà có thể tuyên bố rằng "Thiên tai thì không tính trước"??? Tất nhiên không thể biết trước được một cách chính xác là thiên tai sẽ xảy ra như thế nào nhưng phải có dự trù trước những khả năng xảy ra thiên tai và cách thức khắc phục nếu thiên tai xảy ra chứ.

Theo ông Bí thư thì trách nhiệm của chính quyền trong ứng phó trước cơn lụt là "hòa cả làng."

"Bây giờ là vấn đề thiên tai, phải cùng cố gắng khắc phục. Nếu tại người thì còn phê bình kỷ luật người này người nọ, chứ còn do thiên tai thì chịu..."

Ông Nghị khẳng định "Lãnh đạo đều đi chỉ đạo hết. Không ai nghỉ ngơi" nhưng ngày 1/11, trong khi cơn mưa đang dữ dội hơn cả thì các lãnh đạo "đi chỉ đạo" bằng cách họp, và không phải họp vì vấn đề thiên tai, mà là họp để "tổng kết vấn đề tôn giáo". Trong khi nhân dân chống chọi với cơn lũ thì ông Nghị (hay ông Thảo) báo cáo việc ông đã "xử lý" vấn đề đất Tòa khâm thế nào, phát động chiến dịch truyền thông hạ bệ TGM Ngô Quang Kiệt ra sao, thành công như thế nào...Và tới chiều 1/11, ông Nghị mới khệ nệ đi ô tô kiểm tra các điểm ngập lụt (không hiểu sao ông lại dùng chữ "đi ô tô", chả lẽ để người dân không hiểu lầm rằng ông đi xe máy hay đi trực thăng, hay đi xuồng, hay đi ngựa?). Ngày 2/11, khi mưa đã tạnh, ông mới đi ra ngoại thành chỉ đạo.

Ông Nghị bảo thiên tai thì "chịu", không thể phê bình kỷ luật người này người nọ. Thế tại sao sau cơn bão Katrina ở New Orleans, hàng loạt các cơ quan chính phủ Mỹ, các quan chức chính quyền, trong đó có cả tổng thống Bush bị phê phán nặng nề. 75% số người được hỏi cho rằng chính quyền thành phố New Orleans có lỗi trong việc ứng phó với cơn bão và giải quyết hậu quả sau cơn bão. Lãnh đạo Cơ quan cứu trợ Liên bang Michael Brown phải từ chức do áp lực bởi những phê bình của dư luận. Trong khi đấy, khi xảy ra vụ 11/9 thì uy tín của Giuliani, Thị trưởng New York lại tăng vọt nhờ những biện pháp khắc phục thảm họa hiệu quả của chính quyền thành phố này. Để so sánh gần hơn, sau thảm họa động đất ở Trung Quốc trong năm nay, uy tín của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tăng đáng kể trong dân chúng do việc ông này thường xuyên có mặt tại trung tâm thảm họa để kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác cứu hộ và cứu trợ nhân dân.

Còn những đánh giá của người dân với sự ứng phó của chính quyền Hà Nội như thế nào? Liệu có báo nào đăng không? Khi thay vì thực hiện các biện pháp hiệu quả cứu trợ nhân dân, lãnh đạo thành phố họp về vấn đề tôn giáo trong ngày 1/11. Còn trước đó, ngày 31/10, họ làm gì, ở đâu thì ông Nghị "quên" không nói. Vnexpress hãy thử làm một cái poll xem nhân dân đánh giá thế nào về những gì chính quyền Hà Nội đã làm.

"Lãnh đạo đều đi chỉ đạo hết. Không ai nghỉ ngơi. Việc gì cũng phải tính đến hoàn cảnh thực tế. Có cái chậm một chút nhưng khả năng ứng phó cũng có lý do khách quan.

Bây giờ là vấn đề thiên tai, phải cùng cố gắng khắc phục. Nếu tại người thì còn phê bình kỷ luật người này người nọ, chứ còn do thiên tai thì chịu....

Sáng hôm qua (1/11), thành phố họp tổng kết vấn đề tôn giáo, chiều tôi đi ô tô kiểm tra các điểm ngập lụt trong nội thành, hôm nay đi ra ngoại thành. Từ chiều qua lãnh đạo thành phố đều đi kiểm tra hết."


Bè mảng do người dân Hà Nội tự ghép để vận chuyển

Đây, nhân dân đang ỷ lại Nhà nước khi tự vận chuyển người và xe máy khỏi những nơi úng lụt bằng ngựa, trong khi chờ đợi xe cứu hộ của Nhà nước đến! Ngoài ra còn thuyền, còn bè mảng tự ghép.

LINH’s Blog
(http://blog.360.yahoo.com/blog-LHs64Q8nc6oA.KIg0brqXw--?cq=1)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 812 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0