>> Toàn cảnh Hà Nội trong trận "đại hồng thuỷ"
Thưa ông chủ tịch!
Trong khi tôi viết những dòng này
thì ngoài kia trời vẫn đang đổ mưa, tôi vừa bơi cùng chiếc xe máy của
mình từ nơi làm việc về nhà trên những con đường hàng ngày vẫn đi nhưng
hôm nay tất cả đã thành những dòng sông. Xe thì chết, may mà tôi không
sao cả. Tôi không biết bằng cách nào thư này đến được với ông nên gửi
nhờ tòa soạn báo với hy vọng mỏng manh.
Thật ra không phải lần này đường
phố Hà Nội mới thành sông, nhưng vì lần này “thủy tinh” gây nên những
thiệt hại quá lớn đối với nhân dân Hà Nội nên không chỉ riêng tôi mà
hàng triệu người đều lo lắng, ái ngại trước những mong manh, cơ khổ của
cuộc sống đô thị thiếu kiểm soát ở nước ta.
Hình ảnh và tác
động của đợt mưa lũ này đối với Hà Nội chắc tôi không cần nhắc lại
nhiều, chỉ xin nêu số người thiệt mạng đã lên tới 17 người, nhiều nhà
thiếu lương thực để ăn, giá thực phẩm, rau quả tăng lên mấy chục lần,
nhà cửa, công sở, trường học, bệnh viện, xe cộ chìm trong nước.
|
Ảnh: vietnamnet |
Trong nỗi khổ mà nhân dân đang
phải gánh chịu này là nỗi khổ mà họ không biết làm thế nào để tránh, để
cải thiện, để loại bỏ. Không lẽ tất cả đều phải vin vào số phận để an
ủi, để lãng quên? Và ngay cả khi phải cậy nhờ niềm tin vào số phận ấy
chúng tôi cũng cố gắng đặt ra sự lý giải, đặt ra những câu hỏi về cuộc
sống của con người trong xã hội mình đang sống.
Câu hỏi về hệ thống thoát nước Thành phố?
Tôi được biết dự án tài trợ của
Nhật Bản cho thoát nước Hà Nội đã được khởi động cách đây hàng chục năm
với số tiền khổng lồ, có thể ngày ấy ông chưa nhận trọng trách trước
Đảng, Nhà nước và nhân dân với cương vị người đứng đầu thành phố nhưng
có 1 điều chắc chắn rằng bộ máy quản lý của chúng ta có tính kế thừa và
ông không thể nào không biết. Với số tiền ấy và thời gian không ngắn
như vậy mà tại sao tình hình thoát nước không được cải thiện bao nhiêu
không muốn nói là ngày càng tệ hơn.
Ngoài việc kè được từng đoạn
những con sông bao quanh Hà Nội, những con sông mà trong sử sách nói
rằng nó trong veo, lững lờ trôi điểm tô cho phong cảnh Hà Thành ngày
ấy bây giờ chỉ còn thấy một dòng nước đen ngòm mà bất cứ ai đi qua đều
lấy tay che mũi, ngoài việc đào đường bất tử rồi lấp đi vội vã, cẩu thả
thì thực chất dự án kia đã, đang làm những gì? Tác động của nó đến việc
thoát nước thành phố ra sao? Hiệu quả đến đâu? Trách nhiệm của chính
quyền và ngàng giao thông công chính ra sao?
Tôi không biết việc điều hành dự
án ra sao, chỉ đơn cử một việc nhỏ mà người dân nhìn thấy, báo chí ghi
hình rằng rất nhiều những con đường, những tiểu dự án cống hóa vừa làm
xong thì các nắp hố ga thoát nước bị đánh cắp, sau đó là gạch vụn, rác
thải từng ngày lấp đầy miệng hố, hiển nhiên như vậy thì nó cũng lấp đầy
cống thoát nước.
Ai cũng biết đầu tư cho hệ thống
thoát nước là cần nhiều tiền, rất nhiều tiền mà chúng ta không thể có
đủ, thế nhưng với cung cách quản lý như vậy thì dù có núi tiền đổ xuống
thì tắc vẫn hoàn tắc, ngập vẫn hoàn ngập. Mong ông Chủ tịch mai đây khi
nước rút đi, trong khi người dân vật lộn khôi phục lại đời sống, ngẩn
ngơ trước thiệt hại thì ông dành chút thời giờ vàng bạc kiểm tra lại
cái dự án thoát nước kia và nếu có thể xin ông cho bàn dân thiên hạ
được biết.
|
Ảnh: vietnamnet |
Câu hỏi về qui hoạch, thiết kế đô thị?
Tôi đọc bài báo nói về quy hoạch,
kiến trúc Hà Nội, trong đó tác giả cho rằng giới KTS Việt Nam kém
chuyên môn không đủ năng lực và tầm nhìn để quy hoạch và kiến thiết
thành phố. Sau đó nhiều phản hồi của giới trong nghề kêu than rằng oan
cho họ quá, họ chỉ được vẽ trên giấy chứ không có quyền gì đưa ý tưởng
hiện thân. Họ cho rằng trách nhiệm thuộc về các cấp chính quyền, thuộc về lãnh đạo.
Tôi thiết nghĩ họ đã nói đúng một
phần, khái niệm kiến trúc sư trưởng thực chất không hạn hẹp, không khu
trú ở vị trí chuyên môn, mà có thể theo tôi ông Chủ tịch mới chính là
vị kiến trúc sư trưởng của thành phố này, cho dù ông không hẳn là Kiến
trúc sư.
Tôi cũng láng máng hiểu rằng, quy
hoạch và thiết kế hệ thống thoát nước thành phố phải đi trước một bước
trước khi có thể cho phép nơi này, chỗ kia xây dựng khu đô thị, nhà
máy, khu công nghiệp và rằng điều cốt yếu phải xác định được “cốt” của
hệ thống thoát nước, nghĩa là đường cống thoát nước ở từng vị trí trong
thành phố phải có “cốt” khác nhau theo nguyên lý nước chảy từ cao xuống
thấp. Không biết Hà Nội của chúng ta đã bao giờ nghĩ đến hoặc đã làm
được gì để xác định chỉ số này?
Tôi đồ rằng hệ đường cống thoát
nước của chúng ta giống như cái túi mà phần đáy lại nằm ở trung tâm. Vì
lẽ đó, ngập úng giữa thành phố là chuyện tất nhiên và ngày càng trầm
trọng.
Thưa ông Chủ tịch!
Tâm sự và thiển ý của tôi cũng
chỉ được đến vậy, Hà Nội - Thủ đô của cả nước, niềm tự hào của người
Việt, nhất là sự kiện đồng hồ đếm ngược hình như đang quay nhanh để đưa
Hà Nội đến gần con số 1000 năm lịch sử, Hà Nội đã mở rộng gấp 3 - 4 lần
trước đây, Hà Nội cũng đang cùng TPHCM được Quốc hội xem xét phê chuẩn
cơ chế của Thành phố đặc biệt, cho dù ông Chủ tịch mới nhận trọng
trách đứng đầu chính quyền Thủ đô và như ông nói ông cần đi nhiều, thật
nhiều để nắm bắt, để hiểu Hà Nội hơn nhưng tôi ngày đêm mong mỏi ông
cùng các nhà lãnh đạo Thủ đô làm thế nào để Hà Nội đừng biến thành sông
sau mưa lũ, làm thế nào để Hà Nội đẹp hơn, hiện đại hơn để nhân dân Thủ
đô được tự hào, nhân dân cả nước ngưỡng mộ. Chúng tôi sẽ vô cùng cảm
kích và biết ơn ông Chủ tịch.
Kính thư!