Thứ Năm, 2025-01-23, 3:29 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 3 » Hà Nội lụt vì "nhân tai" cộng với thiên tai
10:56 AM
Hà Nội lụt vì "nhân tai" cộng với thiên tai
"Tôi tin rằng các chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo rồi nhưng có lẽ tầm nhìn, sự tiếp nhận, khả năng giải quyết... ở lãnh đạo Hà Nội thì chưa có, hoặc là nhiều khi chỉ nhìn gần mà không nhìn xa nên đã dẫn đến tình trạng như bây giờ", PGS-TS Nguyễn Văn Hùng nói.

>> Toàn cảnh Hà Nội trong trận "đại hồng thuỷ"

Vị ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng quy hoạch của Hà Nội đang thiếu hẳn tầm nhìn, làm theo kiểu "rách đâu vá đấy". Vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa, các hồ điều hòa bị thu hẹp. Ông Hùng kiến nghị phải tạo diện tích đất tự ngấm và bể ngầm.

Hà Nội lụt, phận người mong manh giữa dòng nước. Ảnh VNN


Hệ quả thiếu quán xuyến quy hoạch tổng thể Hà Nội của nhiều "đời" lãnh đạo

- Thưa ông, là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, ông lý giải như thế nào về trận lụt nghiêm trọng của Hà Nội mấy ngày hôm nay? 

- Có lẽ đây là hệ quả của cả một quá trình mà quy hoạch tổng thể Hà Nội không được quán xuyến qua nhiều đời lãnh đạo.

Ngày xưa Hà Nội có rất nhiều hồ điều hòa, nhiều diện tích đất tự ngấm, còn bây giờ, khi Hà Nội phát triển lên rồi, lòng đường, vỉa hè thì bị bê tông hóa, mặt đất nhiều nơi là bê tông hết, khu đất nhiều nơi ngày xưa là hồ ao thì lấp đi, san nền bán, giải quyết tính kinh tế trước mắt nhưng không nhìn thấy hậu quả. 

Và khi mà lượng nước nhiều lên, đường thì bê tông không thấm nước, lượng nước đổ vào không có chỗ chứa thì phải dồn ra kênh mương, muốn thoát được nước thì phải có độ chênh mặt nước để có thể chuyển từ này sang nơi khác theo nguyên tắc bình thông nhau.

Nhưng ở Hà Nội bây giờ, các kênh thoát nước và nhất là các trạm để bơm từ các hồ chứa ra ngoài không còn độ chênh mặt nước nữa khiến nước ứ lại. Chưa kể xây dựng thì không có quy hoạch, xây thì lấp cả dòng chảy của nó, bản thân các con đường không theo quy hoạch gì cả, có những chỗ giống yên ngựa, lõm xuống, nước sẽ tụ vào đấy, và khi độ chênh lệch mặt nước giữa hồ ao chứa và những dòng kênh chính thoát ra ngoài không có thì đương nhiên thành phố sẽ ngập hết khi lượng mưa lớn. 

Bê tông hóa, nước Hà Nội chảy về đâu?

- Như vậy, bài toán đặt ra là phải tạo độ chênh mặt nước cho Hà Nội?

Đúng như vậy. Nếu chúng ta không biết cách tạo độ chênh mặt nước và nếu chỉ có giải pháp giai đoạn 1 làm hết 2.500 tỷ thì đến giai đoạn 2 nếu không giải được bài toán làm sao xử lý được lượng nước đổ ra kênh mương thì chúng ta sẽ còn chịu lụt. 

Hà Nội hiện nay mới làm xong việc thoát nước giai đoạn 1. Hà Nội đã bê tông hóa hết rồi, vậy nước chảy đi đâu? Chỉ chảy ra sông Hồng, hoặc sông Kim Ngưu... Bây giờ chỉ thấy dùng máy bơm, mỗi giờ chỉ được 160.000 mét khối/giờ, thế thì liệu có giải quyết được bài toán ấy không? Cho nên có lẽ trong từng khu đô thị, vài tòa nhà là phải tạo ra một bể ngầm chứa nước.

Ở những vườn hoa, phải tạo ra những bể ngầm lấy nước dùng để cứu hỏa, tưới cây, rửa đường vừa là để chống mất nước mặt, giảm độ thất thoát nước ngầm, đồng thời Hà Nội sẽ đỡ sụt lún và sẽ đỡ ngập. Cộng với việc làm thêm những kênh mương và khơi thông dòng chảy. 

Hiện công nhân thoát nước Hà Nội mỗi khi thành phố ngập chỉ đi khơi thông dòng chảy, như thế thì không giải quyết được nhiều nếu như không giải quyết được độ chênh của mặt nước. Và nếu Hà Nội không tạo được độ chênh giữa mặt nước đường phố và mặt nước các sông như Kim Ngưu thì thoát đi đâu, chỉ có thể ngập thôi.

- Đ giải bài toán này, điều kiện tiên quyết là gì?

Giải quyết bài toán úng ngập của Hà Nội có lẽ cũng giống như chống úng ngập trong kinh tế hay trong giáo dục, là phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể, nhất quán và khách quan.

Hà Nội phải làm sao tìm ra giải pháp để nước chảy ra kênh mương, đồng thời cải tạo các cống, các ống thoát nước làm sao cho thông thoáng. Chứ khi sông Kim Ngưu hay các hồ điều hòa như hồ Tây, hồ Thuyền Quang, hồ Hoàn Kiếm, Ba Mẫu bị thu hẹp hoặc biến mất, thì chúng ta phải làm bể ngầm, rồi làm những đường thoát nước ra sông Hồng, không thì Hà Nội sẽ trở thành "Hà Lội".

Sông Tô Lịch lại có cá. Ảnh Đoàn Kết

Trách nhiệm tập thể?

- Các chuyên gia như ông đã bao giờ từng kiến nghị những việc này với Hà Nội chưa?

- Tôi tin rằng các chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo rồi nhưng có lẽ tầm nhìn, sự tiếp nhận, khả năng giải quyết... thì chưa có, hoặc là nhiều khi chỉ nhìn gần mà không nhìn xa nên đã dẫn đến tình trạng như bây giờ.

- Trách nhiệm thuộc về ai? Ông Chủ tịch TP, ông Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc hay Giám đốc Sở Xây dựng?

- Có lẽ nói về trách nhiệm thì ta hay nói đến trách nhiệm tập thể, từ Đảng, chính quyền đến các cơ quan chuyên môn tham mưu. 

Tính từ khâu quy hoạch thì đâu đến nỗi!

- Những việc như ông nói: làm bể thấm, dành diện tích hợp lý dành cho cỏ ở vỉa hè... để thấm nước có tốn kém nhiều cho Hà Nội không?

- Nếu ngay ban đầu khi quy hoạch từng khu đô thị đã tính đến thì đâu đến nỗi. Chúng ta vẫn thường làm đi làm lại vỉa hè, ngay cả công viên Thống Nhất cũng đổ toàn bộ vỉa hè bê tông nhựa... thì chúng ta phải làm lại, tất nhiên khắc phục thì khó hơn nhưng thà muộn còn hơn không bao giờ.

Giải quyết thì chúng ta có thể làm từng khu một, từng nhà một có bể... thì sẽ chia sẻ gánh nặng xã hội. Mà xét cho cùng, nếu là Nhà nước làm chăng nữa thì chi phí cũng là của dân cả. Quan trọng nhất là phải có quy định: mỗi nhà diện tích mặt mái là bao nhiêu, mặt bể bao nhiêu, một khu đô thị phải có bể chứa là bao nhiêu.

Hiện Hà Nội đang chống ngập bằng cách gì? Cứ đắp đường lên cao, nhà lại thấp hơn, thành ra những khu như Bạch Mai không những ngập ngoài đường mà còn ngập trong nhà nữa. Chuyện này các nước khác không bao giờ có. 

Quy hoạch chắp vá, rách đâu vá đấy

- Nhiều người Hà Nội thắc mắc rằng ở khu vực do người Pháp làm thì không hề lụt?

- Có lẽ là khu trong thì khả năng thoát nước lớn hơn. Khu ngoài thì còn đang xây dựng ngổn ngang  và có lẽ tích diện ống cống thì người ta tính toán đủ hết rồi.

Các chuyên gia hồi đó đã nhìn xa, làm lớn, trông rộng, với cái nhìn của những kinh tế gia. Nó giống như ở phương Tây, đường phố họ nhìn xa trông rộng thiết kế quy hoạch đâu ra đấy, chứ không làm như ta, theo kiểu chắp vá, rách đâu vá đấy. 

Lắm lúc tắc đường chúng ta cứ đổ cho dân trí nhưng thực ra cũng phải nói đến trách nhiệm của những người hoạch định chính sách, những người làm công tác quy hoạch. 

Ta thì giật gấu vá vai chăng, hay là đầu óc nông dân, làm một cái nhà ra nhà, cống ra cống thì cũng khó. 

Muộn còn hơn không...

- Theo ông, sau trận lụt này, lãnh đạo Hà Nội có nên gặp các chuyên gia, nghe chuyên gia nói và lắng nghe họ không?

- Tôi cho rằng chúng ta tổ chức hội thảo thì cũng nhiều, chuyên gia cũng không phải thiếu, trí tuệ VN thừa sức giải quyết vấn đề. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học cùng các nhà thực thi vấn đề mà phối hợp với nhau thì tôi nghĩ là làm được.
 
Nhưng nhiều khi người ta nghĩ đến kinh phí. Trong khi lẽ ra phải biết nghĩ đến việc dồn kinh phí cho việc nào lớn. Khi mà thấy trách nhiệm với người dân càng lớn thì càng phải thấy phải có chính sách để làm sớm và làm nhanh.

Hà Nội lụt: Thiên tai cộng với nhân tai. Ảnh Đoàn Kết.


Thiệt hại đợt lụt này tổn hại lớn nhất đến tâm lý người dân, họ cảm thấy cuộc sống của họ không được đảm bảo, chưa kể tổn hại kinh tế là phải nghỉ việc, đi muộn, xe máy, ô tô hỏng... Người dân cảm thấy lãnh đạo chưa quan tâm đến cuộc sống của họ, làm sao bộ máy lãnh đạo phải thấy đó là trách nhiệm và giải quyết. 

Tôi xin nhắc lại, gIải pháp phải đồng bộ, tổng thể, nhất quán và khách quan.  Tôi từng nói với một lãnh đạo của Hà Nội là trách nhiệm của lãnh đạo Hà Nội với người dân yếu quá. Làm thủy lợi không làm mà làm thủy hại, lỗi này là do nhân tai cộng với thiên tai. 

  • Vân Anh
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 743 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 14
Khách: 14
Thành Viên: 0