Ðan Tâm Ba
mươi năm trước tại Việt Nam, trong một buổi học tập chính trị do ban
Tuyên huấn tỉnh tổ chức. Anh Ba Tuyên huấn, ông thầy dạy chính trị
chúng tôi, dạy chúng tôi rằng: Bây giờ, chúng ta đang ở giai đoạn “xã
hội chủ nghĩa”, nên chỉ được ăn no mặc ấm mà thôi, chừng nào tiến lên
“cộng sản chủ nghĩa” thì sẽ được ăn ngon mặc đẹp, và khi lên tới “thế
giới đại đồng”, thì hoàn toàn sung sướng, làm ít hưởng nhiều. Lúc đó,
tôi tự nhủ rằng, nếu anh Ba nói đúng, thì giai đoạn chúng ta đang ở,
thấp hơn giai đoạn “xã hội chủ nghĩa” rất xa. Cơm ăn độn với bo-bo,
thịt heo, đường, bột ngọt, thứ gì cũng bị quy định theo tiêu chuẩn thì
làm sao mà “no” được. Quần áo thì mỗi năm một người được mua 3 thước
vải thì làm sao mà “ấm” được. Trong óc tôi lúc đó, chỉ cầu mong tiến
tới được “xã hội chủ nghĩa” để được ăn no mặc ấm là cũng mãn nguyện lắm
rồi.Ba mươi ba năm đã thấm thoát trôi qua. Ba mươi ba năm, thời
gian xấp xỉ nửa đời người, dù cho một em bé sơ sinh thành danh và các
vị cao niên nằm yên trong lòng đất. Ba mươi ba năm, Việt Nam tiến tới
mức nào rồi?Nếu nói là Việt Nam không tiến bộ thì không đúng.
Việt Nam cũng được quốc tế biết tới vì đã được gia nhập vào WTO, hội
Thương Mại thế giới, đã được chọn là nơi tổ chức Sea-Games cho các nước
vùng Đông Nam Á. Mới đây, thành phố Nha Trang cũng là nơi được tổ chức
cuộc thi Hoa Hậu Quốc Tế. Tại thành phố Saigon và Hà Nội, các khách sạn
4 sao, 5 sao mọc lên như nấm, với đầy đủ phương tiện phục vụ khách
hàng. Các câu lạc bộ hạng sang như Câu lạc bộ Lan Anh mà chỉ có giai
cấp quý phái mới đủ khả năng để tới “thư dãn”. Các vũ trường xa hoa
lộng lẫy như Vũ trường “New Century” luôn luôn đông nghẹt các vị tiểu
thư và công tử, con cái của các đại gia vào nhảy và hưởng thụ thuốc
“lắc”. Các vị tai to mặt lớn tới đây giải trí, bàn chuyện làm ăn, hẹn
hò người đẹp. Đến một nơi sang trọng thì cũng phải tiêu xài cho xứng
đáng: những chai rượu hàng “ngoại” như VSOP, XO … được chiếu cố tận
tình. Tại những nơi này, mỗi đêm tiêu xài cả ngàn đô la không phải là
chuyện lạ.Việt Nam ngày nay còn có những trường dạy tiếng Mỹ,
mướn toàn thầy giáo Mỹ và thu học phí bằng “đô la xanh”. Giá biểu cho
mỗi học sinh từ 600 cho tới 1,000 Mỹ kim một tháng, tuỳ theo trình độ.
Việt Nam cũng có nhiều bệnh viện tối tân, do các bác sĩ ngoại quốc phụ
trách khám bệnh và điều trị với chi phí cắt cổ mà những người ngheo
chẳng dám mơ tưởng bước chân vào.Nhưng những người dân Việt Nam
được hưởng gì trên những tiến bộ này? Dân Việt Nam không đòi hỏi chi
nhiều, chỉ mong được No Ấm và Tự Do. Theo thống kê của báo The
Economist, lợi tức đầu người của Việt Nam là 555 Mỹ kim một năm, trong
khi Thái Lan là 2,550 Mỹ kim; Phi Luật Tân: 1,040 Mỹ kim; Nam Dương:
1,160 Mỹ kim và Singapore: 24,840 Mỹ kim (The Economist World, 2007;
p.158, 176, 238) như vậy thì xin hỏi đảng và nhà nước là dân Việt Nam
đã ấm no chưa? Về tự do thì tự do tôn giáo đã bị nhà nước bóp nghẹt
công khai không còn chối cãi được. Tự do ngôn luận thì Việt Nam được Tổ
chức Phóng Viên không Biên giới xếp hạng 168 trong tổng số 173 quốc gia
được xếp hạng, sau cả Lào (hạng 164) và Cao Miên (hạng 126). Điều tức
cười là đồng minh Trung Quốc thân yêu được xếp trên Việt Nam một bậc,
và người anh em thân thiết Cu Ba xếp hàng dưới Việt Nam một bậc. Thế
mới biết Xã hội Chủ nghĩa khắng khít, luôn sát bên nhau để cầm đèn đỏ
về tự do báo chí. Phải chăng đây là một bằng cớ hiển nhiên để thế giới
thấy rõ Xã hội Chủ nghĩa là chủ nghĩa độc tài, luôn che dấu, bưng bít
sự thực bằng quyền lực…Xã
hội Việt Nam có tiến bộ, nhưng người dân có được chia xẻ gì hay không?
Xin nói ngay là không. Ta hãy quan sát khu Phú Mỹ Hưng ở Khánh Hội, một
khu toàn những biệt thự nguy nga xây cất rập khuôn theo kiến trúc của
Âu Mỹ, dĩ nhiên là chỉ có đám cán bộ cao cấp và đám “tư bản đỏ” mới đủ
khả năng để làm chủ. Trong khi đó, nhiều thôn xóm xa xôi, hẻo lánh vẫn
còn nhiều nhà lá, tiêu điều. Đường mòn chạy sâu vào thôn xóm. nhiều nơi
còn là đường đất lầy lội. Những vùng sông rạch, hai bên bờ còn nhiều
nhà sàn, cầu tiêu đặt trên sông. Ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, phóng uế
đều cũng trên một dòng sông. Nhiều trẻ em vẫn phải lao động để kiếm
sống, trong lúc đáng lẽ phải ở trong lớp học. Ngay tại các thành phố
lớn, bên cạnh những chiếc xe bóng loáng là các dân nghèo buôn gánh bán
bưng, ăn bữa sáng lo bữa tối.Chuyện nổi bật nhất ở Việt Nam là
tham ô. Làm lớn thì tham ô lớn, làm nhỏ tham ô nhỏ. Từ vụ PMU18, cá độ
đá banh cả triệu đồng bằng tiền công quỹ, mua cả chục chiếc xe Mercedes
bằng tiền nhà nước để biếu xén, móc ngoặc với nhau, tới mấy chú cảnh
sát công lộ, phạt xe lưu hành trái phép bằng cách “điều đình” miệng.
Trong bệnh viện, khi bệnh nhân muốn được chữa trị theo đúng tiêu chuẩn
thì cũng phải lo “bao thơ” cho y tá và bác sĩ. Tướng Trần Độ đã diễn tả
trong “Nhật ký Rồng Rắn”: “Xã hội Việt Nam ngày nay là chế độ vô pháp
luật, mà phần đầu tiên gây ra là đảng không thể nào chống tham nhũng
được. Vì nếu đảng chống tham nhũng thì đảng chống lại đảng hay sao?”Một
điểm đáng chú ý nữa là môi trường ô nhiễm quá độ ở Việt Nam, ngoài
đường phố dầy đặc những người, xe cộ nổ máy đinh tai nhức óc, phun khói
mù mịt, bởi vậy dân thành phố ra đường đều đeo “khẩu trang”. Về công
nghệ, do nhà nước thiếu kiểm tra, tham ô, bao che nên các hãng xưởng
đem các chất phế thải đổ xuống sông, huỷ diệt hoàn toàn môi trường sinh
thái. Điển hình là công ty Vedan của Đài Loan, thiết lập một hệ thống
ống cống ngầm để xả thải các chất hoá học trực tiếp vào sông Thị Vải,
mà đáng lẽ phải qua một giai đoạn kiểm nghiệm như quy định. Sông này bị
ô nhiễm vô cùng nặng nề và trở thành một “dòng sông chết”. Việc này đã
được điều tra và lập biên bản từ năm 1996. Thế mà mọi chuyện đều bị
chìm xuồng vì được bao che. Tới năm 2004, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc sở
Tài nguyên Môi trường ký văn bản gửi Hội Đồng Thi Đua Khen Thưởng tỉnh
Đồng Nai đề nghị khen thưởng Vedan vì nỗ lực bảo vệ môi trường (báo Lao
Động ngày 17/9/2008).Xã Hội Chủ Nghĩa đã đào tạo được một giai
cấp mới: đó là những “tư bản đỏ”. Điển hình là một nữ “đại gia” đặt làm
một chiếc Rolls Royce loại đặc biệt, các phụ tùng của xe đều khắc tên
bà. Chiếc xe này được giao tới Việt Nam bằng một chuyến máy bay đặc
biệt. Đại gia Huỳnh Phi Dũng, tự “Dũng lò Vôi”, chủ nhân ông của khu du
lịch “Lạc Cảnh Đại Nam” tốn kém xây cất hết 3000 tỷ đồng. Công tử
“Cường đô la” tự là “Cường Gia Lai” mới trên 20 tuổi mà đã có bộ sưu
tập xe hơi đắt giá nhất của những nước tư bản như: Rolls Royce,
Bentley, Ferrari, Lamborghini. Riêng chiếc xe Mercedes SLR McLaren còn
gọi là “mũi tên bạc” cũng trị giá trên nửa triệu đô la. Dĩ nhiên, trên
bảng “phong thần” của các “tư bản đỏ”, các vị tai to mặt lớn trong Bộ
Chính Trị đều có tên. Nếu “Bác Hồ” sống lại ngày hôm nay, thì tha hồ mà
đánh “tư sản” và đấu tố “địa chủ”. Chẳng phải ai xa lạ đâu “Bác”! Toàn
là người nhà cả, những người mà “Bác” đã biết mặt, biết tên.Nói
tóm lại, sau 33 năm thay bậc đổi ngôi, giai cấp “chuyên chính vô sản”
và giai cấp “công nhân, thợ thuyền” đã bị đi vào quên lãng, không còn
được đảng và nhà nước ưu ái như trong thời kỳ khó khăn nữa. Nếu đúng
như lời dạy bảo của anh Ba Tuyên huấn trong buổi học tập chính trị năm
xưa, thì ngày nay, các vị tai to mặt lớn trong đảng và nhà nước đã dắt
tay nhau lên tới “Thế Giới Đại Đồng” rồi, còn đám dân nghèo nông thôn
thì đang ra sức chạy bộ để mong leo được tới “Xã Hội Chủ Nghĩa”.Đan Tâm
|