"Toàn bộ đê xung quanh Hà Nội vẫn an toàn. Không có chủ trương xả lũ
tại bất cứ địa phương nào", Chánh văn phòng UBND Hà Nội Nguyễn Thịnh
Thành khẳng định với VnExpress.net chiều 4/11, trước tin đồn phải di
dân vì đê vỡ ở nhiều nơi.
>
Cứu đê - nhiệm vụ số một của Hà Nội/
Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Hà Nội chậm chạp trong giúp dân'
Nhiều người dân thành phố Hà Đông lan truyền tin thành phố sẽ phân lũ
sông Nhuệ từ 5h ngày 4/11, các nhà thấp ven đê phải sơ tán. Nhiều người
đã đổ xô đi mua đồ ăn dự trữ.
Di chuyển tại nội thành trong đợt mưa ngập. Ảnh:
Hoàng Hà.
"Con gái tôi đã đi mua mì tôm, trứng và gạo sang nhà mẹ đẻ sơ tán", bà
Nụ, nhà ở gần chợ Hà Đông, cho biết. Chị Nga, y sĩ ở bệnh viện tỉnh Hà
Đông, nhà gần bệnh viện cũng cho hay, nghe hàng xóm kháo nhau đã có
lệnh cho một số nhà cấp 4 ven đê chuyển lên chỗ cao trước 5h, để sơ tán
tránh lũ. Vì thế mọi người rất hoang mang.
Tại bệnh viện 103, Hà Đông, một số bệnh nhân đang điều trị cũng đã xin
ra viện. "Nghe thông tin từ người thân, gia đình đã xin cho cháu bé vừa
sinh được 5 ngày ra viện. Chẳng riêng gia đình tôi, nhiều bệnh nhân
cũng xin ra...", một phụ nữ ở huyện Chương Mỹ bồng cháu bé mới sinh
đứng chờ taxi nói.
Tuy nhiên, bà Nụ cũng cho biết, cuối buổi chiều UBND sở tại đã có thông
báo không có chuyện gì xảy ra. Công an cũng đang được điều đến để giữ
trật tự ở một số khu vực. Mặc dù vậy nhiều người vẫn đổ xô đi mua đồ
tích trữ. 5h30 phút, tại một số cửa hàng bán gạo vẫn còn nhiều người
xếp hàng.
Đường dây nóng của
VnExpress.net
chiều nay cũng nhận được hàng loạt cú điện thoại hỏi về thông tin vỡ đê
phải di dân. "Tôi vừa đi làm về nghe hàng xóm kháo nhau là vỡ đê sông
Hồng. Tôi đang chạy ra chợ để mua một số thực phẩm...", chị Thu, một
độc giả ở quận Hoàng Mai giọng hoảng hốt cho biết.
Trao đổi với
VnExpress.net, Chánh
văn phòng UBND Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cho biết, đã nhận được nhiều
cuộc điện thoại của người dân hỏi về việc vỡ đê hoặc di dân xả lũ.
"Thành phố sẽ có thông báo trên truyền hình khẳng định các tuyến đê,
đập sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy... vẫn an toàn. Người dân cần bình
tĩnh", ông Thành nói.
Theo ông Thành, hôm nay, lãnh đạo thành phố đã ứng trực tại tất cả
tuyến đê, đập xung yếu, chỉ đạo gia cố những tuyến sạt lở. Lực lượng
quân đội, dân quân cũng được lệnh ứng trực 24/24h.
Be bờ, ngăn nước tại trạm bơm Yên Sở. Hà Nội chiều 4/11. Ảnh:
Hoàng Hà.
Ngày 4/11, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã họp khẩn cấp với lãnh đạo của 29 quận, huyện để bàn công tác hộ đê
và giải quyết tình hình úng ngập. Ông Thảo yêu cầu các quận, huyện phải
thực hiện nghiêm túc không được bơm nước tiêu úng vào sông Nhuệ, tránh
gây quá tải làm vỡ đê.
Các địa phương phải di dời ngay các gia đình ra khỏi vùng sạt lở ở ven
sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tích... cung ứng đầy đủ lương thực, thuốc
chữa bệnh, nước sinh hoạt cho những khu vực bị úng ngập.
Chiều 4/11, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo
phòng, chống bão lụt trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các
bộ, ngành và Hà Nội phải huy động mọi lực lượng bảo vệ cho được những
tuyến đê xung yếu, đặc biệt tuyến đê sông Hồng. Quân đội là lực lượng
nòng cốt để bảo vệ đê.
Trước sự cố sạt lở nghiêm trọng tại Liên Trì (xã Liên Trung, huyện Đan
Phượng), ông Thảo yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải
tăng cường ngay thêm 2 máy xúc để cùng với 3 máy hiện có nhanh chóng
xúc đá đổ kè chân đê.
Theo ông Trịnh Duy Hùng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, hiện có 10 tàu
chuyển hơn 7.000 m khối đá đến xử lý điểm sạt lở tại Liên Trì. Nước
sông Hồng vẫn chưa đến báo động 1 nên có thể yên tâm về hệ thống đê này.
Tuy nhiên, theo ông Hùng đáng ngại nhất là các tuyến đê cấp 3 ở nội
đồng có nhiều đoạn đã bị tràn gây ngập lụt cho các vùng hữu ngạn như đê
sông Bùi. Nước các sông Nhuệ, Tích, Bùi đều trên báo động 3, nếu có mưa
lớn sẽ rất nguy hiểm.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trưa 4/11, lũ hệ
thống sông Hồng (gồm sông Thao và Lô ở Yên Bái, Tuyên Quang) đã đạt
đỉnh ở mức báo động 3. Lũ hạ lưu sông Hồng, Thái Bình đang lên. Mức lũ
sông Hồng tại Hà Nội đạt 9,1 m, dưới báo động 1 là 0,4 m; sông Thái
Bình tại Phả Lại là 4,76 m, trên báo động 2 là 0,2 m.
Dự báo sáng 5/11, lũ sông Thao và sông Lô sẽ xuống dưới báo động 2. Lũ
hạ du sông Hồng tại Hà Nội lên báo động 2 là 10,5 m, sông Thái Bình tại
Phả Lại lên mức 5,3 m, dưới báo động 3 là 0,2 m.
Thông tin từ ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết, ít
nhất có 75 người chết vì mưa lũ. Riêng Hà Nội xác định có 21 người
thiệt mạng.
Tình hình đê kè Hà Nội (tối 4/11)
1/ Tuyến đê sông Hồng:
- Tại huyện Đan Phượng xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng bờ hữu
sông Hồng khu vực kè Liên Trì xã Liên Trung, sạt sâu thêm so với trước
ngày 29/10 là 4 m và kéo dài 40 m. UBND xã Liên Trung đã phải ngăn cấm
người qua lại.
- Nhiều đoạn qua huyện Mê Linh bị sạt lở, có vị trí lở dài 25 m. Đặc
biệt, tại xã Tráng Việt có 12 hộ bị sạt lở đất xuống sống, một số hộ
sạt lở đến sát tận công trình nhà ở.
- Tại Từ Liêm ngày 1/11 phát hiện sự cố sụt đỉnh kè Thụy Phương, tường bao quanh trạm bơm Hòe Thịnh bị đổ.
- Tại quận Long Biên, hiện đã sụt đỉnh và mái kè Gia Thượng với kích
thước dài 30 m, rộng 8 m. 5 hộ dân tại phường Ngọc Thụy đã di dời.
2/ Tuyến đê tả và hữu Đáy có 9 điểm bị sạt lở.
3/ Bờ tả sông Mỹ Hà tràn dài 200 m, sâu 0,3 m đang được xử lý chống tràn bằng bao tải đất.
4/ Tuyến đê tả Bùi, tả Tích có một số sụt sạt. Đê Hữu Bùi đã tràn hầu hết tuyến theo phương án thiết kế.
5/ Tuyến đê sông Nhuệ và Duy Tiên, 6.000 m đê bị tràn và một số vị trí bị sút sạt.
Nhóm phóng viên