Thứ Bảy, 2024-11-23, 3:40 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 5 » Xã Hội Dân Sự
6:32 PM
Xã Hội Dân Sự

Trần Khải

Nếu có một xã hội dân sự thật sự tại Việt Nam, quê nhà đã thoát được biết bao nhiêu là tai họa. Hẳn nhiên là thế, gần như ai cũng thấy rõ, chỉ trừ nhà nước CSVN.

Một điều cần nói trước để nhà nước CSVN an tâm rằng, xã hội dân sự - hiểu như là những cơ chế độc lập của quần chúng, tách lìa với quản trị của nhà nước -- có thể sẽ hoàn toàn không thách thức gì tới quyền lực của chế độ độc đảng, mà ngược lại, nếu khéo vận dụng sống chung chỉ sẽ  làm cho xã hội hòa hài hơn, lòng dân vui hơn. Thí dụ, ngay từ thời các vua chúa vài trăm năm trước, thậm chí cả ngàn năm trước, các xã hội dân sự đã hình thành từ trước cả khi các vì vua giành được ngai vàng. Và khi mỗi vị vua lên ngôi, các xã hội dân sự lại hỗ trợ, khuông phò cho chế độ vững vàng hơn. Vua không cần đưa quan chức vào nắm các giáo phái, các võ phái, các làng nghề... mà mọi chuyện vẫn an lành, khi hữu sự muôn người như một vẫn phò vua.

Điều khó hiểu là nhà nước CSVN vẫn một lòng nghi kỵ với khái niệm xã hội dân sự, dù là các cơ chế xã hội dân sự đã có từ những thời hình thành bộ lạc, trước cả thời phong kiến xưng vương. Thế nên, ngăn cấm xã hội dân sự là ngăn cấm những gì tự nhiên nhất của xã hội loài người. Hãy hình dung rằng, nếu tờ báo Đại Đoàn Kết hoàn toàn độc lập, hay giả sử nếu báo này là cơ quan của Mặt Trận Tổ Quốc mà mặt trận này hoàn toàn độc lập với nhà nước CSVN, thì làm gì có chuyện "cảnh cáo, kỷ luật và thuyên chuyển" hai vị Tổng Biên Tập và Phó Tổng Biên Tập như mới quyết định tuần trước. Lúc bấy giờ, nếu thấy chuyện bất như ý trên mặt báo này, ông Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng liền viết một bài gửi tới báo Đại Đoàn Kết, xin được sử dụng "quyền trả lời" để chất vấn về các quan điểm của báo này. Trời, ông Dũng mà làm được như thế, người người đều sẽ ủng hộ, sẽ gìn giữ chế độ cho bền vững...

Đối thoại được như thế, không phải là tuyệt đẹp hay sao? Chứ cái kiểu hở ra là kỷ luật, thì hóa ra khắp xã hội Việt Nam chỉ là một dạng y hệt như trại lính Bắc Triều Tiên mở rộng? Phải chi chấp nhận xã hội dân sự, cho người dân có quyền nói, và nhà nước chấp nhận lắng nghe và đối  thoại với dân, thì sẽ ngăn được  biết bao nhiêu là tai họa.

Thí dụ, sẽ ngăn được vụ công ty VEDAN ngay từ năm đầu tiên hãng này xả nước thải ra sông, và hẳn là đã cứu được dòng sông Thị Vải từ lâu rồi, bất kể là các ông chủ tư bản VEDAN hối lộ bao nhiêu cho Tỉnh Uy Đồng Nai. Lúc đó, nếu báo đăng bài viết của dân báo động mà không ai chịu nghe, thì chính người dân Đồng Nai nộp đơn kiện lên tòa thì đã thành ra "sự cố toàn quốc" rồi, đâu phải là chuyện nhỏ nữa. Tương tự, sẽ cứu được rất nhiều dòng sông các nơi khác, chỉ nhờ chấp nhận xã hội dân sự, khi cho báo độc lập và cho các công tố tòa án quyền điều tra độc lập. Làm được như thế, không chỉ là chuyện cứu được cá tôm và đời sống người dân, mà còn làm cho xã hội hòa hài bền vững hơn. Hãy hình dung một ông Bao Công thời quân chủ, tới lắng nghe dân Đồng Nai khởi tố công ty VEDAN. Dân tất nhiên sẽ hạnh phúc, mà chế độ sẽ bền vững hơn rất nhiều. Sẽ không người dân nào chất vấn các ông Bao Công thương dân như thế, sẽ không ai nổi giận đòi làm loạn để chống lại các nhà vua cho dân quyền nói và quyền khiếu kiện như thế. Thậm chí, giả sử nếu có "bọn phản động" nào tới kích động dân nổi loạn, người dân đang sống êm đềm bên dòng sông Thị Vải đầy tôm cá sẽ tất nhiên rủ nhau cầm dao, gậy để bảo vệ triều đình CSVN và xua đuổi bọn thảo khấu "tiếm danh dân chủ." Nhưng than ôi, chính phủ Hà Nội vẫn chưa chấp nhận xã hội dân sự... Thế là tài nguyên cứ cạn kiệt, lớp thì bán cho tư bản để quan tham bỏ túi riêng, lớp thì hoang phế bỏ mặc cho chết rụi như sông Thị Vải.

Hồi giữa tháng 10-2008, khái niệm về xã hội dân sự lại được nêu ra trong một hội nghị  về phát triển Việt Nam tổ chức ở Đại Học Princeton, Hoa Kỳ. Đó là buổi Hội Thảo Việt Nam ngày 17 và 18 tháng 10. Bên cạnh các chuyên gia quốc tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ VN sang tham dự đã trình bày về vấn đề xã hội dân sự ở VN.

Phóng viên Thiện Giao của đài RFA tường thuật hôm 24-10-2008 có ghi rằng: "Cho đến nay, mặc dầu các phong trào vận động "xã hội dân sự," trong một giới hạn nào đó, đang tiếp tục phát triển tại Việt Nam, thì trên thực tế chính quyền và Đảng Cộng Sản không chính thức thừa nhận danh từ này."

 Bản tin RFA viết:

 "...Tính chất "Xã Hội Dân Sự" vẫn tiếp tục phát triển, trong một giới hạn nhất định, và đóng góp tích cực vào các chương trình cải cách và phát triển tại Việt Nam. Đó là một trong những nhận định mà tiến sĩ Lê Đăng Doanh trình bày trong một cuộc hội thảo mới được tổ chức gần đây tại đại học Princeton, Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Doanh cũng thừa nhận, rằng cách nhìn nhận của Nhà Nước Việt Nam đối với khái niệm "Xã Hội Dân Sự" vẫn chưa thống nhất.

Ông nói, "cho đến nay, các thuật ngữ "Xã Hội Dân Dự" và "Tổ Chức Dân Sự" vẫn chưa được chính thức công nhận trong các văn kiện chính thức của Đảng Cộng Sản. Nhưng ngược lại, các danh từ này lại được sử dụng rộng rãi trong báo chí và ngữ cảnh hàn lâm."

Tiếng nói người dân được phần nào lắng nghe

Phân tích những quan sát từ thực tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, "một mặt, những đầu óc thực tế trong Đảng thừa nhận sự tham dự của người dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, là cần thiết và hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tế. Một mặt khác, vẫn còn nhiều người tỏ ra nghi ngờ khái niệm "Xã Hội Dân Sự." Nhiều báo cáo nói rằng "xã hội dân sự" góp phần làm sụp đổ Liên Bang Xô Viết, và đó là lý do một số lãnh đạo vẫn còn thái độ nghi ngờ."..." (hết trích)

Nghĩa là, nhà nước CSVN sợ các xã hội dân sự sẽ lật đổ chế độ? Thực tế không phải như thế. Nên thấy rằng, các chế độ  Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ chỉ đơn giản vì người dân cần có các quyền dân sự. Nếu nhà nước chấp nhận cho người dân được hưởng các quyền dân sự, thì cớ gì dân lại đòi lật đổ nhà nước? Hãy hình dung, nếu dân Đồng Nai ngay từ thập niên trước đã ngăn cản được công ty VEDAN và cứu được dòng sông Thị Vải, thì cớ gì người dân đang hưởng các quyền của một xã hội dân sự lại bất mãn nhà nước? Hãy hình dung, nếu các nhà báo Đại Đoàn Kết không bị bịt miệng và nếu ông Nguyễn Tấn Dũng xin quyền đối thoại với các nhà báo này, thì giới trí thức hà cớ gì phải bất mãn nhà nước?

Thế mới biết, biết chấp nhận các xã hội dân sự sẽ chỉ làm bền vững thêm cho chế độ, bất kể đó là chế độ nhà vua, hay độc đảng.

Riêng trường hợp Việt Nam, áp lực quốc tế lại đang đè nặng về vấn đề xã hội dân sự. Bản tin RFA dẫn trên, cũng viết về viễn ảnh quốc tế bỏ chạy khỏi VN:

"...Giáo sư Mark Sidel, Giáo Sư Luật Học tại đại học Iowa, nói rằng vấn đề quyền dân sự được bàn thảo rất nhiều trong chương trình nghị sự của Đảng Cộng Sản, của Chính Phủ Việt Nam, và của cả các nhà tài trợ.

Mức độ "dân quyền" ảnh hưởng mức độ tài trợ của thế giới.

Ông nói, thời điểm hiện tại, có một hiện tượng rất rõ, đó là "những nhà tài trợ đang chuẩn bị rút ra khỏi Việt Nam."

Và rằng, "ý chí của chính quyền Việt Nam trong việc đối mặt và giải quyết các vấn đề nhạy cảm về quyền dân sự, về các cải cách, vân vân... mà các nhà tài trợ cũng như những vận động trong nước đưa ra, là những bước cực kỳ quan trọng bảo đảm sự thành công trong các chưong trình kinh tế, xã hội."

Giáo Sư Sidel nhấn mạnh, "đây cũng chính là yếu tố xác định con số tài trợ đi vào Việt Nam trong vòng 5 đến 10 năm tới."..." (hết trích)

Nghĩa là, quốc tế sẽ bỏ chạy chỉ vì CSVN không ưa xã hội dân sự? Hẳn nhiên là không ai ưa cái viễn ảnh này.

Thực tế, chuyện xã hội dân sự không phải là cái gì quá mới mẽ ở VN. Từ năm 2006, nhiều trí thức VN đã bày tỏ khát vọng hình thành xã hội dân sự cho VN rồi, thậm chí còn nói với chính phủ rằng đừng có sợ xã hội dân sự....

Bản tin trên báo VnExpress ngày 21-5-2006, có nguồn từ Tuổi Trẻ, có nhan đề "Đừng sợ xã hội dân sự" đã viết:

 "..."Ở VN có một số người sợ nếu thúc đẩy xã hội dân sự sẽ có sự đối lập với chính quyền. Sợ như thế là hơi quá, là không tin vào người dân", Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển Đặng Ngọc Dinh nói như vậy về một trong những khái niệm được xem là "nhạy cảm", ít được khuyến khích bàn luận cởi mở tại VN.

- Thưa ông, phải hiểu khái niệm xã hội dân sự như thế nào?

- Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy xã hội dân sự đã tồn tại ở VN từ rất lâu. Nói nôm na, đó là các tổ chức xã hội nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung.

Như vậy, thành phần quan trọng của xã hội dân sự là các hội, hiệp hội trong dân chúng, trong làng xóm, mang tính chất liên kết cộng đồng.

 Theo quan niệm đó thì ở VN Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất, bao gồm các đoàn thể (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân...), hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ... Mặt khác có thể coi xã hội dân sự là diễn đàn, là nơi mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. Xã hội dân sự hỗ trợ người dân thực thi luật pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân. Nếu thể chế nhà nước hoạt động dựa vào luật, thể chế thị trường hoạt động dựa vào lợi nhuận thì xã hội dân sự vẫn tuân theo pháp luật, tuân theo thị trường, nhưng thúc đẩy khía cạnh đạo đức, khai thác tính nhân văn, tính cộng đồng..." (hết trích) 

Nếu theo định nghĩa như đoạn trên, chúng ta có thể hiểu được vì sao Đảng CSVN sợ "xã hội dân sự"... Đơn giản, bởi vì Đảng CSVN sợ nghe nguyện vọng người dân.

Category: Chính trị | Views: 796 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 55
Khách: 55
Thành Viên: 0