§ UCAN HUẾ, Việt Nam (UCAN 3/11/2008)
-- Nhiều giáo dân ở miền trung Việt Nam cho biết bàn thờ và Thánh giá
họ xây không trái pháp luật, và nhà nước nên tôn trọng quyền tự do tôn
giáo và không nên bắt giáo xứ tháo dỡ.
Hồi tháng 5, giáo dân giáp An Bắc thuộc giáo xứ An Bằng ở huyện Phú
Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xây một bàn thờ bằng ximăng cao một
mét và rộng hai mét, cùng với thánh giá cao 3,7 mét trên lô đất rộng
600 mét vuông.
Ông Lê Dị, một cựu giáo dân hiện đang sống ở Mỹ, đã hiến lô đất này
cho giáo xứ cách Huế, thủ phủ tỉnh, 50 km về phía đông nam, để dùng
sinh hoạt tôn giáo, một giáo dân lớn tuổi cho UCA News biết.
"Chúng tôi không phạm pháp. Chúng tôi xây bàn thờ và thánh giá trên lô đất có chủ quyền hợp pháp", ông phát biểu với UCA News.
Lô đất nằm cách nhà thờ giáo xứ một kilômét. Thành phố Huế cách Hà Nội 660 km về phía nam.
Trước khi đất nước thống nhất năm 1975, giáo dân ở đó kể lại, họ tụ
tập tại nhà ông Dị trên lô đất này để cầu nguyện cho công ăn việc làm
của họ và cho cả cán bộ Việt Minh. Các linh mục thỉnh thoảng viếng thăm
và dâng lễ ở đó.
Một cựu lãnh đạo giáo dân, yêu cầu giấu tên, nói với UCA News rằng
nhiều cán bộ cách mạng đã ở đó vào những năm 1960 và người dân địa
phương đã nuôi giấu họ.
Theo người Công giáo địa phương, năm ngoái giáo xứ đã làm đơn xin
chính quyền địa phương cho phép dựng bàn thờ, Thánh giá và tượng Thánh
Tâm Chúa Giêsu trên lô đất để cầu nguyện cho tổ tiên, vì một số người
lớn tuổi không thể đi bộ đến nhà thờ được. Sau một tháng, chính quyền
trả lại đơn nhưng không nói gì cả.
Sau đó, sau khi họ xây dựng bàn thờ và Thánh giá, thì chính quyền
địa phương lại nói họ nên làm đơn đề nghị chính quyền giải quyết nếu có
nhu cầu xây dựng nơi thờ tự, người Công giáo kể.
Hôm 12-8, chính quyền xã Vinh An thông báo phạt giáo dân 500.000
đồng vì xây dựng "trái phép". Ngày 16-9, chính quyền huyện Phú Vang gửi
thông báo yêu cầu linh mục chánh xứ Phêrô Nguyễn Hữu Giải cho giáo xứ
tháo dỡ các công trình thờ tự này.
Chính quyền cho là lô đất này, nằm cách bờ biển 200 mét, thuộc đất
rừng phòng hộ, trong khi người Công giáo khẳng định lô đất thuộc quyền
sở hữu hợp pháp của mình. Họ không yêu cầu chính quyền cấp đất cho họ
làm nơi thờ tự vì họ đã có lô đất rồi, được người chủ cũ canh tác từ
năm 1945.
Nhiều giáo dân ở đây cho biết hàng chục bộ đội và nhân viên an ninh
được bố trí trong các lều trại quanh lô đất từ ngày 26-9, theo dõi
những người đến viếng hay chụp hình nơi này suốt cả ngày đêm.
Công an còn ngăn chặn không cho người ngoài đến gần nơi này hay tiếp
xúc với người dân địa phương. Họ dùng loa phóng thanh đặt trong làng
nói về chính sách tôn giáo và luật đất đai của nhà nước, và cáo buộc
người dân địa phương chiếm đất rừng phòng hộ để xây nơi thờ tự trái
phép.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết nhiều người Công giáo địa phương
vẫn đến cầu nguyện trước Thánh giá vào ban ngày. Một số người cho UCA
News biết họ cầu xin cho nhà nước đừng tháo dỡ các công trình tôn giáo
mà họ đã xây trên mảnh đất thuộc sở hữu hợp pháp của họ.
"Nhà nước nên tôn trọng chốn linh thiêng. Tôi cảm thấy khó chịu khi
bị người khác theo dõi trong khi cầu nguyện ở đây", một phụ nữ 66 tuổi
nói với UCA News. Bà cho biết bà lần hạt ở đây hàng ngày, vì bà không
thể đi bộ đến nhà thờ được do đường khó đi và ban đêm thì trời tối và
không có người qua lại.
Giáo xứ An Bằng được thành lập năm 1894, hiện có 800 giáo dân.
UCAN
|