Đây là bài phỏng vấn Bộ Trưởng Bộ Sáng Kiến và Phát Minh trên báo "Vườn cải" do phóng viên Tốt Trắng thực hiện:
Bài phỏng vấn trên báo “Vườn cải”, số ra ngày mưa tháng rét, năm Đại Lụt
PV: Thưa ngài, nghe nói là quý Bộ đang nắm trong tay dự án để thành phố
ngập lụt lâu dài để trở thành một Venice Châu Á, có phải vậy không ạ?
BT: Vâng, đúng thế, quả là bây giờ cái gì dân cũng biết, cũng bàn, cũng
làm cũng kiểm tra cả. Sau trận lụt vừa rồi chúng tôi đã gấp rút họp bàn
để đưa ra kế hoạch “lâu dài” cho thành phố. Chúng tôi đang ở giai đoạn
cuối của dự án và sẽ sớm được trình lên thủ tướng.
PV: Vậy từ trước đến nay ta không có kế hoạch lâu dài cho thành phố?
BT: Việc này không thuộc thẩm quyền của tôi, xin chuyển câu hỏi sang Bộ Z.
PV: Vậy dựa vào đâu mà ông cho rằng dự án khả thi?
BT: Khắp nơi trên thế giới người ta bỏ tiền ra để đến Venice tham quan,
thành phố người ta thu bạc tỉ về du lịch, thế tại sao chúng ta không
làm được như vậy khi mà chúng ta có “điều kiện thuận lợi về thiên
nhiên” và cả điều kiện khách quan là hệ thống thoát nước của thành phố
ta cũng đang rất “thuận lợi”.
PV: Nhưng mà những “điều kiện thuận lợi về thiên nhiên" đó xảy ra rất ít, một năm có một hai lần mà thôi..
BT: Chúng tôi đã nghĩ đến điều đó, hiện nay các đê điều của chúng ta
đang tạo điều kiện tốt, ở những đoạn đê bị sạt lở chúng tôi sẽ cho cho
xây các “cửa đê” để bơm nước vào và giữ nước trong thành phố. Hàng loạt
máy bơm ở trạm bơm Yên Hán đã sẵn sàng quay ngược lại để..hút nước vào.
PV: Vậy đời sống của nhân dân sẽ thay đổi rất nhiều, thưa ngài!
BT: Điều đó là hiển nhiên, song nhân dân thành phố ta đã trải qua nhiều
trận lụt như thế này rất nhiều năm rồi hẳn đã quen. Bằng chứng là trận
lụt vừa rồi đã thấy xuất hiện nhiều phương tiện giao thông mới như
phao, thuyền ván.. Với lại qua trận lụt vừa rồi cho thấy dân ta ỷ lại
quá, cái gì cũng chờ nhà nước cung cấp với cả hỗ trợ này nọ thế nên lần
này chúng tôi quyết định..đi trước. Tôi tin là đời sống của nhân dân
chắc chắn sẽ ổn định hơn trước, cứ mỗi lần lụt lội thế này đâu đâu cũng
nói đời sống nhân dân bị đảo lộn, khi thành phố của ta thành Venice
châu Á thì sẽ chả có thay đổi gì nhiều, nắng thì tốt, mưa lại càng tốt
hơn.
PV: Vậy các phương tiện giao thông của chúng ta sẽ phải thay đổi hết? Người dân sẽ xoay sở thể nào?
BT: Chúng tôi có hẳn một dự án cho sự thay đổi này, người dân lúc đầu
thế nào cũng phản đổi, dự án nào chả thế. Như vụ bỏ khoai trồng bí ngô
xuất khẩu phục vụ Halloween cho bà con quốc tế, hay bỏ lúa làm sân
chơi..bi-a sân cỏ ấy, dân phản đối dữ lắm, giờ..có thấy gì đâu? Cho nhà
báo biết thêm là trong đợt lụt vừa rồi chúng tôi đi ô-tô chỉ đạo hết,
đến nơi mà không lụt hoặc lụt ít thấy dân..buồn lắm, nhiều em bé không
được giỡn sóng cứ vòi bố mẹ cho đi chơi “điểm lụt”
PV: Xin ngài nói rõ hơn về dự án nhỏ về phương tiện giao thông được không?
BT: Tôi xin nói ngắn gọn thế này. Tất cả các phương tiện giao thông
truyền thống như ô-tô, xe máy.. sẽ được bán đấu giá cho các tỉnh khác,
nhà nước sẽ hỗ trợ nếu có thiệt hại. Sau đó sẽ thay hết bằng thúng,
mủng, thuyền, cano..Chúng tôi đã nghĩ ra tên cho loại phương tiện
truyền thống..tương lai này là Gondo-mủng. Sân bay Ngoại Bài của chúng
ta sẽ làm cho lụt hẳn, sẽ trở thành sân bay cho thủy phi cơ thôi, tất
cả các máy bay sẽ phải chuyển về Hải Phố rồi khách nào muốn về thành
phố sẽ phải đi xe bus tới ngoại thành rồi đi thuyền vào thành phố. Mặt
khác thành phố của chúng ta đang là đỉnh cao thế giới về ô nhiễm môi
trường, sau dự án này chúng ta sẽ có bước nhảy vọt, khi nó chúng ta sẽ
so đo với Singapor vế sự trong sạch của không khí. Các hãng Mercedes,
Lexus… thế nào chả nghĩ ra các đời thuyền thúng cao cấp cho các đại
gia, có cầu ắt có cung.
PV: Thế còn vấn đề rác thải thì sao thưa BT?
BT: Đúng là chưa kịp..nghĩ đến, nhưng vấn đề này không quan trọng, công
ty môi trường đô thị sẽ phải chuyển hướng hoạt động nếu muốn tồn tại.
Thế nào mà chả có những vấn đề chậm một chút nhưng khả năng ứng phó thế
nào mà chả có yếu tố khách quan. Đâu khắc vào đó thôi! Chúng tôi đã cho
kiến trúc sư nghiên cứu thêm về vấn đề nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng thế
nào khi bị lụt lâu dài, chắc cũng chả sao đâu, các nhà cao tầng của
thành phố toàn do nhà thầu giỏi (võ) xây dựng, đổ thế nào được.
PV: Thế còn vấn đề cơ sở hạ tầng, nhà cửa của dân thì giải quyết thế nào thưa ngài?
BT: Nhà dân thì trước tiên cứ phải tự thân vận động chứ, bảo sao tôi hay nói dân càng ngày càng ỷ lại.
PV: Như vậy các nghành nghề sẽ thay đổi ra sao thưa ngài?
BT: Về căn bản sẽ không thay đổi nhiều, thậm chí còn thêm nhiều việc
cho dân, ví dụ như ngư nghiệp, thử tưởng tượng xem người dân vừa thưởng
thức cà phê vừa ngồi câu cá ngay trước cửa nhà hát Nhớn, sẽ rất tuyệt
vời, tất nhiên là trong lúc không có buổi biểu diễn nào.
PV: Thế khi nào dự án sẽ được bắt đầu thưa ngài?
BT: Ngay sau khi TT duyệt, chúng tôi sẽ triển khai ngay việc thu mua,
bán đấu giá xe cộ, cho làm thuyền thúng..Và chỉ chờ lần mưa lụt tiếp
theo là dự án..thành công.
PV: Thế thì biết đến khi nào mưa tiếp ạ?
BT: Thiên nhiên thì không dự báo trước được, đến đâu hay đến đấy thôi.
PV: Xin ngài cho biết thành phố vừa mới mở rộng thêm mấy xã nữa thì làm
sao để… “lụt đều” cho cả thành phố ạ? Liệu có khó khăn hơn không ạ? BT: Dễ hơn chứ, càng rộng thì càng giúp đỡ nhau được chứ. Nhà nước sẽ
hỗ trợ, tuy nhiên thực tế nhà nào nhà ấy phải tự chủ..giữ nước cho nhà
mình lụt trước, sức dân tại chỗ rất quan trọng.
PV: Xin hỏi ngài một câu cuối, vậy tiền cho dự án này là bao nhiêu ạ?
BT: Đáng là mấy, trận hồng thủy nhỏ vừa rồi chúng ta thỉ thiệt hại hàng
nghàn tỉ đồng ra đấy, tiền ở ta nhiệt độ bốc hơi cao nên càng nhiều
càng tốt. Với lại quỹ đầu tư cho việc thoát nước thành phố trong những
năm qua đã được chi tiêu hết sức “tiết kiệm”, chỉ dùng chủ yếu cho cán
bộ đi học nước ngoài thôi nên còn khá, hệ thống thoát nước dù có làm
đến giai đoạn xyz cũng chả đỡ lụt được mấy, thiên tai thì chịu, đang
định xin nhà nước thưởng cho cán bộ công nhân viên cuối năm, nay thôi
chuyển sang làm cái khác cũng chả sao.
PV: Xin cảm ơn ngài đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
BT: Vâng, xin cảm ơn!
Tốt Trắng
|