Phần lớn người Việt Nam có thói quen không mấy tốt đẹp hoặc giả nó từng
là nếp ứng xử tốt đẹp nhưng qua thời gian, qua những đổi thay lịch sử,
nó dần biến thái, trở thành một quái trạng, khiến con người chịu sống
chung với nó và xem đó là điều đương nhiên trong đời sống, biến họ từ
một con người có đủ nhân quyền thành một loại hiện hữu cam phận, lép vế
và nhược tiểu. Quái trạng sinh sôi, phát triển thành bầy “mọt tư
tưởng”, thành 1 thứ chủ nghĩa – Chủ Nghĩa Lót Đường. Và một khi nó đã
thành nếp trong tâm thức, người ta không còn nhận thấy được sự nguy
hiểm của nó, ngộ nhận đó là tính chất tốt, thậm chí xem nó là một phần
căn phận của mình. Không có gì nguy hiểm và vong thân hơn cách nghĩ này!
Bắt đầu từ câu chuyện nhỏ nhất khi dắt xe máy đi ra khỏi ngõ, việc đầu
tiên của một người ngồi lên xe là có đủ tự tin mình điều khiển được
chiếc xe, có đầy đủ bằng lái, nón bảo hiểm, giấy bảo hiểm và những thứ
linh tinh khác để lưu thông. Nhưng tâm lý chung (tôi muốn nhấn mạnh chữ
“chung” này!) của người đi ra đường là sợ công an giao thông. Hễ cứ
thấy bóng áo vàng loáng thoáng đâu đó là tự dưng thấy gáy hơi lạnh, mặt
hơi tái, tay hơi tê… bởi thận co bóp không được bình thường. Và nếu như
hôm đó may mắn, không bị công an gọi thì thôi, chứ nếu bị thổi còi,
nhất định người lái xe sẽ lén lút móc ví nhét một tờ tiền 50.000 đồng
hoặc 100.000 đồng kẹp vào giữa giấy tờ xe và nhẹ nhàng, pha chút e dè,
khiêm cung đưa cho đồng chí công an với ánh mắt đầy vẻ van lơn “ xin
anh vui vẻ nhận chút tiền mọn này cho em đi làm kẻo trễ việc… coi như
là chút quà lót đường của em!”. Và về phía đồng chí công an giao thông,
nhẹ nhàng dùng hai ngón tay trỏ và giữa kẹp lấy tờ bạc nhét vào đai nịt
quân phục. Hành động này diễn ra trong tích tắc, như không hề có gì xảy
ra kèm với lời nhắc: “lần sau nhớ đi đúng luật nghe!”. Người lái xe
“dạ” một tiếng nhẹ nhàng và đi một cách thỏa mãn, cầu an cho dù anh ta
không hề biết mình đã sai phạm tội gì. Nhưng dù sao đó cũng là khoản
lót đường. Và điều này diễn ra nhiều hơn cơm bữa ở Việt Nam.
Những sinh viên khi ra trường, đi xin việc cũng không tránh khỏi khoản
này. Nhức nhối hơn có lẽ là những sinh viên nghành Sư phạm – những
thầy, cô giáo trong tương lai. Phần lớn khi họ đi xin việc, họ không
đến trực tiếp cơ quan để gặp vị thủ trưởng mà tìm cách bắt dây liên lạc
với những người thân thủ trưởng (trong trường hợp này là Hiệu trưởng
nhà trường) hoặc những tay cò việc làm để dựa dẫm tình cảm, bôi trơn
thủ tục và dễ bề lót đường. Và khi đã chung đủ một khoản tiền theo yêu
cầu ngầm của Hiệu trưởng, nhận một lời hứa, cô cậu sinh viên này mới
dám bén mảng tới cơ quan chính thức nộp hồ sơ xin việc, phỏng vấn và…
đi dạy.
Đương nhiên là không phải sinh viên nào cũng có cách xin việc như vừa
kể trên, cũng có người do lòng tự trọng, do yêu nghề, do không chấp
nhận cái xấu, họ đã nộp đơn xin việc một cách đường đường chính chính.
Nhưng xác suất xin được việc làm, có chỗ làm việc ổn định của những
sinh viên “ngoại lệ” này là rất thấp, nguy cơ thất nghiệp và chán
chường của họ rất cao. Hoặc giả họ là những sinh viên ưu tú, có số điểm
tốt nghiệp cao tuyệt đối, cơ quan nhận người làm việc không biết thoái
thác vào đâu (nhưng trong một khóa học có được bao nhiêu sinh viên như
vậy, đó là chưa nói đến chuyện khi nhận bằng tốt nghiệp xong họ quyết
định ra nước ngoài học tiếp hoặc làm việc cho các cơ quan nước ngoài…).
Và, về phần những người đi đường, vẫn có nhiều người không chấp nhận sự
mờ ám của công an giao thông, họ có thể phản đối, đấu lý. Nhưng phần
thua chắc chắn thuộc về họ, vì trong đời này không có thứ gì là không
mang một khuyết điểm nào đấy. Gặp trường hợp không chịu lót đường, việc
đầu tiên đồng chí công an sẽ hỏi giấy tờ xe, bằng lái, bảo hiểm, nếu
người lái xe có đầy đủ, đồng chí sẽ hỏi tiếp thẻ chứng minh nhân dân,
nếu vẫn có, đồng chí chuyển sang khám xe, khám từ đèn pha, đèn xi
nhanh, đèn đuôi, mọi thứ đèn có gắn trong xe… Nếu vẫn đạt yêu cầu thì
đồng chí chuyển sang khám khung sườn, khám vỏ nhựa, màu xe… Đồng chí sẽ
khám cho đến bao giờ ra lỗi, viết biên lai phạt. Rất hiếm những trường
hợp bị công an giao thông khám xe mà không tìm ra lỗi! Trường hợp hiếm
lắm thì các đồng chí mới không tìm thấy lỗi, nhưng đợi các đồng chí
khám xong là là mất toi buổi làm việc. Trong trường hợp có người nhà bị
bệnh, cần đi đâu gấp thì còn thấm thía “lẽ hơn thiệt” nhiều hơn nữa.
Không có cách lựa chọn nào tốt hơn là… lót đường!
Hai trường hợp vừa kể trên là hai ví dụ đơn cử dễ nhìn thấy, dễ nhận
biết nhất. Thực ra trong xã hội Việt Nam hành vi lót đường diễn ra khắp
mọi ngõ ngách, cơ quan, từ địa phương cho đến trung ương. Nơi nào có cơ
quan nhà nước, nơi đó diễn ra chuyện lót đường. Một loại “văn hóa lót
đường” được hình thành và hình tướng của nó tùy thuộc vào tính chất,
mức độ và khả năng vận hành của cơ quan đó. Và dường như người ta đã
xem đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống! Khai sinh cho trẻ
em ra đời cũng phải lót đường để cho đứa bé mau ăn, chóng lớn!
Khi ngồi lại tĩnh tâm mà suy tư đôi chút về vấn đề này, thử ngược dòng
lịch sử, dường như thứ văn hóa lót đường này đã có từ lâu lắm rồi, từ
khi đồng tiền xuất hiện, thậm chí còn trước đó nữa… Vào thời phong
kiến, các hoạn quan – Thái giám là người trung chuyển của đường dây đút
lót, đến thời hiện đại, những tên lưu manh, mất chất lọt vào bộ máy nhà
nước và thao túng đường dây này, hễ nơi nào có chúng là có văn hóa lót
đường. Và, đến giai đoạn gần đây nhất, giai đoạn chúng ta đang sống,
chuyện lót đường trở thành một nếp ứng xử không thể thiếu. Vậy đâu là
nguyên nhân?
Khó mà trả lời chính xác được đâu là nguyên nhân, vì cái thứ hành vi
ứng xử ấy đã ăn sâu vào máu huyết của người Việt lâu lắm rồi, nó thành
truyền thống, thành tập quán tự bao giờ không biết. Chỉ biết là trong
xã hội hiện nay, dưới triều đại Cộng sản Hồ Chí Minh nó đạt đến “cực
điểm tinh hoa”, vượt đến trình độ bán nước… Vấn đề là nên triệt tiêu nó
hay là để nó tồn tại và trong trường hợp nào thì nó tồn tại, phát
triển, trong trường hợp nào thì nó bị triệt tiêu, tính độc hại của nó
như thế nào?
Phải nói rằng văn hóa lót đường chỉ diễn ra và tồn tại ở những nước kém
phát triển về mọi mặt, ở những nước mà tệ nạn tham nhũng còn quá cao,
văn hóa ứng xử quá thấp và trình độ lập pháp của nhà nước chưa tiến bộ,
thậm chí là đang ở mức mông muội!
Tôi còn nhớ những năm Việt Nam đang còn chế độ bao cấp, cứ mỗi lần tới
kì nhận lương thực, mẹ tôi – một giáo viên nghèo – cứ đâm lo lắng không
biết mình có ra đúng giờ phát gạo hay không, kì này Đảng cho mình ăn
bao nhiêu gạo, độn bao nhiêu khoai mì, bắp, khoai lang… Và muốn nhận
được gạo trong ngày, phải dậy sớm lúc 4 giờ sáng, nộp sổ, xếp hàng đợi
cho đến lúc nhân viên lương thực dõng dạc đọc tên mình thì vội vàng
cuống quýt mang bao bị đến chìa ra hứng gạo. Nếu bữa đó “bà lương thực”
vui vẻ thì được gạo ngon, độn ít, không may bữa đó ”bà” không vui là
gạo cân bị thiếu, độn toàn sắn khoai và… mọt. Dần dần, sau những lần
lấy làm lạ, mẹ tôi mới hiểu ra vì sao gạo người khác lại trắng và ngon,
gạo của mình có lúc bị mốc và độn đầy những thứ nuốt không vào. Có lẽ
vì thương con mình, không chịu nổi cảnh nhìn đứa con nhỏ nhai cơm như
nhai giẻ rách nên mẹ tôi bắt đầu lân la làm quen với bà lương thực. Sau
vài lần quà cáp (không phải là ít) và nói cười với nhau khá ư là tình
chị tình em, nhà tôi được ăn gạo đường hoàng tí chút…
Có thể nói thời bao cấp của toàn bộ Việt nam (1976 – 1986) là giai đoạn
phát triển rực rỡ của văn hóa lót đường. Và cái vệt ấy kéo dài đến thời
kinh tế mở (1986 – nay). Ở giai đoạn này, nó chuyển sang một hình thái
khác tinh vi hơn, có nề nếp và thông lệ hơn… Nếu như ở thời bao cấp
người ta vì củ khoai, kí gạo, kí thịt mà lót đường, mà tâm tình Nghệ
Tĩnh với nhau thì bây giờ những thứ đó xưa rồi, người ta vì sự yên
thân, vì những tham vọng địa vị, vì những tham vọng chính trị… mà lót
đường. Mức độ lo lót lớn gấp nhiều lần, khả năng chi phối của việc lo
lót cũng phát triển đến độ khổng lồ…
Trở lại câu chuyện của những người đi đường và sinh viên ra trường xin
việc làm. Xét một cách công tâm thì họ chỉ mới là nạn nhân đầu tiên,
nhịp cầu đầu tiên của văn hóa lót đường mà thôi. Vì để được ra đứng
đường, các đồng chí công an còn phải lót cho cấp trên của họ và sau khi
nhận lót từ những người đi đường, họ phải về lót lên cấp trên, rồi cấp
trên lại lót cho cấp trên nữa, đến cấp cao nhất thì mới dừng, nhưng
cũng chưa hẳn dừng (?). Những sinh viên mới ra trường hoặc những thành
phần khác trong xã hội Việt nam đều chịu chung qui luật này.
Sở dĩ có dấu hỏi trong ngoặc ở đoạn trên là vì đó là một dấu hỏi nhức
nhối, một dấu hỏi chạm đến lương tri, danh dự và sự mất còn, hưng vong
của một dân tộc, một quốc gia. Tại sao tôi nói cấp cao nhất trong nội
bộ Đảng Cộng sản lại còn phải lót đường? Vì thực ra, đây mới là kẻ lót
đường nhiều nhất, tàn bạo nhất. Họ có thể đem tài sản nhân dân ra để
lót cho những kẻ biết điểm yếu của họ nhằm che miệng thế gian, nhằm duy
trì quyền lực để tiếp tục thao túng, nhũng nhiễu, hạch sách… Và nguy
hiểm nhất là để duy trì một chế độ độc tài, những người lãnh đạo đảng
Cộng sản đã mang cả lãnh thổ quốc gia, mang cả phần đất mấy ngàn năm
thấm máu xương tổ tiên, ông bà ra trao cho ngoại bang để thiết lập sức
mạnh phe trục, thiết lập chỗ đứng trên trường chính trị, để duy trì sự
độc tài và tiếp tục hành hạ nhân dân bằng thứ văn hóa lót đường của họ.
Những phần lãnh thổ biên giới Việt Trung đi về đâu? Những cụm đảo
Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu đi về đâu? Có bao nhiêu máu ông cha, máu
anh em, máu thế hệ hiện tại đã đổ xuống để bảo vệ biên giới, bảo vệ hải
đảo? Cái giá họ nhận được là gì? Một công hàm ngớ ngẩn và phản động dân
tộc của Phạm Văn Đồng ký năm 1958 đã thay thế cho lời van xin, quị lụy,
thay thế cho vật cống triều của chế độ Cộng sản Việt nam dâng lên Cộng
sản Trung Quốc để lót đường cho việc Cộng sản Trung Quốc công nhận Cộng
sản Việt Nam là anh em, là đồng chí. Và tiếp nhiều năm sau đó, nhiều
lớp lãnh đạo lại tiếp tục dâng lãnh thổ cho Trung Quốc làm vật lót
đường trên xa lộ chính trị của mình. Rồi đây lãnh thổ Việt nam sẽ còn
được bao nhiêu để bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ độc tài Cộng sản
Việt Nam? Có bao nhiêu phần lãnh thổ để đủ cho Nhà nước Cộng sản độc
tài mang ra lót đường? Và đất nước này sẽ đi về đâu?
Câu trả lời nằm ở chỗ những người có trách nhiệm với sự hưng vong dân
tộc, hưng vong quốc gia phải có thái độ gì, phải có quyết định gì và
sáng suốt nhận ra đâu là kẻ thù, đâu là kẻ phản bội dân tộc! Một đứa
con bán đứng cha mẹ mình thì tội nặng gấp nhiều lần kẻ không có quan hệ
huyết thống. Một người Việt, một tập thể, một tập hợp chính trị người
Việt mà mang lãnh thổ quốc gia ra bán đứng cho ngoại ban thì tội nặng
không thể bỏ qua. Và nếu tập thể, tập hợp chính trị đó còn tồn tại ngày
nào thì nhân dân phải còng lưng chịu khổ ngày đó.
Làm sao để văn hóa lót đường được triệt tiêu? Làm sao để nhận thức
người Việt được mở mang? Làm sao để bầu khí quyển văn minh Việt Nam
được trong sạch, mọi người tôn trọng nhau, mỗi người biết tự trọng, đời
sống ấm no, lòng người thanh thản, đất nước vẹn toàn? Câu trả lời nằm
ngay trong ý thức tự do, ý thức độc lập, ý thức dân chủ, ý thức yêu quê
hương, ý thức gìn giữ, bảo tồn những gì ông cha đã đem máu xương đổi
lấy để lại cho ta… Và muốn thực hiện được điều này, không có gì khác
ngoài một sự thay đổi chế độ. Người ta không thể thay máu tốt vào một
cơ thể nhiễm ung thư để cho nó hồi sinh, và người ta cũng không thể áp
đặt một hệ thống đạo đức tốt đẹp vào chế độ Cộng sản độc tài để hy vọng
nó tốt hơn, dân chủ hơn, thanh sạch hơn một khi bản chất của nó là phản
động!
Và xin chúng ta nhớ dùm một điều máu huyết này, đợi đến khi nào mới
thay đổi, đất đai không thể phình nở ra trong thời gian chờ đợi để bù
vào khoản thất thoát do những kẻ độc tài mang ra đổi lấy quyền lực, đổi
lấy sức mạnh cho họ. Và ngày nào còn chế độ độc tài cùng với thứ văn
hóa lót đường man rợ của họ thì sự bình yên, chủ quyền dân tộc Việt Nam
còn bị đe dọa, nhân dân còn mất tự do. Đến bao giờ?!
Triết Minh
Nguồn: Vietnam Freedom Insitute
|