(Ở Việt Nam phải vượt tường lửa để vào trang của Đài VOA)
http://www.voanews.com/vietnamese/2008-11-04-voa26.cfm
Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ lần này sẽ ảnh
hưởng như thế nào tới cuộc vận động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam?
Đó là thắc mắc mà có lẽ nhiều người quan tâm tới tiến trình dân chủ hóa
Việt Nam đang đặt ra, vì sự hậu thuẫn của Washington là một trong những
mục tiêu quan trọng trong các nỗ lực của những nhà dân chủ Việt Nam
nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế? Ban Việt Ngữ đã tiếp
xúc với hai nhân vật kỳ cựu của phong trào tranh đấu cho dân chủ Việt
Nam là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế ở Sài Gòn và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ở Mỹ
để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết với
Duy Ái của Ban Việt Ngữ VOA.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế là người xướng xuất Cao Trào
Nhân Bản - một trong những cuộc vận động dân chủ đầu tiên ở Việt Nam
thời hậu chiến. Hôm thứ 3 (mồng 4 tháng 11), ông đã bày tỏ sự vui mừng
vô hạn trong lúc cử tri Hoa Kỳ nô nức rủ nhau đi bầu và các cuộc thăm
dò ý kiến cử tri cho thấy ông Obama có phần chắc sẽ trở thành vị Tổng
thống Da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Từ căn nhà ở Chợ Lớn, nơi ông bị giam lỏng trong
nhiều năm qua, bác sĩ Quế nói rằng 'ngọn gió Obama' sẽ mang lại những
thay đổi quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Nguyễn Đan Quế: Nếu ông Obama đắc cử thì
điều này là một bước khai thông quan trọng, rất căn bản, cho nội dung
tranh đấu của dân tộc ta. Ông Obama tranh cử với chương trình xã hội,
kinh tế giáo dục, và công ăn việc làm mang nặng tính xã hội, nhân bản
và tiến bộ. Trong khi đó, cách Mỹ nửa vòng trái đất, người dân Việt Nam
- những người đã quá chán ghét cả xã hội chủ nghĩa lẫn tư bản rừng rú,
cũng đang khao khát một đường lối mới là lo cho số đông, đầy tình người
và có khả năng thực hiện tiến bộ xã hội. Nói cho đúng hơn thì đây không
phải là khát vọng của riêng dân tộc ta mà là của cả nhân loại. Thật
vậy, mâu thuẫn vì cái hố xa cách giàu nghèo trên thế giới, và trong mỗi
nước, có thể nói là có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Mâu thuẫn này chỉ có
thể giải quyết bằng xu thế phát triển chung toàn cầu mang ba tính chất
xã hội, nhân bản và tiến bộ.
Bác sĩ Quế nói thêm rằng: ba tính chất này tùy
theo mỗi nước mà có thể gia giảm thêm bớt, nhưng không thể thiếu vắng
trong việc xây dựng một xã hội thích hợp với thời đại mới của công nghệ
cao và thông tin toàn cầu.
Trong khi đó, tại tiểu bang Virginia, một nhà
tranh đấu cho dân chủ Việt Nam, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cũng tỏ ý phấn
khởi trước viễn tượng của sự thay đổi của tình hình nước Mỹ sau cuộc
bầu cử. Nhà dân chủ từng bị chính quyền Hà nội giam cầm trong nhiều năm
này cho biết rằng những chính sách mà ông Obama sẽ thực hiện, nếu đắc
cử tổng thống, sẽ có lợi cho quá trình dân chủ hóa Việt Nam.
Ông Hoạt giải thích: Đây là vấn đề lớn của
nước Mỹ. Nước Mỹ phải thay đổi đường lối để chuyển từ một chế độ tư bản
cũ sang một chế độ tư bản mới - một nền tư bản mang tính xã hội nhiều
hơn, quan tâm tới những người thua thiệt nhiều hơn, quan tâm tới quảng
đại quần chúng nhiều hơn, chính quyền phải làm việc nhiều hơn để lo cho
người dân nhiều hơn. Đó là khuynh hướng của xã hội Âu Châu. Khi có một
nước Mỹ như vậy thì sẽ có lợi cho vấn đề dân chủ hóa Việt Nam lắm. Tại
sao? Vì nước Việt Nam đang chuyển từ một chế độ Cộng Sản, xã hội chủ
nghĩa theo kiểu Cộng Sản, thì phải chuyển sang một chế độ không phải là
hoàn toàn tư bản mà là một kiểu tư bản xã hội, giống như Âu châu hay
Bắc Âu. Tôi nghĩ mô hình đó thích hợp với những nước như Việt Nam và
với nhiều nước nhỏ giống như trường hợp Việt Nam.
Giáo sư Đoàn Việt Hoạt nói thêm rằng dù ông Obama
hay ông McCain đắc cử tổng thống, giới hữu trách ở Washington cũng sẽ
tiếp tục gây áp lực để chính phủ Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Đoàn Viết Hoạt: Theo nhận xét bình thường,
ông McCain là người sẽ có lợi hơn cho dân chủ nhân quyền vì thông
thường các dân biểu nghị sĩ thuộc phe Cộng hòa trong quốc hội Mỹ tích
cực cho việc vận động, làm áp lực, để cải thiện nhân quyền và tự do cho
người dân ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không hẳn là như vậy. Bởi vì
vấn đề Việt Nam liên hệ tới chính sách của Mỹ đối với Á châu Thái bình
dương, đối với Biển Đông, và đặc biệt đối với Trung quốc. Cho nên dù vị
tổng thống nào lên thì họ cũng phải có áp lực để Việt Nam thay đổi
chính sách để ngày càng gần hơn với phía Âu Mỹ.
Mặc dù vậy, giáo sư Hoạt cũng cho rằng việc ông
Obama đắc cử sẽ có lợi hơn cho công cuộc tranh đấu cho dân chủ Việt Nam
vì ông là người có nhiều khả năng phục hồi uy tín của Hoa Kỳ trên
trường quốc tế.
Đoàn Viết Hoạt: Tôi nghĩ ông Obama sẽ có lợi thế
hơn vì ông là người mới, và có cái nhìn mà tôi nghĩ là mới mẻ và thích
hợp với tình hình mới của thế giới, đối với vị trí mới của nước Mỹ. Ông
McCain vẫn ở trong vị thế của đảng Cộng hòa - là đảng mà trong 8 năm
qua đã làm cho vị thế của Hoa Kỳ sút giảm rất nhiều trong lãnh vực đối
ngoại. Do đó, nếu ông McCain thắng thì tôi sợ rằng cái thế của ông đối
với Việt Nam chưa chắc đã đủ mạnh như là ông Obama. Đó là nhận xét cá
nhân của tôi. Chúng ta còn phải chờ cái thực tế khi những vị đó đắc cử,
đặc biệt là ông Obama lên thì ông ấy làm cái gì.
Khi được hỏi về vấn đề là đảng Dân chủ cũng có
phần chắc sẽ gia tăng thế đa số tại Hạ viện và Thượng viện trong cuộc
đầu phiếu mồng 4 tháng 11, giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng điều này
mang lại triển vọng tốt đẹp cho nỗ lực tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam
vì cả hành pháp lẫn lập pháp của chính phủ Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của
một đảng sẽ mạnh hơn và dễ có sự đồng thuận trong các chính sách ngoại
giao. Duy Ái tường trình từ Washington.
|