Hình
bên: Chèo thuyền đi mua nước sạch. Ngày thứ 6 sau trận lụt, nhiều nơi ở
Hà Nội vẫn ngập rất sâu. Bí thư Hà Nội chỉ xin lỗi vì lỡ lời chứ không
xin lỗi về những sai lẫm trong quản lý, điều hành đô thị là nguyên nhân
chính gây ra thảm trạng chưa từng có này. (Hình: AFP)
Hà
Nội (NV) - Qua một cuộc phỏng vấn trên báo điện tử VietNamNet, hôm 5
Tháng Mười Một, ông Phạm Quang Nghị, bí thư thành ủy Hà Nội, đồng thời
là một trong 14 ủy viên của Bộ Chính Trị đảng CSVN, vừa gửi lời xin lỗi
đến dân chúng: “Tôi thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi
bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê
phán”.
Hôm
2 Tháng Mười Một, nhân vật này đã khiến dân chúng Hà Nội nói riêng và
dân chúng Việt Nam nói chung, nổi giận khi thản nhiên trả lời báo điện
tử VietNamNet, về việc Hà Nội ngập sâu và ngập lâu, với những ý: “Không
thể chê trách hệ thống chính quyền bởi đây là hậu quả của thiên tai”,
“Hậu quả nghiêm trọng là do dân chúng quá ỷ lại vào nhà nước” và chính
quyền không phản ứng nhanh, quyết liệt hơn để giảm bớt thiệt hại bởi
“Theo lịch, sáng 1 Tháng Mười Một còn phải họp về việc thực hiện các
chủ trương liên quan tới tôn giáo”.
Sau
những tuyên bố trịch thượng và vô trách nhiệm của ông Phạm Quang Nghị,
sự bất bình và mức độ chỉ trích chính quyền CSVN về lũ lụt cũng như hậu
quả của đợt lũ lụt này đã gia tăng dữ dội tới độ, ngày 4 Tháng Mười
Một, trong cuộc họp định kỳ với lãnh đạo của các cơ quan truyền thông,
Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng CSVN phải chính thức yêu cầu: Từ nay,
báo chí chỉ tường thuật về diễn biến và việc khắc phục hậu quả, không
được phê phán và chỉ trích lãnh đạo nữa.
Trong
cuộc phỏng vấn mới nhất dành cho báo điện tử VietNamNet, ông Phạm Quang
Nghị tuyên bố: “Thành phố Hà Nội đã dừng mọi cuộc họp và những công
việc không thật cần thiết để tập trung mọi lực lượng và phương tiện ứng
cứu khẩn cấp, khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó ưu
tiên tối đa cho việc bảo vệ an toàn các tuyến đê xung yếu, tiêu thoát
nước cho khu vực nội thành, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Cả
thành phố coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ quan trọng số một”.
Tuyên
bố này được xem là “đính chính” cho tuyên bố trước đó, khi Hà Nội đã
chìm sâu trong nước nhưng lãnh đạo Hà Nội không làm gì cả vì còn phải
họp “về việc thực hiện các chủ trương liên quan tới tôn giáo”. Dư luận
đã dẫn cuộc họp này để chứng minh sự thù hận Công Giáo Việt Nam và cá
nhân Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt của chính quyền CSVN đã khiến hệ
thống này trở thành mù quáng và bất chấp mọi thứ.
Chính
dư luận đó khiến ông Phạm Quang Nghị phải “phân bua” trong cuộc phỏng
vấn mới nhất về những gì đã nói ở cuộc phỏng vấn trước đó: “Khi trả lời
VietNamNet, tôi đang tới thăm một thôn công giáo toàn tòng thuộc xã An
Phú, huyện Mỹ Ðức. Toàn thôn bị nước lụt chia cắt. Mực nước dâng cao
tận mái nhà. Mọi di chuyển của người dân đều bằng ghe, thuyền hoặc bơi
lội trong ngõ xóm. Tôi và anh em cán bộ cũng phải di chuyển bằng thuyền
nhỏ của người dân. Nhiều gia đình phải thổi lửa nấu cơm trên mặt đê...”
và “chú thích” thêm nhằm vớt vát uy tín: “Trong những thời điểm người
dân khó khăn như vậy, cán bộ lãnh đạo từ cấp thành phố cho tới cơ sở
đều sát cánh bên cạnh người dân. Tuy vậy, ngay tại một đoạn đê xung yếu
nơi tôi trực tiếp kiểm tra, thì vẫn có những người tỏ ra chủ quan, sự
ứng cứu không thật tích cực. Ðó là điều thực sự phải lo ngại”.
Thay
vì phải hỏi thêm ông Phạm Quang Nghị về việc tại sao chỉ xin lỗi vì lỡ
lời mà không xin lỗi vì quản lý tồi (phá hỏng Hà Nội do các quy hoạch
thiếu khoa học, khiến ngập lụt trở thành trầm trọng), vô trách nhiệm
trong ứng cứu thiên tai... thì ở câu hỏi cuối cùng, phóng viên
VietNamNet lại khơi khơi nhận định: “Ðược ông thổ lộ từ đáy lòng mình
những lời như thế, cánh nhà báo chúng tôi cũng cảm thấy có phần thiếu
sót. Cũng chỉ vì muốn thông tin nhanh đến bạn đọc nên phóng viên đã
phỏng vấn qua điện thoại giữa lúc ông đang có mặt tại nơi úng ngập nặng
và phải chỉ đạo nhiều việc tại hiện trường...”
Người
ta chưa rõ lãnh đạo đảng và chính quyền CSVN có tha cho tờ báo điện tử
VietNamNet và phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Quang Nghị không đúng
lúc, khiến ông lãnh “vạ miệng” hay không, bởi sau nhận định nặng yếu tố
thanh minh đó của báo điện tử VietNamNet, ông Nghị tuyên bố ngắn gọn
rằng: “Vào lúc này, tôi không muốn nói rằng báo chí có lỗi! Tôi muốn
cùng với báo chí, cùng với mọi người làm những việc cụ thể nào để góp
phần hạn chế, chia sẻ những thiệt hại, mất mát của người dân. Tôi nghĩ,
đó là cách tốt nhất mà mọi người đang mong muốn ở chúng ta trong lúc
này”.
Sáu
ngày sau khi trời mưa lớn, tại Hà Nội vẫn còn rất nhiều khu vực đang
ngập nặng. Trong một tin khác, báo điện tử VietNamNet cho biết, ở
phường Tân Mai, quận Hoàng Mai - một khu vực thuộc nội thành Hà Nội,
đang có khoảng 3,000 gia đình bị cô lập trong nước. Tuy chính quyền
thành phố Hà Nội đã điều động các loại xe chuyên dụng mang thực phẩm
đến bán cho dân chúng tại đó và dù giá gạo được bán đúng mức trước lụt:
10,000 đồng/ký, song muốn có gạo, dân phải thuê ghe đi mua với mức phí
vận chuyển là 100,000 đồng/lượt. Ðây là lý do làm cho nhiều người không
đủ khả năng có cơm ăn. Họ đã ăn mì gói, uống nước cầm hơi khoảng một
tuần nay. (G.Ð.)
|