(LĐ) - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa công bố bản báo
cáo về chỉ số phát triển con người ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương năm
2008, với tên gọi "Chống tham nhũng, chuyển hoá cuộc sống" (Tackling
Corruption, Transforming Lives).
Một
phát hiện đặc biệt của báo cáo này là tệ nạn "tham nhũng vặt (những vụ
nhỏ trị giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng)" như cảnh sát giao
thông vòi tiền người vi phạm Luật Giao thông, quan xã vòi tiền dân,
quan toà vòi tiền bị can, nhân viên thuế vòi tiền người buôn bán nhỏ,
bác sĩ vòi tiền bệnh nhân...; nguy hại chẳng kém gì tham nhũng lớn -
thậm chí, còn nhiều nguy hiểm hơn(!). Theo
bà Anuradha Rajivan của UNDP, thì nguyện vọng của đa số dân thường là
chặn đứng tham nhũng vặt quan trọng hơn chống tham nhũng lớn. Cách đặt vấn đề trên đây gợi mở rất nhiều suy ngẫm. Thứ nhất,
để "sống", báo chí cần đến việc phanh phui những vụ lớn - càng lớn càng
hấp dẫn người đọc. Trong khi người dân chỉ quan tâm đến túi tiền èo uột
của mình bị tước giật và do vậy, ảnh hưởng ghê gớm đến đời sống thường
nhật của họ. Tình cảnh đó chẳng khác gì đã nghèo lại gặp eo. Thứ hai,
sức ép về tinh thần, niềm tin trực tiếp vào các cấp công quyền - thông
qua sự hạch sách của các đại diện công quyền bị thử thách và suy giảm
nhanh chóng, ảnh hưởng toàn diện và sâu sắc đến đời sống, công việc,
khả năng tiết kiệm. Thực tế chỉ ra rằng, một khi "tai nạn" xảy ra liên
tục thì con người rất dễ mệt mỏi và trầm uất; làm cho "người nghèo ngày
càng bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội và gia tăng cảm
giác bất công". Kết
luận này của UNDP thực ra hoàn toàn giống với việc cách đây mấy tháng,
cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cảnh báo về nguy cơ "người nghèo bị gạt ra
bên lề của xã hội". Nói như thế để thấy giữa nghiên cứu của các nhà
khoa học và một trái tim biết đập cùng nhịp đập với người nghèo có sự
đồng cảm và thức hiểu sâu sắc như thế nào! Thứ ba,
báo cáo UNDP cũng cho biết rằng việc học sinh bỏ học nhiều tỉ lệ thuận
với sự vòi vĩnh của giáo viên ở các trường đó. Nếu khảo sát này là
chính xác thì đã đến lúc cần phải có một sự chấn chỉnh quyết liệt trong
một số điểm nóng của ngành giáo dục của nước ta hiện nay. Thứ tư,
nếu không chặn đứng được tham nhũng vặt thì chúng ta sẽ không bao giờ
thoát khỏi tình trạng đói nghèo, bởi mọi chiến dịch của Nhà nước nhằm
xoá đói giảm nghèo là "một bước tiến", nhưng tham nhũng vặt lại tạo ra
"hai bước lùi". Thứ năm,
nếu tham nhũng nhỏ còn không dẹp được thì làm sao có thể chống nổi tham
nhũng lớn? Ai cũng biết nhổ bỏ cây nhỏ là dễ hơn rất nhiều so làm bật
gốc những cái cây đã thành gộc, cội. Chính sự coi thường tham nhũng nhỏ
đã "tiếp sức", "thêm vây" cho tham nhũng lớn ngang nhiên chiếm đoạt tài
sản của Nhà nước ngày càng trầm trọng thêm. Chống
tham nhũng lớn là một việc làm cấp bách. Tuy nhiên, chống tham nhũng
vặt là cái không thể coi thường. Chúng ta hay nói đến "một số con sâu",
nhưng tham nhũng vặt đang tạo ra cả một đàn sâu. Những nỗi đau mà đàn
sâu đó gây nên thường bị dễ dàng cho qua bởi cách ví von là chuyện con
tép, cọng rau. Nhưng nhiều cọng rau vàng héo sẽ tạo nên quang cảnh một
cánh đồng rau sạm màu.
|