Thứ Ba, 2024-11-05, 8:39 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 7 » Vỡ đê: Phải chăng chỉ là ác mộng
1:06 PM
Vỡ đê: Phải chăng chỉ là ác mộng

Báo chí Việt Nam kể rằng, đang có rất nhiều nơi giống như xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm. Xã Tây Mỗ có 17,000 dân và suốt bảy ngày qua, cả 17,000 người này cùng ăn, ngủ, sinh hoạt trong biển nước, có độ sâu từ 1m đến 1.2m. Cũng theo báo chí Việt Nam, trong bảy ngày qua, 17,000 dân Tây Mỗ không có nước uống và thực phẩm chỉ còn đủ để có thể cầm cự thêm trong vài ngày. Một số gia đình bắt đầu đói...

Không trước thì sau, nước tất nhiên sẽ rút, song thảm họa hiện hữu tại Hà Nội đã làm dân chúng thức tỉnh mạnh mẽ.

Ngoài vô số chỉ trích về cung cách quản lý, điều hành, lối hành xử của hệ thống chính quyền các cấp trong và sau khi lụt, chính dân chúng bắt đầu nêu ra và phân tích về vô số vấn nạn được xem là nguyên nhân chính của thảm họa này, cũng như các thảm họa khác có thể xảy ra trong tương lai gần.

Bên cạnh hệ thống truyền thông “phi chính thống” trên Internet (các diễn đàn điện tử, các blog), ngay cả báo chí Việt Nam - dù đang bị đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng CSVN và vừa bị cấm đưa những ý kiến chỉ trích về trách nhiệm của lãnh đạo - cũng không thể né tránh bản chất của thảm họa. Hệ thống truyền thông chính thống chỉ khác hệ thống truyền thông “phi chính thống” ở chỗ, thay vì lên tiếng trực tiếp, họ sử dụng ý kiến độc giả.

Bài viết dưới đây là ý kiến của một người dân tên Minh Luận, vừa được báo điện tử VietNamNet giới thiệu và chúng tôi chọn đăng lại để độc giả ở hải ngoại trực tiếp xem một trong hàng triệu nạn nhân, lý giải về nguyên nhân cũng như bày tỏ suy nghĩ của họ về thảm họa.

Vỡ đê: Phải chăng chỉ là ác mộng?

Minh Luận

Có một buổi chiều, tôi nghe loáng thoáng loa phát thanh phường Yết Kiêu, thành phố Hà Ðông nói về chuyện tin đồn Hà Tây, phần đất mở rộng của Hà Nội mới sẽ là nơi xả lũ. Tôi nghe hình như chính quyền thông báo sẽ trừng trị kẻ tung tin đồn nhảm.

Nghe loáng thoáng và hình như vì các loại loa phường lắp đâu đó trong khu vực luôn luôn bị át bởi tiếng xe và đủ loại âm thanh khác. Nhưng sau nghe một người bạn nói truyền hình phê phán chính Hà Ðông đã thông báo những gia đình ven sông Nhuệ chuẩn bị tinh thần khi một số huyện của Hà Tây cũ sẽ là nơi xả lũ chứ không phải do kẻ xấu phao tin đồn nhảm. Không ít người Hà Tây bắt đầu lo sợ cố hương của mình sẽ biến thành biển nước. Tôi dùng chữ “cố hương” bởi cái tên Hà Tây giờ đã trở thành ký ức. Nếu như vậy thì không biết những chuyện gì sẽ xảy ra đối với những con người ở mảnh đất này.

Buổi tối, có hai người bạn tôi, một từ Việt Trì, một từ Sơn Tây, nhắn tin cho tôi nói rằng: Nếu có chuyện gì thì đưa ngay gia đình lên ở nhà họ.

Trong những ngày mưa như trút hết nước từ trời xanh xuống, chúng tôi ngồi nói chuyện lan man về trận mưa và tự nhiên lo lắng không biết những ai mất trong những ngày mưa này sẽ chôn cất ở đâu. Trong những ngày mưa vừa rồi, làng tôi như một hòn đảo giữa biển nước. Một số gia đình trong làng đã định ngày thay áo cho người thân phải hoãn lại. Vì nước như thế làm sao mà tìm được chỗ mai táng hài cốt. Rất may là làng tôi không có ai mất trong những ngày nước lớn ấy. Nhưng cả mảnh đất Hà Tây cũ làm sao mà tránh khỏi không có người ra đi trong thời gian ấy được. Nghĩ vậy, thấy lòng trĩu nặng.

Chiều qua tôi lại về quê để dự đám tang bố của một người bạn thân. Về đến quê mới biết người làng tôi cũng đã nghe cái tin huyện nhà sẽ là nơi xả lũ và loáng thoáng có đê vỡ ở đâu đấy. Thế là nhà nhà vội đi xát gạo, mua muối, chuẩn bị củi và chuẩn bị chạy lụt. Các gia đình vẫn còn ở nhà “cấp 4” thì lo đi tìm nhà họ hàng hay hàng xóm có nhà hai, ba tầng để hỏi ở nhờ khi nước lụt. Có người còn phải đến tận quê vợ hoặc quê chồng mới tìm được chỗ ở nhờ.

Khi đến viếng người quá cố, tôi nghe những người đến dự đám tang vừa tiếc thương, lại vừa mừng cho người đã mất. Vì sao mừng? Mừng vì nếu ông cụ mất mấy ngày trước thì không biết mai táng ở đâu vì cả cánh đồng đã biến thành biển nước. Mừng vì nếu một hai ngày nữa mới mất thì chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta đã được thông báo về một đợt mưa mới.

Thứ Bảy tuần trước về quê, tôi nhận thấy tất cả những người làng tôi sống ở xóm trại ven sông phải dọn vào ở nhờ trong làng. Có gia đình dọn lên ở trong điếm canh đê. Suốt mấy ngày mưa, người làng lo chuyển thóc, gạo, lợn, gà và những đồ dùng cần thiết lên tầng trên hoặc gác xép của nhà họ. Người làng nói quãng đê ở làng Vĩnh xã tôi đã sụt lở và có vết nứt. Họ lo sợ đê vỡ. Một gia đình sống nhờ điếm canh đê của làng nói với tôi rằng họ đã chặt chuối làm bè. Họ nói đê vỡ thì vợ chồng con cái cứ ôm lấy cái bè chuối rồi trôi đến đâu thì trôi. Họ bảo đêm ngủ nghe có tiếng động lại hoảng hốt choàng dậy. Lúc nào họ cũng nghĩ đến đê vỡ. Có người nghĩ nhiều quá đâm hoảng loạn. Ngủ mơ thấy đê vỡ kêu toáng lên “đê vỡ, đê vỡ” làm cả nhà sợ túa mồ hôi.

Nỗi sợ hãi đê vỡ không phải do tin đồn của kẻ xấu mà bởi thực tế những con đê đã làm người làng tôi sợ hãi. Tuần nào tôi cũng về quê. Và ít nhất tôi phải đi trên một đoạn đê dài chừng 10 km. Tôi nhận ra con đê đang càng ngày càng trở lên mong manh trước những trận mưa như vừa rồi. Người xưa đắp đê với mục đích đầu tiên và hệ trọng nhất là để ngăn nước. Nhưng mấy chục năm nay, khi đã bắt đầu hiểu biết, tôi thấy người ta đã quên đi mục đích đầu tiên và hệ trọng nhất ấy. Chúng ta, cả người dân và người quản lý, đang làm cho những con đê yếu đi. Nhưng lỗi đầu tiên và lớn nhất thuộc về những người quản lý.

Sông Ðáy là con sông chảy qua quê tôi. Sông Ðáy nổi tiếng với hai thứ: cát và hến. Bây giờ, do xây dựng nhiều nên người ta cần cát nhiều. Chỉ riêng đoạn sông qua làng tôi đã có hai, ba sà lan chuyên hút cát. Máy hút cát chạy hết ngày lại đến đêm và hết năm này qua năm khác một cách tùy tiện. Cát như là của trời cho, chẳng ai quản lý được. Thế là người ta đầu tư một cái sà lan và máy hút cát để khai thác kiếm tiền. Lúc nào tôi cũng thấy bên bờ sông sừng sững những quả đồi cát. Xe tải hàng chục tấn chạy suốt ngày chở cát. Bởi thế mà con đê cách trung tâm Hà Nội 40km gập ghềnh như đường trên núi cao. Với lượng cát bị hút như thế thì chắc chắn chân để sẽ bị ăn rỗng và đầy nguy cơ sụp đổ.

Tôi cứ có cảm tưởng một ngày nào đó cả một đoạn đê dài mà tổ tiên, ông bà đã đắp sẽ nổ vang một tiếng và biến mất dưới biển nước ma quỷ. Và các làng quê quanh đó sẽ chìm sâu dưới nước. Mỗi lần đi trên đê, tôi cảm thấy như mặt đất chao đảo, như đi trên một chiếc cầu phao. Phải chăng tôi là kẻ mắc chứng hoang tưởng. Nhưng có một thứ không hoang tưởng ở trong tôi. Ðó là câu hỏi: Sao không nhà quản lý nào nói đến điều này? Sao họ lại không hề biết chuyện ấy? Sao họ không có thái độ gì với hiểm họa có thật ấy? Cho dù, người dân đã kêu với chính quyền nhiều lần nhưng chẳng có chuyện gì thay đổi cả.

Cùng với những sà lan hút cát là một hệ thống lò gạch. Những lò gạch vừa lấy đất ở nơi khác và cũng vừa lấy đất ở chân đê để làm gạch mộc. Cho dù những lò gạch ở bên ngoài hay bên trong chân con đê thì việc họ đang lấy đất cũng giống như đang đục sâu vào chân đê. Sức mạnh của nước là ghê gớm biết nhường nào. Người xưa đã từng viết: tổ kiến nhỏ sụp toang đê vỡ. Chỉ một lỗ hổng ở chân đê do mối làm tổ cũng có thể giết chết con đê trong mùa nước huống hồ không phải một tổ mối mà một lỗ thủng khổng lồ như một trái núi.

Không chỉ bên bờ sông Ðáy quê tôi mà dọc bờ của quá nhiều con sông mọc lên quá nhiều những lò gạch, quá nhiều sà lan hút cát không đúng nơi quy định và quá nhiều những công trình tùy tiện. Ðó chính là những con mối khổng lồ sẽ ăn rỗng ruột con đê.

Ngoài những lò gạch, bây giờ đang bắt đầu mọc lên những công trình ngay sát chân đê. Ngay sát chân đê sông Ðáy khu vực phía Thanh Oai, tôi đã nhìn thấy một khu vui chơi rất đồ sộ. Họ vét sâu lòng hồ và đào bới để xây dựng. Tôi không phải là một nhà khoa học nhưng tôi thấy các công trình như vậy không được phép xây dựng hay đào bới hàng trăm, hàng ngàn mét khối đất ngay sát chân đê. Cho dù đào bới xong họ có lấp lại thì chân đê đã suy yếu đi rất nhiều. Những vùng “đất mượn” như thế khi gặp nước lớn sẽ tan ra như cám thôi.

Tôi muốn các nhà khoa học cho chúng tôi biết rằng: Cứ hút cát ở lòng sông không có quy định, hết năm này đến năm khác, cứ đào đất xây lò gạch và cứ đào bới xây công trình sát chân đê thì những con đê, vũ khí cực kỳ quan trọng để ngăn nước có đủ sức chống lại những mùa nước lớn như nước năm nay và hơn thế nữa không? Chính vì thế mà cơn ác mộng về đê vỡ đâu phải chuyện khó hiểu. Nếu chúng ta không thức tỉnh thì cơn ác mộng kia dễ dàng trở thành sự thật.

Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ tại sao những nhà quy hoạch và quản lý xã hội lại không nghĩ ra điều này. Hệ thống thoát nước và hệ thống đê điều dọc những con sông của một đất nước nắng lắm, mưa nhiều đương nhiên phải là mối quan tâm đặc biệt. Hay là họ cũng biết mà họ không làm. Có những chuyện có thể xảy ra rồi thì rút kinh nghiệm cho lần sau. Nhưng khi cái chết ập đến, làm gì còn cơ hội mà rút kinh nghiệm nữa.

Chúng ta đang sống trong một năm đầy bất trắc với quá nhiều chuyện đau buồn. Cầu Cần Thơ sụp đổ, những tai nạn giao thông thê thảm, những chuyện bạo hành man rợ với trẻ em, những đứa trẻ vị thành niên quyên sinh, rồi khủng khoảng kinh tế, cháy sân bay Tân Sơn Nhất, rồi mưa lụt nhấn chìm cả một thủ đô... Bây giờ đã là Mùa Ðông, tôi lại nhớ về đợt rét kinh khủng của Mùa Ðông năm trước. Quá nhiều bất trắc và quá nhiều chuyện xảy đến dồn dập. Và người dân bé nhỏ không thể không lo sợ.

Hình như chúng ta đang lao với một tốc độ khủng khiếp vào lợi ích của một cá nhân hoặc của một nhóm cá nhân mà quên đi lợi ích cộng đồng lâu dài và tương lai của các thế hệ hậu duệ. Trận mưa năm nay đâu đã là trận mưa lớn nhất nhưng đã làm chúng ta lộ ra những kém cỏi trong tư duy chiến lược và trong trách nhiệm của chúng ta đối với con người và với xã hội. Sự thay đổi khí hậu đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất của thế giới và cũng là một trong những đe dọa lớn nhất đối với con người.

Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta xây được một ngôi nhà và mua được chiếc xe hơi với hệ thống điều hòa hai chiều “made in Japan” là chúng ta chẳng sợ gì cái nóng. Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta xây được một ngôi nhà cao tầng hay nền nhà thật cao thì chúng ta chẳng sợ gì lũ lụt. Ðấy là sự thiếu hiểu biết, thói ngạo mạn và là sai lầm chết người của chúng ta. Bởi nếu chúng ta hủy diệt thiên nhiên và môi trường, nếu chúng ta không có một chiến lược đúng đắn cho tương lai thì sẽ có ngày những cơn nóng sẽ làm óc chúng ta chảy ra như bơ trên lửa, những đợt rét sẽ làm xương chúng ta vỡ ra như kính bị đập và những cơn mưa sẽ nhấn chìm chúng ta vĩnh viễn.

Những sự bất trắc này lại do chính con người chúng ta gây ra. Chúng ta chẳng cần phải là Mohamet thì chúng ta cũng có thể tiên đoán được những gì sẽ xảy ra với chúng ta trong tương lai từ chính những gì chúng ta làm hôm nay với sự tham lam và vô trách nhiệm.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 825 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 364
Khách: 364
Thành Viên: 0