November 06, 2008
.
“Trong
khi cả thế giới vẫn “oằn mình” vì trận bão tài chính đang ngày một lan
rộng, cuộc sống của người CNDCN Triều Tiên dường như vẫn không có gì
thay đổi, vẫn là “thiên đường” trong cảm nhận của người dân nơi đây”
Đoạn văn “ấn tượng” trên được đăng ở báo Dân Trí ngày 1/11/2008
và kèm theo rất nhiều hình ảnh bắt mắt, bởi trên thế giới này chỉ có
vài quốc gia nghèo xác mồng tơi lại vỗ ngực tự xưng mình là “thiên
đường” mà thôi, mà CNDCN Triều Tiên (Bắc Hàn) là một trong số đó.
Thực
tế hàng năm số công dân của họ bỏ xứ trốn ra nước ngoài bằng con đường
bất hợp pháp để mưu sinh ngày càng tăng, bất chấp hiểm nguy rình rập đe
dọa tính mạng, bất chấp cả sự trừng phạt nặng nề (kể cả bị bắn chết)
nếu bị phát hiện trốn đi nước ngoài; còn cái gọi là “thiên đường” ấy
thì chẳng có “con ma” nào ở các nước “không phải thiên đường” nó mò tới
xin cư trú.
Nhưng
dù khéo léo đến đâu rốt cuộc những bức ảnh đó vẫn lộ ra sự sắp xếp từ
thô kệch đến vụng về, và chính nó lại phơi bày mặt trái xã hội Bắc Hàn
mà người ta đang cố tình che giấu.
Bức ảnh số 2 được chú thích “Các quan chức Triều Tiên tham dự một buổi lễ khởi công xây dựng đường sắt Khasan-Rajin ở biên giới Tumangan”
nhưng trong hình chỉ thấy chân dung cận cảnh 2 quân nhân già đang hút
thuốc, hậu cảnh thì mờ đi, không hề có công trình nào đàng sau cả.
Bức ảnh số 3, chú thích “Phụ nữ Triều Tiên tham gia lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt Khasan-Rajin” cách
bố trí nhân vật và chụp cũng giống ảnh 2, chân dung cận cảnh 6 người
phụ nữ Bắc Hàn đã đứng tuổi mặc trang phục dân tộc rất mới (mới may thì
phải) mặt mày cau có, thiếu sức sống, đứng xếp hàng như tượng. hậu cảnh
là hàng cây thấp lúp xúp, thưa thớt và khoảng đất trống ngã màu vàng
đàng sau, không hề thấy cái công trình đường sắt nào hay không khí lễ
khởi công ở đâu cả. Những ai được chọn tham dự lễ khởi công công trình
của Nhà nước? Chắc chắn không phải mấy bà nội trợ hay bán rau rồi.
Bức ảnh số 4 chú thích “Học
sinh Triều Tiên tham gia một ngày dã ngoại ở Bình Nhưỡng. Ảnh của hãng
thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA, ngày 20/10/2008”. Ô
hay, năm 2008 rồi mà “dã ngoại” của thiếu nhi Bắc Hàn chỉ là tập trung
một đám đông ra bãi cỏ ngồi xem 4 đứa trẻ đá gà bằng đầu gối, một trò
chơi cũ rích, nghèo nàn từ những năm 60 về trước ở Việt Nam mà bây giờ
không trẻ em nào ở Việt Nam chơi cả.
Bức ảnh số 5, số 7, số 18
cho thấy đời sống tinh thần của người dân Bắc Hàn tại Bình Nhưỡng
(Pyongyang) thật nghèo nàn. Sách vở, bảo tàng nhằm thần tượng hóa “Thái
Thượng Hoàng” Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và “Hoàng đế” Kim Nhất Chính
(Kim Jong-Il). Đồ lưu niệm ngay trung tâm thủ đô mà chỉ có mấy món sơ
sài là bưu thiếp giấy, vài bức tranh vẽ, đĩa CD, quốc kỳ và sách.
Bức ảnh số 6 và số 16
chú thích “Khách du lịch người Hàn Quốc thăm một vườn ươm cây trong lễ
khánh thành tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 25/10/2008” nhưng trong ảnh lèo
tèo có mấy người, vườn ươm thì cây có một chủng loại rặt như đám cỏ có
gì mà tham quan cơ chứ. Mấy người trong ảnh đó có lẽ là đám quan chức
vừa khánh thành xong thì tự đóng vai khách du lịch luôn thể.
Bức ảnh số 8, số 21, số 23
cho thấy một quang cảnh vắng ngắt như tờ cả nông thôn lẫn thành thị, xe
cộ lác đác vài ba chiếc, người cũng loe hoe, thật thiếu sức sống. Cảnh
ngôi làng từ trên cao nhìn xuống giống y như bãi tha ma với những hàng
mộ nhỏ nhỏ, ngay ngắn và thấp lè tè.
Bức ảnh số 9, số 17 cho thấy xe buýt và xe tải người dân Thủ đô Bắc Hàn đang sử dụng rất cũ kỹ và lạc hậu.
Bức ảnh số 10, số 25 chú thích “Nhà nghiên cứu đại nhân dân tại Bình Nhưỡng, ngày 27/10/2008” với “Toà nhà nằm trên một diện tích 100.000m2,
và nó có thể đón hơn 12.000 khách tham quan mỗi ngày. Toà nhà gồm 600
phòng đọc, phòng thuyết giảng, ghi âm, phòng thông tin, phòng tư vấn”.
Không thấy toàn cảnh ngôi nhà ở đâu cả. Trong ảnh chỉ nhìn thấy rõ
gương mặt người sinh viên đeo kính, còn tất cả vật dụng xung quanh anh
ta đều bị dùng kỹ thuật làm cho mờ đi, không nhìn rõ. Có cái gì ở xung
quanh làm cho người chụp muốn che giấu người xem ảnh? Quang cảnh trong
phòng rất thưa thớt người và người ta vẫn phải sao chép tài liệu thủ
công bằng tay từ sách in.
Bức ảnh số 19 chú thích “Phụ nữ Triều Tiên trên đường phố tại thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 27/10/2008”.
Hãy chú ý cổ áo sơ mi, váy, giày của 2 người phụ nữ trong ảnh, bạn dễ
dàng nhận ra họ đang mặc đồng phục. Trong xã hội không chấp nhận thành
phần kinh tế tư nhân của Bắc Hàn thì những bộ đồng phục kia chỉ có thể
là công chức Nhà nước. Ngạc nhiên hơn là “đường phố tại thủ đô Bình
Nhưỡng” nhưng hậu cảnh thì toàn cây cỏ xơ xác, đất đồi mấp mô lúp xúp,
tuyệt không thấy bóng nhà cửa, phố xá, người và xe tham gia giao thông.
Bức ảnh số 20
chú thích “Tháp Juche trở thành điểm dễ nhận thấy nhất trong đêm ở Bình
Nhưỡng”. Tôi muốn nhấn mạnh với người xem hai chữ “Bình Nhưỡng”- thủ đô
của Bắc Hàn, và sau đó mời bạn hãy vào Google search xem ảnh thủ đô
Singapore hay Hồng Công, Ma Cao về đêm để thấy rằng ngay cả thủ đô Bình
Nhưỡng cũng thiếu điện, vậy những vùng khác ở Bắc Hàn thì sao?
Toàn
bộ những bức ảnh này cho thấy Bình Nhưỡng ngoài tháp Juche thì không có
một công trình kiến trúc nào to lớn gây sự chú ý cả.
Bài
báo viết “cuộc sống của người CNDCN Triều Tiên dường như vẫn không có
gì thay đổi, vẫn là “thiên đường” trong cảm nhận của người dân nơi đây”
nhưng từ đầu đến cuối ngoài 2 quân nhân còn cười mĩm, cô áo đỏ tre trẻ
hí hửng, và bày trẻ con vô tư chưa hiểu gì, thì những gương mặt còn lại
đều nhăn nhó, cau có, vô cảm hay phảng phát nét cam chịu, có thấy ai
phát biểu “cảm nhận” gì đâu mà tác giả lại biết rằng họ “cảm nhận” cuộc
sống ở Bắc Hàn là “thiên đường”?
Than ôi! Báo… lố!
Tạ Phong Tần