Thứ Bảy, 2025-01-11, 1:44 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 7 » Chuyện gió mưa ‘Hà Lội': Thiên tài ‘vật lộn’ thiên tai
4:45 PM
Chuyện gió mưa ‘Hà Lội': Thiên tài ‘vật lộn’ thiên tai

Hà Nội đến nay đã vinh dự được đảng “thiên tài” dẫn dắt tiến về quê trời XHCN đã hơn 60 năm. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trước tình cảnh toàn thành phố này bị chìm ngập trong biển nước, lại nghe vẳng vẳng đâu đây câu hò của quan Nghị, bí thư thành ủy “gió mưa ấy chuyện của trời, làm răng tính được mà đòi nông sâu?" mặc dù đã nhiều chục năm phải nghe những điều nghịch nhĩ, nhưng lần này tiếng hò đã khiến mỗ tôi không khỏi rùng mình, khi biết rằng cơn lũ không chỉ nhấn chìm cố đô, mà còn kéo theo gần hai chục mạng người cùng vài ngàn tỷ đồng.

Tài và Tai

Mặc dù ngày càng có thêm nhiều lời chê trách về phản ứng chậm chạp của chính quyền trước tình cảnh cảnh lụt lội thê thảm tại thủ đô. Nhưng ai sống ở VN lâu năm đều đã biết, mọi cơn bệnh ‘nóng lạnh’ của dư luận chỉ là phong trào. Chuyện dù có lớn đến đâu, kể cả khi có ông thủ tướng góp tiếng, mục đích cũng chỉ nhằm cho cái ‘tình thế nóng hổi’ kia nguội bớt đi và thế là chấm hết. Bởi mọi giải pháp chỉ đều mang tính “ăn xổi ở thì - giật gấu vá vai”. Sau 1-2 tuần thấy báo chí thôi không ‘bơm hơi’ vào nữa, ai nấy đều tự hiểu ‘vấn đề ấy’ xem như đã được khóa sổ. “Cơn hồng thuỷ và lời cảnh tỉnh cuối cùng?” đăng hôm nay trên báo Vietnamnet cho thấy ‘hồ sơ’ vụ lũ lụt này sắp đến hồi kết thúc.

Bởi vậy, cũng sẽ giống như cơn bão biển làm chết và mất tích hàng trăm ngư dân các tỉnh miền Trung hai năm trước đây, “bức xúc, nức nở, nghẹn ngào, thương tâm…” không còn thiếu từ cảm xúc nào chưa được truyền thông nêu ra, nhưng chỉ sau một vài tuần kêu la thảm thiết mọi thứ cũng xong, cũng từ từ đi vào quên lãng, lãng quên. Thậm chí nếu nay nếu có ai gặp các quan để hỏi xem trận cuồng phong ấy có bao nhiêu người chết, bao nhiêu mất tích, tôi e rằng cũng chẳng ai ‘thuộc bài’ thậm chí trận bão ấy tên gì? Và chờ cho đến khi có người chết tiếp mới chịu giở bài ra ôn lại.

“Đảng ta đang bị những kẻ cuồng tín vào chủ nghĩa duy tâm tuyên truyền Hà Lội đang bị “trời hại” vì chuyện Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, vậy các đồng chí phải biết cách chống đỡ, ta cho phép các đồng chí cứ việc lấy ông trời của họ ra làm ‘bia đỡ đạn’, đổ vấy mọi thứ cho “thiên tai” thế là xong.

Nếu không có nhạc sĩ thì ắt đã chẳng có ca sĩ với nhạc công vì họ không có cái để hát, để đàn. Nếu không có “tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt” của đảng thiên tài thì bộ mặt nặng nề như quan Nghị làm sao sáng tác nổi câu hò “thiên tai” trên?

Đầu năm trời lạnh trâu bò gia súc chết là tại trời, giữa năm ‘ì xèo’ chuyện tổ chức thi hoa hậu tại Nha Trang, thế giới được dịp biết thêm về Việt Nam là nhờ đảng, cuối năm ngập nước làm trẻ trôi, lại do trời v.v…. riết rồi cứ mỗi lần nghe điệp khúc “thiên tai” do đảng “thiên tài” hát, tôi lại đâm nhớ lời than thở của Nguyễn Du trong truyện Kiều năm xưa “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần”.

Mặc dù câu thơ để nói về phận “hồng nhan bạc mệnh” của nàng Kiều xa xưa nhưng ngẫm nghĩ, dương như nó đúng luôn với những ‘tai ương’ gây nên bởi những anh hùng hào kiệt sẵn sàng ‘vung gươm múa kiếm’ khắp nơi trong thời đại XHCN ngày nay.

Chỉ có điều khác là thời Nguyễn Du tiên sinh, ‘tài và tai’ là chuyện của cá nhân, một mình nàng Kiều đem thân mình ra gánh chịu. Nhưng ngày nay, cái sự thăng tiến của nhiều người được cho là tài, được đảng cất nhắc lên hàng lãnh đạo, chủ yếu do thời thế ‘nặn’ ra. Trước đây, là nhờ công chiến đấu. Còn ngày nay nhờ công chiến nói. Ai càng giỏi nói nịnh hay, kẻ đó càng dễ trở thành thiên tài lớn trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước.

Chỉ cần hiểu ra cái nguyên lý đào tạo ra các “thiên tài” đang lãnh đạo khắp các tỉnh thành hiện nay, ai cũng có thể nhắm mắt nói mà chẳng sợ sai, chính cái lý do “cha chung chẳng ai buồn khóc” đã dẫn dắt tai ương đổ ập xuống đầu muôn dân không chỉ trong chuyện ngập lụt HN mấy ngày qua, mà còn rất nhiều vụ từ làm ăn tắc trách trước nay.

Tự cho mình là những “đỉnh cao trí tuệ”, trong mọi hoàn cảnh đảng thiên tài ắt phải “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng phải vượt qua” nay như thế là đã quá ‘hiền’, ngày xưa còn phải thêm “bách chiến bách thắng” nữa mới đủ.

Với định luật chắc như đinh đóng cột trên, sau khi đã đánh thắng hai “đế quốc sừng sỏ”, kẻ thù đã ‘biến’ khỏi đất nước, nhưng cái tinh thần “bách chiến bách thắng” vì là loại vốn liếng đã đuợc đảng xác định là vốn cố định, là chân lý “sông có thể mòn, nước có thể cạn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” chúng là vĩnh cửu, vì thế mà cái tính háo thắng của đảng ta cho đến ngày ‘nhắm mắt xuôi tay’ sẽ chẳng bao giờ cạn.

Tương tự, nhờ thừa kế tinh hoa của các lớp đàn anh đi trước mà tính “thiên tài” trong đảng ta chẳng những không cùn đi mà ngày càng “nở rộ” và “sáng tạo” hơn. Lớp trước lớp sau, trùng trùng điệp điệp, đất nước ta chưa thời nào lại phong phú ‘thiên tài’ như thời đại XHCN ngày nay. Các quan như ông Thảo ở Hà Lội, nghe thiên hạ đồn có đền những vài tấm tiến sĩ giấy.

Hết ‘chiến trường’ đã có ‘thương trường’, đảng tiếp tục vận dụng “tính thiên tài” của mình vào việc “đánh” các công trình vẫn bằng cái truyền thống vẻ vang “đánh đâu thắng đó” ấy. Từ trận thắng PMU-18 khiến cho tiền bạc của lũ tư bản đổ lênh láng, cho đến ‘trận chiến’ Bắc Mỹ Thuận làm sập mất hai nhịp cầu, suýt chết mấy thằng Tây (gần trăm dân đen bỏ mạng xá gì?). Vừa rồi ở bầu trời phía Nam dân chúng lại mới thấy xuất hiện thêm một ngôi sao mới đầy ánh lấp lánh, đó là “thiên tài” Huỳnh Ngọc Sỹ - PGĐ Sở GTCC Sàigòn, người mới lập thêm chiến tích với trận “PCI - Thủ Thiêm Hầm Vượt”, xe chưa vượt nhưng nước đã “vượt” vô tới lòng hầm, lại sắp hứa hẹn một “Hà Lội” dưới lòng sông nay mai v.v…

Cùng là “bách chiến bách thắng” cả, chỉ khác có mỗi một điều “ngày xưa đảng thắng Mỹ nhào, ngày nay đảng thắng dân đời đổ nghiêng” .

Lời “thiên tài” là vàng là ngọc

Chẳng những đánh hay mà các đảng ta còn có truyền thống nói giỏi, có thế mới xứng danh “văn võ song toàn”. Lần theo những bước âm thầm nước dâng mấy ngày qua, chúng ta thử thống kê lại xem các “thiên tài” của thủ đô Hà Lội nói gì về thiên tai?

81106PQNghi.jpg
-1. Quan Bí thư Phạm Công Nghị:
- Thiên tai thì không tính trước được
- Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm!.
- Trận mưa lụt là cuộc tổng diễn tập lớn cho tương lai
- Thực tế lụt nảy sinh... "tiêu chuẩn mới" ngành xây dựng!
- Tính mạng, tài sản nhân dân là trên hết!

2. Quan Chủ tịch Nguyễn Thanh Thảo:
- Ưu tiên số một là thoát nước!

3. Tướng công an Nguyễn Đức Nhanh: "Người dân không có việc cần, không nên ra khỏi nhà!" v.v và v.v…

Miệng lưỡi “thiên tài” quả là ‘có gang có thép’, đầu óc họ cũng tỏ ra nhanh hơn người bình thường chúng ta gấp trăm lần. Chúng ta thấy việc gì không ổn ai nấy đều tỏ ra rụt rè, miệng lưỡi bỗng trở nên ú ớ vì không quen nói dối. còn họ thì KHÔNG, trăm ngàn lần KHÔNG!.

Một trong nhiều đặc điểm phẩm chất “thiên tài” của lãnh đạo đảng ta bộc lộ ra chính ở những chỗ như thế này. Càng bế tắc càng phải ‘động não’ ráng nặn nghĩ ra cái để nói. “béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn lòi ra!” Nói để cho bàn dân thiên hạ biết mình đang giữ vai trò lãnh đạo, việc gì cũng nắm ráo, đúng sai hạ hồi phân giải. Làm lãnh đạo mà không chịu nói là có tội với dân, vì “lũ phản động” sẽ giành mất quyền nói, cánh nhà báo không có việc làm mà phải thường xuyên ngồi trước máy tính nối mạng internet, không bận phân tích các lời nói của lãnh đạo rất dễ tơ tưởng chuyện phản động v.v…

Nhưng nói rồi, tối về nhà có ‘thiên tài’ nào chịu gác tay lên trán nhớ lại xem mình lại mình đã nói gì, liệu nó có xứng là phát ngôn của lãnh đạo hay không lại là chuyện khác !?

Về cái ‘sự nghiệp trăm năm cùng nói’ hiện nay, xin được nói thêm. Dường như mọi quan chức đều được trời phú cho cái khoản “nói như đảng nói” vì họ nói không sai biệt nhau dù chỉ nửa nét. Có những tên tuổi lúc còn ở cấp tỉnh thành nói năng tỏ ra rất “biết người biết ta” làm tôi cũng thấy thán phục nhưng khi họ leo lên hàng ‘trung ương’ thì mọi chuyện bỗng đâm khác đi nhiều.

Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Thiện Nhân với những tuyên bố rất đáng thất vọng thời gian gần đây, như “năm 2010 Vn phải có trường đại học lọt vào Top 200 của thế giới” hoặc “Bộ GDĐT sẽ thưởng cho nhà khoa học có công trình được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín nước ngoài” . Lại những dấu hiện của căn bệnh đỉnh cao trí tuệ với những ‘chỉ tiêu thành tích’ mà chính ông lúc đầu lên án. “Nói trước bước có tới”? VN trước nay đã có chỉ tiêu dân sinh nào hoàn thành đến nơi đến chốn? Vì tiền hay vì sự say mê khoa học mà nước Mỹ, Nhật hằng năm có hàng ngàn công trình có giá trị được đăng trên các tạp chí khoa học thế giới?

Những câu nói cho thấy ông đã bị “xơ hóa” chẳng còn giống ông “Thiện Nhân” lúc ở Sài Thành ngày nào. Mà cũng không chỉ có ông Nhân, nhiều vị giáo sư đáng kính mỗi khi phải đụng chạm đến chính trị, phát biểu của họ cũng tỏ ra khá vụng về đến… ngớ ngẩn!

Cách nay hai ngày, hôm 4/11, giáo sư Chu Hảo, một nhà khoa học tên tuổi trong nước khi được đài RFA hỏi tại sao nhiều người nhiều giới trong nước quan tâm đến vấn đề bầu cử của Mỹ như vậy? Chỉ mới một câu trả lời ngắn mà vị GS đáng kính đã để ‘câu trước đá câu sau’ “Chúng tôi chờ đợi kết quả trong tinh thần là thổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách đối với Việt Nam và vì vậy ai là người thắng cũng không quan trọng.” Không quan trọng vậy chờ đợi ảnh hưởng làm gì?

Những điều trên đủ nói lên rằng, ngay cả những có gương mặt được xem là ‘sáng sủa’ và trình độ nhất trong chính quyền Hà Nội hiện nay, từng là niềm hy vọng của không ít người, suy cho cùng bản thân họ cũng không dám đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi đảng và bản thân, huống gì các thiên tài cấp tỉnh thành quận huyện? Cái khí tiết quân tử của bậc sĩ phu sẵn sàng “giũ áo quan về vui thú điền viên” như Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Công Trứ không chịu hợp tác với những triều đình bất chính - vua bất tài, ngày nay dường như chỉ còn thấy trong sử sách.

Trở lại chuyện ‘Hà Lội’, nhìn cái vẻ ‘đăm chiêu’ ra chiều suy tư lo lắng của ba bậc thiên tài đất kinh thành trên, trong cơn mưa bão vẫn cố đem thân cò ra lặn lội bờ sông, cái công của những “đầy tớ” ấy lớn lắm, nếu chúng ta không chịu động não, chia sẻ bớt những nỗi ưu tư cùng họ thật là đáng tội. (với ‘thiên tài’ Nghị có lẽ trận lũ vừa qua là dịp hiếm hoi, 35 năm mới có một lần, để quan thử xem chiếc ‘xế xịn’ mới sắm chịu nước tới đâu hay sao mà dại dột đi khoe “đi bằng xe hơi” trong lúc lũ lụt thế này?)

Nhưng chỉ buồn một điều là sau khi ngẫm nghĩ những lời phát biểu trên “mỗ tôi” mới thấy hỡi ôi, toàn là những câu “huề tiền” cả!
- Nhà nào bị nước ‘dzô’ mà cha con chồng vợ chẳng hè nhau ra tát?
- Có ai điên mà trời mưa gió lụt lội bỗng dưng ra đường tản bộ hóng …nước?

Giá mà nước ở Hà Lội cũng cạn như ý nghĩa những lời vàng ngọc ấy thì đỡ cho dân tình thế thái biết mấy? Những lời ‘chỉ đại’ mà kẻ ngu dân này cũng nói đuợc chứ cần gì đến cái tư chất “thiên tài” lãnh đạo của đảng vinh quang làm gì?

Chưa hết, “Thiên tài Sỹ” Chánh Thanh tra Sở GTVT ‘Hà Lội’ (cũng lại Sỹ Giao thông) còn thản nhiên thông báo “tính đến 11h trưa 3/11, tổng số các điểm còn úng ngập tại địa bàn thành phố Hà Nội đã rút xuống chỉ còn 39 điểm ngập tại Hà Nội.”

‘Tổng số’ là bao nhiêu nếu chẳng phải chỉ là 1 khi mà cả thành phố đều lênh láng? Hay vì còn cái lăng “Bác Hồ” chưa ngập nên chưa thể gọi là một? Tuy nhiên khi nghe “chỉ còn …39 điểm” thoát ra ngon ơ từ cửa miệng của thiên tài này, tôi mới thật sự là ‘ớn lạnh cái xương sống’. Có lũ lụt mới biết vì sao có đến những 18 con dân Hà thành phải bỏ mạng? Bởi các quan đã quen đếm tiền tỷ, nên đối với họ con số 39 không thể là số nhiều, đã vậy thì xá gì số người chết mới chỉ còn ở hàng chục?

Làm sao ‘cứu’ Hà Nội khỏi ‘Hà Lội’?

Hôm 3/11 trên Vietnamnet có bài viết “Đại biểu QH: Lãnh đạo Hà Nội phải tự nhìn lại mình”, trong đó có đoạn

“Cách đây 7-8 năm, thành phố có một dự án cải tạo hệ thống thoát nước được đầu tư rất nhiều tiền. Một vị có trách nhiệm từng tuyên bố chắc như đinh đóng cột: “Dự án hoàn thành, Hà Nội sẽ thoát cảnh ngập lụt. Bây giờ qua trả lời phỏng vấn của Chủ tịch UBND thành phố, tôi mới biết quy hoạch thoát úng ngập cho Thủ đô chỉ đáp ứng được lượng mưa 170mm. Vậy không hiểu cái dự án hoành tráng kia tiêu tiền vào đâu? Các cơ quan chuyên môn của thành phố dự báo thế nào? Bộ tham mưu và UBND thành phố hằng ngày dành bao nhiêu thời gian để nghĩ đến việc quản lý đô thị cho đâu ra đó?”

Cây kim giấu kỹ trong bọc lâu ngày rồi cũng lúc bị lòi ra. Làm ăn gian dối có thể tạm thời qua mắt được một vài năm nhưng với trời và thiên nhiên thì chắc chắn là không ‘có cửa’. Cứ nhìn những cái mặt nhăn mày nhó của các đấng thiên tài Thảo và Nghị sát cánh bên nhau trong tấm hình chụp tại trạm bơm Yên Sở, mắt trái dòm chừng cái máy bơmsợ nó tắt, mắt phải ngó trời, miệng không ngớt ‘chỉ đại’ cho đám quần thần đang vây quanh. Nhưng nước ‘Hà Lội’ vẫn cứ dâng lên, thấy miệng hai ông cùng lẩm bẩm, chắc là “Ước chi ta có thể đem cái thiên tài lãnh đạo của đảng trong cơn nguy khốn cầm cố đâu đó vài hôm để đổi lấy chút quyền phép của Sơn Tinh?”

Nhìn hai ông quan lớn mang họ Nguyễn, một dòng họ lớn chánh tông người Việt nay phải qui phục triều đình nhà Nông lạ hoắc mà còn phải dầm mưa lội nước, lòng tôi bỗng se thắt. Không biết các quan ấy có bao giờ tự hỏi vì đâu bản thân họ và cả hơn 80 triệu dân phải mang nỗi nhục này?

Tôi, tuy chỉ là dân đen mang họ Hoàng nhỏ bé, cũng vì chuyện lội nước bì bõm bấy lâu tại Sàigòn, điều chỉ có mấy năm gần đây do qui hoạch vô tội vạ bởi các “thiên tài” XHCN sau 1975, cũng thấy không ổn nên xin phép thay mặt đồng bào quốc dân những ai còn xem nặng vận mạng dân tộc, trả lời cho vị đại biểu quốc hội trên và cũng là đề xuất giải pháp cho vấn nạn ‘Hà Lội’ mà hai ông đang mắc phải: “Để Hà Nội ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt chúng ta từ nay về sau không còn tái diễn cảnh lụt lội, không thể đơn thuần là chuyện tống nước, mà phải giải quyết tận gốc rễ cái đã gây ra nó, phải tống cổ cái đảng “thiên tài” ra khỏi thủ đô thì mọi thiên tai mới chấm dứt vĩnh viễn”.

Bởi điều này đúng với lời PGS-TS Nguyễn Văn Hùng trên Vietnamnet ngày 02/11 trong bài Hà Nội lụt vì "nhân tai" cộng với thiên tai (tuy mới chỉ dám nói mấp mé) “Tôi tin rằng các chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo rồi nhưng có lẽ tầm nhìn, sự tiếp nhận, khả năng giải quyết... ở lãnh đạo Hà Nội thì chưa có, hoặc là nhiều khi chỉ nhìn gần mà không nhìn xa nên đã dẫn đến tình trạng như bây giờ".

Tham khảo:
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5211/index.aspx
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/811564/
http://www.rfa.org/vietnamese/

Sàigòn, 5/11/2008

Alfonso Hoàng Gia Bảo

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 794 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0