Thứ Năm, 2024-03-28, 11:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 8 » Dân khổ vì sân golf : ''Mất đất, mất đường và… thất học'' ''Cụt đường sinh nhai''
9:19 AM
Dân khổ vì sân golf : ''Mất đất, mất đường và… thất học'' ''Cụt đường sinh nhai''

07.11.2008 07:11

Xem hình

Bài 1: Mất đất, mất đường và… thất học
Theo quyết định của chính quyền tỉnh Hòa Bình, năm 2004, trên 300 hộ dân xã Lâm Sơn, H.Lương Sơn rời bỏ nơi họ đã sinh sống hơn nửa thế kỷ để nhường lại hơn 300 ha đất nông, lâm nghiệp cho việc xây dựng một sân golf 54 lỗ do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) đầu tư. Đổi lại, không phải là một cuộc sống sung túc ấm no như họ từng hy vọng mà là thất nghiệp, là ô nhiễm môi trường, là bất trắc...

Mất đường và nguy cơ thất học

Lối mòn đi vào Thung Dâu - Ảnh: Trường Sơn

Con đường dẫn đến xóm Thung Dâu (thuộc xã Lâm Sơn), nơi cư ngụ của khoảng 20 hộ dân với gần 100 nhân khẩu phải đi qua cửa chính của sân golf 54 lỗ mang tên Phượng Hoàng. Sau khi xuất trình giấy tờ và phải xin phép bảo vệ để được vào xóm, chúng tôi mò mẫm theo con đường mòn cách cổng sân golf chừng 300m để ngược lên Thung Dâu. Con đường vừa nhỏ, vừa dốc, lại trơn tuột. Nhiều đoạn xe máy không thể đi được, phải xuống xe, cài số một rồi dắt vượt lên đoạn dốc ngược kéo dài cả trăm mét. Mất cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới vào được xóm.

 

Nước dân sử dụng thường có mùi hôi thuốc trừ sâu

Ông Nguyễn Xuân Lộc, trưởng xóm Thung Dâu, cho biết con đường trước kia đến Thung Dâu từ quốc lộ 6 chỉ chừng 2 cây số và rất dễ đi, nhưng từ sau khi sân golf được xây dựng, Thung Dâu trở thành một “ốc đảo”. Con đường cũ bị chủ sân golf cho chặn lại, muốn ra vào Thung Dâu người dân chỉ còn cách đi theo con đường mòn kéo dài gần 10 km vòng vèo qua núi. "Đi lại giờ khó khăn lắm, người dân xóm mỗi lần thu hoạch nông sản đem xuống xã bán phải gồng gánh đến 2-3 tiếng đồng hồ vượt dốc núi mới đem được dăm ba buồng chuối xuống Lâm Sơn để bán. Nhiều cháu ở xóm này đã phải bỏ học vì đường đi quá xa. Đứa nào học sáng phải dậy từ 3 giờ để ăn uống, chuẩn bị sách vở đến trường; cháu học chiều thì gần 7-8 giờ tối mới về đến nhà, mà bố mẹ phải bỏ công việc đi đón vì sợ không an toàn", ông Lộc kể.

Sau khi nhượng lại đất để xây dựng sân golf, anh Bạch Công Thiềm, 31 tuổi, chuyển ra khu tái định cư (TĐC) ở xóm Rổng Vòng, gần đường quốc lộ sinh sống. Thế nhưng gia đình anh vẫn còn ruộng nương ở phía sau sân golf. Từ hai năm nay, gần như hôm nào anh cũng phải lội bộ ra vào hơn 20 km để đi làm nương. Đến mùa thu hoạch, anh Thiềm lại bươn bải quang gánh mỗi ngày hai lượt, vượt tới gần 40 km đường núi để đem mấy buồng chuối xuống xã bán được khoảng 100 nghìn đồng.

Không chỉ cuộc sống của người dân Thung Dâu gặp những khó khăn, mà khoảng 20 trang trại của người dân trong xã đến vụ thu hoạch cũng không có cách nào vận chuyển ra ngoài. Anh Lê Trung Dũng, người xóm Rổng Vòng, chủ một trang trại ở Thung Dâu, cho biết vì không có đường nên hàng trăm gốc keo, luồng của anh vẫn đành bỏ phí mà không thể khai thác được. "Chúng tôi là dân vùng 3, nói là được ưu tiên đấy, nhưng không hiểu là ưu tiên nỗi gì. Làm được củ khoai củ sắn gánh xuống đường bán được bao nhiêu đâu mà khốn khổ quá. Có người đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền vào trang trại mà đến giờ vẫn chưa thu được tiền. Có khi phá sản đến nơi", anh Dũng cám cảnh nói.

Ám ảnh căn bệnh ung thư

Không chỉ gặp khó khăn trong việc đi lại, khoảng 4 năm nay tình trạng thiếu nước sinh hoạt là vấn đề mà người dân khu TĐC thường xuyên phải đối mặt.

 

Người dân phải chui qua hàng rào sân golf để đi tắt

Chị Hoàng Thị Thuận, xóm Rổng Tằm, cho biết sau khi được đưa đến khu TĐC, chính quyền và nhà đầu tư cam kết sẽ đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho dân. Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn ngủi được dùng “nước Hàn Quốc” (cách người dân địa phương gọi nước do ban quản lý sân golf cung cấp), sau đó người dân phải tự xoay xở tìm nguồn nước do sân golf bơm nước theo kiểu “bố thí”, dân kêu thì bơm, không kêu thì thôi, có khi cả tuần không bơm. Chị Thuận cũng cho biết nước do sân golf bơm cho người dân thực ra cũng chỉ là nước lấy từ suối Rổng Tằm chứ không có xử lý gì. Nhiều hôm nước rất đục, có cả váng, nhiều nhà phải dùng bình lọc nước mà vẫn không yên tâm. "Những nhà không có bình lọc nước đành phải dùng trực tiếp hoặc phải đi lấy ở khe núi về dùng. Hồi đầu họ nói nước đó chỉ bơm phục vụ xây dựng sân và tưới cỏ nhưng sau lại bơm trực tiếp cho dân ăn, tôi từng làm nhặt cỏ trong sân golf nên tôi biết rõ chuyện này”, chị Thuận nói. Theo một lãnh đạo xã Lâm Sơn, năm 2005 từng có một dự án xây dựng nhà máy nước tại xã được khởi công, dự kiến đến năm 2006 dân sẽ có nước sạch để dùng. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đó dự án này ngừng hoạt động.

Đến các khu TĐC sân golf hiện nay, một hình ảnh khá trái ngược là cạnh những ngôi nhà to đẹp, khang trang là những đường ống nước lộ thiên do người dân phải tự bỏ mỗi nhà cả triệu đồng để dẫn nước từ các khe suối cách đó chừng 3-4 km về dùng. Mà nguồn nước này cũng không hề được đảm bảo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giữ cho cỏ mịn, đẹp ban quản lý sân golf Phượng Hoàng thường xuyên cho phun các hóa chất diệt sâu bệnh, nấm mốc mà mùi bốc vào tận trong các xóm. Các hóa chất này theo đường dẫn của nước tưới được xả thẳng ra các suối, khe trong khu vực. Nhiều người dân ở các xóm lân cận đã có phản ánh về việc nước sinh hoạt có mùi thuốc sâu rất nặng.

"Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hòa Bình đã cử cán bộ về đo đạc kiểm tra mức độ ô nhiễm của khu vực này, nhưng chưa thấy công bố kết luận gì. Hằng ngày phải dùng nước sinh hoạt có mùi thuốc trừ sâu, nhiều người dân ở đây luôn bị ám ảnh đến một lúc nào đó sẽ phát bệnh ung thư", bác Nguyễn Xuân Hoàng, ở xóm Rổng Tằm, lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh, Phó chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, cũng xác nhận hiện hơn 3.000 dân thuộc các xóm Dốc Phấn, Rổng Tằm, Rồng Vòng, Rổng Cấn, Đồng Gạo và xóm 8 vẫn đang phải sử dụng nguồn nước này. “Biết là ô nhiễm, biết là có nguy cơ bệnh tật rất cao nhưng người dân ở đây không còn cách nào khác”, bà Nhinh nói.

Dân khổ vì sân golf - Bài 2: Cụt đường sinh nhai

Không chỉ mất đất, mất đường và thất học..., những người dân nhường đất cho nhà đầu tư xây sân golf Phượng Hoàng đang phải đối mặt với nỗi lo thất nghiệp - điều mà hàng chục năm qua họ chưa bao giờ nghĩ tới...

Ly nông, dân không biết làm gì! 

Bà Phó chủ tịch UBND xã Lâm Sơn Nguyễn Thị Hồng Nhinh cho biết có khoảng gần 300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân golf, trong đó toàn bộ các hộ thuộc các xóm Rổng Tằm, Rổng Vòng và Rổng Cấn đã phải di dời 100% để phục vụ dự án... Do mất đất nông nghiệp, hàng trăm nông dân của xã từ nhiều năm qua lâm vào cảnh gần như ăn không ngồi rồi. "Trước đây khi sân golf chuẩn bị được xây dựng, phía nhà đầu tư hứa hẹn sẽ ưu tiên tạo công ăn việc làm cho bà con Lâm Sơn. Thời gian đầu, trong giai đoạn xây dựng cơ bản có rất nhiều lao động địa phương được nhận vào làm việc. Nhưng sau đó với lý do người lao động không đáp ứng được yêu cầu, chủ sân golf đã cho nghỉ việc hàng loạt. Hiện tại chỉ có khoảng dăm bảy chục người còn "trụ" lại được với những công việc nhặt bóng, bảo vệ, chăm cỏ", bà Nhinh cho biết.

Dân đi làm về qua cửa phụ sân golf - ảnh: Trường Sơn

Nhưng người trụ lại cũng không biết được bao lâu. Chị Hoàng Thị Thuận, người xóm Rổng Tằm, trước đây làm ruộng, sau khi sân golf hoàn thành được nhận vào làm nhặt cỏ, kể: "Công việc ở sân golf rất vất vả, cả ngày phải làm đến mười mấy tiếng dưới cái nắng gay gắt, mà đồng lương họ trả không bằng chúng tôi làm ruộng trước kia. Cứ như thế kéo dài triền miên nhiều người không chịu được đã phải tự động bỏ việc chứ chưa cần họ cho nghỉ". 

Về phía chính quyền, thực tế khi triển khai dự án sân golf cũng tính đến chuyện giúp nông dân chuyển đổi nghề. Thế nhưng, đến nay việc chuyển đổi nghề hoàn toàn đổ bể. "Trước đây người dân Lâm Sơn cũng từng rất hy vọng vào chuyện sẽ được học nghề để kiếm sống, thế nhưng các lớp mây tre đan xuất khẩu tổ chức được có một khóa cho hơn 30 chục chị em nông dân xã. Sau khóa học mặc dù đã rất cố gắng với nghề mới, nhưng do là nông dân vốn quen ruộng đồng từ trong máu, nên những sản phẩm thủ công của họ làm ra trên thực tế không thể bán được. Mà có bán được cũng chỉ thu chưa đầy hai chục nghìn mỗi ngày", bà Hồng Nhinh nhận xét. 


Đứng trước nhà cao cửa rộng nhưng thường trực nỗi lo thất nghiệp - ảnh: Trường Sơn

Trong khi đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người dân hình như cũng không được quan tâm. Nhiều người cho biết, sau khi giải tỏa đền bù, chính quyền và nhà đầu tư san lấp một số điểm tái định cư rồi đưa dân về tự xây nhà, thế là xong. Còn tiền bồi thường dân lãnh về nên sử dụng ra sao, đầu tư vào đâu... đều không được hướng dẫn. 

Bởi vậy mới có chuyện, theo lời kể của một cán bộ xã, sau đợt nhận tiền đền bù đầu tiên hồi năm 2004, chỉ trong một ngày người dân Lâm Sơn sắm tới hơn 300 chiếc xe máy! Rồi hàng loạt ngôi nhà tầng mọc lên tạo cho khu tái định cư một vẻ ngoài hào nhoáng giả tạo. "Nhìn những ngôi nhà cao tầng bề thế, rồi ti-vi, dàn máy hát xập xình, xe máy đẹp lượn vòng vòng khắp xã, nhiều người dễ tưởng dân ở khu tái định cư của xã Lâm Sơn là những người có của ăn của để. Thế nhưng, nhiều nhà chạy ăn từng bữa đấy. Tiền bồi thường đem xây nhà, sắm xe, tiêu hết rồi, không còn ruộng đồng,  không còn nương rẫy, không nghề nghiệp, giờ là tay trắng", một người dân chua chát. Dạo quanh những xóm TĐC, thấy thanh niên trong xóm không có nghề nghiệp loanh quanh đầy mấy quán trò chơi điện tử, bi-a... Không có việc làm, không có thu nhập, nên từ ngày sân golf được xây dựng đã có tệ nạn nảy sinh.

Nhập nhèm chuyện đền bù 

Theo phản ánh của người dân và tìm hiểu của Thanh Niên, từ 2005 - 2007, việc lên phương án đền bù cho các hộ dân của xã Lâm Sơn đều căn cứ vào quyết định phê duyệt dự toán đền bù giải phóng mặt bằng sân golf cùng các công trình phụ trợ được UBND tỉnh Hòa Bình ban hành ngày 17.1.2005. Dự toán này không căn cứ vào Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, mà dựa trên Quyết định 2103/QĐ-UB của UBND tỉnh Hòa Bình ngày 22.10.2004, mà trên thực tế đây là một quy định giải phóng mặt bằng cho riêng sân golf Phượng Hoàng. 

Ngày 3.12.2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 197/NĐ - CP về việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Để thực hiện nghị định này, UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định 42/QĐ-UB ngày 30.9.2005 về việc ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Thế nhưng, điều khó hiểu là phương án bồi thường cho các hộ dân ở giai đoạn sau của dự án sân golf vẫn bị áp theo Quyết định 2103/QĐ-UB, mà trên thực tế chỉ tiết kiệm kinh phí giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư và đẩy phần thiệt thòi cho người dân. 

Tương tự, đến ngày 23.6.2005, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định 1091/QĐ-UB về việc duyệt bổ sung đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng dự án sân golf tại xã Lâm Sơn, trong đó có nội dung "đất vườn, ao liền kề xen kẽ khu dân cư sẽ được bồi thường hỗ trợ thêm, mức hỗ trợ bằng 20% giá đất thổ cư tại vị trí các hộ đang ở, phần diện tích được tính tối đa bằng diện tích đất thổ cư các hộ bị thu hồi". Quy định hạn chế diện tích đất liền kề này trên thực tế là động thái cắt xén mức hỗ trợ cho các hộ dân. Bởi trước đó, trong Quy định kèm theo Quyết định 42/QĐ-UB của UBND tỉnh Hòa Bình đã nêu rõ đất vườn, đất ao liền kề với đất ở trong khu dân cư, mức hỗ trợ bằng 50% giá đất ở liền kề. 

Vì sao UBND tỉnh Hòa Bình lại khống chế diện tích đất vườn được hỗ trợ, gây thiệt thòi cho người dân? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quang Hải, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình, cho rằng do đặc thù là tỉnh miền núi, các hộ dân đều có diện tích đất lớn. Nếu không có quy định về hạn mức như vậy thì số tiền hỗ trợ sẽ rất lớn. "Tỉnh cũng cố gắng làm sao có lợi cho người dân nhưng cũng phải trên cơ sở chính sách phù hợp với thực tế, không cũng rất khó cho nhà đầu tư", ông Hải nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi nêu câu hỏi tại sao trong một dự án khác (dự án xây dựng trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang - Bộ Công an) tiến hành cùng thời điểm dự án sân golf Phượng Hoàng thì việc đền bù lại được áp dụng theo mức hỗ trợ 50%, ông Hải trả lời không nắm rõ vấn đề này và đề nghị sẽ trả lời sau bằng văn bản...  

Phóng sự của  T.Sơn – Cẩm Linh  Theo Thanhnien.com

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 861 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0