Thêm 10 người Thượng bị trục xuất về Việt Nam... theo bản tin từ Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA, loan đi hôm 7-11-2008.
Bản
tin cho biết là vào sáng ngày hôm Thứ Sáu, lại có thêm 10 người Thượng
đang ở trong trại tị nạn tại thủ đô Phnom Penh bị trục xuất về Việt Nam.
Lý do được đaì RFA giải thích là họ bị từ chối qui chế tị nạn. Bản tin như sau. Nguồn
tin từ nhóm người Thượng đang tị nạn tại Campuchia cho biết có 10 người
Thượng đang ở trong trại tập trung của Cao ủy tị nạn Liên hiệp Quốc
UNHCR tại thủ đô Phnom Penh bị trục xuất về Việt Nam vào rạng sáng thứ
Sáu 7 tháng 11, sau nhiều tháng bị UNHCR từ chối cấp qui chế tị nạn
chính trị.
Một người Thượng đang tị nạn tại Campuchia xin dấu tên
cho biết 10 người Thượng nói trên có quê quán ở Dak Lak và Gia Lai
Komtum. Trong đó, có 3 người Êđê và 7 người Jarai, và hầu hết không
muốn về Việt Nam, nhưng họ bị buộc trục xuất.
Ông Chung Rawuth, đại
diện văn phòng UNHCR tại thủ đô Phnom Penh thừa nhận là có 10 người
Thượng bị trục xuất, nhưng ông cho rằng đây là việc làm của chính phủ
Phnom Penh, chứ không phải tổ chức ông.
Sẽ trục xuất toàn bộ 176 người?
Liên
quan đến nhận định của phái đoàn UNHCR sau khi thăm Tây Nguyên vào
khoảng giữa tháng 10 vừa qua cho rằng người Thượng hồi hương từ
Campuchia đang từng bước hội nhập cuộc sống tại địa phương, một người
Thượng đang tị nạn tại Campuchia cho rằng đây chỉ là nhận định của một
phía.
Thực tế, những người đấu tranh bị giam cầm chưa được trả tự
do, đất đai của người Thượng bị tịch thu chưa trả, và yêu sách của
những tị nạn vẫn chưa được đáp ứng.
Cũng theo nguồn tin người Thượng
tị nạn, trong tháng 10 vừa qua, có 50 người Thượng bị trục xuất về Việt
Nam, sau đó chính quyền Phnom Penh thông báo là sẽ trục xuất toàn bộ
176 người Thượng đang ở trong trại 3 tại thủ đô Phnom Penh về Việt Nam
vào ngày 27 tháng 10 vừa qua, nhưng thực tế 10 ngày sau, mới trục xuất
10 người.
Hiện còn 166 người Thượng ở trong trại 3 này cũng đang có nguy cơ bị trục xuất vì không được UNHCR cấp qui chế tị nạn chính trị.
Còn
cộng đồng Khmer Krom ở Đồng bằng sông Cửu Long, có nguồn tin từ Phong
trào Trà Đàm Dân Chủ tại Campuchia cho rằng 12 thành viên cộng đồng này
thuộc tổ chức Trà Đàm trốn sang Campuchia do lo sợ bị đàn áp vào cuối
tháng 10 vừa qua.
Khi đến Phnom Penh, những người Khmer Krom này có
đến văn phòng UNHCR nhưng không được tiếp nhận. Nhân viên UNHCR giải
thích nguyên nhân từ chối rằng theo thỏa thuận giữa tổ chức họ với
chính phủ Campuchia, thì người Khmer Krom được xem là công dân của
Campuchia.
Sau đó, tổ chức nhân quyền địa phương Licadho thông báo
rằng có tiếp nhận 20 người Khmer Krom từ Đồng bằng sông Cửu Long vừa
trốn sang Campuchia xin tị nạn chính trị. Trong đó có một số người là
thành viên của nhóm Trà Đàm Dân Chủ.
|