Tải về nghe tại đây
Dù đang rất bận rộn lội nước ngang lưng để chồng chất
đồ đạc kiếm chỗ ngủ, để kiếm mua vài gói mì khô cho gia đình, hay để
tìm kiếm thân nhân bị nước cuốn trôi mất xác, người dân Hà Nội vẫn phải
khựng lại giây lát vì cơn giận tràn lên cổ trước câu nhận xét cực kỳ ấn
tượng của ông Phạm Quang Nghị, Bí Thư Thành Ủy Hà nội.
Theo báo chí tường trình, ông Nghị tuyên bố trận lũ lụt
chết mấy chục người ngay tại thủ đô của 1 nước là cuộc "diễn tập" cho
tương lai. Chẳng có chính phủ nước nào trên thế giới dùng các tai biến
thật để diễn tập cả, mà phải dùng các cách khác để tập luyện đối phó
với biến cố thật. Và cũng không hiểu Nhà nước của ông Nghị tập được gì
khi họ hoàn toàn không động đậy gì suốt mấy ngày lũ nặng nhất.
Thế rồi sau khi ngồi ô tô chạy một vòng Hà nội, nghĩa
là chỉ đến những khu nước không cao quá 20cm (1 gang tay), nhà lãnh đạo
cao nhất thủ đô trách rằng: "Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày
xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ
cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm."
Trước hết, điều có thể thấy ngay là nhân dân tại những
vùng nước ngang lưng, thậm chí ngang ngực người lớn và quá đầu trẻ em,
đều không thể thấy ông Bí Thư Thành Ủy, ngay cả từ xa, thì làm gì có
chuyện xin xỏ ông bất cứ điều gì.
Kế đến, chẳng ai biết việc bồi đê, vét hồ, xây dựng các
công trình thoát nước đã trở thành trách nhiệm của người dân từ bao
giờ. Rõ ràng trong những ngày nắng ráo, không hề có chuyện Đảng và Nhà
nước của ông Nghị cho phép người dân lập hội để làm bất kỳ việc gì
chung. Từ xưa đến nay, đó vẫn là lãnh vực độc quyền của Đảng.
Hàng năm, hầu hết dân chúng trên cả nước, đặc biệt là
tại Hà nội, vẫn bị buộc phải đóng đủ thứ tiền phòng chống bão lụt cho
Nhà nước. Tuy vậy, người dân không những không được góp ý vào việc sử
dụng số tiền này, mà cũng chẳng ai dám hỏi quan chức nào đã giữ số tiền
đấy, và chi dùng ra sao. Chỉ khi mỗi mùa mưa lũ đến càng nặng hơn năm
trước, họ mới biết số tiền đóng góp trong năm qua chẳng phòng lũ mà
cũng chẳng chống lụt. Nhưng liền sau đó, đủ loại cán bộ và cơ quan Nhà
nước lại bắt đầu quyên góp để cứu trợ nạn nhân lũ lụt và thu tiền phòng
chống lũ lụt cho năm tới. Rõ ràng Nhà nước vẫn thu góp của dân và giành
độc quyền nắm giữ ngân quỹ phòng chống lũ lụt, chứ người dân có "ỷ lại"
bao giờ đâu!
Mà có muốn "ỷ lại" cũng không được, vì giữa những khu
lụt lội, chẳng có bóng dáng viên chức Nhà nước nào cả. Trong những ngày
mưa lũ nặng nhất, 31 tháng 10 và 1 tháng 11, khiến mấy chục người bị
cuốn đi mất xác, người ta được biết các vị lãnh đạo cao cấp tại thủ đô
đang bận họp về các vấn đề cấp bách hơn, như chính sách đối phó với tôn
giáo và chào mừng đại hội công đoàn.
Còn hàng chục ngàn công an, quân đội mới kéo ra dầy đặc
bao vây sinh viên biểu tình phản đối Trung Quốc hồi đầu năm, hay bao
vây các buổi cầu nguyện của bà con công giáo Thái Hà mấy tuần trước,
nay không thấy bóng ai trên giòng nước. Cả cảnh sát giao thông và công
an khu vực thường ngày có mặt khắp nơi, nay cũng vắng bóng. Không hiểu
sao một Nhà nước vẫn nhận là "của dân, do dân, vì dân" mà lại tránh dân
kỹ thế! Cũng có người vừa lội nước vừa đùa trong nước mắt rằng công an
và quân đội là công cụ quí giá của riêng Đảng nên chỉ được huấn luyện
về phòng chống "diễn biến hòa bình" mà thôi. Tất cả mọi loại phòng
chống khác, kể cả phòng chống lũ lụt, chỉ cần giao cho Bộ Văn Hóa Thông
Tin là đủ.
Dù đang đứng giữa sông hồ lạnh ngắt ngay trong nhà,
càng ngẫm nghĩ, người dân Hà nội càng nổi nóng về câu nói của ông Phạm
Quang Nghị. Nếu nói thẳng ra thì người dân thủ đô đã biết Đảng và Nhà
nước của ông vô tích sự từ lâu rồi — những việc lớn như bảo vệ lãnh
thổ, lãnh hải, hải đảo của tổ quốc thì không dám làm; những việc tầm
trung như ổn định kinh tế, cải thiện giáo dục thì không biết làm; và
những việc gấp như giúp đỡ dân giữa giờ hoạn nạn thì không thèm làm —
và vì thế chẳng còn ai mơ tưởng hay trông chờ gì ở loại Nhà nước đấy cả.
Thế mà dân Hà nội vẫn bị ông mắng !
http://www.youtube.com/watch?v=IJb4...
|