Thứ Năm, 2024-11-21, 7:12 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 10 » TỰ DO VÀ SỰ SỢ HÃI
12:37 PM
TỰ DO VÀ SỰ SỢ HÃI

Trần Đông Chấn

Một đêm đầu tháng 11 này, vừa vào blog thì thấy ngay một bức thư chủ đề “khẩn”, mở ra đọc:
          Thưa chú,
 
 Nguyễn Tiến Trung
Cháu đường đột viết thư này vì một chuyện mà cháu thấy cần chú giúp. Cháu là một bộ đội đang đóng quân tại Trung đoàn Gia Định, Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh, ở cùng đơn vị với anh Nguyễn Tiến Trung mà có thể chú biết vì đã lập ra Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ. Cháu thích ảnh vì ảnh hiểu biết nhưng khiêm tốn và hòa đồng, không giống những gì mà có lần cháu đọc được trên báo Công An nói về ảnh trước khi cháu vào bộ đội. Có lẽ vì lý lịch đặc biệt của ảnh mà cấp trên luôn giao người theo dõi mọi động thái của ảnh và hình như ảnh cũng biết nên sinh hoạt rất đúng mực. Thời gian rảnh cháu thấy ảnh toàn đọc sách.
           Nhưng tuần rồi ảnh bị đưa ra đấu tố phê bình trước toàn đơn vị, khoảng 4 đến 5 người công kích ảnh nặng nề, nói rằng ảnh háo danh đấu tranh dân chủ. Những người quí mến ảnh như cháu thì chẳng làm được gì vì ai cũng biết nếu nói ra thì thế nào cũng bị kỷ luật. Lý do ảnh bị như vầy là vì đọc và cất các tài liệu dân chủ trong đơn vị. Hiện nay ảnh đang bị quản lý rất đặc biệt, nhiều người theo dõi, tụi cháu nghe nói rằng nếu ảnh bị kỷ luật một lần nữa thì có thể bị giam. Nhưng điều đáng lo lắng hơn là cháu biết được rằng hiện nay có nhiều người được phân công để tìm ra những sơ hở của ảnh, mà sơ hở thì sao mà tránh được, ví dụ như đi hành quân đến các nơi xa, có khi hàng trăm cây số đi bộ, phải mang súng theo người. Ai sơ hở để mất súng là có thể bị phạt tù giam đến 7 năm theo luật của quân đội.
            Cháu không biết nhiều về cái việc mà ảnh làm trước khi vào bộ đội, cháu chỉ thấy rằng ảnh là người tốt, nếu không may bị chuyện gì đó tương tự như trên thì rất tội nghiệp cho ảnh. Cháu thực tình không biết làm sao, nghe bạn bè cháu nói rằng chú là người hiểu nhiều, hiểu rộng nên cháu thử viết cho chú biết, hy vọng là chú sẽ làm được điều gì đó giúp ảnh.
            Kính chúc chú sức khỏe.
            Cháu kính thư.

Tôi không biết nhiều về chàng thanh niên Nguyễn Tiến Trung, cũng chưa bao giờ gặp mặt. Tôi chỉ mới đọc một số bài viết liên quan đến Trung trên BBC và vài lần trao đổi với Trung trên blog này. Nhưng tôi cảm kích người thanh niên này đã sẵn sàng từ bỏ công việc đang làm với lương cao để đi vào quân đội vì điều mà mình tin là sẽ có ích cho nhiều người. Nếu xã hội có nhiều người như thế thì nó đã tốt đẹp hơn rất nhiều. Nhưng thật tiếc rằng không ít thanh niên bây giờ sống thật vô cảm và ích kỷ.

Một ngày hè tháng 6 vừa rồi, lâu lắm mới ngồi sau tay lái trên đường Sài Gòn. Sắp đến giờ tan tầm nên người trên đường bắt đầu hối hả. Đường Nguyễn Thái Học đông xe nhưng không kẹt, vẫn có thể chạy với tốc độ đến 25 km/h nhờ không có các dãy lô cốt công trường. Qua cầu Ông Lãnh, gần tới ngã ba Hoàng Diệu nghe thấy tiếng xe cứu thương hú inh ỏi phía sau, tôi vội vàng giảm tốc độ, tạt xe vào bên phải, ấn còi liên tục và ép nhiều xe máy dạt vào trong để tạo khoảng trống bên trái cho xe cứu thương vượt lên. Tôi thật bất ngờ khi thấy hàng chục chiếc xe máy khác tranh thủ khoảng trống vừa tạo ra để chèn lên trước và cản luôn hướng vượt lên của xe cứu thương đang ngay cạnh bên trái xe tôi. Đúng lúc ấy đèn đỏ, những chiếc xe máy “cướp” đường này lại tuân thủ luật pháp một cách khó hiểu, họ dừng lại ngay trước mũi xe cứu thương, bất chấp tiếng còi vừa inh ỏi vừa tha thiết của nó. Tôi quan sát rất kỹ, hơn một chục xe máy mà không một người cầm lái nào thậm chí ngoái đầu nhìn phía sau vì họ biết thừa rằng sau họ là chiếc xe cứu thương mà họ vừa vượt qua. Một sự vô cảm đáng sợ.

 

Ngay lúc đó cửa xe bên phải tôi bị đạp mạnh, nhìn qua tôi thấy một thanh niên cỡ 25 tuổi, tóc nhuộm vàng chóe; một tay cầm nón bảo hiểm, một tay đang đập mạnh cửa kính; miệng la to bắt tôi ra khỏi xe. Bước đến anh ta tôi thấy một chiếc SH còn mới ngã cạnh xe tôi. Chàng thanh niên hùng hổ:

“Ông ép té xe tôi mà lại ngồi yên trên xe vậy hả?”

Tôi giải thích rằng tôi thực sự không biết vì tôi đang mãi tránh và quan sát xe cứu thương, và tôi xin lỗi. Nhưng cậu ta vẫn lớn tiếng, chửi thề và bắt tôi đền. Tôi sợ tắt đường nên bảo cậu ta dựng xe lên đưa vào lề bên kia đường Hoàng Diệu, tôi cũng sẽ đánh xe vào nói chuyện. Không ngờ cậu ta lại hét lớn:

“Mày định xóa hiện trường à?”

Cậu ta chỉ cỡ nửa tuổi tôi. Tôi vẫn lên xe và đánh qua bên kia lề mặc cho lúc đó cậu ta đứng phía bên cửa lái đập cửa đe dọa. Tôi dừng và bước xuống xe, cậu ta cũng dựng xe lên và chạy đến chỗ tôi đứng.

“Bây giờ ông tính sao? Xe tôi trầy nặng như vầy, máy móc không biết có ảnh hưởng gì không nữa, quần tôi cũng bị cà xuống đường, hư rồi, hàng hiệu đó biết chứ!”

Tôi bảo rằng đây là rủi ro không ai muốn, tôi thực sự không biết và cũng không cố tình làm cho cậu ta ngã, lúc đó rõ ràng có một xe cứu thương, tôi nói:

“Nếu anh biết thông cảm cho hoàn cảnh lúc đó thì anh cũng đã nhanh chóng dạt vào lề phải thì tôi đã có thể không vô tình làm anh ngã, xe cứu thương đã hú còi từ rất xa, anh đã nghe và đáng lẽ phải sẵn sàng tránh qua phải. Tôi cũng không thấy thiệt hại gì đáng kể, điều quan trọng là anh đã không bị gì là may mắn rồi. Xe tôi cũng trầy xước nặng. Nhưng đây là chuyện không lớn, chúng ta nên bỏ qua.”

Cậu ta vẫn cương quyết không, giọng điệu càng gây gổ và đe dọa, cậu ta còn nói:

“Đ.. cần biết xe cứu thương gì cả, chuyện này giữa tôi và ông thôi.”

Tôi nói nếu cậu ta không đồng ý tôi sẽ gọi công an. Cậu ta thách. Tôi bấm 113 và cậu ta cũng điện thoại cho ai đó. Lát sau hai cảnh sát giao thông đến, tôi trình bày sự việc và yêu cầu cảnh sát xác minh với những người chứng kiến bên đường, và tôi yêu cầu phải làm rõ ràng sự việc này. Cậu thanh niên giờ lại khăng khăng với cảnh sát là tôi chạy ẩu, giành đường và ép cậu ta té, lúc đó xe cứu thương đã đi qua rồi, tôi sai nên xóa hiện trường. Tôi chỉ yêu câu cảnh sát làm đúng trách nhiệm. Thấy nãy giờ cậu ta không hề xuất trình giấy tờ nên tôi cương quyết yêu cầu cảnh sát kiểm tra bằng lái xe của cậu ta. Lúc ấy, cậu ta có vẻ đổi giọng rồi lấy điện thoại, gọi cho ai đó và đưa máy cho một trong hai người cảnh sát. Họ nói gì tôi không biết, chỉ biết rằng ngay sau đó người cảnh sát này bước đến tôi nói rằng “để em giải quyết việc này, anh đi đi” và trả lại giấy tờ cho tôi.

Lên xe mà lòng tôi nặng trĩu. Con người không xử sự với nhau bằng đạo lý và cần đến pháp luật. Đại diện của pháp luật thì không hề giải quyết bằng luật pháp. Tất cả giềng mối của xã hội mà không có đạo lý lẫn pháp luật làm nền tảng thì nó đứng trên cái gì? Câu hỏi này làm tôi nhớ đến bộ phim “The Quick and the Dead” (*) xem trên HBO vài tháng trước. Chuyện phim kể về một thị trấn nhỏ tên Marshall thời miền tây hoang dã của nước Mỹ. Nó bị một băng cướp chiếm giữ và cai trị. Người đứng đầu luật pháp của thị trấn bị hành hình. Cô con gái vị thành niên của người này bị ép buộc phải nổ súng để cứu cha nhưng viên đạn vô tình giết chết cha mình. Tên đầu đảng áp đặt thu phí 50% tiền kiếm được của cư dân thị trấn bằng nỗi sợ hãi của chính họ. Hắn triết lý rằng hắn tạo ra được trật tự nên không cần đến luật pháp. Hắn làm mọi cách để mọi người hiểu và nhận thức rằng hắn là duy nhất ở đây được cầm quyền và ra lệnh. Hắn cho gì thì người khác mới được làm. Không ai dám nói hay làm gì mà hắn không thích. Không ít kẻ theo hắn, phục vụ hắn, bán mình cho hắn thì được sống trên nhiều người. Nhưng hầu hết mọi người đều câm lặng để sống yên ổn trong nỗi sợ hãi.

Đến một ngày cô gái ấy trở về, đã trở thành một tay súng thiện xạ vì lâu nay cô nung nấu ý chí trả thù cho người cha yêu quý. Nhưng rồi chính cô cũng rơi vào nỗi sợ hãi vì thế lực của tên đầu đảng, vì tài đấu súng của hắn. Và quan trọng hơn hết là vì cô thấy toàn người xấu thị hiện, không thấy người tốt ở đâu. Cô nhục nhã bỏ đi và định từ bỏ luôn ý định trả thù cha. Trên đường cô gặp lại một vị bác sĩ già, người bạn cũ của cha cô. Ông nói với cô rằng thực ra còn rất nhiều người tốt ở thị trấn đó, nhưng tất cả họ đều hèn nhát cũng như ông nên cô không được thấy. Nhưng họ vẫn hy vọng và chờ đợi một người can đảm nào đó dám đứng lên dừng tên đầu đảng lại. Một khi có người như thế, người tốt sẽ xuất hiện và giúp đỡ. Cuối cùng cô đã trở lại và hạ được tên đầu đảng với sự giúp sức của nhiều người tốt, trong đó có một người đã từng là đồng bọn của hắn. Người ta đã giúp cô để cô trả lại pháp luật cho thị trấn, không phải để cô trả thù.

Nỗi sợ hãi cũng có thể được dùng để xây nên giềng mối cho xã hội. Nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không bền vững và tốt đẹp.

Cậu bé viết thư trên cho tôi đã làm một việc tốt nhưng phải len lén, ở giữa nhiều người thì sợ không dám lên tiếng bảo vệ điều mình nghĩ là đúng. Cậu thanh niên tóc vàng mặc hàng hiệu thì bộc lộ đủ thứ cái xấu nhưng chẳng biết sợ gì trước bàn dân thiên hạ và cả luật pháp. Chẳng khó gì để thấy xung quanh ta hằng ngày hàng nghìn chuyện nghịch lý như thế. Đưa hối lộ là xấu và sai nhưng chẳng mấy ai sợ, nhưng phát hiện và tố giác tham nhũng thì giờ ai cũng sợ … đi tù. Xã hội sẽ đi về đâu khi người ta sợ làm cái tốt, cái đúng là điều quá dễ đoán trước.

Trần Đông Chấn
Cuối thu tháng 11, 2008

(*) Tựa tiếng Việt trên đĩa DVD là “Bắn chậm thì chết”

Nguồn: Trần Ðông Chấn
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 872 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 83
Khách: 83
Thành Viên: 0