Nhà văn trẻ lớn lên tại Úc, Lê Nam thắng giải thưởng với tác phẩm “The Boat”. Ảnh : Joanne Chan
LONDON - Anh Lê Nam, 29 tuổi, đã trở thành
người thứ nhì được giải văn chương Dylan Thomas. Giải này được trao cho
tác phẩm viết bằng Anh ngữ và được xem là một trong những giải văn
chương lớn nhất trên thế giới.
Lê Nam chào đời tại Việt Nam, theo gia đình
vượt biển thoát khoải chế độ Cộng Sản và và lớn lên tại Úc. Tuyển tập
truyện ngắn “The Boat” (Chiếc Thuyền) của anh đã được chọn trong
sáu tác phẩm được đề cử trong vòng chung kết của giải Dylan Thomas năm
nay. Tiền thưởng cho giải này là 60,000 bảng Anh (gần $94,000 Mỹ kim).
Buổi lễ trao giải thưởng được tổ chức vào đêm Thứ
Hai, 10 Tháng Mười Một tại Brangwyn Hall, Swansea. Người đầu tiên thắng
giải này vào năm 2006 là cô Rachel Tresize từ Rhondda thuộc xứ Wales,
Vương Quốc Anh.
Lê Nam đang sống tại New York, nơi mà anh là chủ biên tạp chí văn chương Harvard Review.
Giải Dylan Thomas đón nhận các tác phẩm từ khắp thế
giới và thuộc mọi thể loại viết bằng tiếng Anh bởi một tác giả dưới 30
tuổi. Bà Aeronwy, con gái của thi sĩ Dylan Thomas (1914-1953), đã trao
giải cho anh Lê Nam.
Hình bìa tác phẩm “The Boat.”
Nhà văn trẻ gốc Việt nói với đài BBC rằng ban đầu
anh cảm thấy nao núng khi nghĩ đến thời gian một tuần mà anh phải sống
với năm tác giả khác trong vòng chung kết. Thế nhưng đến khi gặp năm
nhà văn trẻ, anh có thêm năm người bạn mà anh nói là sẽ giữ tình thân
suốt đời.
“Quả là một tuần điên cuồng,” Lê Nam nói trong lúc
nhận giải thưởng. “Tôi nghĩ rằng không có gì vui hơn so với ông Barack
Obama đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Cám ơn các bạn rất nhiều. Tôi rất sung
sướng khi được đứng đây và chia sẻ những giây phút siêu thường với các
bạn.”
Giải thưởng có nguồn gốc với lịch sử của vùng
Swansea, quê hương của thi hào Anh Dyland Thomas và nơi ông sáng tác
hầu hết những bài thơ.
Cùng với giải thưởng, trong năm sau, anh Lê Nam sẽ
được sống tại trường University of East Angelia, Norwich nơi mà tác giả
có ý định viết một tác phẩm mới.
Ông Peter Florence, giám đốc của Hay Festival và chủ
tịch ban giám khảo giải Dylan Thomas, nói rằng “chọn một tác phẩm thắng
giải trong một danh sách ngắn với những tách phẩm rất hay” là một điều
rất khó khăn.
Jennifer S. Altman for The New York Times
“Tôi tin rằng Lê Nam là một tác giả xứng đáng với giải Dylan Thomas,” ông Florence nói.
“Tác phẩm xuất sắc của Lê Nam cho thấy một tài năng
hiếm có, đầy ngạc nhiên trong cả hai tầm vóc của đề tài cũng như phẩm
chất của văn chương.”
“Lê Nam đương đầu với quá khứ và hoàn cảnh của chính
anh cũng như của những người khác với đôi mắt sáng suốt, với sự tập
trung của trí thông minh và với cách sử dụng chữ nghĩa tài tình.”
“Theo ý kiến của ban giám khảo, Lê Nam là một hiện
tượng văn chương, và tôi chờ đợi những tiến triển trong sự nghiệp của
anh,” ông Florence nói.
Trong năm tác giả cạnh tranh với Lê Nam trong vòng chung kết, có ba người từ Vương Quốc Anh, một từ Nam Phi và một từ Ethiopia.
Nữ tài tử Catherine Zeta-Jones của Hollywood và cũng
là sứ giả của giải thường Dylan Thomas, nói rằng bà “vui sướng khi biết
chúng ta có một người đoạt giải xứng đáng như Lê Nam.”
Ông Alun Fred Jones, Bộ Trưởng Văn Hóa Wales nói,
“Di sản của Dylan Thomas sống mãi qua giải văn chương Dylan Thomas,
giúp những nhà văn trẻ có cơ hội được chiếu sáng và chia sẻ những tác
phẩm tuyệt vời của họ.”
“Thắng được một giải cao quí như thế này cho thấy một tài năng còn nguyên chất và gây ấn tượng mạnh.”
Vào năm 1978, khi Lê Nam mới có ba tháng tuổi, gia
đình anh đã vượt biên từ Rạch Giá và trôi giạt đến trại tị nạn ở
Malaysia. Cha của Lê Nam từng bị học tập cải tạo dưới chế độ Cộng Sản
Việt Nam.
Tuyển tập “The Boat” gồm bảy truyện ngắn với các
nhân vật rất đa dạng trong thời gian và không gian khác nhau từ Iowa
đến New York, Cartegena đến Hiroshima, Medellin, từ Columbia qua
Tehran, Iran, từ Úc đến con thuyền đánh cá vượt biên Việt Nam trôi dạt
ở Thái Bình Dương. (h.d.)
|