Thứ Ba, 2025-01-21, 10:20 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 11 » Vô cảm hay tội ác?
9:36 PM
Vô cảm hay tội ác?

Phương Nam – Việt Nam

1) Câu chuyện kể thứ nhất:

Báo Người Hà Nội thuộc Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội, số 39, ra ngày thứ 6 – 26/9/2008 có bài viết của tác giả Đoàn Nhất Trí, với tựa đề “Vô Cảm” nói về một câu chuyện xảy ra tại Hà Nội, trên trang 1 như sau:

“ Một em học sinh của tôi đang học năm thứ 2 trung cấp điện kể:

Tại quán nước bên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, em uống một cốc nước chè đá (trà đá) xong, mở ví trả tiền rồi đứng dậy định về lớp học thì bị một thanh niên chừng gần 30 tuổi, cầm tay giữ lại nói:

- Đưa tao hai trăm ngàn đồng, tao bán cho cái đồng hồ này! Vừa nói, nó vừa tháo chiếc đồng hồ điện tử đeo tay ra, nhét vào tay em. Em không cầm, trả lời:

- Tôi có đồng hồ rồi. Cũng không có tiền để mua!

Nó gằn giọng:

- Muốn trả hai trăm, năm trăm hay muốn ăn gạch vào đầu?

Em định đi, đã bị hai thằng đầu trọc khác áp sát. Đứa đứng phía sau lưng, đứa đứng bên trái, ba phía là bọn chúng, trước mặt là bàn nước, em hết đường thoát. Thằng “bán” đồng hồ trợn mắt:

- Mày có mua không thì bảo?

Phía bên kia đường có hai anh công an giao thông đứng nhìn người qua lại, nhưng em không dám gọi, đành vét ví được hai trăm ngàn đồng đưa cho nó và cầm chiếc đồng hồ rởm đứng lên. Số tiền ấy do cha mẹ gửi ở quê lên cho em ăn học. Cậu học sinh của tôi còn kể thêm:

Quán nước đông người ngồi. Sát với quán nước là bến chờ xe buýt, cũng đông người đợi xe. Thế nhưng, trước cảnh trấn lột diễn ra công khai ngay giữa ban ngày như thế, không có ai dám nói gì. Tất cả đều im như thóc, chẳng khác gì gà con thấy quạ. Tôi cật vấn cậu học trò:

- Thế sao em không bỏ chạy ngay từ phút đầu?

- Thưa, chạy thì chết nữa. Tiền mất, tật mang. Bỏ chạy chúng sẽ đuổi theo, vừa chạy vừa hô “cướp, bắt lấy nó”, mọi người sẽ đổ xô lại. Lúc ấy sẽ lãnh đủ những đòn đánh hôi của người đi đường dừng lại, dân bên đường đổ ra. Thằng bạn em cũng có lần bị trấn, nó bỏ chạy như thế và bị đánh về ốm mấy tháng mới gượng dậy được!
 
Tôi chỉ còn biết an ủi cậu học sinh của tôi bằng câu cửa miệng “Thôi em ạ, của đi thay người”. Tuy vậy lòng tôi cứ sục sôi lên trước những câu hỏi. So với ba thằng nghiện và ăn cắp vặt, ta có hàng nghìn, hàng vạn người tốt nhưng sao ta không dám thẳng tay quật nó xuống, còng tay nó lại đưa nó vào nhà cải tạo? Đành rằng nó cũng là đồng bào ta, nhưng nó là kẻ sa ngã, biến chất và phạm tội, cần phải nghiêm trị. Chẳng nhẽ mọi người đều vô cảm hết sao? Thói đời vô cảm trước đồng loại ấy sao có thể đồng hành và phát triển cùng dân trí, an ninh trật tự xã hội của một chính quyền ngày càng vững mạnh?

Trong câu chuyện này không thể nói “nước xa không cứu được lửa gần”. Rõ ràng phía bên kia đường, tức chỉ cách hơn chục mét, có hai người công an đứng đấy mà ba tên trấn lột vẫn ngang nhiên hành sự giữa thủ đô, giữa thanh thiên bạch nhật thì ở những nơi không hề có bóng dáng các anh, chúng còn lộng hành đến thế nào nữa? Lại nữa, lúc có người cần đến sự giúp đỡ của đồng loại thì đồng loại làm ngơ, nhưng khi kẻ xấu lừa: “Nó là cướp! Bắt lấy thằng ăn cướp” thì tất cả xúm vào đánh người vô tội như đòn thù, cứ như để trút bỏ nỗi uất hận nào đó luôn đeo trong người! Xưa có thế không?”.

2) Câu chuyện kể thứ hai:

Câu chuyện trên làm tôi nhớ lại một sự việc mà tôi đã chứng kiến cách đây gần 3 năm: đầu năm 2006, lúc này tuy rằng tôi đã bị công an Việt Nam bắt đi làm việc nhiều lần và theo dõi gần 2 năm, nhưng chưa đến mức bị họ cắm chốt trước cửa nhà suốt ngày đêm như hiện nay. Hôm ấy là chiều chủ nhật, tôi đang đi xe gắn máy trên đường Nguyễn Oanh, thuộc quận Gò Vấp – Sài Gòn. Từ xa chừng 100 m, tôi nhìn thấy 2 thanh niên đang đấm đá túi bụi 1 cậu thanh niên khác. Lúc này đường Nguyễn Oanh có rất đông người qua lại và tất cả đều nhìn thấy đám đánh nhau kia. Nhưng thật đáng tiếc, tất cả họ đều làm ngơ và không hề có một sự can ngăn nào. Tôi liền chạy xe thật nhanh lại và nhận thấy cậu thanh niên bị đánh mặt mày bê bết máu. Tôi vội thét lên: “Dừng lại! Tại sao lại đánh nhau thế này?”. Nghe thấy vậy, 2 cậu thanh niên đang say máu đánh người kia chợt giật mình quay lại và nhìn thấy tôi đang rời khỏi xe và chạy về phía họ. Hai cậu này quyết định nhảy vội lên chiếc xe máy của họ dựng ngay gần đó, rồi chạy thẳng.

Lúc này tôi mới có thể nhìn kỹ hơn người bị đánh đang gục xuống bất động. Cháu có dáng thư sinh và tuổi chừng 19-20. Tôi lấy mấy tờ khăn giấy để ngăn máu đang chảy thành dòng trên mặt cháu. Điều đáng nói ở đây là: bên cạnh sự thờ ơ của đám đông đang đi trên đường kia thì cách đám đánh nhau ấy chỉ khoảng 5–7 m là một bốt gác của trường Cao đẳng kỹ thuật Vinhempic, thuộc Bộ quốc phòng. Bên trong bốt gác lúc ấy có một cậu lính trẻ đang ôm súng gác. Lúc ấy vì quá bức xúc, tôi đã đến trước mặt cậu ta và nói: “Tại sao cậu đứng đây mà không can ngăn chuyện đánh nhau vừa rồi? Quân đội của nhân dân mà như thế à? Thế các thủ trưởng của cậu hàng ngày dạy cậu những cái gì?”. Nghe tôi hỏi dồn dập như vậy, cậu ta cứ ấp a ấp úng rồi ngượng ngùng quay mặt đi. Tôi không nói gì thêm vì phải quay lại đưa người bị thương đi cấp cứu gấp. Ngồi sau lưng tôi, máu từ trên mặt cháu vẫn tiếp tục nhỏ xuống vai áo tôi. Khoảng 10 phút sau thì chúng tôi tới được Bệnh viện quân y 175 (Tổng y viện Cộng Hòa cũ). Tôi vội làm thủ tục nhập viện cho cháu, vì bác sỹ xác định cháu bị đa chấn thương toàn thân. Đặc biệt, cháu bị dập sống mũi nên cần phải mổ để sắp xếp lại phần sụn bên trong. Sau đó, tôi gọi điện thoại báo cho gia đình cháu biết tin.

Vài ngày sau khi cháu ra viện, chúng tôi có dịp đi ăn sáng cùng nhau nên tôi biết thêm một số chi tiết: “Gia đình cháu sinh sống ở Đà Lạt. Bố cháu là sỹ quan quân đội và hiện nay là giáo viên của Học viện lục quân Đà Lạt, còn cháu đang là sinh viên của một trường đại học ở Sài Gòn. Hôm ấy cháu đang đứng trước cổng trường Cao đẳng kỹ thuật Vinhempic để chờ một người bạn là học viên của trường này ra đón thì không may gặp nạn. Người lính gác hôm ấy đã chứng kiến sự việc của cháu từ đầu đến cuối. Cho đến bây giờ cháu vẫn không hiểu vì sao cháu lại bị đánh, vì cháu không hề quen biết và cũng chưa bao giờ gặp mặt hai người đã đánh cháu. Theo cháu thì rất có thể là họ đã lầm cháu với một thanh niên nào đó mà họ muốn đánh”.

Một số nhận xét:

a) Trong bài báo trên, thầy giáo Đoàn Nhất Trí đã bức xúc đặt ra một số câu hỏi cho cậu học sinh của mình và đã được em trả lời một cách rất rõ ràng: rằng em không hy vọng gì vào những nhân viên công quyền mà cụ thể là 2 công an giao thông đang đứng bên kia đường. Em cũng chẳng trông chờ gì vào đám đông nọ sẽ làm gì để giúp em được an toàn khi em bị những kẻ ác ức hiếp. Thậm chí em còn lo sợ là có thể họ còn gây thêm nguy hiểm cho mình, như người bạn của em đã từng phải gánh chịu trước đó. Cuối cùng, em đành phải tự xử lý tình huống ấy theo cách chịu thiệt về mình. Tất cả đều xuất phát từ “thực tiễn sinh động” đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ xung quanh em.

b) Những câu chuyện về sự thờ ơ, vô cảm, về sự bất lực của cái thiện trước sự bành trướng của cái ác là có ở mọi lúc, mọi nơi. Hiện thực ấy đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng mà những người dân Việt Nam, những người nước ngoài sống ở Việt Nam không khó để nhận ra. Các phương tiện thông tin đại chúng trong nước chỉ nêu được một phần rất nhỏ về hiện thực đau đớn ấy. Tuy vậy, chúng cũng đã xuất hiện nhan nhản trên các báo, đài trong nước. Sau đây chỉ là một số ít ví dụ để minh họa: “Giết người chỉ vì con gà bị mắc bẫy”, “Hai con nghiện dùng kim tiêm vào bệnh viện cướp tài sản”, “Án mạng từ câu chửi thề”, “Thuê côn đồ đánh chết người vẫn sống nhởn nhơ”, “Bị rạch mặt vì giành chỗ bán hàng rong”, v.v… Những trường hợp nêu trên không phải là những “Nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình” như người ta vẫn thường nói mà đã và đang xảy ra rất thường xuyên, phổ biến trên khắp các thôn xóm, buôn làng Việt Nam. Trong xã hội Việt Nam hôm nay, những cái cần mất thì lại còn và những cái cần còn thì lại mất! Sự tử tế đang dần lụi tàn và thay vào đó là thói đạo đức giả đã sỗ sàng tiếm ngôi! Ai không tin điều này, xin hãy làm những cuộc điều tra xã hội học một cách đầy đủ và nghiêm túc sẽ rõ.

3) Tôi xin được phân tích kỹ hơn về câu hỏi cuối của thầy giáo Đoàn Nhất Trí đã nêu ở trên: “… Lại nữa, lúc có người cần đến sự giúp đỡ của đồng loại thì đồng loại làm ngơ, nhưng khi kẻ xấu lừa: “Nó là cướp! Bắt lấy thằng ăn cướp” thì tất cả xúm vào đánh người vô tội như đòn thù, cứ như để trút bỏ nỗi uất hận nào đó luôn đeo trong người! Xưa có thế không?”.

a) Những nguyên nhân trực tiếp:

- Như trên đã trình bày, ở Việt Nam hôm nay cái xấu đang ở thế “thượng phong”, chúng đang “đuổi” cái tốt ra khỏi đời sống xã hội. Theo lẽ thường thì kẻ xấu khi làm điều xấu rất sợ những người tốt vốn đông hơn chúng rất nhiều sẽ căm phẫn và chống lại chúng. Thế nhưng, tình hình nay đã khác xưa: người tốt đang sợ kẻ xấu và cái ác đang truy sát cái thiện. Sự lo sợ như “gà con thấy quạ” ấy tuy rất đáng lên án nhưng lại có thể giải thích được. Bởi vì, kẻ xấu nay không còn là số ít nữa, chúng “đông như quân Nguyên”! Hơn nữa, chúng liều lĩnh, hung hãn và táo tợn quá. (nếu anh nhận ra cái ác mà ngoảnh mặt làm ngơ thì anh sẽ bị lên án về mặt đạo đức. Nhưng nếu anh lại đi hợp sức với kẻ ác để cùng với chúng “bề hội đồng” người lương thiện thì đấy là tội ác! Và một khi đã gây tội ác thì theo lẽ công bằng phải bị trừng phạt: nếu không bị trừng phạt bởi công lý thì cũng bị trừng phạt bởi trời phật thần linh.)

- Đa số người dân không được đào tạo chuyên môn để làm công việc đi trấn áp tội phạm. Vì vậy mà độ rủi ro gây ra cho họ sẽ rất cao khi họ làm điều đó. Kể cả khi, trong một hoàn cảnh nào đó mà người dân tấn công được bọn tội phạm thắng lợi thì khả năng họ gặp nguy hiểm vẫn không hề giảm. Bởi lẽ bọn tội phạm sẽ tìm cách trả thù sau đó. Đối với loại tội phạm có quy mô lớn, với sự bảo kê của các nhân viên công quyền thì mức độ nguy hiểm đối với người dân còn cao hơn nhiều. “Cương lĩnh” hành động của chúng là: “Điều gì mà hôm nay chưa mua được bằng tiền thì ngày mai sẽ mua được bằng nhiều tiền hơn!”.

- Sự sợ hãi ấy lại càng được nhân lên khi mà hệ thống công quyền và các nhân viên công quyền Việt Nam ăn lương từ tiền thuế đóng góp của nhân dân, từ tiền moi móc gấp gáp tài nguyên quốc gia,… lẽ ra phải có nhiệm vụ bảo vệ dân thì nay, khi nhìn vào hiện tượng số lớn lại quá ư thờ ơ, vô cảm. (chỉ tính riêng doanh thu xuất khẩu từ dầu thô thì hàng năm cũng đã là hàng chục tỷ USD nộp vào ngân sách, tương đương với hàng trăm ngàn tỷ đồng Việt Nam).

Thậm tệ hơn, hệ thống ấy lại đang hàng ngày, hàng giờ nảy nòi ra cơ man nào những kẻ đang dung túng, bao che, liên minh với cái ác để chống lại cái thiện. Mục đích của chúng là nhằm thu lợi bất chính hay ít ra là để “xin hai chữ bình an” cho mình. Nhiều hồ sơ điều tra tội phạm do đó sẽ rất dễ bị làm sai lệch đi và người có công bỗng chốc biến thành kẻ có tội. Trước một hoàn cảnh xã hội chung rất xấu như vậy thì người dân còn biết tin, biết dựa vào ai?

b) Nguyên nhân sâu sa:

Theo tôi, vấn đề cốt lõi ở đây là do “lỗi hệ thống” chứ không phải do lỗi người dân. Nó  không chỉ giới hạn ở những kẻ côn đồ đi trấn lột người lương thiện mà vấn đề rộng lớn và sâu sa hơn nhiều. Rằng trên mảnh đất hình chữ S này, tuyệt đại đa số con Hồng, cháu Lạc vẫn đang phải sống một cuộc sống với biết bao nỗi oan khiên, bất công, bần cùng, nhục nhã và đầy rủi ro bất trắc. Rằng bất hạnh thay, trên đất nước Tiên- Rồng này đã xuất hiện một tập đoàn tội phạm có tổ chức rất độc ác và cực kỳ đạo đức giả đã và vẫn đang trấn lột, khủng bố  toàn dân tộc trong suốt hơn 63 năm qua! (2/9/1945–tháng 11/2008).

Không còn nghi ngờ gì nữa, tập đoàn ấy chính là một “công ty Vedan quốc gia”! Với công ty Vedan thật ở Đồng Nai thì cùng lắm, nó cũng chỉ làm chết một dòng sông Thị Vải. Và khi nó làm sai thì dù ít hay nhiều, trên đầu nó cũng còn có các cơ quan chức năng có thể xử phạt nó. Còn với cái “công ty Vedan quốc gia” tai ách kia thì nó không cho phép ai được động đến. Mà nó lại được đặt tót ở “đầu nguồn” nên sức tàn phá của nó là vô cùng khủng khiếp và trải dài từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau. Bất cứ ai, dù chỉ nói động đến nó một chút thôi thì ngay lập tức cả “hệ thống chính trị” sẽ vào cuộc để kết tội họ. Nặng thì là tội “phản bội tổ quốc, chống đảng, chống chính quyền nhân dân”. (nó rất thích chơi trò lập lờ đánh lận con đen để đánh đồng “Đảng ta” với tổ quốc và nhân dân!?). Còn nhẹ thì nó cũng quy cho họ là “những kẻ cơ hội, bất mãn”, với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, rồi xử lý theo Điều 88 của Bộ luật hình sự.
 
4) Làm rõ thêm về Lời kêu gọi của Khối 8406:

Trong Lời kêu gọi vào ngày 4/10/2008 vừa qua của Khối 8406, về việc đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh dân chủ, có phần đề cập đến việc phong trào dân chủ Việt Nam cần làm cho nhân dân Việt Nam thấy rõ một số vấn đề quan trọng sau đây:

a) Hai cuộc chiến tranh Đông Dương kéo dài 30 năm (1945-1975) là có thể tránh được. Các nước Đông Nam Á (ASEAN) có cùng hoàn cảnh địa-chính trị như các nước Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ II đã giành được độc lập và tránh được chiến tranh từ tay các nước thực dân, đế quốc thì Đông Dương cũng hoàn toàn có thể tránh được.

Nguyên nhân sâu sa khiến cho 3 nước Đông Dương đã không tránh được chiến tranh vì Đông Dương có 2 nét đặc thù lớn, và chúng đều chứa đựng yếu tố cộng sản. Đó là việc ông Hồ Chí Minh vốn hoạt động cho Quốc tế cộng sản III và sự kiện nước Trung Hoa cộng sản ra đời vào ngày 1/10/1949. Sau sự kiện này, Mao Trạch Đông không hề che dấu ý đồ bành trướng cộng sản của ông ta xuống các nước Đông Nam Á, lấy Việt Nam làm  bàn đạp. Những nguyên nhân khác cũng có, nhưng chỉ là phụ và chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi 2 nét đặc thù trên.

(một trong những hậu quả tai hại nhất, nặng nề nhất do 2 cuộc chiến tranh ấy để lại mà dân tộc cho đến nay vẫn đang dứt hoài, xổ mãi nhưng vẫn chưa ra. Đó là: chế độ độc tài cộng sản không hề chấp nhận sự cạnh tranh của các đảng phái khác trên chính trường Việt Nam.)

b) Ngay sau ngày 30/4/1975 một thời gian ngắn thì dân tộc Việt Nam lại phải lao tiếp vào 2 cuộc chiến tranh nữa ở biên giới Tây-Nam, với Campuchia (1975-1989) và biên giới phía Bắc, với Trung Quốc (1979). Cả 2 cuộc chiến tranh này đều xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ 3 nước cộng sản là Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia với nhau mà ra. Chúng không hề có yếu tố “đế quốc, thực dân” nào trong đó. Hai cuộc chiến tranh này đã làm cho hàng trăm ngàn người dân vô tội và những người lính trẻ Việt Nam bị chết và bị thương. Đồng thời nó cũng đã làm cho Việt Nam bị cô lập nặng nề trên trường quốc tế.

c) Cái gọi là “Đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đang thực hiện ở Việt Nam là một thứ “đầu Ngô mình Sở” và không hề có trong bất cứ một học thuyết kinh tế-chính trị nào từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây (kể cả trong học thuyết kinh tế-chính trị Mác-Lênin). Đây thực chất là một thứ phẩm của sự gian manh, láu cá được nhào nặn một cách bất lương bởi những người đã và đang nắm thực quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam, khoảng gần 20 năm trở lại đây. Nó không hề xuất phát từ quyền lợi của đại bộ phận dân tộc mà chỉ đơn thuần xuất phát từ quyền lợi của một thiểu số thuộc giai cấp thống trị và các nhóm lợi ích bất lương ăn theo, nói leo.

Nêu lên những vấn đề trên, khối 8406 muốn nhấn mạnh rằng: nguy cơ dân tộc tiếp tục bị đẩy vào những cuộc phiêu lưu mới; kể cả những cuộc chiến tranh đau thương và những cuộc thực nghiệm điên rồ đầy tính chủ quan, duy ý chí như đã từng xảy ra trong quá khứ nay vẫn còn nguyên. Bởi vì nguyên nhân sinh ra nó là chế độ độc tài, độc đảng, phản dân tộc và phản dân chủ là vẫn  đang tồn tại. Theo tôi, nếu như trong nhân dân vẫn còn một bộ phận không nhỏ tin vào sự tuyên truyền một chiều về các “giá trị” như: “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch”, “Đảng thiên tài đã lãnh đạo nhân dân giành được thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh”, “Bác Hồ, vị cứu tinh của dân tộc trong thế kỷ 20”, v.v… thì công cuộc đấu tranh giành lại tự do dân chủ cho Việt Nam sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng hoàn cảnh trong nước và quốc tế nay đã có rất nhiều thuận lợi. Những giá trị ảo trên nhất định sẽ bị sụp đổ tan tành bởi thời đại bùng nổ thông tin ngày nay.

Nhân đây, tôi cũng xin trân trọng gửi đến quý vị độc giả bài “Việt Nam đất nước tôi” của tôi, được viết vào tháng 6 năm 2000, khi tôi còn đang sinh sống tại Australia. Trong đó có đề cập đến những vấn đề cần làm rõ thêm trong Lời kêu gọi của Khối 8406 nêu trên. Xin trân trọng kính chào!

Phương Nam – Sài Gòn – Việt Nam.

Tháng 11/2008.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 804 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0