Bài
báo của nữ phóng viên Theresa Tan có tựa đề Vietnam brides: Agency
slash fees (Cô dâu Việt Nam: Công ty môi giới giảm phí) đăng ở mục
“Home” (chuyện trong nước) đồng thời xuất hiện “hoành tráng” trên trang
nhất báo điện tử, cộng thêm phần nhật ký cá nhân (blog) có tựa đề “Khi
tình yêu chỉ là thứ yếu” của nữ phóng viên này nằm nhiều ngày ở vị trí
đập ngay vào mắt người đọc.
Bài báo viết rằng Công ty Vietnam Brides International Matchmaker đã
rút lại quảng cáo của mình trên một tờ báo tiếng Hoa để thay đổi phí
môi giới một cô gái Việt đến với một người đàn ông Singapore. Theo đó,
mức phí này nay chỉ còn 4.000 SGD (khoảng 46 triệu đồng) thay vì 8.000
SGD như trước, lý do là kinh tế khó khăn khiến nhiều người đàn ông
không còn muốn kiếm vợ nữa. Một người đàn ông ngoài 50 tuổi đã chọn một
cô gái 21 tuổi, xinh xắn và đặt cọc 2.000 SGD, nhưng nay cũng “bỏ của”
chạy luôn. Vì vậy, cô này cùng 2 cô khác (19 tuổi) với tên họ, xuất
thân được nói rõ, đã lởn vởn mỗi ngày tại văn phòng môi giới này ở phố
Orchard đô hội gần 2 tháng qua mà chưa tìm được “khách hàng”! Tệ hại
hơn, bài báo được minh họa bằng bức ảnh rõ mồn một 3 cô gái đứng thành
một hàng bên trong văn phòng sau làn cửa kiếng mặt tiền trong suốt với
dòng chữ khổ lớn đỏ chót “Vietnam Brides International Matchmaker”.
Bài báo cũng trích dẫn lời của Mark Lin, giám đốc công ty, nói rằng
việc kinh doanh lúc này tệ hơn cả trong giai đoạn dịch SARS hoành hành
năm 2003, cùng lời 2 giám đốc của hai công ty môi giới khác.
Nhiều phóng viên các hãng thông tấn phương Tây tại Singapore đã gọi
điện và e-mail đến Văn phòng Báo Thanh Niên tại đây bày tỏ sự bức xúc
của họ về bài báo. Phóng viên một hãng tin lớn cho biết vài chục người
của hãng tin này nhốn nháo lên vì sự phản cảm của bài báo. Một phóng
viên kỳ cựu khác viết: “Thật là kinh tởm khi thấy những cô gái bị “rao”
như thể họ là một bị gạo hay đôi giày. Tôi hiểu hoàn cảnh của những cô
gái. Tôi cũng biết Việt Nam có một nền văn hóa đáng tự hào, và có nhiều
lý do tốt đẹp để tự hào. Bởi vậy, hãy hình dung nhiều người Việt sẽ bất
bình thế nào bởi bài báo đã hạ nhục những phụ nữ của họ. Thật đáng
tiếc, đồng tiền có tiếng nói lớn quá và giẫm lên các giá trị đạo đức và
xã hội. Tôi thật sự yêu mến con người Việt Nam, nên bài báo cũng làm
tôi tổn thương nặng nề”.
Phóng viên Thanh Niên tại Singapore đã gửi e-mail đến bộ phận biên
tập của báo Straits Times và tác giả Theresa Tan để phản ánh các khía
cạnh phản cảm của bài báo về mặt đạo đức xã hội cũng như đạo đức của
người làm báo. Câu trả lời nhận được từ cô Theresa là rằng quá nhiều
đàn ông Singapore không tìm được vợ trong nước nên phải trả tiền để
kiếm một cô vợ Việt Nam qua mai mối là một vấn đề xã hội của Singapore,
và nó trở nên một vấn đề quan trọng để viết báo; rằng chính các cô gái
đã đồng ý phỏng vấn và chụp hình nên báo đưa nguyên tên tuổi và hình
ảnh của họ (!).
Phóng viên Thanh Niên đã đem chuyện này trao đổi với bà Tôn Nữ Thị
Ninh, một nhà sư phạm, nhà ngoại giao tầm cỡ của Việt Nam được thế giới
ngưỡng mộ, khi bà đang công tác tại Singapore. Thoạt nhìn thấy bài
báo, bà Ninh kêu lên: “Ôi trời ơi!”. Bà Ninh nói rằng chuyện nhạy cảm
thế này mà người ta cho đăng quảng cáo, hoạt động lộ liễu, rồi còn xuất
hiện trên một tờ báo lâu nay được cho là uy tín như thế. Theo bà, việc
đặt tên công ty “Vietnam Brides International Matchmaker” là một sự
xúc phạm đến Việt Nam. Nếu chấp nhận việc môi giới hôn nhân giữa một
người đàn ông Singapore với một cô gái nước khác để ăn phí là hợp pháp
thì cũng không nên đặt tên một quốc gia nào đó vào, vì như thế tạo ra
một cảm nhận rằng phụ nữ nước đó là “on sale” (có thể mua được).
Khi được biết dư luận tại Singapore cho rằng, sở dĩ nhiều người đàn
ông Singapore không lấy được vợ không phải vì nước này thiếu phụ nữ mà
vì nhiều phụ nữ Singapore quá đòi hỏi về vật chất với các tiêu chí chọn
chồng được đúc kết trong 5 chữ C: Cash, Credit Card, Car, Condo,
Country Club (tiền mặt, thẻ tín dụng, xe hơi, nhà sang, thành viên các
câu lạc bộ danh giá), và nghề môi giới hôn nhân được xem như một loại
hình kinh doanh với vài chục công ty có giấy phép hẳn hoi của chính
phủ, bà Ninh nói: “Như vậy thì chỉ dùng thước đo “xã hội dân sự” (civil
society) để đánh giá thôi. Ở nhiều quốc gia phát triển phương Tây, một
bộ phận giới trẻ không muốn kết hôn chính thức ngay cả khi họ yêu và
chung sống với nhau. Nhưng nếu không lấy chồng chỉ vì anh ta có thu
nhập thấp thì thật vô duyên!”. Bàn về chuyện bức ảnh, bà Ninh nói đó là
“lợi dụng sự dại dột của các cô gái nghèo khó”.
Trong khi đó, bài báo trên trang điện tử thu hút rất đông người xem,
chỉ ít hơn những bài báo gắn liền với chuyện “cơm áo gạo tiền” của
người Singapore. Có khá nhiều bình luận (comment) về bài báo này. Trong
số đó, nhiều phản hồi cho rằng loại hình kinh doanh này chẳng khác gì
“buôn người” hoặc những bức xúc về xã hội, danh dự và nhân phẩm, nhưng
con số nhiều hơn chính là những lời bỡn cợt, rẻ rúng, xem bài báo như
một chủ đề mua vui ngày thứ sáu. và đây không phải là lần đầu các cô
dâu Việt bị bôi nhọ tại Singapore
Thục Minh (Văn phòng Singapore)