Phạm Trần
Đảng càng lý luận biện chứng Dân càng cu ly
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đang ôm mộng chiếm giải quán quân trong
việc xây dựng lại khối các nước theo chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế
giới, nhưng càng ra sức quảng cáo cho “thành công vĩ đại” của Cuộc Cách
Mạng Tháng 10 Nga, đảng càng lo không giữ được cán bộ, đảng viên gắn bó
với Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Tình trạng trái khoáy này phần lớn là do đảng không thống nhất được
thời gian bắt đầu đưa đất nước “quá độ lên chủ nghĩa xã hội” từ lúc nào
để lập luận lung tung về mục tiêu của chính sách Đổi Mới, bắt đầu từ
năm 1986, khiến nhiều việc đảng hứa với dân bằng miệng cũng chỉ xẩy ra
trên giấy trắng.
Bằng chứng bất nhất này diễn ra trong bài viết của cán bộ tuyên truyền Nguyễn Đức Bách trên Tạp chí Tuyên Giáo,
tờ báo tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương trong số ra ngày
18/10/2008, vào dịp đảng CSVN kỷ niệm 91 năm Cuộc Cách mạng tháng 10
Nga (7-11-1917 – 7-11-2008).
Ông Bách viết: “Cuộc cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi đã
mở ra thời đại mới cho nhân loại, lần đầu tiên trong lịch sử loài
người, một Nhà nước và chế độ xã hội thực sự do giai cấp công nhân,
giai cấp nông dân và nhân dân lao động làm chủ bước vào quá trình xây
dựng chế độ XHCN… Từ đó, nhân loại bước vào thời đại quá độ từ CNTB lên
CNXH trên phạm vi toàn thế giới”.
Như vậy là cái chuyện “quá độ” của người Cộng sản do Nga cầm đầu bỏ qua
chế độ Tư bản đi thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội đã có từ năm 1917, khi Hồ
Chí Minh mới bước vào tuổi 27, chưa biết gì đến Cộng sản (tên thật của
Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Cung sinh năm 1890). Theo tài liệu của nhiều
sử gia người nước ngoài, lúc ấy họ Hồ đang giúp việc cho một gia đình
người Mỹ tại Brooklyn, thành phố Nữu Ước.
Nhưng theo Cương lĩnh năm 1991 thì đảng CSVN chỉ bước vào cái gọi là
“thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” từ sau khi họ chiếm được miền Nam
ngày 30/4/1975 để đặt cả nước vào quỹ đạo của thế giới Cộng sản.
Cương lĩnh viết: “Thực hiện Cương lĩnh năm 1930, trong suốt 45 năm,
Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân
dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ và giành
được những thắng lợi vĩ đại: làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công,
lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ
nguyên độc lập, tự do; đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực
dân Pháp, giải phóng nửa nước, miền Bắc chuyển sang giai đoạn cách mạng
xã hội chủ nghĩa; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi giải phóng
miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội”.
Như vậy là trong thời gian dài 21 năm từ năm 1954 đến 1975, 25 triệu
dân sống trên một nửa phần đất nước ở miền Bắc Việt Nam không hề nghe
đảng và cả Hồ Chí Minh nói đến hai chữ “quá độ” mà tất cả chỉ biết cắm
đầu lao động phục vụ cho một nhà nước Cộng sản do Hồ Chí Minh và đảng
CSVN cai trị.
Vậy tại sao mà đảng CSVN lại đưa 2 chữ “quá độ” vào chủ trương, đường
lối chính trị của mình từ sau năm 1975 để đánh lạc hướng những ai nghĩ
rằng họ đã chạy theo Tư bản mở cửa hội nhập làm kinh tế để tồn tại.
Đảng CSVN lập luận rằng chính sách kinh tế của họ là “Nền kinh tế hàng
hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ
chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.” (Cương lĩnh 1991)
Nhưng có ai hiểu họ muốn nói gì đâu, bởi vì chính sách kinh tế hiện nay
của Việt Nam không có dấu vết Cộng sản nên làm gì có vấn đề “theo định
hướng xã hội chủ nghĩa” ? Mà Xã hội chủ nghĩa là cái gì mà để cho mức
chênh lệch giàu – nghèo giữa thành thị và nông thôn cách biệt đến từ 10
đến 90 như hiện nay? Lại còn công bằng xã hội, nông dân bị mất đất,
nạn thất nghiệp lên cao hàng năm, công nhân không ngừng bị bóc lột là
những thứ người Cộng sản vẫn đổ cho chế độ Tư Bản là thủ phạm mà tại
sao lại lan rộng ở Việt Nam từ khi đảng Đổi Mới để “quá độ”?
Vậy mà lạ thay, những “nhà lý luận” của đảng CSVN vẫn có thể nhắm mắt
biện bạch ngược chiều rằng trước sau gì chế độ Tự Bản cũng bị diệt vong
để nhân loại hiên ngang tiến lên chủ nghĩa xã hội!
Cương lĩnh 1991 viết: “Trước mắt, chủ nghĩa tư bản còn có tiềm năng
phát triển kinh tế, nhờ ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và
công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý, thay đổi cơ cấu sản xuất, điều
chỉnh các hình thức sở hữu và chính sách xã hội. Tuy vậy, chủ nghĩa tư
bản vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Mâu thuẫn cơ bản vốn
có của chủ nghĩa tư bản giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực
lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng
sâu sắc. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân rộng rãi với giai cấp tư
sản, giữa các tập đoàn tư bản độc quyền, các công ty xuyên quốc gia,
các trung tâm tư bản lớn tiếp tục phát triển. Mâu thuẫn giữa các nước
tư bản phát triển và các nước đang phát triển ngày càng tăng lên. Chính
sự vận động của tất cả những mâu thuẫn đó và cuộc đấu tranh của nhân
dân lao động các nước sẽ quyết định số phận của chủ nghĩa tư bản.”
Sau khi đã “say sưa” như thế, họ mơ mộng tiếp: “Các nước độc lập dân
tộc và các nước đang phát triển phải tiến hành cuộc đấu tranh rất khó
khăn và phức tạp, chống nghèo nàn và lạc hậu, chống chủ nghĩa thực dân
mới dưới mọi hình thức, chống sự can thiệp và xâm lược của chủ nghĩa đế
quốc nhằm bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc…. Đặc điểm nổi bật trong
giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc
gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc,
dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó
khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co;
song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó
là quy luật tiến hoá của lịch sử.”
Quá độ - đổi mới
Vì mang trong người dòng máu “ngủ say, mơ tưởng hão huyền” như vậy từ
thế hệ đảng viên này qua lớp cán bộ khác nên ngay từ Bản Hiến pháp tu
chính đầu tiên sau 1975, đảng CSVN đã tìm cách lừa dối nhân dân như đã
viết trong đọan đầu của Điều 15: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam từ một xã hội mà nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng
lên chủ nghĩa xã hội, bỏ quan giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa,
xây dựng một xã hội có kinh tế công - nông nghiệp hiện đại, văn hoá và
khoa học, kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn
minh và hạnh phúc.” (Hiến Pháp năm 1980)
Vào ngày 27 tháng 3 năm 1982, trong “Báo cáo chính trị của Ban chấp
hành Trung ương Đảng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V”, Lê
Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương còn bổ túc thêm cho “quá
độ”: “Toàn bộ những thành tựu cách mạng vĩ đại mà nhân dân ta đã giành
được bằng bao nhiêu xương máu và mồ hôi qua nửa thế kỷ đấu tranh dưới
sự lãnh đạo của Đảng, đã được phản ánh tập trung trong Hiến pháp mới.
Đó là Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp
của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp mới đã thể chế
hoá đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và quyền làm chủ tập
thể của nhân dân lao động, tạo ra một chỗ dựa quan trọng, một vũ khí
sắc bén để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh xây dựng và bảo vệ chế độ
mới.”
Như vậy có phải năm 1980 là cái mốc thời gian đã được “luật hoá” bởi
Hiến pháp về chuyện “quá độ” hay đó chỉ là cách nói mới để không bị
thừa nhận việc đảng đi theo kinh tế của Chủ nghĩa Tư bản để cứu nguy
chế độ ?
Đến Đại hội đảng VI (từ 15 đến 18 tháng 12 năm 1986) thì mới vỡ lẽ ra
rằng “thời kỳ quá độ” của đảng CSVN chỉ là cách nói nhưng không ai biết
bắt đầu từ chỗ nào, có mấy giai đọan và dài bao nhiêu năm.
Trong Báo cáo ngày 15 tháng 12 năm 1986 về “Phương hướng, mục tiêu chủ
yếu phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm 1986-1990”, Võ Văn Kiệt, Uỷ
viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V), Phó Chủ tịch
Hội đồng Bộ trưởng, cũng chỉ nói bâng quơ : “Báo cáo chính trị của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá những thành tựu đạt được trong 5
năm qua, kiểm điểm những mặt yếu kém, phân tích những sai lầm, khuyết
điểm, đề ra mục tiêu và nhiệm vụ kinh tế, xã hội cho những năm còn lại
của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Báo
cáo này trình bày những phương hướng và mục tiêu chủ yếu về phát triển
kinh tế, xã hội trong 5 năm 1986-1990, để chỉ đạo việc xây dựng kế
hoạch 5 năm 1986-1990.”
Thế là mọi người chỉ còn biết đoán xem đảng muốn đưa dân đi đâu vì ngay
cả đảng cũng chả biết cái mặt mũi thiên đàng “xã hội chủ nghĩa” nó như
thế nào, hình thù ra sao và ở tận phương trời góc biển nào!
Bình thường, mỗi nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương đảng là 5 năm.
Chính phủ và Quốc hội cũng theo chu kỳ này, nhưng nếu tính từ sau 1975
đến 2008 thì thời kỳ “quá độ” đã 33 tuổi đời. Mà nếu đảng CSVN “quá độ”
từ năm 1980, theo như Hiến pháp tu chính sau 1975, thì “quá độ’ cũng đã
vào năm thứ 28.
Nhưng càng thêm tuổi, “quá độ” càng già đi trong khi đời sống nhân dân
thì lại cằn cỗi thêm và đất nước càng tụt hậu, chậm tiến hơn so với các
dân tộc xung quanh.
Như vậy chủ trương “đổi mới” nhưng không “đồi màu”, hay “hội nhập” mà
“không hoà tan” của đảng CSVN có giúp ích gì cho dân cho nước, hay chỉ
làm cho dân nghèo đi mà nước thì cứ mãi đì đẹt đi sau trong số các nước
nghèo nhất thế giới?
Vậy mà cái loa tuyên truyền Nguyễn Đức Bách, Phó Giáo sư-Tiến sĩ, vẫn
cứ cảng cổ ra để viết: “Thực tiễn lịch sử của nhân loại, của Cách mạng
Tháng Mười Nga và thực tiễn xây dựng chế độ XHCN sau nhiều thập kỷ ở
các nước XHCN, trong đó có Việt Nam (cả thành tựu, sai sót lẫn khủng
hoảng, đổ vỡ…) đã giúp chúng ta trong quá trình Đổi mới nhận thức đúng
và đủ hơn về tính chất XHCN và về CNXH để vận dụng vào con đường đi lên
CNXH của nước ta...”
“…Trong Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt chú ý vận dụng,
phát huy tính chất dân chủ XHCN của cách mạng Tháng Mười Nga và của
CNXH hiện thực để “từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN… của dân, do
dân, vì dân”. Đặc biệt là từ dân chủ trong Đảng và Nhà nước ta ở Trung
ương cho đến thực hiện “quy chế dân chủ ở cơ sở” như là mục tiêu cuối
cùng gắn trực tiếp đến quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi người dân…”
Rõ ràng là ông Bách đã nói như cái vòi nước máy. Nước sẽ chảy ra hoài
khi có người bơm. Nhưng điều được gọi là “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
của dân, do dân và vì dân” là ở đâu đó chứ ở Việt Nam, dưới quyền cai
trị độc tài và độc đảng hiện nay người dân làm gì có quyền gì ?
Ngay cả quyền đi bầu của công dân thiêng liêng và làm chủ đất nước chân
chính cũng bị đảng nắm giữ và chỉ thả ra khi nào đảng cần dân làm theo
lệnh mình như đã chứng minh trong các cuộc “đảng cử dân bầu” Quốc hội
và các Hội đồng nhân dân.
Nhân dân Nga và các nước chư hầu Đông Aâu đã đứng lên làm cách mạng từ
năm 1989 để đạp đổ gông cùm Cộng sản, dành lại quyền sống làm người
dưới ánh mặt trời. Chỉ riêng người dân Việt Nam, sau hơn 30 năm chiến
tranh chém giết lẫn nhau mới có được chút hoà bình đắt đỏ thì lại tiếp
tục bị nô lệ cho đói nghèo, lạc hậu và mất dân chủ, tự do trong thời
bình với đảng CSVN.
Đó là nỗi cay đắng của dân tộc mà chỉ những người không được chia phần
trong chế độ hiện nay mới thấy được sự khác biệt giữa Cách Mạng và Cách
Miệng như thế nào.
Phạm Trần
13/11/2008
Nguồn: Thông Luận
|