Gia Minh, phóng viên RFA
2008-11-13
Có
người nhận định rằng, nói đến giáo dục Việt Nam là nói đến “bức tranh
toàn cảnh ảm đạm, nhiều vấn đề và không có lối thoát.” Từ bậc thấp
nhất, là tiểu học, phổ thông cơ sở, cho đến trung học, đại học, trên
đại học, tất cả mọi cấp bậc trong hệ thống đào tạo dường như đều … có
“vấn đề.”
Có thực muốn giáo dục phát triển ?
Thời gian vừa qua, với ông Bộ
Trưởng Giáo Dục mới, và với các đề xuất dưới sự lèo lái của Bộ Trưởng này, dường
như các cuộc tranh cãi lại nổ ra nhiều hơn,
“nóng” hơn, và câu hỏi cuối cùng còn lại vẫn là: Giáo dục Việt Nam đang ở đâu?
Như thế nào? Và sẽ ra sao?
Các tân thạc sĩ, cử nhân đầu tiên của Đại học RMIT Việt Nam
Gần đây, trong một bài nghiên cứu chi tiết đăng trên báo Tia Sáng ngày
10 tháng 11 năm 2008, liên quan đến các nghiên cứu khoa học của Việt Nam được
công bố trên trường quốc tế, giáo sư Phạm Duy Hiển kết luận rằng chất lượng
nghiên cứu của Việt Nam “thể hiện một sự khước từ có
chủ định chuẩn mực quốc tế về chất lượng nghiên cứu khoa học.”
Chất lượng
nghiên cứu của Việt Nam “thể hiện một sự khước từ có
chủ định chuẩn mực quốc tế về chất lượng nghiên cứu khoa học.”
Tiến Sĩ Nguyễn Văn Tuấn, một trí
thức Việt Nam hiện đang sống tại Australia, viết trên blog của ông một bài nhận
định với tựa đề “cả nước không bằng một đại học Thái Lan” dựa trên bài nghiên cứu
của tiến sĩ Phạm Duy Hiển.
“Số liệu này làm cho những ai quan tâm đến “đại sự” phải đau lòng.
Một nước có truyền thống học hành, và học hành tốt, mà trong nghiên cứu khoa học
còn thua một trường đại học Thái Lan! Ấy thế mà có người mới hôm qua thôi, đòi
trở thành một trong những đại học top 200 ... trong
vùng.”Vậy, giáo sư Hiển tìm hiểu, phân tích và đưa ra kết luận gì? Một blogger
tên Linh viết trên blog của tác giả, rằng “Theo nghiên cứu của giáo sư Hiển thì
năm 2007, Việt Nam công bố 691 bài báo quốc tế, trong đó có 234 bài có nhà khoa
học trong nước là tác giả chính. Số bài báo của Việt Nam nhiều hơn Indonesia và
Philippines, nhưng chỉ bằng 1/3 Malaysia, 1/5 Thái Lan và chưa đến 1/100 của
Trung Quốc.”
Số bài báo của Việt Nam nhiều hơn Indonesia và
Philippines, nhưng chỉ bằng 1/3 Malaysia, 1/5 Thái Lan và chưa đến 1/100 của
Trung Quốc.”
Blogger Linh nhận định: “… Nếu xem danh sách các ngành mà giáo sư Hiển liệt kê có tác giả
Việt Nam là tác giả chính, cũng như các đơn vị nghiên cứu có nhiều công bố nhất,
tôi rất ngạc nhiên khi chỉ thấy các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật và hoàn
toàn thiếu vắng các ngành khoa học xã hội (trừ nghiên cứu châu Á). Kinh tế học,
quản trị học, xã hội học, sử học, địa lý, ngôn ngữ, nhân học, tâm lý học....ở
đâu? Thật lạ.”
“Cả nước không bằng một đại học Thái
Lan”
Hãy tìm hiểu xem, Việt Nam đã được thống kê, phân tích, và so sánh
ra sao để có thể đi đến kết luận “cả nước không bằng một đại học Thái Lan.”?
Xin giới thiệu một trích đoạn trong bài viết của giáo sư Phạm Duy
Hiển, được đăng trên Tia Sáng:
“Tổng số công bố quốc tế của
Việt Nam hiện nay chưa bằng một trường đại học Thái Lan, như Chulalongkorn hay
Mahidol. Đã thế, gần 80% bài báo của Thái Lan do người Thái làm tác giả đầu mối,
ta chỉ có 34% [số
bài do người Việt là tác giả đầu mối]. Công
bố quốc tế của Thái Lan gắn với đào tạo đại học (95% từ các trường đại học so với
55% của ta), với thực tiễn đời sống và sản xuất. Việt Nam cũng dồn sức đầu tư
cho các đề tài ứng dụng thực tiễn, song đầu ra trên các diễn đàn khoa học quốc
tế lại rất thưa thớt, thể hiện một sự khước từ có chủ định chuẩn mực quốc tế về
chất lượng nghiên cứu khoa học. Trước nghịch lý này có người muốn trấn an, nói
rằng: ta có việc của ta, cách đi của ta!”
“Tổng số công bố quốc tế của
Việt Nam hiện nay chưa bằng một trường đại học Thái Lan, như Chulalongkorn hay
Mahidol. Đã thế, gần 80% bài báo của Thái Lan do người Thái làm tác giả đầu mối,
ta chỉ có 34% [số
bài do người Việt là tác giả đầu mối].
Giáo sư Phạm Duy
Hiển
Tiến sĩ Tuấn giới thiệu một vài cách lý giải tại sao Thái Lan công
bố nghiên cứu khoa học nhiều hơn Việt Nam. Thứ nhất, là “họ công bố trên tập
san của Thái Lan, nhưng được ISI công nhận,” thứ hai, “Thái Lan đã phấn đấu hội
nhập khoa học quốc tế, Việt Nam thì chưa.” Tác giả viết rằng, thật ra, chưa so
sánh, ông cũng có thể nói rằng Thái Lan hơn Việt Nam gấp 2 hay 3 lần. Công bố
quốc tế của Việt Nam chả thấm vào đâu so với họ.
Nhưng điều đáng buồn, vẫn theo blog của tiến sĩ Tuấn, là “Mặc dù
như thế, “phe ta” lại hay hát to làm như mình là thông minh nhất thế giới vậy.
Còn khi bị chất vấn thì lại giận dỗi nói: chúng tôi có tiêu chuẩn của chúng
tôi!”
“Xin chia sẻ với các bạn một
sự thật. Tôi tin rằng người Việt chúng ta không tồi. Kinh nghiệm cá nhân của
tôi thời trước và ngay cả bây giờ ở các đại học phương Tây, sinh viên Việt Nam
học trên trung bình, có người tuyệt vời. So với sinh viên từ Thái Lan, Mã Lai,
hay Phi Luật Tân (tôi chỉ nói người bản xứ, không nói người Trung Quốc) thì tôi
có thể nói rằng sinh viên mình hơn hẳn họ. Thời của tôi còn đi học, “đối thủ” lợi
hại của chúng tôi là sinh viên Trung Quốc, Hàn Quốc, Do Thái, và Ấn Độ. Sinh
viên mấy nước trong vùng chẳng bao giờ là đối thủ khoa bảng của chúng tôi cả.”
Sáng tạo trong phát triển cần phải độc lập
trong suy nghĩ
Trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên VieTimes của báo điện tử
VietNamNet, nhà văn, nhà văn hoá Nguyên Ngọc, người từng có nhiều gợi ý, đóng
góp và phân tích liên quan đến hiện trạng giáo dục Việt Nam, viết rằng “giảng
đường Việt Nam thế kỷ 21 vẫn còn không ít những giờ học đọc chép, những giảng
viên “ê a kinh sử.”” Xin dẫn một trích đoạn phát biểu của Nguyên Ngọc với
VietNamNet:
“Đúng vậy! Triết lý giáo dục,
nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm
gì? Bằng nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế
nào đây? Chúng ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có
suy nghĩ độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, cho một xã hội tự do và
sáng tạo, hay đào tạo nên những con người chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục
tùng, hết sức dễ bảo.”
Liệu, cái triết lý giáo dục
“đào tạo những con người chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo”
có phải là câu trả lời cho thực trạng giáo dục Việt Nam?
Nhà văn Nguyên Ngọc đưa ra một
số nhận định.
Trước hết, đối với khái niệm
“triết lý giáo dục.”
“Triết lý giáo dục, có người gọi là tư duy giáo dục,
có thể nói nôm na, là đặt câu hỏi: nền giáo dục này định làm cái gì đây? Nền
giáo dục này định đào tạo ra những con người theo kiểu nào?”
Có những tư duy
giáo dục xem chân lý là tuyệt đối, là “bất di bất dịch”
Chúng ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có
suy nghĩ độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, cho một xã hội tự do và
sáng tạo, hay đào tạo nên những con người chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục
tùng, hết sức dễ bảo.”
Nhà văn Nguyên Ngọc
“Hoặc là mình đào tạo những con người học
thuộc lòng những điều gọi là chân lý, sau đó, cứ như thế mà làm suốt đời. Những
chân lý ấy được người ta xem là có sẵn rồi, là bất di bất dịch.”
Nhưng liệu có những
chân lý tuyệt đối không?
“Có người quan niệm trên đời không có chân
lý tuyệt đối. Chân lý là đi tìm mãi mãi. Nếu cho người ta học thuộc lòng chân
lý, đến khi chân lý ấy thay đổi thì làm sao? Quan trọng hơn là tạo ra những con
người độc lập trong suy nghĩ, và tự họ biết cách đi tìm chân lý khi cần thiết.”
Triết lý giáo dục
thiên về “chân lý tuyệt đối” tại Việt Nam sẽ đào tạo những sản phẩm như thế
nào?
“Quả thực sẽ tạo ra những sản phẩm không
hành xử được thành công ở đời, nhất là trong xã hội hiện đại bây giờ.”
Và ông đã có sự
chọn lựa của riêng mình.
“Hôm làm việc với vị đại diện cao nhất của
chính phủ, khi nói về trường mà chúng tôi xin thành lập, tôi có nói, rằng theo
tôi, mô hình đại học Mỹ là mô hình có nhiều ưu việt và tiên tiến.”
Phát biểu của tân
hiệu trưởng đại học Harvard đã chinh phục Nguyên Ngọc.
“Đại học không phải
là tạo ra con người dùng ngay bây giờ. Tân hiệu trưởng Harvard nói rằng, con
người đó phải liên hệ với cả quá khứ và tương lai, chứ không chỉ là hiện tại.
Chính những con người như vậy mới có thể hành động thành công, độc lập và đầy
hiệu quả trong xã hội hiện đại.”
“Hôm làm việc với vị đại diện cao nhất của
chính phủ, khi nói về trường mà chúng tôi xin thành lập, tôi có nói, rằng theo
tôi, mô hình đại học Mỹ là mô hình có nhiều ưu việt và tiên tiến.”
Nhà văn Nguyên Ngọc
Giáo dục Việt Nam đang ở đâu?
Trở lại với thực trạng khả năng nghiên cứu, công bố khoa học của
Việt Nam. Blogger tên Linh nhận định, tác giả “không tin rằng Viện Khoa Học Xã
Hội Việt Nam với 28 Viện thành viên, 25 tạp chí khoa học trực thuộc, gần 1,000
nhà nghiên cứu trong đó có gần 100 giáo sư hay phó giáo sư, gần 400 tiến sĩ, lại
không có nổi hai bài đăng tạp chí quốc tế trong năm 2007.”
Blogger này hỏi, cũng có thể
là tự hỏi, để tự trả lời, rằng: “Không biết giáo sư Hiển có nhầm lẫn hay không,
chứ chẳng nhẽ các ngành khoa học xã hội của Việt Nam lại là con số không?”
Có một sự liên hệ không thể chối cãi, giữa các yếu tố nghiên cứu
khoa học, công bố quốc tế, phát triển, chất lượng đào tạo và hiệu quả ứng dụng.
Xin kết thúc bài viết này với một nhận định mà giáo sư Phạm Duy Hiển viết trong
nghiên cứu của ông: “Bức
tranh nghiên cứu khoa học ở [khu vực] Đông Á khẳng định công bố quốc tế
là mệnh lệnh từ sự phát triển, không thể tránh né bằng bất cứ lập luận nào.
Ở mọi
nước khác, người ta xem đây như một chuẩn mực đương nhiên trong nghiên cứu khoa
học, bảo đảm chất lượng đào tạo đại học và hiệu quả ứng dụng các hoạt động
nghiên cứu và phát triển trong thực tiễn.”
Vừa rồi là những nhận định được phỏng vấn trực tiếp và ghi nhận từ một số
blog liên quan đến tình trạng giáo dục trì trệ và sự yếu kém trong khả năng
nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng
lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang
Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các
chương trình sau.
Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông
tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các
blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org
|