Thứ Ba, 2024-11-05, 8:57 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 14 » Thiếu minh bạch, Việt Nam không thể phát triển
9:41 PM
Thiếu minh bạch, Việt Nam không thể phát triển
2008-11-13

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với khủng hoảng tài chánh, và trong bối cảnh giới đầu tư đang rút dần khỏi các khu vực rủi ro để tái đầu tư vào những thị trường khác.

Rủi ro tín dụng

Bản tin của hãng thông tấn Bloomberg ngày 10 tháng 11 cho biết, công ty Standard & Poor’s (S&P) đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 3 nền kinh tế rủi ro nhất Châu Á về tín dụng, chỉ cao hơn 2 quốc gia Pakistan và Sri Lanka.

Bà Elena Okorotchenko, người đứng đầu cơ quan thẩm định tín dụng khu vực châu Á của S&P nói rằng, “mối bận tâm lớn nhất trong trường hợp Việt Nam là hệ thống ngân hàng, nguyên nhân chính khiến cỗ máy kinh tế quá tải.”

Nhưng điều quan trọng, vẫn theo Bloomberg, là người ta không biết “tầm mức của các vấn đề mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt,” vì “thiếu tính minh bạch.”

Đây không phải là lần đầu sự thiếu vắng tính minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam được nói tới.

Cách đây ít lâu, tại cuộc hội thảo Việt Nam, được tổ chức tại đại học Princeton, Hoa Kỳ, tiến sĩ Regina M. Abrami, giáo sư môn Khoa Học Chính Trị, Khoa Quản Trị Kinh Doanh thuộc đại học Harvard, nói rằng vai trò của Nhà Nước Việt Nam trong thị trường không được phân định rõ ràng.

Giáo sư Regina đặt ra câu hỏi về tính minh bạch. Chẳng hạn, trong trường hợp công ty Kinh Doanh và Đầu Tư Vốn Nhà Nước, SCIC, câu hỏi đặt ra, là Nhà Nước đóng vai trò giám sát hay vai trò cổ đông góp vốn?

SCIC có nhiệm vụ mua lại càng nhiều càng tốt các công ty quốc doanh, trong một nghĩa nào đó, Tổng Công Ty này đóng cả hai vai trò, vừa là người giám sát, vừa là người góp vốn.

Giáo sư Abrami, chuyên gia về Việt Nam và Trung Quốc, nhận xét, rằng “trong khi Việt Nam thúc đẩy tính minh bạch cùng quá trình giám sát các cơ chế tài chánh, thì Nhà Nước đã thực hiện nhiều cách thức làm phát sinh sự phức tạp.”

Nợ xấu gia tăng

Cũng liên quan đến đề tài minh bạch, từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Quốc Hội Việt Nam đang ngày càng thúc đẩy tiến trình này, và rằng “việc đặt vấn đề minh bạch là hướng đi hoàn toàn đúng đắn.”

Ông nói: “Yêu cầu minh bạch sẽ được đặt ra với tất cả mọi hoạt động, từ ngân sách nhà nước, các hoạt động liên quan đến chi tiêu, đến ngân hàng, vì đây là một phần của tiến trình làm trong sạch, lành mạnh các hoạt động kinh doanh, là một trong những phương tiện quan trọng để chống tham nhũng, tiêu cực.”

Trong bản tin của Bloomberg, bà Okorotchenko nói rằng “hiện nay, các ngân hàng tại Việt Nam đang ngồi trên một đống nợ được cho vay trong thời kỳ tiền vốn dồi dào. Chuyện cho vay bây giờ đã gần như chấm dứt, và câu hỏi là những hệ quả này ảnh hưởng ra sao đối với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần loại nhỏ.”

Theo số liệu do tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, thuộc đại học Quốc Gia Hà Nội, đưa ra hôm trung tuần tháng 10 tại đại học Princeton, thì mặc dầu Nhà nước làm chủ chỉ có 6 ngân hàng, có đến 67% toàn bộ tài sản hệ thống ngân hàng lại thuộc về Nhà nước.

Trong số 34 ngân hàng cổ phần đang hoạt động tại Việt Nam, một tỷ lệ lớn là do Nhà nước thành lập hoặc cung cấp vốn.

Đánh giá chung về nền kinh tế, người đứng đầu cơ quan thẩm định tín dụng khu vực Châu Á nói rằng “các chính sách làm nguội nền kinh tế của Việt Nam có vẻ có hiệu quả,” “lạm phát và thâm thủng mậu dịch đang xuống dần.”

Khả tín, Minh bạch?

Tuy nhiên, xét riêng hệ thống ngân hàng, thì “thật khó để có những thông tin khả tín về tình hình của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.”

Việt Nam có nhận thức được vấn đề này hay chăng?  Trả lời phỏng vấn hôm 11 tháng 11, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng ông tin là “Quốc Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đưa tinh thần minh bạch vào các nghị quyết khác trong thời gian sắp tới.”

Ông nói: “Trong ngày hôm nay [11 tháng 11], tôi tin là các đại biểu thế nào cũng đề cập đến vấn đề công khai, minh bạch. Quan trọng không chỉ là đề cập, thảo luận, mà phải là hành động, chuẩn mức, và các quyết định trong thực tế. Tôi tin rằng Quốc Hội sẽ tăng cường giám sát, và chính phủ cũng sẽ tiếp tục có những bước đi đúng để nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh tế.”

Bản tin của Bloomberg nhận định, là “giới đầu tư nước ngoài đang rút dần khỏi thị trường Châu Á để tái đầu tư vào những khu vực ít rủi ro hơn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chánh tệ hại nhất từ thời kỳ Đại Suy Thoái hồi thập niên 1930s đến nay.”

Và điều này tạo thêm khó khăn cho các quốc gia trong vùng. Hai khó khăn trực tiếp là tình trạng thiếu tiền để mua hàng nhập khẩu và lượng dự trữ ngoại tệ thì ngày càng co lại.

Công ty Standard & Poor’s, gọi tắt là S&P, tác giả của bảng xếp hạng được đề cập, được xem là công ty đánh giá rủi ro đáng tin cậy nhất trong thế giới tài chánh.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 883 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 548
Khách: 548
Thành Viên: 0