Thứ Ba, 2024-11-05, 8:54 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 14 » Nguyễn Việt Chiến - tài hoa trong thi ca, mạnh mẽ trong ngòi bút
9:45 PM
Nguyễn Việt Chiến - tài hoa trong thi ca, mạnh mẽ trong ngòi bút
2008-11-08

Một tài năng thi ca mà thơ và con người của anh đang được theo dõi rất kỹ trong và ngoài nước, đó là nhà báo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến hiện đang bị nhà nước Việt Nam giam giữ và buộc tội lợi dụng quyền tự do dân chủ trong vụ án PMU18.

Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952 tại Hà Tây, quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây, sống và làm báo tại Hà Nội. Phóng viên báo Thanh Niên từ năm 1993. Nguyễn Việt Chiến cũng là hội viên Hội Nà Văn Việt nam, hội viên Hội Nhà Báo Việt nam, hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội.

Những sáng tác chính của anh là ba tập thơ Ngọn sóng thời gian, Mưa lúc không giờ, Cỏ trên đất và cuối cùng là thi tuyển Những con ngựa đêm. Nguyễn Việt Chiến nhận được Giải thưởng văn chương của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2004.

Tháng 5 năm 2008 anh bị bắt cùng với bạn đồng nghiệp là nhà báo Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ. Ra tòa vào ngày 15 tháng 10 năm 2008.

Anh bị kết án 2 năm tù giam vì cương quyết không nhận là mình có tội, trong khi đó nhà báo Nguyễn Văn Hải được phóng thích vì tòa cho là có thái độ thành khẩn nhận tội. Tội danh mà nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị cáo buộc là một tội danh từng gây rất nhiều tranh cãi.

Một tài năng thi ca

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được đánh giá cao qua tài năng thi ca cũng như nhân cách sống và làm việc của anh. Anh được xem là nhà thơ cách tân trong ngôn ngữ và ý tưởng đổi mới thơ Việt Nam đương đại.

Tác phẩm cuối của anh mang tên “Những con ngựa đêm” có lẽ là tác phẩm quan trọng nhất, trong đó dòng chảy trữ tình bàng bạc trong nhiều bài thơ nhưng không làm mất đi chất lửa của đời thường qua cái nhìn của một ký giả.

Khi ẩn dụ, khi phơi trần, nhưng dù dưới hình thức nào thì Nguyễn Việt Chiến cũng quyến rũ được người đọc thơ anh bằng những nhận biết kỳ ảo, miêu tả tế vi và hoài mơ lãng mạn.

Những con ngựa đêm đi qua mặt hồ
Để lại dấu chân trên song

Những con ngựa hoang thức dậy từ đáy nước sâu
Những ngôi sao hoang mọc dậy từ đáy nước sâu

Đêm nay rong rêu không ngủ
Đêm nay cá hồ không ngủ

Những con ngựa đêm cõng chúng ta đi qua mặt hồ
Khi chiếc kẹo bạc hà trong miệng em chưa tan
Bên kia hồ nhiều người đang hôn nhau

Những lứa đôi
Không thuộc về ngày mai
Không thuộc về quá khứ

Nhưng giấc mơ đêm nay là của họ
Những con ngựa đêm đi qua mặt hồ

Đi qua đường viền của bóng tối
Em cởi bỏ sợi dây buộc tóc
Mái tóc đêm xoã ấm

Em cũng giống như chú ngựa đêm đi qua mặt hồ
Nhưng không để lại dấu chân trên song
Bởi em là trăng xanh

Chúng ta vừa nghe chị Phùng Thị Bích Ngọc hiền nội của nhà thơ đọc bài “Những Con Ngựa Đêm và Trăng”.

Ngôn ngữ thi ca tài hoa

Bài thơ ngắn nhưng chứa đựng thật nhiều điều. Trước tiên là ngôn ngữ thi ca. Nguyễn Việt Chiến rất tài hoa khi sử dụng thứ ngôn ngữ tinh khôi, chưa qua tinh luyện của dòng thời gian văn học.

Anh sắp xếp trật tự của chúng một cách khác thường và biến chúng từ rất khó cảm thụ trở thành bình thường và dễ hiểu một cách lạ lùng.

Những con ngựa hoang thức dậy từ đáy nước sâu
Những ngôi sao hoang mọc dậy từ đáy nước sâu

Cấu trúc ngữ nghĩa trong hai câu này nếu đứng riêng ra thì không một từ nào khó hiểu nhưng khi kết hợp lại với nhau trong cùng một nhịp điệu chúng trở thành mơ hồ và đầy ấn tượng.

Người ta có thể tự hỏi về ý nghĩa của hai câu thơ nhưng sẽ cùng đồng ý với nhau một điểm: Ý niệm của hai câu này rõ ràng là đơn giản nhưng khó giải thích cho thật dễ hiểu.

Người đọc hay nghe cảm thụ rất nhanh tính chất mơ hồ như khi người ta xem tranh trừu tượng. Và khi xem tranh trừu tượng, óc quan sát không còn quan trọng cho bằng sự đồng cảm. “Ngựa” và “Sao” trong hai câu thơ không sáng tạo cho sự quan sát mà được nhào nặn cho cảm nhận và suy tưởng.

Em cũng giống như chú ngựa đêm đi qua mặt hồ
Nhưng không để lại dấu chân trên song
Bởi em là trăng xanh

Bởi em là trăng xanh hình như lập lại những viên lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền, nhưng trăng xanh trong thơ Nguyễn Việt Chiến gần gũi hơn, ít triết học hơn do đó dễ đồng cảm hơn. “Ngựa” làm ta liên tưởng tới em: Thần thoại và dễ vỡ.

“Em” làm ta liên tưởng tới trăng xanh: Đẹp, buồn và cũ như cổ tích. Chi tiết rất ít nhưng được Nguyễn Việt Chiến khéo léo tập hợp lại khiến câu thơ nổi lên miên man như sóng vỗ.

Những con ngựa đêm cõng chúng ta đi qua mặt hồ
Khi chiếc kẹo bạc hà trong miệng em chưa tan
Bên kia hồ nhiều người đang hôn nhau

Một lần nữa, ba câu thơ rời rạc và đầy mệt mỏi này bỗng dưng tạo hiệu ứng thành một chuỗi hình ảnh liên hệ. “Ngựa trên lưng”,bạc hà trong miệng” “người hôn nhau” là những cặp chữ tuyệt đẹp khiến câu thơ rộng mênh mang và sâu não nùng.

Nguyễn Việt Chiến cũng tỏ ra cứng tay trong loại thơ 8 chữ tuy thể loại này đã được cày xới rất kỹ bởi những kiện tướng trong phong trào Thơ Mới. Hãy nghe vài đoạn trích trong bài "Đất nước" của anh:

Thôi hãy lặng yên

Cánh đồng trên trang sách
Tiếng cuốc dưới trời mưa
Và hạt thóc lấm bùn
Ta như cỏ trên ngực trần đất nước

Thôi hãy chín đi quả xanh rơi vãi
Nắm đất nào chẳng đẫm ứa mồ hôi
Gánh lo âu vai mẹ hứng suốt đời
Lưng mẹ thắt dáng buồn sông núi cổ

Nón trên đầu, núi hoang liền ruộng vỡ
Ta nhận ra đất nước chính là người
Thôi hãy lên đường
Rừng sâu bể vắng

Những đứa con năm tháng ngóng tìm về
Nơi mắt mẹ trời xanh cha thấy hửng
Nơi tóc mẹ trắng mưa đêm lũ úng
Mùa bão dài chưa qua

Chiếc thuyền nan câu hát lấm phù sa
Miền châu thổ bùn hoang gió cả
Cây lúa nào cháy đen mùa giặc giã
Mẹ gánh con hớt hải chạy trên đồng

Mẹ gánh con súng trận đã bao năm
Mùa loạn lạc lúa trên đồng vẫn cháy

Thôi hãy lặng yên

Cánh đồng trên trang sách
Tiếng cuốc dưới trời trưa
Và hạt thóc lấm bùn
Ta như cỏ trên ngực trần đất nước

Nhà thơ làm báo

Và hạt thóc lấm bùn,
Ta như cỏ trên ngực trần đất nước

Hai câu cuối của bài thơ cho người đọc thấy niềm đau của nhà thơ trước nhọc nhằn mà bao đời nay người dân Việt vẫn chưa thoát khỏi. Tầm nhìn của một nhà báo phần nào chi phối cảm quan thi ca của anh và tính chất thời sự không thể thiếu vắng trong những bài thơ sau này. “Niềm Tin Thơ Ngây” là bài thơ có lẽ nói lên được rất nhiều tâm sự của một nhà thơ làm báo. Anh thảng thốt móc niềm tin của mình ra ngắm nghía và bật lên những thừa nhận não lòng:

Cánh đồng trên trang sách

Những đám mây ngôn từ

Cỗi cằn bao ý tưởng

Hạt chữ miền hoang vu

 

Những ngọn nến không cháy

Những cánh chim không về

Trên môi lời hát ấy

Ngủ quên không ngời nghe

 

Những cỗ xe tưởng tượng

Chất đầy sách và người

Oằn lưng như ngựa kéo

Đi về miền xa xôi

 

Cánh buồm nào không gió

Dòng sông nào đứng im

Không một người đi bộ

Không một vì sao lên

Thế giới chung quanh nhà thơ có vẻ như cô đặc lại bằng những hình ảnh: cánh đồng, trang sách, cánh chim, ngựa kéo, cánh buồm, vì sao... tất cả quay chung quanh một trục bánh xe thời cuộc, sức ly tâm của vòng quay kéo nhào những tranh chấp trong đời sống lẫn mệt mỏi rã rời của từng con người trong vòng quay ấy. Người trí thức thì tự vấn trước những trang sách bây giờ đã trở thành vô nghĩa như mây bay, như ngựa chạy....

Tận tình với ngôn từ

Nguyễn Việt Chiến làm thơ lục bát cũng hay như thơ tự do, thơ năm chữ cũng tròn như thơ tám chữ. Anh không công phu với thể loại mà anh tận tình chí cốt với ngôn từ.

Thơ của anh có thể đọc để đồng hành mà cũng có thể để thưởng thức và suy gẫm. Dù bằng cách nào khi đã chọn thơ Nguyễn Việt Chiến, người đọc thật khó lòng mà bỏ ngang trước khi dừng lại ở những chữ cuối cùng.

Cát chiều bay sẫm bến sông
Thương con đò ngược mùa đông chưa về

Lối mòn bạc cỏ may đê
Chiều mòn rỗng tiếng chim gì kêu đau
Sóng đêm tự bến sông nào
Theo trăng về thức dưới màu mây xưa

Tôi hoang vu, cát hoang vu
Trăng là người khách qua đò đêm nay

Cô đơn xuống một đò đầy
Tôi chờ em phía bên này mùa đông
Cát còn bay trắng bến sông
Người còn đi trắng mùa mong ước này

Tôi cầm hạt cát trên tay
Đêm không còn ấm như ngày có em

Tôi cầm cả chính tôi lên
Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu
Câu thơ như cát mỗi chiều
Đem theo chút ấm nắng nghèo vào đêm.

Nguyễn Việt Chiến cũng trãi lòng mình trong “Nhật Ký Của Một Nhà Báo”:

Anh dành cho mình vài phút xa xỉ
Sau một ngày làm việc
Được ngồi một mình với cốc bia
Giữa những người xa lạ

Thành phố đang mưa
Đám mây trong đầu anh
Và ngọn lửa nghi ngại

Chiếc bàn uống nơi anh ngồi
ướt và bẩn
Vài phút xa xỉ anh dành cho mình
Sau cơn giông

Anh không biết gì về những người xung quanh
Họ đang uống cũng như anh ngẫm ngợi

Trời mỗi ngày một tối
Và mưa mau hơn
Những đứa trẻ bán báo rong trong thành phố này
Cũng như những đứa trẻ lang thang phía bên kia lục địa

Và, anh - người làm báo

Viết gì về trẻ thơ
Chiến tranh và cái đói
Tuổi thơ rét mướt
Anh đã từng đi qua

Giờ này

Bên cạnh chiếc máy chữ của anh
Đất đai đang cày xới
Nhũng hạt giống được ngâm ủ trong bùn
Để sinh ra thứ ánh sáng tốt tươi

Và anh

Kẻ nông phu cần mẫn
Thức dậy mỗi sớm mai trên cánh đồng ngôn ngữ
Bởi niềm tin lành lặn
Ở con người

Thật khó mà hình dung ra được anh đang nghĩ gì trong khuôn viên nhà tù hiện nay. Tài hoa trong thi ca, mạnh mẽ trong ngòi bút phản kháng tham nhũng để cuối cùng nhận được những xỉ vả từ bản án mà anh không làm.

Cay đắng có thể làm thơ anh hay hơn nhưng tù hãm không thể làm niềm tin bật sáng.

Niềm tin của kẻ nông phu cần mẫn Nguyễn Việt Chiến trên cánh đồng chữ nghĩa có còn lành lặn hay không sau bài học cay đắng này có lẽ vẫn còn đeo đẳng anh rất lâu sau này.

Và cũng có lẽ, thơ sẽ mãi mãi bên anh thay cho ngòi bút ký giả nay đã trở thành xa xỉ từ sau bản án hai năm.....

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 777 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 550
Khách: 550
Thành Viên: 0