|
|
Không ít người gốc Việt có cả hộ chiếu nước ngoài và Việt Nam |
Việt Nam mới sửa đổi Luật Quốc tịch để thừa nhận tình trạng người gốc Việt mang hai quốc tịch trong cộng
đồng hải ngoại - nay đã lên hơn ba triệu người.
Theo truyền thông trong và ngoài nước, Quốc hội Việt Nam đã thông qua phần sửa đổi Luật Quốc tịch hôm 13/11.
Thông tấn xã Việt Nam nói điều 3 của Luật Quốc tịch năm 1998 quy định rằng công dân Việt Nam chỉ có thể có
một quốc tịch trừ trường hợp chính luật này quy định khác.
Điều này thừa nhận một thực tế rằng nhiều người gốc Việt mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn không từ bỏ
quốc tịch Việt Nam.
Vẫn một mà hai
Nói chuyện với BBC, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng dùng từ "luật một quốc tịch mềm dẻo" để chỉ luật vừa được thông qua.
Theo ông Trừng, trên thực tế với luật này, Việt Nam đã công nhận công dân được hai quốc tịch.
Ông Trừng nói: "Trong lúc tranh luận, có ý kiến đề nghị nên nói rõ hẳn về hai quốc tịch, nhưng cuối cùng người ta thấy chữ
nghĩa như vậy là hợp lý rồi."
|
Trong lúc tranh luận, có ý kiến đề nghị nên nói rõ hẳn về hai quốc tịch, nhưng cuối cùng người ta thấy chữ nghĩa như vậy là
hợp lý
Nguyễn Đăng Trừng
|
Theo Thông tấn xã Việt Nam thì việc mở rộng định nghĩa này đảm bảo tính thống nhất và xuyên suốt của việc
thực hiện luật quốc tịch.
Điều
13 của Luật này định nghĩa lại tư cách của những người Việt
Nam sống ở nước ngoài nhưng chưa mất quốc tịch Việt Nam trong
thời gian trước khi Luật có hiệu lực, sẽ vẫn là công dân Việt
Nam và được quyền mang hộ chiếu Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguyên tắc một quốc tịch vẫn được đề cao.
Theo AFP, thay đổi này sẽ khiến nhiều người từng bỏ Việt Nam đi tỵ nạn ở nước ngoài và trở thành công dân
một nước khác nay có quyền xin lại quốc tịch Việt Nam mà không mất quốc tịch mới.
Ngoài ra, Luật này có thể có tác động đến vấn đề chưa giải quyết được lâu nay tại Việt Nam như có cho Việt
Kiều được hưởng các quyền lợi như người trong nước, chẳng hạn như mua bất động sản.
Phản ứng
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Viêt Kiều ở TP. HCM, Nguyễn Ngọc Mỹ, hào hứng:
"Bà con ở nước ngoài muốn có hai quốc tịch hay không, đó là quyền tự do mỗi người. Nhưng họ được quyền đó, và đấy là việc
đáng mừng."
Đã sống ở Việt Nam 17 năm qua, ông Mỹ nói ông không thấy việc nhà cửa, quốc tịch là quá quan trọng cho công việc của ông.
|
Có quốc tịch Việt Nam thì không giới hạn mua một hay hai nhà, mua ở đâu
Nguyễn Ngọc Mỹ
|
Nhưng ông nhận xét sẽ có những người muốn có quốc tịch Việt Nam từ nhu cầu của bản thân họ.
Theo ông Mỹ, "có quốc tịch Việt Nam thì không giới hạn mua một hay hai nhà, mua ở đâu. Mở công ty cũng có cái lợi."
Trong khi đó, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Nguyễn Ngọc Trân, tuy đã thôi công việc ở Quốc hội, tỏ
ra quan tâm vấn đề.
"Khi còn là trưởng ban Việt kiều, tôi đã nói nên mềm hơn với kiều bào. Không nên vì việc họ vào quốc tịch nước ngoài mà bắt
họ mất quốc tịch Việt Nam."
|
|
Trẻ em sinh ra trong gia đình gốc Việt nay cũng có thể xin hộ chiếu Việt Nam |
Theo ông Trân, đề nghị của ông khi đó không được đáp ứng và bây giờ ông cảm thấy vui mừng khi nghe luật đã được sửa đổi.
Tuy nhiên, các bản tin của truyền thông trong và ngoài nước không nói gì về quyền chính trị như tranh cử, ứng
cử của những người mang hai quốc tịch, trong đó có một quốc tịch Việt Nam.
Các tin tức cũng không nói rõ về vấn đề khác như nghĩa vụ quân sự hay quân dịch.
Về gia đình theo luật sửa đổi, trẻ em sinh ra ở nước ngoài có ít nhất cha hoặc mẹ là người Việt Nam cũng
sẽ có quyền xin quốc tịch Việt Nam.
Theo AFP, việc công nhận song tịch của Việt Nam là một bước thu hút nguồn vốn và kiến thức của Việt Kiều
mà nhiều người “vẫn còn nghi ngờ sâu nặng nhà nước khiến họ phải bỏ đi”.
Nhiều người phải vượt biên sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, chịu khổ đau trên biển và trong các trại tỵ
nạn trước khi được định cư ở cả thảy trên 100 quốc gia.
Ngoài ra, con số người Việt hoặc gốc Việt sống ở nước ngoài còn tăng lên tại Đông Âu và Liên Xô cũ và vùng
Đông Nam Á trong 20 năm qua.
Năm ngoái, chính quyền công bố Việt Kiều được miễn thị thực xuất nhập cảnh khi về nước kể từ ngày 1/9/2007.
|