Mặc Lâm, phóng viên RFA
2008-11-14
Tổ
chức UNESCO vừa công bố bản báo cáo toàn cầu về giáo dục trong đó Việt
Nam tụt 9 bật trong bảng xếp hạng để đứng vào vị trí 79 trên 129.
Sự
tụt hạng này có ý nghĩa gì trong hoàn cảnh giáo dục của Việt Nam hiện nay?
Gần 1 triệu học sinh bỏ học
Những báo cáo của các tổ chức
uy tín trên thế giới về những vấn đề có liên quan đến kinh tế, giáo dục hay xã
hội luôn là những dự báo có thể xem là chính xác để nhà nước dùng tham khảo và
điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế.
Báo cáo toàn cầu của UNESCO về
giáo dục là một ví dụ. Tổ chức này hàng năm thực hiện các cuộc thăm dò bằng
tiêu chuẩn riêng của họ và sau nhiều năm áp dụng, những tiêu chuẩn mà UNESCO áp
dụng vào việc lượng định có thể tin là khách quan và khoa học, mặc dù vẫn còn một
vài sai số.
Việt Nam năm nay bị tụt 9 bật
trong thang điểm giáo dục so với các nước. Điều đáng chú ý là đối với các nước
trong khu vực như Philippines hay Indonesia hoặc Thái lan thì Việt Nam không những
đứng lại mà còn đi thụt lùi bởi nhiều yếu tố.
Yếu tố đáng quan tâm nhất là
có gần 1 triệu học sinh không tới trường, đặc biệt là ở cấp 1. Tình trạng này xảy
ra trong nhiều năm và giới chức giáo dục vẫn chưa tìm ra giải pháp khả thi để đối
phó.
Giáo sư Văn Như Cương, một
nhà giáo lão thành có tâm huyết với nền giáo dục phổ thông cho biết nhận xét của
ông về những dữ liệu mà bảng báo cáo đưa ra, ông nói:
“Đánh giá này là báo cáo
toàn cầu về giáo dục cho mọi người. Nó có sáu tiêu chí đánh giá trên các lĩnh vực
như vấn đề chăm sóc giáo dục mầm non, vần đề phổ cập và giáo dục tiểu học, vấn
đề đáp ứng nhu cầu học tập của thanh niên và người lớn...”
Thanh thiếu niên và người
lớn học tập vẫn còn nhiều khó khăn không đáp ứng được nhu cầu của họ như phát
triển ngành nghề vì học sinh không đủ điều kiện.
GS Văn Như Cương
Nguy cơ tụt hậu
Khi được hỏi về tình trạng
giáo dục thanh thiếu niên và người lớn hiện nay được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo xử
lý ra sao, giáo sư Văn Như Cương cho biết:
“Thanh thiếu niên và người
lớn học tập vẫn còn nhiều khó khăn không đáp ứng được nhu cầu của họ như phát
triển ngành nghề vì học sinh không đủ điều kiện.”
Học sinh không được trang bị
đầy đủ kiến thức thực tế khi rời khỏi ghế nhà trường để vào đời là một vấn đề bức
thiết nhất hiện nay.
Theo bảng báo cáo của UNESCO
thì tình trạng này sẽ khiến Việt Nam tụt hậu vào những năm tới, khi mà các nước
trong khu vực tiến mạnh hơn nữa trong lĩnh vực đào tạo nhân lực từ học đường thì
lúc đó Việt Nam vẫn còn loay hoay với các chương trình từ chương, cốt rèn luyện
học sinh một cách thụ động, thiếu tính sáng tạo và áp dụng cơ sở thực tế khoa học.
Nhận xét này được TS Ngô Tấn
Lực, hiệu trưởng đại học Tiền Giang chia sẻ: “Rõ ràng trong thời gain qua việc
đào tạo nguồn nhân lực mình còn có cái gì đó thả nổi. Theo tôi thì hệ thống
giáo dục phải uyển chuyển hơn và đừng làm những việc nặng về thành tích mà
không chú trọng đến chất lượng.”
Những điểm mà UNESCO báo cáo
đã mang lại nhiều thông tin bổ ích cho ngành giáo dục Việt Nam. Dư luận cho rằng
Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cần phải chú tâm vào việc đào tạo kỹ năng sinh viên học
sinh để khi ra trường họ sẽ không bỡ ngỡ trước những thành tựu lớn lao của khoa
học kỹ thuật thế giới và nhanh chóng hòa nhập vào công việc một cách chuyên
nghiệp.
|