Thứ Bảy, 2024-04-20, 4:00 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 15 » Việt Nam: Người công giáo cưỡng lại Đảng
2:00 PM
Việt Nam: Người công giáo cưỡng lại Đảng

§ François Hauter

Nguồn: Le Figaro. Vietnam: les catholiques résistent au Parti, 13-11-2008

Trong khi chính quyền CS bảo vệ quyền lợi của những người tham nhũng trong chế độ, thì Giáo hội là nơi ẩn náu của những người thấp cổ bé miệng.

Hiện nay chưa phải là tình trạng đoạn tuyệt như Ba Lan vào thập niên 1980 hay một hài kịch dễ thương theo kiểu Don Camillo đối đầu với Peppone. Nhưng tại Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo tự khẳng định trong những tháng vừa qua như là lực lượng duy nhất có khả năng đứng dậy đối kháng với chính quyền Hà Nội, và làm cho chính quyền phải uốn mình.

Ngay giữa lòng thủ đô, cách nhà thờ chính tòa hai trăm thước, tại khu vực du khách, những mảnh đất mà Khâm sứ Tòa Thánh cư ngụ vào thời thuộc địa pháp, từng được qui hoạch để trở thành một hộp đêm, rồi một siêu thị. Dĩ nhiên, Đảng Cộng Sản làm như thế là để thử khả năng đối kháng của Giáo Hội về vấn đề này. Và họ đã phải trả giá: hằng ngàn tín hữu, suốt bao nhiêu ngày, đã tuôn về nơi đấy, trong thái độ ngồi yên ôn hòa và thinh lặng.

Tại Việt Nam, từ ngày cách mạng đến nay, đây là điều chưa từng thấy. Ngày 19 tháng 9 vừa qua, Đảng đã lùi bước: Đảng đã ra lệnh phong tỏa khu vực với lực lượng cảnh sát trang bị súng đạn và dùi cui, cho xe ủi đất đến phá sập tường rào nơi đó, một nơi mang rất nhiều ý nghĩa biểu trưng đối với người công giáo. Hai hôm sau, mười ngàn tín hữu, cùng với toàn bộ chủng sinh đại chủng viện, tập họp tại đấy hát “Kinh Hòa Bình” của thánh Phanxicô Assisi. Và rốt cục hai bên đều không mất mặt, vì nơi ấy cuối cùng trở thành… công viên.

Đội ơn Chúa, tòa Khâm Sứ xưa sẽ không trở thành nơi buôn bán. Nhờ Đảng Cộng Sản, Nhà Nước Việt Nam cho thấy rằng họ không lùi bước trước áp lực của những người đại diện Vatican.

Giữa hai lực lượng gờm nhau suốt nửa thế kỷ, người Cộng Sản và các Giám Mục Việt Nam biết nhau rất rõ. Tại Hà Nội, họ sống chung với nhau trong tình trạng bắt buộc và căng thẳng, thường là xót xa hơn là thoải mái đối với Kitô hữu.

Sáu Triệu giáo dân

Sáu triệu giáo dân trong nước (gồm 7% trong số 85 triệu dân) rất hiệp nhất sau lưng vị Hồng Y tại TP Hồ Chí Minh, Đức Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, 26 giám mục và tổng giám mục Hà nội, Đức Cha Ngô Quang Kiệt.

Phía bên kia, người cộng sản chia thành hai phe: phe bảo thủ theo đường lối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và phe trẻ hơn, sẵn sàng thiên về phía Hoa Kỳ, để tránh cho Việt Nam rơi vào nanh vuốt của con hổ Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp và đáng căm hờn. Như lời của một nhà báo trẻ tại Hà Nội: “Mỹ là kẻ thù của chúng tôi cách đây 30 năm, Pháp thì cách đây 60 năm, còn Trung Quốc thì liên tục suốt bốn ngàn năm qua.

Xung đột hiện này giữa công giáo và cộng sản liên quan đến các thửa đất và tòa nhà do Việt Minh tịch thu vào năm 1954. Cần phải quay về quá khứ để hiểu vấn đề này. Sau Hiệp Định Genève năm 1954 và đất nước chia đôi, một triệu người miền Bắc, trong số đó có 600.000 người công giáo, di cư vào Nam, như Hiệp Định đã cho phép. Nhưng tại Hà Nội, Giáo Hội Công Giáo đã bị lột trần, các linh mục cuối cùng đều bị giam giữ hay bách hại đến độ mất trí. Giữa thập niên 1980, bước theo Trung Quốc nhưng chậm hơn 5 năm, Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu mở cửa kinh tế để đón nhận đầu tư nước ngoài, và điều này đòi hỏi phải tôn trọng vài loại tự do cá nhân. Cho đến giữa thập niên 80, các nhà thờ đều bị cộng sản đóng cửa. Thế là bấy giờ có một sự nới tay.

Hiện nay, 350.000 giáo dân thường xuyên dự lễ ở các nhà thờ tại Hà Nội, và 550.000 giáo dân khác tại Hải Phòng. Đức Cha Nguyễn Chí Linh, giám mục Thanh Hóa giải thích như sau: “Trong quá khứ, chúng tôi không được rao giảng Phúc Âm cho người lương; hiện nay chủng viện chúng tôi thì đầy ắp. Giáo hội là cộng đồng duy nhất giữa lòng dân tộc đã dám lên tiếng. Chỉ có người công giáo mới dám tỏ thái độ một cách công khai!”

Cuộc đảo lộn tương quan lực lượng giữa ý thức hệ của Đảng Cộng Sản và các tín hữu dĩ nhiên đi kèm với sự cất cánh kinh tế của nước Việt Nam, giờ đây đã trở thành ‘con rồng nhỏ’ trong khu vực. Đất nước hiện nay tràn ngập vốn tư bản từ Nhật Bản, Hàn-Quốc, Đài-Loan, Xinh-ga-po và - đây là điều mới - từ Du-bai và A-rập Xê-u-dit. Một nhà ngoại giao Châu Âu giải thích: “Hiện nay tại Việt Nam, có 40 tỉ dành cho các dự án bất động sản, mà một trong các dự án là xây dựng một thành phố Dubai mới. Việt Nam đã trở thành nhà máy rửa tiền cho những đồng vốn đáng nghi ngờ trên hành tinh”.

Tại phường Hoàn Kiếm, quanh nhà thờ chính tòa do người Pháp xây dựng, mỗi thước vuông đất có giá là 20.000 USD, nghĩa là giá cao gấp ba lần so với khu trung tâm Bangkok. Dĩ nhiên, trong một cơ chế mà chính quyền Sô Viết rất thoải mái ủng hộ loại chủ nghĩa tư bản theo kiểu Dickens, thì Giáo Hội yêu cầu trả lại những tài sản đã bị tịch thu. Có hàng ngàn bất động sản như thế trên khắp đất nước.

Tại cố đô Huế, tiểu chủng viện đã trở thành một khách sạn hạng sang của thành phố. Một nhà thờ tại Hà Nội đã biến thành kho chứa hàng. Tại Đàlạt, đỉnh nhà nguyện của Viện Đại Học được gắn một ngôi sao đỏ. Dòng kín Hà Nội lột xác thành bệnh viện. Một cơ sở của các nữ tu, tại TP Hồ Chí Minh, giờ đây là một sàn nhảy; tập viện tại Huế là một siêu thị. Mỗi rẻo đất là cả một đống vàng. Một nhà ngoại giao Anh giải thích: “Những giáo dân lớn tuổi ủng hộ Giáo Hội trong cuộc đấu tranh này, vì việc hoàn trả tài sản cho Giáo Hội sẽ tạo nên một tiền lệ, Đảng Cộng Sản buộc phải trả lại hằng hà sa số tài sản cho chủ nhân trước đây.”

Vì thế Đảng không chùn bước, tuy nhiên không phải vì thế mà Đảng đang ở thế mạnh. Vì nền kinh tế sục sôi, bắt đầu bốc mùi khét, và có nguy cơ bùng nổ. Quả thật, trên đường phố Hà Nội, những trưởng giả mới đang phô trương sự giàu có của mình, họ kênh kiệu đi những chiếc xe Porsche Cayenne; các nhản hiệu hạng sang thì đầy đẫy trong những phòng trưng bày của các khách sạn năm sao; và thành phố, dưới các máy xúc của những người hảnh tiến, mất đi vẻ đẹp xưa kia của mình. Thế nhưng trên cái vũng lầy của một đất nước được quản lý tồi tệ này, mà ngân sách công cộng rất mù mờ, mà lạm phát bùng lên đến 27% mỗi năm, thì những túp lều nghèo xơ nghèo xác mọc lên như cỏ dại hai bên bờ sông Hồng,… còn linh mục chính xứ chính tòa thì trao phép thanh tẩy cho 9000 trẻ em mỗi năm; Giáo hội thu hút rất nhiều đôi vợ chồng trẻ, bởi vì Giáo hội đã thể hiện là Giáo Hội của nhân dân.

Lương hằng tháng của một kỹ sư thì dưới 100 Euros, của một bộ trưởng là 250 Euros và, như lời của ông Hoàng, một cán bộ cao cấp, “thế thì không thể tránh được cám dỗ, bởi vì cần ít nhất là 300 Euros mỗi tháng thì mới nuôi nổi gia đình mình”. Như thế, Việt Nam đang mắc căn bệnh tâm thần phân lập, giữa thực tế là các bộ trưởng đi trên những xe hơi hạng sang và cho xây những cung điện nguy nga, và một thực tế khác là chính quyền không còn chút uy quyền tinh thần nào nữa. Những hình ảnh thường ngày ngoài đường cho thấy rõ điều đó: một anh chạy xe gắn máy bị cảnh sát thổi nhưng vẫn tiếp tục vừa chạy vừa cười, trong khi người cảnh sát rượt đuổi hụt hơi, còn đám đông thì đứng nhìn chế nhạo.

Trong cái bối cảnh hậu cộng sản vô luật lệ này, Giáo hội chia sẻ với người nghèo, quở trách kẻ có quyền: Giáo hội thể hiện mình là chốn nương tựa. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chứng kiến sự đổi mới đức tin ngoạn mục nhất: các thành phố nhỏ tại đây xây dựng những thánh đường rộng lớn. Tại Hà Nội, chỉ cần tổng giám mục đặt tượng Đức Mẹ Maria sau một chấn song là người ta ùn ùn đổ xô đến đấy.

Tiếng nói tuyệt đối tự do

Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi giáo dân gieo mầm xào xáo đến tận lòng Đảng Cộng Sản. Điều này thể hiện vào mùa thu năm nay, qua những lời tuyên truyền đả kích mạnh mẽ của Nhà Nước đối với tổng giám mục Hà Nội, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt. Ngài nói: “Việc đòi đất đã tràn lan trên khắp đất nước Việt Nam, vì luật không công nhận quyền tư hữu, và điều này mở đường cho lắm trường hợp tham nhũng.”

Ta đã thấy rõ lý do: Giáo Hội bảo về quyền lợi của người thấp cổ bé miệng; còn Đảng thì bảo vệ quyền lợi của những kẻ tham nhũng. Mọi giám mục mà tôi gặp đều nói lên tiếng nói tuyệt đối tự do đối với chính quyền, cứ như thể là chính quyền đã mất đi khả năng gây phiền toái rồi.

Dù sao đi nữa, Đảng này đang đi vào một trong những cơn co giật trước khi trút hơi thở cuối cùng, bởi lẽ người cộng sản bảo thủ ở Việt Nam hiện nay buộc phải nương tựa vào các đồng chí Trung Quốc để thắng phe cấp tiến. Thủ tướng chính phủ, người đã gặp Giáo Hoàng Bênêđitô XVI tại Rôma năm vừa qua, đã bị những kẻ ‘phản động’ ấy làm suy yếu. Thật là một kết cục đáng buồn cho một Đảng Cộng Sản từng được bao phủ vinh quang, nhưng giờ đây, để dối diện với đất nước mình, thì lại cầu vả sự che chở của Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của mình trong suốt bốn ngàn năm

Tác giả: François Hauter - Đặc phái viên báo Le Figaro tại Hà Nội.
Chuyển ngữ: Trần Duy Nhiên

Category: Công giáo khắp nơi | Views: 849 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0